Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/05/2023 22:05 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VIÊM PHỔI CẦN THỰC HIỆN CÁC BƯỚC NÀO?


Thế nào là bệnh viêm phổi?

Bệnh viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm và đông đặc nhu mô phổi, bao gồm: viêm phế nang, viêm túi phế nang, viêm ống phế nang, viêm túi phế quản tận cùng. Viêm phổi là bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn.

Bệnh viêm phổi có thể do nhiều tác nhân như: vi khuẩn, virus, do nấm hoặc kí sinh trùng, hít sặc, hoặc cũng có thể do hóa chất, tia xạ hay ung thư.

Trên lâm sàng chia làm 2 nhóm: Viêm phổi mắc phải cộng đồng và viêm phổi mắc phải trong bệnh viện. Trong đó viêm phổi mắc phải cộng đồng là các trường hợp viêm phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện, bệnh khá phổ biến, viêm phổi ở trẻ em thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi; Viêm phổi bệnh viện là các trường hợp viêm phổi xuất hiện từ 48 giờ sau khi nhập viện, chiếm tỉ lệ khá cao trong số các nhiễm trùng bệnh viện và là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phổi, như:

  • Hít phải vi khuẩn từ bên ngoài hoặc trong không khí, hoặc hít phải vi trùng đóng từ hầu họng từ dạ dày vào khí phế quản.
  • Do liên quan đến các kỹ thuật y học trong quá trình điều trị và chăm sóc: đặt nội khí quản, sử dụng hệ thống máy thở, đặt sonde dạ dày để hút dịch hoặc nuôi ăn…

Những người có nguy cơ cao khởi phát bệnh viêm phổi:

  • Người bệnh bị tăng tiết chất nhầy
  • Người bệnh nằm bất động lâu: hôn mê, liệt…
  • Người bệnh suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV…
  • Người bệnh đang mắc bệnh tai mũi họng và bệnh hô hấp mạn tính
  • Trong điều kiện thời tiết lạnh, môi trường sống và làm việc ô nhiễm
người già dễ bị viêm phổi
Trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng nguy cơ cao bị viêm phổi, tình trạng dễ diễn tiến tăng nặng

Chẩn đoán xác định bệnh viêm phổi

Chẩn đoán xác định bệnh viêm phổi có thể dựa vào các triệu chứng khi khám lâm sàng và các phương pháp khám cận lâm sàng. Tùy vào tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà viêm phổi có thể có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc không có triệu chứng. Khi viêm phổi không triệu chứng, bác sĩ cần chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu để tìm nguyên nhân.

Khám lâm sàng

  • Người bệnh được hỏi về các dấu hiệu điển hình như: ho, ho có đàm không (nếu có thì đàm có màu rỉ sét, có mùi hôi hay không), sốt, có tình trạng đau ngực, đau khi hít thở mạnh hay khó thở không. Người bệnh cần miêu tả rõ các triệu chứng đang có với bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Đặc biệt, khi người bệnh có các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, tím tái, li lì… cần nhanh chóng can thiệp bằng các biện pháp y tế.
  • Bệnh viêm phổi không điển hình thường khởi bệnh từ từ. Người bệnh có thể có các triệu chứng ban đầu như nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, khàn tiếng, đau cơ, buồn nôn, nôn hoặc có thể tiêu chảy. Đây cũng là những dấu hiệu để bác sĩ làm căn cứ chẩn đoán lâm sàng.
  • Theo dõi nhịp tim của bệnh nhân.
  • Nghe phổi để tìm các bất thường về tiếng ran: ran ẩm, ran nổ,…
biểu hiện viêm phổi ở trẻ
Trẻ bị sốt có thể là dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm phổi

Phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu là phương pháp nhằm kiểm tra tình trạng nhiễm trùng phổi của bệnh nhân thông qua số lượng bạch cầu.
  • Chụp X-Quang ngực là phương pháp giúp chẩn đoán viêm phổi. Trên X-Quang sẽ xuất hiện các hình ảnh của tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi.
  • Chụp CT là phương pháp đặc biệt quan trọng đối với chẩn đoán xác định các đám mờ ở phổi nhằm tìm ra những tổn thương dù là nhỏ hay khó nhận thấy nhất mà phim chụp X-Quang có thể bỏ sót. (1)
  • Nội soi phế quản: Đây là một thủ thuật giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp bằng một ống nội soi mềm (soi phế quản) để chẩn đoán các bệnh lý về phổi. Bên cạnh đó, thủ thuật này còn cho phép bác sĩ lấy các mẫu mô, tế bào hoặc dịch của phổi. (2)
  • Nuôi cấy đờm: Là phương pháp nhằm tìm vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng phổi, từ đó bác sĩ tìm loại kháng sinh tốt nhất để điều tri nhiễm trùng.

Quy trình chăm sóc bệnh nhân viêm phổi

Để sớm khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe, chăm sóc bệnh nhân viêm phổi cần được theo dõi và thực hiện theo quy trình cụ thể, rõ ràng với nhiều bước và yêu cầu như sau:

1. Quan sát và theo dõi

Bước đầu tiên trong quy trình chăm sóc bệnh nhân viêm phổi là quan sát và theo dõi để nắm được tình hình và thể trạng bệnh nhân:

Thể trạng bệnh nhân

  • Tình trạng tinh thần: mệt mỏi, chán ăn
  • Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng…
  • Thân nhiệt: Sốt từ 39-40 độ C

Tình trạng hô hấp

  • Tình trạng khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.
  • Ngưỡng thở nhanh ở trẻ em thay đổi theo tuổi, gọi là thởi nhanh khi:
    • Trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở từ 60 lần trở lên trong 1 phút
    • Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi nhịp thở từ 50 lần trở lên trong 1 phút
    • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần trở lên trong 1 phút + Dấu hiệu suy hô hấp: thở co lõm ngực, hõm ức, phập phồng cánh mũi, co kéo cơ hô hấp phụ, tím môi.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi có thể nhịp thở không đều, cơn ngưng thở, hạ thân nhiệt, thở rên rỉ
  • Tình trạng ho nhiều hay ít, ho khan hoặc ho có đàm
  • Đàm ít cũng có thể lẫn màu rỉ sét hoặc màu xanh, vàng đục, hôi
  • Đau ngực tại vùng tổn thương, tăng khi hít vào và ho
  • Nhìn lồng ngực hạn chế cử động, thở nhanh, nông
theo dõi trẻ bị viêm phổi
Trẻ bị viêm phổi cần được theo dõi và chăm sóc đúng cách, kịp thời khơi thông đường hô hấp cho trẻ

Tình trạng tuần hoàn

  • Mạch, huyết áp có thể không thay đổi nhưng cũng có thể tăng, khi tăng nặng có thể dẫn đến sốc và trụy mạch.

Tình trạng tiêu hóa

  • Bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy.

2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân bị viêm phổi

Lưu thông đường thở

  • Cho bệnh nhân nằm tư thế thích hợp
  • Làm loãng đàm: Cho bệnh nhân uống nhiều nước tùy theo tình trạng bệnh lý
  • Cân bằng nước xuất nhập, bù lại nước mất do sốt và thở nhanh, tốt nhất là uống nước hoa quả
  • Dặn bệnh nhân đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi và thở ra qua môi khép kín
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu và tập ho, ho có chủ động để khạc đàm ra ngoài
  • Tập vật lý trị liệu vùng ngực, lưng, vỗ rung để làm long đàm và dịch tiết
  • Hút đàm và dịch tiết (nếu có)
  • Cho bệnh nhân thở khí dung, thở oxy, thở máy (theo y lệnh)
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc, theo dõi hệ thống giúp thở (nếu có)

Cân bằng nước và điện giải

  • Cho bệnh nhân uống nhiều nước, uống nhiều sữa và nước hoa quả vừa cung cấp chất dinh dưỡng vừa chống mất nước
  • Cân bằng dịch xuất nhập
  • Theo dõi ion đồ, thược hiện uống thuốc theo y lệnh

Cung cấp dinh dưỡng và năng lượng

  • Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, tránh tiêu hao năng lượng
  • Giảm ho cho bệnh nhân và giảm đau bằng vật lý trị liệu và thuốc
  • Với trẻ bú mẹ vẫn đảm bảo cho trẻ bú sữa mẹ. Khi trẻ khó thở nhiều vắt sữa đút bằng muỗng. Nếu trẻ không nuốt được cho trẻ ăn qua sonde dạ dày (theo y lệnh)
  • Trẻ lớn cho ăn lỏng, dễ tiêu, chia nhiều bữa, đủ calo

Thực hiện chế độ điều trị và chăm sóc

  • Thuốc: Cần sử dụng thuốc đầy đủ và đúng liều lượng theo y lệnh
  • Theo dõi và chăm sóc: Lấy máu xét nghiệm theo y lệnh; hút đàm khi cần; cho bệnh nhân thở oxy, thở máy (theo y lệnh); phòng và chống sốc phản vệ; theo dõi tác dụng phụ của thuốc; theo dõi và phát hiện những biểu hiện bất thường như tím tái, khó thở,…; theo dõi lượng nước xuất nhập; theo dõi phát hiện sớm những biến chứng. Tất cả những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng báo cáo bác sĩ điều trị.

Vệ sinh và nghỉ ngơi

  • Cần vệ sinh răng miệng và mũi, súc miệng sau khi khạc đàm
  • Vệ sinh thân thể, da, lưu ý các vùng đè cấn do nằm lâu nhằm ngừa loét
  • Vệ sinh phòng tránh sự lây lan của vi khuẩn: Tăng cường thông khí phòng bệnh; giữ gìn vệ sinh buồng bệnh và xử lý các rác thải đúng quy định; hạn chế sự tiếp xúc, khách đến thăm; nhân viên y tế rửa tay theo đúng quy trình và áp dụng đúng các quy định về vô khuẩn.
  • Cho bệnh nhân nằm tư thế thích hợp dễ thở và nghỉ ngơi thoải mái, thay đổi tư thế thường xuyên

Giáo dục bệnh nhân chăm sóc sức khỏe tại nhà

  • Để thực hiện tốt việc chăm sóc bệnh nhân viêm phổi cần phải thông tin rõ về tình trạng của bệnh nhân cũng như hướng dẫn các biện pháp chăm sóc để gia đình hiểu và cộng tác
  • Hướng dẫn cách vắt sữa và cho bé uống bằng muỗng đúng phương pháp
  • Hướng dẫn người thân cách tập cho trẻ thở sâu, tập ho
  • Cần đến tái khám để theo dõi và điều trị đúng định kỳ
  • Cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý
  • Cần giữ ấm cho trẻ vì sau khi bị viêm phổi dễ nhiễm khuẩn và tái phát trở lại
  • Hướng dẫn người thân về các dấu hiệu nặng của bệnh: bú kém, bỏ bú, không uống được, thở nhanh hơn, khó thở hơn, tím tái, các tiếng thở bất thường…
  • Đặc biệt cần khuyến cáo bậc phụ huynh nên chủ động tiêm phòng các dịch bệnh cho trẻ

Chăm sóc tinh thần người bệnh

  • Động viên và an ủi đối với người bệnh (đối với trẻ đã lớn và người lớn), thân nhân người bệnh. Cung cấp đầy đủ về phác đồ điều trị, hướng điều trị, thời gian điều trị và tiên lượng về các di chứng đồng thời khuyến cáo việc tuân thủ điều trị sẽ giúp hiệu quả điều trị đạt được tốt nhất. Người bệnh sẽ sớm khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe.

Cách phòng tránh sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh

1. Tăng cường vệ sinh

Viêm phổi thường do các tác nhân virus, vi khuẩn… trong môi trường sống tấn công vào hệ hô hấp, gây nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ. Do đó, để phòng tránh cần tăng cường vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đeo khẩu trang. Hàng ngày, nên súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Những thói quen này giúp tiêu diệt vi khuẩn ở cổ họng, làm loãng đàm, khơi thông đường thở và hạn chế tối đa các biến chứng do nhiễm khuẩn.

2. Không hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động

Khói thuốc lá chứa nhiều chất hóa học độc hại có thể làm hỏng khả năng bảo vệ tự nhiên của phổi, khả năng chống nhiễm trùng đường hô hấp suy giảm khiến người bệnh tăng nguy cơ nhiễm bệnh và tăng nặng tình trạng bệnh.

yếu tố nguy cơ gây viêm phổi
Hút thuốc lá chủ động ở người lớn và thụ động ở trẻ nhỏ là một trong những yếu tố nguy cơ khiến tình trạng viêm phổi dễ trở nặng hơn

3. Tiêm phòng và tăng cường hệ miễn dịch

Hiện nay nhiều bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn gây nên đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin, trong đó có bệnh viêm phổi. Đặc biệt là nhóm vắc xin ngừa bệnh viêm phổi đã được sử dụng rộng rãi như vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn, và các vắc xin ngừa viêm phổi do các tác nhân khác như cúm, viêm màng não do não mô cầu BC, viêm màng não do não mô cầu ACYW, vi khuẩn HibIB, ho gà, thủy đậu…

Bên cạnh vắc xin, cần ngủ đủ giấc, rèn luyện thể dục thường xuyên và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh để giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.

tiêm vacxin phòng viêm phổi
Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh viêm phổi hữu hiệu nhất cho trẻ em cũng như người lớn

Trên đây là những khuyến cáo của chuyên gia y tế về cách chăm sóc bệnh nhân viêm phổi nhằm giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe. Đồng thời những khuyến cáo về biện pháp phòng ngừa giúp bạn đọc chủ động phòng tránh các tác nhân gây viêm phổi, tránh nhiễm bệnh, tránh tình trạng bệnh nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tính mạng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024