Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/05/2023 23:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
KHI NÀO TA YÊU MỘT THÀNH PHỐ?


Những năm tháng hồi sinh viên, mình vẫn thường nghe câu: “Ta yêu một thành phố ko phải vì ở đó có gì, mà vì ở đó có ai”. Rồi vài năm tiếp theo trôi qua, khi vẫn mải miết đi qua nhiều vùng đất khác nhau, bất giác trong đầu lại khơi lên câu hỏi: Khi nào ta yêu một thành phố?

Một thành phố được yêu, đầu tiên có lẽ vì vẻ đẹp của nó.

Hà Nội mình vừa ghé qua - là một nơi như thế. Mang những nét duyên dáng với “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”, khiến cho kẻ từ phương xa như mình vương một cảm tình khó dứt.

Lại có những người con của Hà Nội xem thành phố này như một nguồn sống: ”Khi lòng xác xơ” họ lại trở về, lấy đi dù chỉ là “một chút bóng đêm trên đường phố quen”, hay “nỗi nhớ muôn đời vẫn thế”
Hai kiểu yêu, một phảng phất nhẹ nhàng, một bền bỉ sâu sắc, không chỉ riêng Hà Nội, mà bất kì thành phố nào, hay bất kì ai, đều mong muốn và xứng đáng được yêu theo cách thứ hai hơn, có lẽ vậy.

Người ta cũng có thể yêu một thành phố vì những cảm giác họ được trải nghiệm.

Những ngày đầu hè không khí Hà Nội vẫn chưa oi bức, tan học lại xách xe chạy dọc trên những con phố, mơn man cái dư vị nhẹ nhàng của buổi chiều muộn. Dừng xe ở một góc nhà thờ lớn, ngồi trà chanh ngắm vài cặp đôi chụp hình, bỗng loa nhạc trong quán vang lên bản acoustic quen thuộc của Trịnh:

Rồi từ nay em gọi

Tình yêu dấu chim bay

Gọi thân hao gầy

Gọi buồn ngất ngây

Bãi bồi sông Hồng mùa nước cạn, vài cánh diều bay chấp chới trên bầu trời. Bên kia mấy đứa trẻ loay hoay đứa tung diều, đứa cầm dây diều mà chạy, nhưng diều mãi ko lên. Nhớ lại lần cuối mình chơi diều cũng đã lâu lắm, chắc từ thời cấp một, ba dẫn về quê mua cho con diều rồi ra độn cát bày hai anh em chơi. Ký ức về cách lên diều mình cũng chẳng còn mấy, chỉ nhớ là nó không dễ.

Thực ra việc chuẩn bị cho một con diều bay cũng giống như chuẩn bị cho một cơ hội, ta phải có một con diều đủ tốt để chịu được sức gió, một dây diều đủ chắc, biết được cách lên diều, và việc còn lại là chờ gió lên. Dẫu vậy, dù gió có thổi, diều có lên cao, và ta tưởng đã cầm chắc dây diều, thì cũng ko có gì đảm bảo rằng nó sẽ bay mãi.

Rong ruổi một hồi cũng đến hồ Gươm. Chẳng biết từ khi nào, mỗi tối thứ sáu tới chủ nhật, người ta rào cả khu vực quanh hồ để làm phố đi bộ. Thôi kệ, dù gì cũng phải chạy bộ đủ 6 km cho kịp cây-bi-ai, sẵn có phố đây, ta cứ tha thẩn vừa đi vừa chạy thôi.

Vậy mà lạ lắm, ngày thường mà cứ như lễ hội. Nhiều cụ đồ dựng rạp bên bờ hồ, vẽ câu đối và cho chữ. Các chữ cụ viết chủ yếu là chữ Hán, lâu lâu là mấy câu chúc cầu may khi được khách yêu cầu, kiểu như “Vạn sự như ý”, “An khang thịnh vượng”...Hồi nhỏ nghe mấy câu này thấy nó cũng vần, cũng chả thắc mắc chi. Sau này lớn lên nghe ai đó bảo, thực ra vạn sự không cần phải như ý, vì điều như ý với người này có khi lại là bất toại ý với người kia. Niềm vui của môt người lắm lúc lại là nỗi buồn của kẻ khác. Vậy nên không cần phải như ý, vạn sự thì cứ nên tùy duyên.

Âm nhạc là thứ không thể thiếu ở phố đi bộ này. Bật cười khi ban nhạc cổ truyền đàn cò sáo nhị lại biểu diễn “Có không giữ mất đừng tìm”. Còn các tay guitar điện saxophone lại rất dịu dàng với “Bèo dạt mây trôi”. Giữa không gian đó, lại bắt gặp muôn hình vạn trạng của tình yêu và sự sống.

Những chàng trai cô gái cùng sánh đôi, nở nụ cười e ấp của tình yêu thuở ban đầu.

Hai cụ già lặng lẽ đi bên nhau như cả quãng đời đã đồng hành, khi mà im lặng cũng đủ hiểu nhau nói gì.

Hai cậu trai trẻ bỡ ngỡ từ phương xa đến, cứ nhẹ nhàng nhìn quanh phố xá rồi lại nhìn nhau.

Người cha tập đi cho đứa con chập chững, còn người mẹ ở bên kia đã vội dang tay từ khi nào.

Những cậu nhóc tung quả cầu điện xanh đỏ đổi màu lên trời cao, rồi lại nắm lấy rất thành thục như đã quen thuộc với quỹ đạo của nó.

Bong bóng xà phòng qua khuôn miệng chúm chím của em nhỏ, thổi lên từng đợt rồi lại tan biến vào hư không.

Giữa lòng đường, các cô cậu học trò đứng trước máy quay, cùng nhau nhảy một bài Kpop với dáng vẻ tự tin nên có của tuổi trẻ.

Một chị trạc bốn lăm bán trái cây dạo ở góc đường, ngồi vừa cầm quạt vừa ngân lên một bài dân ca vùng Kinh Bắc, không cần để tâm liệu có ai nghe mình hát hay không. Khoảnh khắc đó, mình thấy chị thực sự rất tự do.

Vài người tản bộ dẫn theo chú chó. Họ nghỉ chân ở ghế đá ven đường, và chú chó cũng nghỉ mệt, ngóng cổ nhìn chủ đang trò chuyện một hồi lâu, rồi lại lè lưỡi nhìn sang người đi đường khi đã mỏi cổ mà vẫn không hiểu thêm được nội dung câu chuyện.

Trong đám đông đó, có một con bé vừa đi vừa nhìn ngắm mọi người, cố gắng thu hết mọi thứ vào trong tầm mắt, vừa vắt chân chạy cho kịp pace 12, khi mà bờ hồ vòng quanh, điểm kết thúc cũng là điểm khởi đầu trên con đường trở thành “báo thủ” runner. Chạy một hồi lại nhận ra được một cái triết lí, rằng việc ta “báo” nó không quan trọng bằng việc ta sẽ bớt “báo” đi theo từng ngày. Hãy cứ ráng mà chạy.

Có một quãng chạy mình hồi tưởng về lần đầu tiên đến Hà Nội cách đây mười lăm năm, hồi ấy còn nhỏ nhưng đã hiểu đầu thu tháng tám quả là xứng đáng đi vào thơ văn: “tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ”.

Năm ngoái lại kịp đón một Hà Nội tháng mười lãng đãng cuối thu - thời điểm mà người dân cho là đẹp nhất, tượng trong câu “Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng mười” ấy.

Có lẽ mình ở đây chưa đủ nhiều để cảm nhận hết vẻ đẹp của từng tháng. Nhưng một cơ duyên đem mình đến với Hà Nội lần nữa, nhờ vậy tâm hồn mình đã được chữa lành bởi một đêm hè tháng tư.

Quả thật, những việc xảy ra trong đời chính là những điều nên xảy ra. Có những nơi ta nên đến, để biết rằng đó là nơi ta cần phải đến. Có những người ta nên gặp lại, để xác tín một điều rằng, đó không phải là người mà ta cần tìm lại nữa.

Rồi lại chạy, rồi lại nghe lòng mình dịu đi với một bài hát đã cũ:

Này này cô em cứ tươi cười

Một ngày không vui sẽ thêm trăm ngày vui

Còn nhiều không gian ước mơ

Còn nhiều con tim rất ngây thơ, về bên em đấy

Mỗi thành phố đều có một lịch sử.

Đi qua những cư xá, những ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm của đất Hà thành, hay những ngôi đền miếu, lòng người ta bất giác lại hoài niệm. Sau này mình mới biết, mình là một đứa khá hoài niệm, hay nghĩ về những cái cũ, cái cổ kính hơn là những cái mới, cái hiện đại. Nhưng rồi chắc cũng nên tập giống người dân nơi đây, biết dọn dẹp những cái cũ của thành phố vào một góc, tập đi qua kỉ niệm một cách an nhiên. Kỉ niệm vẫn sẽ còn đó, nhưng không còn day dứt nữa.

Nhiều người vì mưu sinh, vì công việc mà ở lại một thành phố. Ở đó thành phố cho họ những cơ hội hay tiện ích họ cần. Vài người vì duyên phận mà đến, vì yêu một người nên rời xa thành phố của mình đến gắn bó với một thành phố khác, bởi nơi đó có người họ thương. Một số người khác, từ lúc sinh ra cho đến sau này cũng không rời xa thành phố của họ, giống như một tình yêu mà từ đầu đến cuối chỉ yêu có một người, nó may mắn và cũng hiếm lắm. Lại có những người khi sống trong thành phố chẳng có cảm giác gì, mà đến lúc rời xa lại khắc khoải và nhớ. Rồi khi mỗi góc phố con đường đã trở thành kỉ niệm, ta mới biết ta đã yêu một thành phố. Và khi đó, “đất đã hoá tâm hồn”.

Mỗi thành phố đều đem đến những nhân duyên.

Khi biết chị Trang giảng viên y Hà Nội là sinh viên khoá R03 ở trường mình, lúc ấy trong lòng dâng lên một cảm giác gắn kết khó tả. Ngồi nghĩ đến quyết định vào nam của chị dù sinh ra và lớn lên ở đất Hà Nội, rồi khoảng thời gian đi du học của chị, bất giác mình tưởng tượng đến chị của hai mươi năm về trước, chắc có lẽ chị cũng trải qua một thời thanh niên sôi nổi, rồi là nỗi cô đơn ba năm ở nơi xứ lạnh. Nét xinh đẹp dịu dàng của người phụ nữ gia đình, mà ngờ đâu tận năm 32 tuổi duyên của chị mới tới.

Bây giờ mình đã hiểu, khi ta dành thời gian để quan sát hay chiêm nghiệm về một người, đó là lúc ta đã sống nhiều hơn một cuộc đời.

Rồi mình gặp chị Chung, trở về làm việc ở quê hương sau vài năm nam tiến. Ko biết miền nam có cho chị nhiều điều hay ko, nhưng chí ít chị cũng đã có những trải nghiệm mà khi nhìn lại chắc sẽ không hối tiếc. Mình gặp cả anh Cường, anh là người miền trung vào học trường mình khóa R07 rồi lập nghiệp hẳn trong nam. Tất cả gặp nhau theo một cách rất tình cờ, lại cùng nhau ăn phở cuốn uống bia Trúc Bạch, kể với nhau nghe chuyện trên trời dưới đất. Buổi tối cùng đi tản bộ rồi lại chạy mau cho kịp ngắm lễ hạ cờ trước lăng. Không ngờ, mảnh đất này lại cho ta những nhân duyên lạ lùng như thế.

Mỗi thành phố đều có những góc khuất.

Cũng như con người vậy. Khoảng thời gian ban đầu tìm hiểu, người ta chỉ thấy những tốt đẹp của nhau. Rồi thời gian trôi qua, từng góc khuất lại lộ dần. Cũng giống như lần đầu tới Hà Nội, mình chỉ biết tới khu phố cổ, những thâm trầm và văn vật của thành phố. Đến khi đi học lại rơi vào tọa độ khác, dù chỉ mới dạt ra vành đai khu vực Đống Đa, là đã thấy nó bớt đẹp đi nhiều phần. Những bụi bặm ngổn ngang, giao thông xáo trộn, những ngõ ngách chật chội hay con người láo nháo. Nhưng rồi nghĩ lại, yêu một thành phố, ta phải dần chấp nhận những cái chưa hay, chưa đẹp của thành phố đó, như mặt ngửa và mặt sấp của một bàn tay. Khi ta chưa chấp nhận, tức là ta chưa yêu như ta tưởng.

Để đáp lại tình yêu này, mỗi thành phố đều phải thay đổi. Thành phố cũng như một thực thể sống, mà những con đường chính là những mao mạch làm nên dòng chảy của sự sống đó. Trong mỗi ngóc ngách của thành phố, dòng người ngày ngày vẫn len lỏi băng qua những con đường, những phố xá, những ngã rẽ khác nhau, hợp rồi lại tan. Thành phố giờ đây trở thành nơi nương náu, ôm vào lòng tất cả những bụi bặm, những buồn vui của mỗi con người.

Ta rồi cũng giống như thành phố, cũng hy vọng rằng mình sẽ trở thành chốn bình yên của người khác.

 

Như thành phố vẫn đang chuyển mình, vẫn hằng ngày dọn dẹp những bừa bộn đang có, và quy hoạch để dành chỗ cho những công dân mới, tâm mỗi người cũng cần được ngăn nắp, cần phải dọn dẹp đi những rác trong lòng mình, thì một ngày kia mới có thể trở thành nơi nương náu của một ai đó.

Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi giới hạn về tình yêu dành cho một thành phố

Khi lòng ta đủ rộng, và cảm nhận về những vùng đất với một trái tim đơn thuần, thì rơi vào bất kì một tọa độ nào, ta vẫn có thể mở lòng mình mà dành tình yêu cho nó. Một hoàng hôn Old Delhi bụi bặm quyện đặc bỗng rền vang trong tiếng kinh cầu. Một buổi sáng Bagan cổ tích nhưng hoang phế, chìm sâu sau những khinh khí cầu khuất nẻo bay cao. Một buổi chiều Cao Lãnh ngồi trên phà ngắm lục bình trôi, khi biết mình đang đi trên những chuyến phà cuối cùng trước khi cầu nối đôi bờ khánh thành, lại ngồi nghĩ đến những điều mặc nhiên phải xảy ra trong đời theo một trình tự không thể đảo ngược. Khi có cầu, người ta đâu còn đi phà nữa? Giờ cũng không biết con phà đó nay về đâu. Có lẽ là ở một khúc sông khác, nơi người ta vẫn cần đến phà để đi qua, chỉ là ở khúc sông đó, nó không bao giờ còn hiện diện nữa.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024