Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/05/2023 22:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Sau 1 tuần xóa tiktok, mình làm được những gì?


Hôm nay, mình ngồi xem đi xem lại 02 video, một là “Chủ nghĩa nhanh và ngắn” của anh Đức Nhân, dài 20 phút và hai là “Mặt tối của nội dung ngắn” của chị Giang ơi, dài gần 16 phút. Mình vừa xem vừa ghi chú bằng laptop. Mình thực sự tìm thấy sự đồng cảm và muốn viết ngay một bài chia sẻ để bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này: Sẽ ra sao nếu bạn lạm dụng việc tiêu thụ nội dung ngắn?

Với cương vị là một người viết và một người sáng tạo nội dung, mình đã và đang làm cả những nội dung dài lẫn ngắn. Xin lưu ý rằng, mình đồng quan điểm với anh Nhân và chị Giang, mình không bài trừ nội dung ngắn hay phản đối sự phát triển của các nền tảng công nghệ. Có chăng, với vai trò là một người tiêu thụ, chúng ta cần phải khó tính hơn trong việc lựa chọn những nội dung mà mình đọc, nghe hay xem mỗi ngày. Điều thú vị hơn là, hãy kiên nhẫn đọc đến cuối bài viết để xem, sau 1 tuần xoá tiktok, mình đã làm được những gì?

DOPAMINE NGẮN HẠN

Có rất nhiều cách để khiến con người trở nên hạnh phúc. Và có một hormone vô cùng quan trọng sẽ đem lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn: đó chính là dopamine. Với mình, dopamine được chia thành hai dạng: Dopamine ngắn hạn và Dopamine dài hạn.Trong đó, dopamine dài hạn đến từ những việc mà bạn đã biết nhưng lại ít khi làm. Đó là tập thể dục, đi du lịch, nuôi chó mèo, đọc sách, đi dạo, trồng cây… Những trải nghiệm ấy đòi hỏi bạn phải đầu tư công sức, thời gian mới có thể tận hưởng được niềm vui trong từng khoảnh khắc.

Nhưng cũng có một số cách nhanh chóng hơn đem đến cho bạn cảm giác hạnh phúc tức thì - chính là dopamine ngắn hạn. Đó là ma túy, thuốc lá, rượu bia, mua sắm vô độ... Chúng ta thường gọi những con đường tắt ấy bằng một cụm danh từ khá mĩ miều - “những thú vui không lành mạnh”. Chúng ta được giáo dục từ trong gia đình tới nhà trường rằng: Có một số thứ không được thử dù chỉ một lần, Nếu không, cả đời sẽ phải hối hận!

Tuy nhiên, có một thứ thuốc phiện vô hình có khả năng tàn phá trí óc hơn cả “những thú vui không lành mạnh” ấy. Đó chính là việc lạm dụng tiêu thụ nội dung ngắn trong một khoảng thời gian dài. Một sát thủ vô hình bào mòn tư duy và não bộ của chúng ta.

THUẬT TOÁN CỦA SỰ MÊ HOẶC

Không chỉ riêng tiktok, hiện nay chúng ta có Youtube short, Instagram reels, story biến mất sau 24 giờ… tất cả những gì mà các nền tảng đang làm đó là thu hút sự chú ý của người dùng ở lại trên nền tảng càng lâu càng tốt. Chưa kể đến, thuật toán của các nền tảng thực sự rất thông minh, chỉ qua một vài cú click của bạn, chúng biết được bạn thích gì, muốn xem những nội dung như thế nào, để từ đó đề xuất những video, hình ảnh, nội dung mà bạn muốn. Và cứ thế, những video cứ liên tục hiện ra, ngón tay bạn cứ vô hồn lướt lướt, ánh mắt bạn không thể dứt khỏi màn hình. Bạn rơi vào trạng thái bị thôi miên!

Với sự ra đời của short video, chưa bao giờ tâm trí của con người lại phải rơi vào tình trạng quá tải và kiệt quệ như lúc này. Sở dĩ, tiktok tạo nên được cơn sốt là vì tính trực quan về hình ảnh và thời lượng cực ngắn khiến cho não bộ liên tục sản xuất ra những liều dopamine “ăn liền” trong ngắn hạn. Chưa kể đến, việc thuật toán ưu tiên đề xuất những nội dung thiên về tính giải trí khiến người dùng không khỏi bị mê hoặc trước sự hấp dẫn của ứng dụng này.

HẬU QUẢ CỦA VIỆC LẠM DỤNG NỘI DUNG NGẮN

Sức ảnh hưởng của việc lạm dụng nội dung ngắn không chỉ dừng lại ở một xu hướng mà còn góp phần không nhỏ tạo nên một “nền văn hoá tiêu dùng nhanh”. Nơi mà bạn sẽ chỉ ưa thích nghe những bản nhạc 30 giây thay vì thưởng thức một bài hát dài 3 phút, nơi mà bạn chỉ thích đọc 1 câu quote thay vì ngồi nghiền ngẫm một quyển sách dày, nơi mà bạn chỉ thấy kết quả của những người thành công và bỏ qua quá trình gian khổ để giúp họ đạt được thành công ấy…

Mình xin tóm gọn lại ba hậu quả chính tất yếu xảy ra khi bạn lạm dụng việc tiêu thụ nội dung ngắn trong một khoảng thời gian dài:

Thứ nhất, sức tập trung của bạn sẽ bị suy giảm.

Việc liên tục tiêu thụ nội dung ngắn khiến não bộ của bạn quen với tình trạng “được nuông chiều" và nhiễm phải căn bệnh “lười tư duy". Những video ngắn liên tục xuất hiện và biến mất, tiếng nhạc giật giật kích thích thính giác, hình ảnh nhảy múa khiến thị giác của bạn không rời,...Mọi thứ diễn ra trong 10-15 giây, trong khi bạn còn chưa kịp hiểu “Chuyện gì đang xảy ra" hay có thời gian để tư duy, phản biện nội dung mà video kia mới đề cập tới. Mình nhận thấy, hiện tượng tiêu thụ nội dung ngắn trong vô thức gần giống với hiện tượng ăn uống vô độ.. Bạn liên tục ăn những món “fastfood" mà không kịp dừng lại để xem mình đang đói hay no. Bạn liên tục nghe, xem những video ngắn mà không kịp dừng lại để xem “Rốt cuộc mình đã nhận được giá trị gì?”.

Thứ hai. chất lượng thông tin mà bạn tiêu thụ bị giảm sút.

Trong tiếng anh, có một câu danh ngôn mà mình rất thích đó là “Good things take time" (dịch ra là: “Những thứ tốt đẹp luôn cần thời gian.”. Mình tin tưởng vào tỉ lệ thuận giữa thời gian bỏ ra để tìm tòi nghiên cứu với độ sâu của kiến thức mà bạn muốn đạt được. Theo quan điểm cá nhân mình, nội dung ngắn chỉ phù hợp với những kiến thức khái quát chung chung, còn nếu bạn muốn đạt đến mức độ chuyên gia, bạn không thể chỉ ngồi xem learnontiktok!

Thứ ba, bạn thích sống “ảo" hơn sống thật.

Hậu quả cuối cùng của việc lạm dụng nội dung ngắn đó là, bạn đánh đồng trải nghiệm trên mạng với trải nghiệm thật.

Bạn nghĩ rằng mình chỉ cần xem một vài video study with me và cảm thấy rằng “Tôi là người chăm chỉ”. Bạn nghĩ rằng mình chỉ cần follow một vài tài khoản của các gymer hay huấn luyện viên là có bụng sáu múi. Bạn theo dõi những chuyến đi của những travel blogger và đánh đồng rằng: “A tôi cũng biết nơi này!”...

Ngày qua ngày, bạn cứ xem và lướt. Bạn quên mất rằng: “Bạn phải tắt điện thoại đi, bạn có thời gian để học bài, bạn phải tắt điện thoại đi, bạn mới có thời gian đổ mồ hôi ở phòng tập, bạn phải tắt điện thoại đi, bạn mới có thể ngắm nhìn phong cảnh đó đây bằng chính đôi mắt mình chứ không phải là qua flycam của người khác…

MỘT TUẦN KHÔNG TIKTOK

Sau một tuần không dùng tiktok, mình làm được những gì?

+ Hoàn thành một nửa khóa học Digital Painting.

+Viết được 3 bài chia sẻ trong một tuần, mỗi bài 1k5 chữ.

+ Hoàn thành tất cả các deadline của job freelance trước hạn 1 ngày.

+ Đọc được 3 cuốn sách/tuần. (Ba cuốn sách của mình là Mindset- Tâm lí học thành công của Carol S. Dweck, tác phẩm Hóa thân- Franz Kafka, tuyển tập truyện ngắn "Những người đàn ông không có đàn bà" của Haruki Murakami)

+ Đi ngủ trước 23h, ngủ đủ 8 tiếng.

+ Tập gym tối thiểu 1 tiếng mỗi ngày.

+ Đảm bảo công việc fulltime vẫn vận hành đều đặn.

Tuy nhiên, sau quãng thời gian triệt để cai nghiện tiktok, mình đã trở về với chế độ dùng tiktok “có định mức". Nghĩa là mình giới hạn thời gian sử dụng app trên iphone và chỉ truy cập khi hiểu rõ “Mình lên tiktok để làm gì?”. Chủ yếu, mình dùng tiktok là để tìm kiếm ý tưởng và phục vụ cho công việc. Khi đã hoàn thành công việc, mình sẽ đổi sang một tác vụ/ thói quen khác giúp mình thư giãn hoặc nâng cao sự tập trung hơn (như đọc sách, blog).

Mình muốn lí giải kĩ hơn một chút về câu hỏi “Tại sao đọc sách lại có thể nâng cao sự tập trung?”. Theo quan điểm của mình, sách là một vật thể tĩnh, và để tiếp thu được tốt nhất những gì sách truyền đạt, chúng ta cần nghiêm túc đầu tư công sức, thời gian thông qua việc đọc hiểu và phản biện. Có một điều rất trùng hợp ở đây mà mình phát hiện ra đó là Carl Newport (tác giả cuốn “Deepwork") và Mihaly Csikszentmihalyi (tác giả cuốn “Flow") đều chọn việc viết sách và blog để đăng tải những bài tiểu luận hay những nghiên cứu học thuật của họ. Hay như James Scholz - lập trình viên nổi tiếng người Mỹ gốc Việt cũng lựa chọn Youtube là nền tảng để chia sẻ về quá trình học 12 tiếng mỗi ngày của anh. Họ đều có một điểm chung đó là tìm kiếm những nền tảng dài hạn để chia sẻ những kiến thức chuyên sâu và cần nhiều sự tĩnh lặng để phân tích.

GIÁ TRỊ CỦA DOPAMINE DÀI HẠN

Ngay lúc này, mình đang ngồi ở quán cafe, đồng hồ điểm 06 giờ 30 phút tối. Mình đã uống 1 cốc cafe nâu, 3 cốc nước lọc, tắt toàn bộ wifi, dành toàn tâm toàn ý hoàn thành bài viết này trong vòng 3 tiếng đồng hồ, (tính cả thời gian xem đi xem lại hai video). Những con chữ liên tục hiện lên trong đầu, mình viết liên tục một mạch mà chỉ lo rằng, tốc độ mình gõ không nhanh bằng suy nghĩ. Có những lỗi chính tả mà mình không kịp dừng lại để sửa. Mình cứ viết cho đến khi vắt kiệt tất cả những dòng suy nghĩ chảy trôi. Cảm giác hiện tại của mình chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: đủ đầy và hạnh phúc. Mình đã rơi vào dòng chảy “flow" và quên đi tất cả mọi tiếng ồn xung quanh, không còn tiếng người nói chuyện, không còn tiếng bước chân, không còn tiếng leng keng của cốc đĩa…Mình rơi vào địa hạt của sự tĩnh lặng- nơi mà Mihaly Csikszentmihalyi đã gọi tên là: Trạng thái dòng chảy - "trạng thái mà trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng nữa".

Khi bạn khao khát tìm kiếm niềm vui đến từ dopamine dài hạn, bạn sẽ hiểu được cảm giác hạnh phúc dâng lên từ bên trong, từng chút, từng chút một. Đó là niềm vui khi bạn lật giở từng trang sách, là khi bạn đắm chìm trong công việc, là khi bạn dành tất cả sự chú tâm để chơi với một bé cún con, hay hết lòng lắng nghe tâm sự của một người bạn đang muốn san sẻ nỗi buồn…Hạnh phúc đến từ sự chú tâm, khi bạn chấp nhận từ bỏ sự xao nhãng để chọn sống trong từng khoảnh khắc.

THÔNG ĐIỆP GỬI ĐẾN BẠN

Như đã đề cập ở đầu bài, mình không bài trừ nội dung ngắn hay phản đối sự phát triển của các nền tảng công nghệ. Mình chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân và gửi gắm đến bạn một thông điệp rằng “Nội dung ngắn không xấu, xấu hay không nằm ở cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào?” Giống như bạn biết ăn nhiều fastfood là xấu nhưng chúng ta đâu thể xóa sổ hoàn toàn fastfood ra khỏi thực đơn? Chúng ta vẫn có quyền được tiêu thụ nội dung ngắn nhưng chúng ta cũng ý thức được hậu quả của việc lạm dụng chúng trong một thời gian dài. Chúng ta cần học cách kỉ luật và kiểm soát ham muốn của bản thân. Thay vì đổ lỗi cho truyền thông, công nghệ hay các nền tảng, hãy trở thành một người tiêu thụ có chừng mực.

Một số giải pháp để nâng cao sự tập trung, mình đề xuất cho bạn:

+ Đọc sách, blog

+ Tập một môn thể thao bất kì (hoặc đơn giản nhất: bạn có thể đi dạo)

+ Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội (theo chiến lược giảm dần thời lượng)

+ Bắt đầu một sở thích vào thời gian rảnh (chơi nhạc cụ, vẽ tranh, đan móc,...)

+ Sử dụng một số app trả phí để rèn luyện khả năng tập trung (Mình đang dùng Forest)




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024