TẠI SAO NƯỚC ĐỨC THUA TRONG CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ 2
Trong lịch sử nhân loại, chiến dịch xâm lược Liên Xô - Barbarossa có lẽ là chiến dịch quân sự khét tiếng với quy mô, số lượng thương vong lớn nhất và ám ảnh nhất.
Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng các nước ở Tây Âu, Quốc Trưởng nước Đức-Adolf Hitler ra quyết định xé Hiệp ước Xô-Đức được kí kết sau khi đã cùng Liên Xô đóng chiếm Ba Lan, mở các mặt trận tại Đông Âu và tấn công xâm lược Liên Xô với chiến dịch quân sự khét tiếng và ám ảnh nhất lịch sử nhân loại: "Chiến dịch xâm lược Liên Xô - Barbarossa"
Trong phần 1, chúng ta đã nói về những sai lầm mang tính then chốt của Hitler khi nước Đức tham chiến ở mặt trận Tây Âu. Nối tiếp phần 1, trong phần 2 này, chúng ta cùng tìm hiểu xem Hitler đã có những sai lầm như thế nào trong giai đoạn Đế chế Thứ ba tiến hành xâm lược Liên Xô để rồi dẫn đến thất bại của họ.
1. Đánh giá thấp khả năng của Liên Xô
Trước khi phát động chiến dịch Barbarossa, Hitler luôn tin rằng với khả năng của Liên Xô ở thời điểm đó, chỉ cần nước Đức mở một cuộc tấn công toàn diện, Liên Xô sẽ không thể chống trả lại. Thực tế, nước Đức đã đúng về tình hình Liên Xô vào năm 1941. Liên Xô vào những năm đó vẫn chưa hoàn toàn được chuẩn bị tốt để đón nhận một cuộc chiến tranh tổng lực. Các biện pháp tổ chức lại quân đội và thực tập tác chiến theo chiến tranh hiện đại vẫn còn đang trong giai đoạn triển khai. Những trang bị dành cho chiến tranh của Liên Xô vào năm 1941 vẫn thua kém về số lượng so với nước Đức. Cuộc tấn công bất ngờ ngày 22 tháng 6 năm 1941 của quân đội Đức đã làm bộc lộ những điểm yếu của Liên Xô trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Wehrmacht - Lực lượng vũ trang thống nhất của Đức Quốc Xã, đã thành công tiến rất sâu vào bên trong lãnh thổ của Hồng Quân, thậm chí đã tiến tới thủ đô Moscow.
Như đã nói ở trên, Đức đã đúng về tình hình Liên Xô vào năm 1941. Hồng Quân đã liên tiếp phải nhận thất bại và bị đẩy lùi đến tận thủ đô Moscow. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì Hitler và nước Đức làm được. Liên Xô đã kháng cự rất kiên cường. Điều này giúp họ giữ được những nhà máy, cơ sở vật chất quan trọng cùng với các tuyến đường tiếp vận để phục vụ sản xuất đáp ứng nhu cầu chiến đấu, chuẩn bị cho cuộc phản công. Điều này cộng với vô số các sai lầm đến từ Quốc Trưởng của Đế chế Thứ ba cũng như các nguyên nhân khách quan và cả chủ quan từ chính quân đội Đức sau này đã liên tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Ngoài ra, việc đánh giá thấp khả năng của Liên Xô là nền tảng để Hitler tin rằng nước Đức sẽ hoàn thành cuộc xâm lược trước khi mùa đông đến. Bởi vì điều này, quân đội Đức hoàn toàn không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc chiến đấu trong thời tiết mùa đông lạnh giá tại Liên Xô. Những yếu tố thời tiết trong mùa đông đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới những phương tiện quân sự, vũ khí và sức khoẻ của binh lính Đức, trực tiếp khiến tiến trình tiến quân của Wehrmacht trở nên khó khăn gấp nhiều lần.
2. Nắm toàn quyền chỉ huy quân đội Đức
Năm 1941, Quốc Trưởng nước Đức Quốc Xã, Adolf Hitler chính thức đảm nhận vị trí Tổng tư lệnh. Kể từ đó, Hitler trực tiếp đề xuất các chiến lược, tham gia chỉ đạo các chiến dịch quân sự, bỏ ngoài tai những ý kiến của các tướng lĩnh hàng đầu của ông trong những thời điểm then chốt nhất. Đây chính là yếu tố dẫn đến sự lún sâu liên tục của quân đội Đức kể từ trận chiến tại Moscow năm 1941.
Hàng loạt những thất bại nghiêm trọng đến với đoàn quân của Hitler tại mặt trận Xô - Đức kể từ khi quân Đức gặp phải sự kháng cự quyết liệt, quả cảm của người dân Moscow. Từ thời điểm đó trở đi, hàng loạt quyết định sai lầm mang tính bước ngoặt cho cuộc chiến đã được đưa ra bởi Tổng tư lệnh nước Đức. Sau đây là một vài trong số những sai lầm nổi tiếng nhất.
a. Cố thủ tại Moscow năm 1941
Khi người Đức tiến đến Moscow, người Liên Xô đã xây dựng một hàng phòng thủ cách thành phố 200 dặm, mà lính Đức chẳng thể nào phá vỡ. Thời tiết mùa đông khắc nghiệt, với nhiệt độ thường dưới âm 31 độ, khiến các xe tăng Đức gần như bị đóng băng. Tướng Zhukov của Hồng Quân đã phát động một cuộc phản công dữ dội của bộ binh, thiết giáp và không quân Liên Xô, buộc lực lượng đang hoang mang của Đức phải rút lui.
Lần đầu tiên trong cuộc chiến, người Đức đã bị đánh bại. Điều này dẫn đến tâm lý tập thể của họ bị tổn hại nặng nề. Hitler thì không chấp nhận điều đó. Ông bắt đầu loại bỏ dần các chỉ huy của ông ta. Tướng von Bock từng phàn nàn với Tướng Halder vào ngày 01/12 rằng ông ta không còn có thể tiếp tục với đội quân suy nhược của mình, và ông ta đã bị thay thế bởi Tướng von Kluge, khi ấy đang chỉ huy Tập đoàn quân số 4 vốn cũng đang trên đường rút lui khỏi Moskva.
Cứ như vậy, mặt trận Moscow năm 1940 đã trở thành thảm họa với người Đức.
b. Những quyết định tại mặt trận Stalingrad năm 1942
Vào thời điểm tập đoàn quân số 6 của Đức và Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của tướng Hult, đã tiêu diệt thành công quân đội Liên Xô trên phòng tuyến Don-Stalingrad, Hitler bất ngờ ra lệnh chuyển Tập đoàn quân thiết giáp số 4 từ Tập đoàn quân B sang Tập đoàn quân A, để phối hợp với lực lượng của Tướng Kleist, bao vây Quân đội Liên Xô tại khu vực Rostov. Điều này không chỉ làm giảm sức mạnh của quân Đức đang tấn công Stalingrad, mà còn khiến quân Đức mất khả năng cơ động.
Vào ngày 13/7, Tướng von Bock, Tư lệnh Cụm tập đoàn quân B, đã gửi một bức điện cho Hitler, chỉ ra rằng điều này sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho lực lượng Đức ở mặt trận phía Nam. Hitler vô cùng tức giận và ra lệnh buộc Tướng von Bock bị cách chức và thay thế bằng Tướng Weicks.
Hitler hiểu tầm quan trọng của việc chiếm Stalingrad, và ông ta ra lệnh cho lực lượng phía trước lên đường chiếm Stalingrad càng sớm càng tốt. Hitler điều Tập đoàn quân thứ hai của Cụm tập đoàn quân B và Tập đoàn quân thứ hai của Hungary, được triển khai ở mặt trận phía bắc, để chống đỡ bên cánh phải của Phương diện quân Bryansk của Liên Xô và Phương diện quân Voronezh. Tuy vậy, do lực lượng bị phân tán, nên lúc này chỉ có Tập đoàn quân 6 của Tướng Paulus mới có thể tham gia cuộc tấn công vào Stalingrad.
Ngày 22/7/1942, Tập đoàn quân 6 của Đức mở cuộc tấn công vào Stalingrad. Tuy nhiên, sức mạnh và hoả lực của Tập đoàn quân 6 của Tướng Paulus không thể giúp họ bao vây và tiêu diệt các lực lượng Hồng Quân ở thành phố này. Như một hệ quả tất yếu, lực lượng của Liên Xô dần chiếm thế thượng phong. Khi thế trận đảo chiều, đoàn quân của Paulus dần bị bao vây, và vị tướng này đã nhiều lần gửi yêu cầu đến Hitler cho phép Tập đoàn quân 6 được đầu hàng vì họ không thể cầm cự được. Tuy nhiên, với tư tưởng thường thấy của Hitler, Quốc Trưởng yêu cầu Paulus phải cầm cự đến viên đạn cuối cùng, đến con người cuối cùng. Thậm chí, ông làm mọi cách để khiến quân Đức tại đây sẵn sàng hi sinh mạng sống để đánh tới cùng. Kể cả khi Tướng Manstein yêu cầu Paulus phối hợp để giải cứu Tập đoàn quân 6 khỏi cảnh phải đầu hàng Hồng Quân, Hitler cũng không thay đổi quan điểm của mình.
Càng đánh, quân Đức càng lún sâu tại Stalingrad. Chiến dịch năm đó là chiến dịch đẫm máu và mang lại nhiều tổn thất nhất cho quân đội Đức Quốc Xã.
3. Xâm lược Liên Xô
Trong tất cả những sai lầm quan trọng nhất dẫn đến thất bại của nước Đức tại mặt trận Xô-Đức nói riêng và trong cả cuộc chiến tranh nói chung, bản thân việc thực hiện chiến dịch Barbarossa về cơ bản có lẽ là sai lầm lớn nhất.
Sau khi đã hoàn thành công cuộc làm chủ châu Âu vào năm 1940, Hitler quyết định đó là thời điểm để nước Đức mở cuộc tấn công vào Liên Xô. Ở thời điểm này, Đức bắt đầu gặp vấn đề về nhiên liệu để vận hành cỗ máy chiến tranh của họ khi mà trữ lượng chủ chốt của họ tại Romania là không đủ. Bởi vì vậy, Hitler tin rằng một chiến dịch nhắm vào lãnh thổ của Stalin là một quyết định đúng đắn, dù cho các tướng lĩnh dưới quyền khuyên ông rằng việc xâm lược Liên Xô sẽ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế như Hitler nói.
Thực tế đã chứng minh cho lời nói của những tướng lĩnh Đức là hoàn toàn đúng. Mặc dù ban đầu, các lực lượng Wehrmacht đã giành được những chiến thắng quan trọng trên mặt trận Xô-Đức một cách chóng vánh, những sai lầm trong khâu chuẩn bị cho cuộc chiến lẫn những sai lầm chiến lược trong cuộc đến từ Quốc Trưởng nước Đức và việc phải chiến đấu với tình hình nhiên liệu hạn chế đã khiến họ phải nhận thất bại thê thảm tại Liên Xô.
Chúng ta thử đảo ngược lại vấn đề, giả định rằng nếu Đức Quốc Xã không mắc những sai lầm trong khâu chuẩn bị và những sai lầm chiến lược trong trận chiến, liệu họ có thể giành chiến thắng? Kể cả khi nước Đức đã chuẩn bị kĩ và xuất sắc trong những quyết định chiến lược, nhiều khả năng họ vẫn sẽ thất bại. Có hai yếu tố trong trận chiến này mà họ không thể thay đổi được. Một, đó là tinh thần và sự quyết tâm của người Liên Xô. Hai, đó là lợi thế về địa lí của đất nước này. Liên Xô có lãnh thổ rất rộng lớn, vì vậy, khi bị tấn công, họ có thể lùi những cơ sở vật chất quan trọng trong công nghiệp để phục vụ chiến đấu về rất sâu sau dãy Ural - nơi mà địa hình tại đó rất khó cho lực lượng bộ binh Heer, hay thậm chí cả lực lượng không quân Luftwaffe có thể chinh phục. Kể cả khi Wehrmacht làm được điều đó, Liên Xô còn có thể lùi về rất sâu hơn nữa. Khi phải đối mặt với hai vấn đề này, họ sẽ rất dễ bị cạn kiệt về mặt nhiên liệu lẫn binh lực và sức mạnh trước cả khi họ đạt được mục tiêu của chiến dịch này. Liên Xô thích điều này, bởi trong lợi thế này, họ càng chiến đấu, Đức càng gặp bất lợi. Một khi họ có thể cầm chân quân Đức, họ có thời gian để tăng gia sản xuất phục vụ chiến tranh, khắc phục những yếu điểm, để rồi có tiềm lực đủ mạnh để phản công. Việc càng ngày càng bị sa lầy tại Liên Xô đã khiến Đức phải tăng cường rất nhiều lực lượng tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng binh lính của họ sẽ bị trải mỏng trên khắp lãnh thổ rộng lớn mà họ chiếm đóng được. Khi đó, với việc Anh và Mĩ bắt đầu mở chiến dịch tại Tây Âu, nước Đức phải chiến đấu với tình hình lực lượng như vậy trên cả 2 mặt trận Đông và Tây, đối mặt với cả Mĩ và Liên Xô cùng vô số nước Đồng Minh khác, và đây là điều không nước nào mong muốn, kể cả khi nước đó là một cỗ máy chiến tranh khủng khiếp và quy mô lớn nhất lịch sử nhân loại như nước Đức của Hitler.
Vậy, có thể thấy, sức mạnh quân sự của Đức rất khủng khiếp, nhưng chừng đó là không đủ để họ có thể chinh phục Liên Xô. Nước Đức chưa từng chuẩn bị cho một kịch bản phải một mình đối đầu với cả thế giới. Hơn thế nữa, đất nước Xô Viết có tinh thần và sự quyết tâm rất quả cảm, từ đó làm bàn đạp xuất sắc đánh bật cỗ máy chiến tranh khủng khiếp nhất lịch sử ra khỏi lãnh thổ của mình, để rồi cũng chính họ đã ngạo nghễ chinh phục thủ đô của "cỗ máy" đó chỉ 2 năm sau, chấm dứt nỗi kinh hoàng khủng khiếp kéo dài dai dẳng suốt 6 năm của những người dân châu Âu.
|
|