Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
27/05/2010 08:05 # 1
TranVanVi
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 22

Kinh nghiệm: 28/130 (22%)
Kĩ năng: 106/220 (48%)
Ngày gia nhập: 22/04/2010
Bài gởi: 808
Được cảm ơn: 2416
Kỹ năng giao tiếp


Dear all people
Kỹ năng giao tiếp

KỸ NĂNG GIAO TIẾP
Bản thân mỗi người là một bộ phận của xã hội, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu các mối quan hệ: Gia đình, bạn bè hàng xóm, đồng nghiệp, làm ăn, ngoại giao...Vậy làm thế nào để chúng ta có thể dung hoà được tất cả các mối quan hệ đó? Đó là nhờ có kĩ năng giao tiếp đấy, bạn ạ!
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, kĩ năng giao tiếp có thể ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ của bạn. Biết cách đưa ra các thông tin rõ ràng mà người khác hiểu được có thể giúp cải thiện mối quan hệ của bạn và làm giảm bớt các vấn đề mà bạn có thể phải đối mặt. Vậy làm thế nào để bạn có được các kĩ năng đó và bạn sẽ vận dụng các kĩ năng đó vào thực tế cuộc sống của bạn như thế nào? Mời bạn hãy đọc một số các thông tin sau đây:
Giao tiếp là gì?
Một số cách giao tiếp cơ bản
Một số điều chú ý khi giao tiếp
Làm gì khi giao tiếp có những bất đồng về quan điểm?
Cách giao tiếp trong vấn đề tình dục và cách thương lượng với bạn tình?


Giao tiếp là gì?
Giao tiếp là sự chia sẻ ý nghĩ, tình cảm thông tin với một hoặc nhiều người. Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng lời nói để biểu đạt ý nghĩ của mình và để trao đổi thông tin với người khác. Nhưng giao tiếp không chỉ đơn giản là nói chuyện với ai đó mà trong đó còn bao hàm rất nhiều các vấn đề khác như: Bạn nói như thế nào? Bạn hiểu đối tượng giao tiếp với mình như thế nào? Làm thế nào để hai bên có thể hiểu rõ về các thông tin cùng trao đổi? Bạn làm thế nào để lần giao tiếp đó đạt được kết quả như bạn mong đợi...?
Về đầu trang
 
Một số cách giao tiếp cơ bản
Giao tiếp bằng ngôn ngữ: Ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt ý nghĩ của mỗi người. Khi bạn muốn nói chuyện hoặc trao đổi thông tin với một ai đó thì bạn phải sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những thông điệp mà bạn muốn bày tỏ. Ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp mà chúng ta luôn sử dụng nó hàng ngày. Nhưng để việc giao tiếp có hiệu quả hơn và truyền tải được những thông tin mà bạn muốn nói một cách rõ ràng và chiếm được cảm tình của người khác là điều mà ai cũng cần học hỏi.
Trong giao tiếp sử dụng ngôn ngữ, bạn cần chú ý:
  • Âm điệu của lời nói: Vừa phải, dễ nghe, không cao giọng quá, nói to quá hoặc nói nhỏ quá...
  • Khi nói chuyện nên tập trung vào chủ đề đang thảo luận, tránh để tư tưởng bị phân tán dẫn đến không hiểu nội dung câu chuyện.
  • Khi đối tượng giao tiếp đang nói thì ta nên lắng nghe, tuyệt đối tránh ngắt lời hoặc cướp lời của người nói khi họ chưa nói hết ý của họ.
  • Trong khi giao tiếp nên tránh "thao thao bất tuyệt" mà không chú ý đến thái độ của đối tượng giao tiếp. Hoặc đưa ra nhiều câu hỏi cùng một lúc khiến người khác không kịp trả lời.
  • Khi nói về một chủ đề nào đó, nếu ta không được rõ thì lúc này nên lắng nghe chứ không nên "nói bừa", nghĩa là phải đảm bảo sự thành thật và chính xác trong lời nói của mình.
  • Không nên bảo thủ chỉ coi trọng ý kiến của mình mà không tôn trọng ý kiến của người khác.
Giao tiếp không dùng ngôn ngữ (giao tiếp không lời): Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể, thể hiện nét mặt, ánh mắt diễn tả ý nghĩa những gì chúng ta định nói. Kĩ năng này rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho việc giao tiếp của bạn đạt hiệu quả hơn. Hãy cố gắng kết hợp việc giao tiếp không dùng ngôn ngữ với những gì bạn đang nói để thông điệp của bạn mang ý nghĩa điều bạn muốn nói.
Những biểu hiện có tác dụng tích cực trong giao tiếp không dùng ngôn ngữ mà bạn nên học tập và sử dụng:
  • Khi nói chuyện hoặc trao đổi một vấn đề nào đó thì bạn phải quay mặt về hướng của đối tượng giao tiếp, ở tư thế ngang tầm có thể cùng đứng hoặc cùng ngồi, tránh ở tư thế cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với đối tượng của mình.
  • Nét mặt luôn thể hiện sự niềm nở, biểu hiện sự quan tâm tới lời nói của đối tượng, tuỳ theo nội dung câu chuyện mà thể hiện sự lo lắng, đồng cảm hoặc vui vẻ...
  • Trong khi giao tiếp bạn nên nhìn vào mắt duy trì ánh mắt với đối tượng giao tiếp.
  • Có những biểu hiện tán đồng hoặc thể hiện sự lắng nghe như: gật đầu...
Bạn nên hạn chế những hành động sau vì những hành động này không có tác dụng tích cực tới cuộc nói chuyện của bạn:
  • Không nhìn vào đối tượng giao tiếp.
  • Nét mặt cau có, chau mày...
  • Mắt nhìn đi nơi khác trong khi đối tượng đang nói.
  • Có những hành động thể hiện không quan tâm tới lời nói của đối tượng như: đọc sách, báo, tài liệu, luôn liếc mắt nhìn đồng hồ hoặc làm một việc riêng nào đó...
  • Nét mặt thể hiện sự bồn chồn, nóng lòng có vẻ như đang vội vàng đi đâu đó không chú ý tới đối tượng mình đang nói gì...
Để việc giao tiếp của bạn đạt hiệu quả, để đối tượng giao tiếp của bạn cảm thấy được tôn trọng, để bạn và đối tượng hiểu rõ hơn về các thông tin cùng trao đổi thì bạn cần chú ý lắng nghe và có sự phản hồi.
Lắng nghe: Lắng nghe là khả năng đón nhận và hiểu những thông điệp mà đối tượng muốn nói. Hãy tỏ ra là bạn đang chú ý tới người nói bằng cách gật đầu hay phản ứng đáp lại bằng những câu ngắn gọn thể hiện sự chăm chú của bạn như: ừ, à, thế à, vậy ư... Đừng ngắt lời người nói khi bạn đang nghe! Hãy lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu chủ đề, không nên chỉ trích phê phán.
Phản hồi: Có nghĩa là sử dụng những từ ngữ của mình để nhắc lại nội dụng câu chuyện mà đối tượng đang nói bằng những câu tóm tắt ngắn gọn. Mục đích là: Để mình hiểu rõ và chính xác về những thông tin mà đối tượng đưa ra, tránh hiểu nhầm như kiểu "ông nói gà, bà nói vịt".
Đôi khi chúng ta nghĩ là chúng ta hiểu được người nói nhưng thường là chúng ta lại không hiểu! Trong trường hợp đó, hãy sử dụng kĩ năng này để giúp ta hiểu hơn về những thông điệp mà người nói đang đề cập.
Về đầu trang
 
Một số điều chú ý khi giao tiếp
Để kết quả của việc giao tiếp như mong đợi thì chúng ta phải có các kĩ năng giao tiếp. Bên cạnh việc sử dụng các kĩ năng trong giao tiếp thì chúng ta cần phải chú ý đến một số điểm sau:
  • Tuỳ từng đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp mà bạn có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp.
  • Khi giao tiếp, điều không thể thiếu được đó là sự tự tin, tự tin về bản thân và tự tin về lời nói của mình. Đừng nên tỏ ra quá rụt dè, thiếu tự tin...Điều đó không có lợi cho việc giao tiếp của bạn.
  • Nếu có cuộc gặp mặt hay một cuộc hẹn trước với một ai đó thì bạn nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, sẵn sàng và có thể chuẩn bị trước chủ đề mà bạn sẽ trao đổi. Như vậy sẽ mang đến cho bạn sự tự tin, chủ động trong lần giao tiếp đó.
  • Một yếu tố tuy nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn đến hiệu quả giao tiếp của bạn - đó là trang phục. Bạn nên chú ý đến cách ăn mặc của mình, không nên ăn mặc quá kệch cỡm, hở hang hay quá luộm thuộm - bởi dù bạn có nói hay đến đâu thì qua vẻ không lịch sự của bạn cũng đã khiến người khác mất cảm tình ngay từ giây phút đầu tiên.
Về đầu trang
 
Làm gì khi giao tiếp có những bất đồng về quan điểm?
Không phải lúc nào bạn và đối tượng giao tiếp cũng có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Mỗi người một suy nghĩ, trước một vấn đề mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Vậy trong những lúc như vậy bạn sẽ làm gì?
Không nên có phản ứng. Bạn không nên có phản ứng gay gắt ngay từ đầu. Mà nên dành thời gian để suy nghĩ về điều đã nói và hiểu cảm giác của người nói trước khi bạn đáp lại. Hãy đợi đến khi bạn có đủ thông tin để tránh đưa ra những giả thuyết sai.
Không nên chỉ chích hay phê phán: Quan điểm của mỗi người còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: nhận thức, trình độ hiểu biết, tính cách....của mỗi người. Vì vậy, chẳng có gì phải căng thẳng nếu ai đó không đồng quan điểm với mình. Nếu quan điểm của mình là tích cực thì cũng không nên chỉ chích hay phê phán, xem thường, chế nhạo suy nghĩ, quan điểm của người khác. Hãy trao đổi dần dần sẽ có lúc bạn và người đó sẽ hiểu nhau hơn.
Không nên chung chung. Không nên nói một cách chung chung mà nên nói cụ thể, tập trung vào chủ đề đang thảo luận. Không chuyển chủ đề cho tới khi giải quyết xong.
Sử dụng các câu bắt đầu bằng đại từ “tôi”. Những câu bắt đầu bằng đại từ “tôi” có thể giúp bạn diễn tả được cảm giác, thái độ, mong muốn của bạn. Sử dụng các thông điệp “tôi” sẽ giúp bạn tránh người khác có cảm giác bạn đang tấn công họ. Ví dụ, nói “Tôi cảm thấy không được hài lòng…” sẽ có tác dụng tích cực hơn là nói: “Bạn làm tôi không được hài lòng…” Hoặc "Tôi nghĩ rằng, nên làm theo cách này sẽ có hiệu quả hơn..." sẽ có tác dụng tích cực hơn là nói "Bạn hãy làm theo phương án này..." Với cách sử dụng câu tôi cho phép bạn thể hiện cảm giác của mình mà không có sự chỉ trích trực tiếp vào người khác.
Về đầu trang
 
Cách giao tiếp trong vấn đề tình dục và cách thương lượng với bạn tình?
Về tình dục
  • Khi thảo luận về việc không sinh hoạt tình dục và tình dục an toàn. Bản thân bạn có quyền quyết định bạn muốn sinh hoạt tình dục hay không. Nếu bạn quyết định bạn không muốn sinh hoạt tình dục thì hãy nói điều này với người bạn của bạn. Nếu người ấy không tôn trọng quyết định của bạn thì có nghĩa là anh ta/cô ta không tôn trọng bạn.
Nếu bạn quyết định muốn có quan hệ tình dục thì hãy chuẩn bị thời gian để nói chuyện về những gì bạn muốn trước khi bạn tiến xa hơn. Hãy thảo luận với bạn của bạn về các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su để tránh cho các bạn không có thai và không bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.
  • Cần rõ ràng. Nếu bạn chưa rõ về những mong muốn của bạn trai/bạn gái của bạn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tình dục thì bạn nên trao đổi thẳng thắn, rõ ràng với bạn ấy để biết rõ hơn.
Nếu bạn cảm thấy chưa chắc chắn là đã sẵn sàng cho "chuyện ấy" thì hãy dứt khoát có câu trả lời là KHÔNG DỪNG LẠI. Hãy chờ đợi cho tới khi bạn đã thực sự sẵn sàng cho "chuyện ấy", tốt nhất là sau khi đã kết hôn.
  • Nếu bạn nhận được lời đề nghị có quan hệ tình dục thì nên có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho việc có quan hệ tình dục thì đừng nên im lặng trước lời đề nghị đó. Bởi nếu bạn im lặng có thể sẽ khiến bạn của bạn hiểu "im lặng là đồng ý", như vậy vô tình bạn đã tự đẩy mình vào tình thế "khó xử". Nói không với quan hệ tình dục trước hôn nhân và quan hệ tình dục không an toàn luôn là một quyết định sáng suốt.
Thương lượng với người bạn của mình
Bạn hãy thử đặt mình vào tình huống sau và suy nghĩ về cách thương lượng với người bạn của mình.
Tuấn 19 tuổi, Lan 18 tuổi. Tuấn và lan yêu nhau đã được một năm. Trong một lần đi chơi chỉ có hai người, Tuấn đã đề nghị quan hệ tình dục với Lan. Lan không muốn hai người có "chuyện đó" khi chưa phải là vợ chồng. Mặc dù Lan đã từ chối nhưng Tuấn vẫn cố nài nỉ, để được quan hệ tình dục với cô. Tuấn còn đưa ra lý do các lý do để thuyết phục Lan, như: Vì anh rất yêu em. Đằng nào chúng ta cũng cưới nhau. Em hãy chứng minh tình yêu của em dành cho anh đi....Nếu bạn là Lan, bạn sẽ nói với Tuấn như thế nào để từ chối hoặc trì hoãn việc quan hệ tình dục?
Để câu trả lời của bạn có tính thuyết phục và thay đổi được tình thế theo mong muốn của mình, bạn có thể làm theo các bước sau:
1. Trước tiên, bạn cần nói rõ, ý kiến quan điểm của bạn với Tuấn là: Không quan hệ tình dục trước hôn nhân.
2. Nếu Tuấn vẫn cố gắng nài nỉ để có quan hệ tình dục thì bạn hãy khẳng định lại là: Bạn không muốn làm chuyện đó khi hai người chưa phải là vợ chồng và hãy đưa ra các lý do để thuyết phục bạn trai.
Các lý do mà bạn có thể nói với bạn ấy là:
  • Bây giờ em chưa thực sự sẵn sàng cho chuyện ấy!.
  • Em chỉ làm chuyện đó khi chúng ta đã kết hôn!.
  • Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và em không muốn điều đó xảy ra!.
3. Nếu Tuấn vẫn đưa ra các lý do để thuyết phục, bạn có thể nói: "Em biết, anh rất yêu em nhưng chúng ta nên chờ đợi cho tới khi chúng ta trở thành vợ chồng..." Hoặc có thể trì hoãn: "Bây giờ em muốn trao đổi với anh quan điểm của em về vấn đề này"....
4. Nếu Tuấn vẫn đang trong tình trạng bị kích thích mạnh bởi ham muốn tình dục, hãy tìm cách để phân tán tư tưởng bằng cách hướng bạn ấy sang một chủ đề khác hoặc thay đổi không gian. Bạn có thể nói với bạn ấy:
  • Hôm nay chúng ta đi chơi rất vui, nhưng bây giờ đã đến lúc phải đi về, chắc mọi người ở nhà đang đợi!.
  • Anh ơi! Em muốn đến nơi khác. Ở đây vắng vẻ quá, em rất sợ!
  • Bây giờ em rất muốn ăn một thứ gì đó, chúng ta thử đi kiếm xem có gì ăn được không?
Trong từng hoàn cảnh không chỉ trong vấn đề về tình dục mà trong tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, chúng ta đều cần phải có những thương lượng. Biết cách giao tiếp tốt, biết cách thương lượng sẽ giúp bạn giảm được những nguy cơ, hậu quả, đe doạ tới sức khoẻ, tính mạng, tương lai của bạn, giúp bạn đương đầu tốt hơn với hoàn cảnh của mình. Qua đó còn thể hiện được tính cách kiên định của bạn và làm cho đối tượng giao tiếp hiểu bạn hơn.
Một khía cạnh quan trọng của giao tiếp tốt trong quan hệ là khả năng thương lượng với bạn của mình. Nếu bạn suy nghĩ đến việc có quan hệ tình dục, trước tiên bạn phải nghĩ đến sức khoẻ tình dục của bản thân bạn đã và hiểu được hàng loạt hậu quả tiềm tàng của hành động quan hệ tình dục. Trước khi bạn tiến xa hơn, hãy đảm bảo là bạn đã cân nhắc xem hết mọi vấn đề và thảo luận với người bạn kia. Đây là ba trường hợp tình dục phức tạp và một số giải pháp để giải quyết:
Trường hợp #1: Hùng tính đến chuyện quan hệ tình dục nhưng anh ta thấy không thoải mái khi nói chuyện về việc đó với vợ chưa cưới.
Lời khuyên của chúng tôi là: Hãy mạnh dạn trao đổi thẳng thắn với cô ấy về vấn đề bạn đang quan tâm! Nếu bạn không trao đổi với vợ chưa cưới của bạn về tình dục thì làm sao bạn có thể cảm thấy thoải mái khi làm chuyện ấy được?
Có thể bạn cảm thấy nói về tình dục rất ngượng ngùng và "mặc kệ" để việc đó sẽ xảy ra "tới đâu hay tới đó".
Đừng nên như vậy! Nói về tình dục thực sự giúp bạn hiểu và tin tưởng lẫn nhau vì nó thể hiện các bạn tôn trọng ý kiến của nhau. Nhưng điều rất quan trọng là thảo luận về tình dục trước có thể giúp bạn có quyết định tốt hơn. Hơn nữa, nếu bạn quyết định bắt đầu có quan hệ tình dục bạn phải lập kế hoạch trước để bảo vệ các bạn không có thai ngoài ý muốn và không bị các lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Nhớ là: luôn thống nhất dùng bao cao su để bảo vệ cả hai trước khi mọi việc đi quá xa!
Trường hợp #2: Bạn của bạn không muốn dùng bao cao su.
Lời khuyên của chúng tôi là: Một số người có rất nhiều lý do về việc tránh dùng bao cao su khi có quan hệ tình dục. Chuẩn bị trước cho bản thân bạn với việc thảo luận có sử dụng bao cao su là rất tốt.
Ví dụ, nếu cô ấy nói: “Thế thì chẳng còn lãng mạn gì nữa”, bạn có thể nói:" Không những không lãng mạn mà còn tồi tệ hơn nếu chúng ta không sử dụng bao cao su vì chúng ta có thể bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Nếu anh ta nói: “Với bao cao su anh không thấy có cảm giác thích” hãy nói với anh ta là: “ Thậm chí anh còn không có cảm giác hơn nếu anh không dùng bao cao su vì chúng ta sẽ không quan hệ tình dục!”
Nếu cô ấy nói: “Nhưng em không có bệnh, hãy nhìn xem em khoẻ mạnh thế nào”, hãy nói với cô ấy: “Anh chỉ muốn đảm bảo cả hai chúng ta cùng giữ được khoẻ mạnh thôi mà”.
Nhớ là: “không có bao cao su, không quan hệ tình dục!”
Trường hợp #3: Thu đã có quan hệ tình dục, nhưng giờ đây cô ấy nhận ra rằng có quan hệ tình dục với cô ấy là quá sớm và cô ấy không muốn chuyện ấy lặp lại nữa.
Lời khuyên của chúng tôi là: Muộn còn hơn không! Chỉ vì bạn đã quan hệ tình dục một hoặc hai lần không có nghĩa là bạn phải lặp đi lặp lại việc ấy. Nói “không” với việc ôm, hôn, hoặc quan hệ tình dục bất cứ lúc nào là bình thường không kể đến những gì bạn đã làm trước đây.
Cốt lõi vấn đề ở đây là bạn phải cứng rắn, rõ ràng về cảm giác của bạn và những gì bạn muốn cho tương lai. Nếu người bạn của bạn cố ép bạn, hãy cứng rắn lên và nhắc lại: Em không muốn tiếp tục chuyện ấy với anh. Bất cứ người nào yêu bạn yêu thực sự thì họ sẽ tôn trọng mong muốn của bạn! Nhớ là: Việc chọn không quan hệ tình dục không bao giờ là quá muộn!
 
Nguồn: Maxreading.com


Một Ngày Mai tốt lành

Fone number: 0905936799 - 0905746789
YMmail:
tranvvi@yahoo.com.vn

 
Các thành viên đã Thank TranVanVi vì Bài viết có ích:
27/05/2010 09:05 # 2
no name
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 10

Kinh nghiệm: 33/80 (41%)
Kĩ năng: 15/100 (15%)
Ngày gia nhập: 26/03/2010
Bài gởi: 313
Được cảm ơn: 465
Phản hồi: Kỹ năng giao tiếp


Để giao tiếp - Ứng xử thành công

 

Để giao tiếp - Ứng xử thành côngTrong cuộc sống, trong giao tiếp hàng ngày con người luôn phải ứng phó với biết bao tình huống, có lúc dễ dàng xử lý, có lúc thật phức tạp, khó xử. Xã hội càng văn minh thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao. Ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị, kịp thời, có hiệu quả, đạt tới mức độ nghệ thuật, ngày nay còn được coi như bí quyết thành công trong cuộc sống, trong công việc .

Để giao tiếp, ứng xử thành công hơn bạn nên chú ý những nguyên tắc sau:

I. Nguyên tắc ứng xử:

1. Hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu:

Không có ai là người hoàn toàn xấu cả. Khi đánh giá con người cụ thể chúng ta thường bị những cách nhìn tĩnh tại, xơ cứng, bị định kiến che lấp, ít khi tách ra được dù chỉ là tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm của họ và lại càng không xác định được giới hạn, hoàn cảnh, diễn biến có thể có của những ưu điểm và nhược điểm đó. Con người cũng dễ bị chi phối bởi qui luật cảm xúc "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Kết quả là dễ mắc sai lầm trong giao tiếp. Do vậy nguyên tắc đầu tiên trong nghệ thuật ứng xử là hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu.

Ở nguyên tắc này, mỗi người có thể tự tìm cho mình một cách ứng xử thành công, ta tạm chia thành các bước sau:

  • Bước 1: Hãy thừa nhận (chấp nhận).
  • Bước 2: Biết lắng nghe ý kiến, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của người. Thấy cái mạnh, lợi thế của ta (cái ta có mà người không có).
  • Bước 3: Tạo ra sự đồng cảm, gây niềm tin (hiểu biết lẫn nhau, gây sự tin tưởng).
  • Bước 4: Tìm điểm chung, mỗi bên đều thấy được cái lợi, cái vui và cách cộng tác, tương lai của sự cộng tác đó.
  • Bước 5: Tạo dư luận ủng hộ, xây dựng mối quan hệ thân tình.

2. Lường mọi điều, tính đến mọi khả năng với nhiều phương án:

Nếu trong mỗi con người đều có những giá trị dương (+) (những đức tín tốt, những mặt mạnh, những ưu điểm...) và có cả những giá trị âm (-) (những tính xấu, những mặt yếu, những khuyết điểm...) thì với người này có thể tới 90 (+), có 10 (-) hoặc ở người khác có thể đạt 99 (+) chỉ có 1 (-). Vấn đề là ở chỗ cần phải biết nhìn ra "dấu cộng" trong cả khối "dấu trừ" và phát hiện kịp thời "dấu trừ" trong "vô khối dấu cộng" để có thể dự đoán được tác động có hại của mặt trái "dấu trừ" mà khởi thủy của nó chỉ là một chấm nhỏ rất mờ nhạt trong cả khối "dấu cộng".

Điều quan trọng hơn trong phép ứng xử là tìm ra những chất xúc tác để kích thích phản ứng đổi dấu tích cực xảy ra theo hướng 1 (+) trở thành n (+) và n (-) giảm xuống còn 1 (-).

3. Nắm bắt nghệ thuật theo nhu cầu:

Điều khó nhất trong giao tiếp ứng xử là đối tượng thờ ơ, không có nhu cầu. Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi đối tượng không muốn nói chuyện, không muốn nghe bạn can ngăn, không muốn hợp tác với bạn v.v...?

- Hãy gợi trí tò mò hoặc cho họ thấy cái lợi, cái vui mà bạn đang có, còn người ấy đang thiếu, đang cần.

- Chỉ cho họ bằng cách nào đó, thấy tia hy vọng vào kết quả, gây thiện cảm, tạo sự tin tưởng.

- Giao trách nhiệm một cách công khai, tạo ra tình huống chỉ có tiến chứ không có lùi, ràng buộc bằng những sợi dây vô hình về quan hệ nào đó đã được hình thành.

- Gây niềm say mê, tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, công việc đang tiến hành.

- Củng cố niềm tin, thuyết phục về một kết cục tốt đẹp.

- Phải tạo ra sự an toàn, biết cách chống đỡ dư luận, tạo dư luận mới ủng hộ.

- Tính đến nhiều phương án, chọn phương án hợp với mình nhất, có thể tạo ra những vấp ngã nhỏ để luyện tập bản lĩnh, chủ động đề phòng tính tự kiêu.

Trong những trường hợp cụ thể đòi hỏi mọi người phải biết ứng biến và điều quan trọng hơn là hãy tìm cho được sơ đồ đi tới thành công riêng của mình.

II. Một số cách ứng xử:

1. Thủ thuật "ném đá thăm đường":

Có bạn trai tâm sự: Đến dự đám cưới một người bạn, tôi đã gặp một người con gái mà tôi thầm mơ ước, tôi rất muốn làm quen với người con gái ấy nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào?

Có lẽ trước tiên nên bắt đầu vào đề từ cùng một hứng thú. Chẳng hạn có thể từ một bức tranh, một bản nhạc, một ca khúc mới được mọi người yêu thích, hay một bộ phim mới, một quyển sách mới, một mốt quần áo mới... những cái đối phương biết rõ và có phản ứng tích cực. Hoặc có thể từ một điểm chung nào đó về học tập, việc làm... Bắt đầu từ những câu chuyện không quan trọng lắm để làm mất đi sự căng thẳng và ngăn cách giữa hai người và qua đó bạn có thể hiểu thêm về người bạn mà ta muốn gần gũi (những sở thích, thói quen, cá tính...) có một sơ đồ giao tiếp sau đây:

a. Giai đoạn trước khi giao tiếp:

- Xác định mục đích, làm quen đối tượng và gây ấn tượng tốt

- Đánh giá đối tượng, hoàn cảnh:

  • Sở thích,thói quen, cá tính.
  • Thời gian, không gian cuộc gặp.
  • Có hay không có người giới thiệu.

- Lựa chọn phương án ứng xử:

  • Tìm cớ làm quen cho hợp lý, tế nhị.
  • Ngôn ngữ, cử chỉ dễ cảm mến.
  • Văn phong gần gũi, không quá trịnh trọng nhưng cũng không suồng sã.
  • Tính trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để ứng xử nhanh.

b. Giai đoạn giao tiếp:

Nên:

  • Phá bầu không khí xa lạ bằng việc hỏi han hoặc những câu nói đùa.
  • Tìm chủ đề chung, ít chạm đến quan điểm cá nhân.
  • Nói ít về mình. Chú ý quan sát cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của đối phương.
  • Giới hạn cuộc giao tiếp trong phạm vi vừa đủ, dừng đúng lúc.
  • Nêu ra những câu hỏi thăm dò, chủ động gợi chuyện.
  • Tự tin.

Không nên:

  • Vội vã đi vào vấn đề chính.
  • Đặt những câu hỏi liên quan nhiều đến cá nhân.
  • Nói nhiều về mình, dốc bầu tâm sự, nói thẳng về mình khi đối phương đặt những câu hỏi thăm dò.
  • Chuyện lan man, kéo dài cuộc giao tiếp.
  • Khích bác hoặc công kích nói xấu một ai đó.
  • Rụt rè, lảng tránh, ấp úng.

2. Tình huống cần đối đáp mềm mỏng, ý nghĩa sâu xa:

Dân gian có câu:

"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Đối với nhiều ý kiến phê bình, phản đối của đối phương, không nên đáp lại bằng những lời nói hằn học, nặng nề mà nhiều khi nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.

3. Tình huống phải chuyển bại thành thắng:
Trong cuộc sống đời thườnng nhiều khi ta bị đẩy vào tình huống bất lợi, có nguy cơ thất bại, lúc đó đòi hỏi phải bình tĩnh, suy nghĩ ngay đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra (chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận). Tìm xem có cách gì để hạn chế mức thấp nhất những tác hại (ví dụ: điều gì đã đẩy ta vào tình thế bất lợi, có cách nào tạo được kế hoãn binh có vẻ ít liên quan, nhưng nếu được "địch thủ" sẵn sàng chấp nhận thì chính điều có vẻ không liên quan đó có thể thay đổi tình thế...).

4. Tình huống dùng hài hước:

"Khi bạn nổi cáu ta hãy đùa lại một câu" (Laphôngten).

Hài hước là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngôn ngữ giao tiếp. Đó là "chiếc van an toàn" cho mọi cuộc xung đột, là chìa khóa để mở "cánh cửa lòng". Lời đối đáp khôn ngoan, thông minh, dùng ngôn ngữ hài hước để phê phán thường mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Bởi thế khi kể một câu chuyện cười hoặc một lời đối đáp có nội dung, cách nói hài hước thường làm cho không khí vui nhộn, điều tiết được tình cảm, nhắc khéo người khác mà không làm họ bực mình. Tất nhiên cũng không nên lạm dụng nó.
Quy luật phổ biến của truyện hài hước là mở đầu dẫn dắt và hình thành làm cho người ta nghi vấn. Người kể nên có ngữ điệu bình thường, sau đó tăng thêm tình tiết nghi hoặc và giải quyết bất ngờ.

5. Tình huống phải đi thẳng vào vấn đề khi cần thiết:

Trong cuộc sống có trường hợp không thể quanh co, bóng gió, tế nhị mà phải bày tỏ quan điểm, thái độ của mình một cách thẳng thắn, kiên quyết. Lúc đó phải diễn đạt vào thẳng nội dung chính của vấn đề để biểu hiện ý chí và lòng tin ở bản thân. Đối với những vấn đề then chốt không nên tỏ ra quá cân nhắc, đắn đo làm cho người nghe cảm thấy thiếu tin tưởng, do dự. Tất nhiên để nói bằng cách này cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ càng.

6. Tình huống nói ẩn ý bằng ngụ ngôn:

Trong giao tiếp khi cảm thấy khó thuyết phục người khác bằng lý lẽ trực tiếp hoặc cảm thấy dễ bị phản ứng, không tiện nói thẳng ra, thì người ta thường dùng phương pháp ẩn ý bằng ngụ ngôn. Tức là chọn những câu chuyện ngụ ngôn có nội dung ẩn ý bên trong phù hợp với mục đích khuyên răn, thuyết phục của mình để kể cho đối phương nghe.

Cái lợi của phương pháp này là người nghe phải suy nghĩ mới hiểu hết cái ẩn ý bên trong đó. Bản thân câu chuyện sẽ đưa ra những lời khuyên sâu sắc chứ không phải người kể chuyện, do đó không có lý do để nổi khùng, tự ái hoặc mặc cảm.
Tuy nhiên để dùng phương pháp này có hiệu quả, người dùng phương pháp này phải am hiểu câu chuyện phù hợp với trình độ người nghe, nếu người nghe không hiểu gì cả, sẽ không có tác dụng.

7. Tình huống phản bác khéo những yêu cầu vô lý ở người khác:

Cũng có lúc bạn gặp những người khăng khăng đưa ra cho bạn những đòi hỏi vô lý không thể thực hiện được. Trước những tình huống đó nhiều khi ta không thể bác bỏ thẳng thừng vì chạm lòng tự ái hoặc người không thỏa mãn với ta rồi tiếp tục quấy rối nữa và cách đó cũng chưa làm cho người tự nhận thấy được những đòi hỏi của họ là vô lý.

Vậy ta sẽ xử lý thế nào trong trường hợp đó? Tốt nhất là hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động. Chú ý ngôn ngữ không nên gay gắt nhưng tỏ ra cương quyết.

8. Tình huống thừa nhận trước để chuyển hướng sau:

Nếu khi bạn không đồng ý với ý kiến của đối phương mà người đó lại là cấp trên, người lớn tuổi, cha mẹ... thì bạn sẽ xử sự như thế nào? Việc thuyết phục để đối phương nghe theo mình, có nghĩa là chấp nhận ý kiến của mình cũng đòi hỏi phải có một nghệ thuật nhất định.

Bạn chớ phản đối và phê phán các ý kiến của đối phương. Bạn hãy tiếp thu ý kiến của họ, biểu thị thái độ đồng cảm ở mức độ nào đó để có thể làm giảm được sự cứng nhắc của đối phương, khiến họ bằng lòng nghe ý kiến của bạn. Song phải nắm vững nguyên tắc không được tỏ thái độ của mình ngang bằng với đối phương để tiếp sau đó dùng lời mà chuyển hướng, thay đổi cách nhìn nhận của đối phương, làm họ bằng lòng tiếp thu ý kiến của bạn.

9. Tình huống cần bạn đồng minh:

Khi tranh luận trước nhiều người cần thể hiện quan điểm, bạn nên chú ý đầy đủ đến thái độ của những người xung quanh, cần động viên được nhiều người nghe và ủng hộ quan điểm của mình. Nếu người nghe ủng hộ ta, đồng tình với quan điểm của ta đang trình bày, sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn, một sức ép tinh thần làm đối phương không phản kích lại được.

Chẳng hạn khi đang xếp hàng có người chen ngang, bạn lợi dụng thái độ của số đông mọi người xung quanh để gạt người đó ra khỏi hàng là hợp lý nhất.

10. Tình huống không nhượng bộ khi mình có lý trong tranh luận:

Trong quan hệ giữa người với người, tranh luận là một điều hết sức bình thường và không thể tránh được. Không có tranh luận, điều phải trái không được phân định. Không thể coi tranh luận là một thói xấu mà hạn chế nó.

Song tranh luận có thể dẫn đến sự không thoải mái hoặc đôi khi xung đột. Tranh luận có phương pháp sẽ đem lại kết quả tốt là điều chúng ta cần chú ý học hỏi.

Một là, khi tranh luận nên có thái độ thật công bằng, đừng làm tổn thương đến lòng tự ái của người kia. Sự phê phán, bình phẩm người khác không thể quá một giới hạn nhất định, nếu không có thể làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có.

Hai là, giọng nói phải mền mỏng, thật lòng. Trong tranh luận phải tỏ ra tôn trọng nhau, làm sao cho người cùng tranh luận tin rằng tranh luận thật là có ích. Trong tranh luận nhiều khi người thắng không hẳn đã là nhiều lý lẽ biết hùng biện, mà có thể là người có thái độ đúng mực và chân thực nhất.

Ba là, tranh luận phải có mục đích rõ ràng. Tranh luận nên xoay quanh những điều cần giải quyết.

11. Tình huống cần thuyết phục bằng hành động:

"Mọi lý thuyết đều màu xám
Còn cây đời mãi mãi xanh tươi"
(Gơt)

Trong giao tiếp, khi cảm thấy khó thuyết phục người khác nghe ý kiến của mình bằng lời nói, bạn có thể dùng hành động để thuyết phục. Thuyết phục bằng hành động thường hiệu quả lớn nhất. Thông qua việc làm, hành động cụ thể, ta có thể làm cho đối phương thay đổi cách nghĩ, tình cảm, thái độ, chấp nhận ý kiến của ta.

Bạn là một cán bộ phong trào thanh niên. Bạn muốn tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao thanh niên nhưng các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa tin tưởng vào khả năng của bạn, chưa tạo điều kiện mọi mặt để bạn làm việc. Bạn đừng nản chí và cũng đừng dùng lời nói để thuyết phục. Hãy cố gắng tạo ra một vài việc làm cụ thể có hiệu quả. Từ sự thành công đã đạt được, tận dụng thời điểm gây hưng phấn cao rồi đưa ra những kiến giải hợp lý với các cấp lãnh đạo.

Như vậy, mục đích và kết quả hoạt động đạt được và mối quan hệ ảnh hưởng của bạn phát triển tốt hơn.
Khi vận dụng phương pháp này bạn cần lưu ý:

  • Mục đích hoạt động phải rõ ràng, không vụ lợi.
  • Có kế hoạch hành động chi tiết, tính đến các điều kiện cần và đủ đảm bảo cho sự thành công, bước đầu tiên tránh thất bại.
  • Tạo dư luận ủng hộ để gây sức ép hoặc quy tụ sức mạnh.
  • Làm thử để chứng minh, rút kinh nghiệm.
  • Tạo quan hệ gần gũi tin cẩn.

Nếu ở vào tình huống các bậc "hụ huynh" của người yêu bạn còn chưa tin tưởng và chấp nhận cho bạn yêu con của họ, thì bạn cũng có thể dùng phương pháp này để đạt mục đích.

III. Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử:

1. Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.

2. Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột, khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn. Không nên đưa những trọng tâm, những khái quát làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.

3. Nói sai đề tài, không quan tâm đến điều mình nói.

4. Nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nêu các câu hỏi làm người tiếp chuyện có cảm giác mình yêu cầu hơi nhiều quá.

5. Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co, dài dòng, gây nên cảm giác không trung thực cho người hỏi.

6. Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả.

7. Làm ra vẻ hiểu biết sâu rộng.

8. Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm cho người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.9. Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.

10. Thì thầm với một vài người trong đám đông.

11. Dùng ngôn ngữ quá bóng bảy.

12. Chêm những câu tiếng nước ngoài trong câu nói của mình một cách tùy tiện.

13. Đột ngột cao giọng.

14. Dùng những lời quá suồng sã với mức độ quan hệ.

15. Dùng những từ đệm không cần thiết.

16. Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.


//// Vui lòng để lại nguồn bạn nhé.



                                              

 
Các thành viên đã Thank no name vì Bài viết có ích:
29/05/2010 22:05 # 3
Xuka-cute
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 6/10 (60%)
Kĩ năng: 9/10 (90%)
Ngày gia nhập: 27/05/2010
Bài gởi: 6
Được cảm ơn: 9
Phản hồi: Kỹ năng giao tiếp


Mình rất thích đọc những bài như thế này, thật là có ích ;))


Hát hay,học giỏi, chơi Violon cực đỉnh - em Là Xuka - Yeah :))

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024