Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
30/05/2023 17:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
GenZ và vấn đề trong giao tiếp


Dưới góc nhìn của một cá nhân sinh ra cuối những năm 9x, kết nối giữa các thế hệ: Gen Y và Gen Z nội tại. Với sự tiếp xúc với một loạt cá nhân thuộc các thế hệ khác nhau, mình nhận thấy rằng Gen Z được hưởng lợi từ việc tiếp cận phương tiện truyền thông sớm và sự đầu tư vào giáo dục từ phía bố mẹ. Điều này đã giúp Gen Z phát triển một tinh thần thông minh, năng động và khả năng thích nghi nhanh hơn đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Đây thực sự là một điều tích cực cho sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, như mọi sự vật, mọi hiện tượng đều có mặt trái của nó.

Chạy đua với tốc độ phát triển, có những nguyên tắc giao tiếp tối thiểu vô tình bị bỏ qua, hoặc cố tình bỏ qua?

Case study số 1: Quá bận rộn để trả lời tin nhắn

Mình có quen một em gái nọ, em ấy ít hơn mình 4 tuổi, là em gái của một người bạn cũ của mình. Do học cùng ngành nên em ấy thường nhắn tin nhờ mình tư vấn một số vấn đề liên quan đến môn học, kinh nghiệm công việc. Hầu hết mình đều trả lời rất nhiệt tình, thậm chí có thể setup những buổi calling hàng giờ đồng hồ để hướng dẫn cho em ấy. Cô bé ấy là một cô bé thông minh, và vô cùng tích cực trong việc học hỏi. Tuy nhiên, sau mỗi lần nhắn mình câu hỏi, mình trả lời, em ấy đều để đến cuối ngày, có khi là hơn một ngày sau mới reply, trong khi vẫn online đều đều.

Sau rất nhiều lần như vậy, mình đã quyết định không tiếp tục việc giúp đỡ em ấy nữa. Bởi, việc đó khiến mình cảm thấy không được tôn trọng. Mình đi làm từ 8h sáng đến 8h tối mỗi ngày, luôn phải xử lý công việc liên tục và duy trì các cuộc trao đổi với đồng nghiệp, mình vẫn có thể sắp xếp để trả lời tin nhắn của em ấy. Vì vậy, không có lý do để em bào chữa rằng lịch trình ở trường quá bận rộn để trả lời một tin nhắn, như là "Em cảm ơn chị, để tối có thời gian em đọc thêm rồi em hỏi thêm c nhé ạ". Mình cho rằng đây là một nguyên tắc giao tiếp tối thiểu mà mọi người nên tuân thủ, dù ở độ tuổi nào.

Lý do bận rộn này cũng xảy ra tương tự từ câu chuyện được bạn mình chia sẻ. Do nhu cầu công việc, bạn có hợp tác với một số các bạn trẻ hơn trong việc sáng tạo. Bạn mình cũng tương tự như mình, đối mặt với cả tá công việc áp lực và 1001 cuộc hội thoại với đồng nghiệp, nhưng luôn cố gắng duy trì sự phản hồi liên tục để đảm bảo nguyên tắc chuyên nghiệp tối thiểu trong môi trường công sở. Và tình thế dở khóc dở cười cũng xảy ra tương tự, trong khi bạn mình luôn cố gắng guide các bạn ấy thật chi tiết về công việc, không quên động viên cố gắng thì các bạn cũng ngâm tin nhắn hàng tiếng đồng hồ, qua cả ngày khác với lý do bận rộn tương tự.

Các bạn có thực sự bận rộn?

Đây là một câu hỏi mình và bạn mình luôn đắn đo tự hỏi.

Mặc dù hiểu rằng, với tốc độ phát triển như hiện tại, các bạn có nhiều áp lực hơn và rất nhiều việc cần làm để nâng cao năng lực bản thân. Đi học không chỉ học đơn thuần, còn ty tỷ hoạt động ngoại khóa và việc làm thực tập khác. Nhưng mình cho rằng, dù thực sự bận rộn hay không, sự cân đối để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tốc độ phản hồi là cần thiết. Và việc thực hiện điều đó không khó. Các bạn có thể bỏ qua những tin nhắn nói chuyện phiếm, hay những tin nhắn tâm sự chat chit giữa bạn bè, nhưng không thể bỏ qua tin nhắn về công việc, hay tương tự là tin nhắn nhờ sự giúp đỡ từ người khác.

Case study số 2: Quá lười để nói chuyện một cách chỉn chu

Một câu chuyện khác, vẫn liên quan đến trải nghiệm hướng dẫn các bạn trẻ. Có một số bạn sau khi được hướng dẫn sẽ thường sẽ reply với những tin nhắn như "OK c" "Okk c" hay là "Okie c".

Thực ra những câu này trong những môi trường thoải mái và không quá xét nét là một câu nói hoàn toàn bình thường. Nó đảm bảo được sự gọn gàng và nhanh lẹ. Nhưng sẽ tốt hơn nếu nó được cải thiện lên thành những câu như: "Vâng, em cảm ơn c ạ" "Oki chị, em hiểu rùi nè, em cám ơn c nhen"

Việc giao tiếp một cách chỉn chu sẽ nâng cao chất lượng giao tiếp và mối quan hệ lên rất nhiều. Và người hướng dẫn của bạn cũng sẽ vui lòng hơn trong việc tiếp tục giúp đỡ bạn. Bởi, thực ra rằng, họ đâu có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giúp đỡ bạn, họ làm điều đó hoàn toàn từ việc muốn chia sẻ cùng bạn. Và không nên tiết kiệm với nhau một câu trả lời chỉn chu khi họ đã cố gắng dành thời gian cho bạn.

Việc trả lời ngay sau khi đọc tin nhắn và việc viết ra một tin nhắn chỉn chu ban đầu có vẻ như những điều nhỏ nhặt. Nhưng nếu trở thành một thói quen quá lạm dụng, nó có thể tạo ra một tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và mối quan hệ của chúng ta. Dù chúng ta thuộc thế hệ nào, chúng ta đều đang hướng đến một phiên bản tốt hơn của bản thân trong tương lai. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta không hoàn thiện bản thân những điều đơn giản nhất.

Chúng ta không có trách nhiệm để cố gắng làm hài lòng người khác, nhưng việc giao tiếp thông minh sẽ khiến cuộc sống này trở nên dễ dàng hơn.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024