Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/05/2023 09:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
40 năm ngày Sài Gòn thất thủ: Hồi kết của cuộc chiến tranh Việt Nam


Vào ngày những người Bắc Việt chiếm Sài Gòn, cả thành phố tràn đầy những bài ca chiến thắng. Loa phóng thanh được bật lên cả đêm, và từ khoảng 5 giờ sáng đã bắt đầu phát liên tục những giai điệu mừng thắng lợi. Đó là ngày 30/4/1975, ánh nắng đã bắt đầu chiếu rọi những con đường rộng thênh thang của Sài Gòn, tại thời điểm lẽ ra người ta bắt đầu dậy và chuẩn bị đổ ra đường. Nhưng lúc ấy hầu như không ai biết phải làm gì - nên đi làm hay không, không biết ngoài chợ có cửa hàng nào mở hay không, liệu có cảnh vệ không, và nhất là không biết liệu có cuộc đấu súng nào ngoài phố hay không. Dĩ nhiên không chỉ sinh hoạt hàng ngày của Sài Gòn bị gián đoạn. Vai trò của thành phố này với tư cách là thủ đô của chính thể Việt Nam phi-cộng sản đã biến mất hoàn toàn chỉ sau một đêm. Binh lính đều đã bị giải thể; nhiều tướng lĩnh, quan chức và dân thường lúc này đang ở trên những boong tàu chiến nằm ngoài Biển Đông.

Trong nhiều năm chiến tranh, Sài Gòn ít khi bị ảnh hưởng - tất nhiên vẫn xuất hiện những vụ tấn công và đánh bom các nhà hàng và đại sứ quán Mỹ - ngoại lệ duy nhất có lẽ là những cuộc tấn công vào dịp Tết năm 1968. Cuộc tấn công khiến Sài Gòn chấn động, nhưng sau đó người ta đều cho rằng điều tệ nhất đã qua. Và thực tế là khi những giai điệu giải phóng vang vọng khắp các con phố, nơi này vừa mới thoát khỏi một viễn cảnh có thể còn tệ hơn. Hầu như không ai biết là quân đội Bắc Việt đã tính đến phương án dùng pháo binh để tấn công mở đường vào thành phố, sẵn sàng giành giật từng khu phố, nếu lực lượng phòng thủ của Sài Gòn họ gặp phải mạnh hơn. Giả như Tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam là Tướng Dương Văn Minh không lệnh cho quân đội hạ vũ khí, Sài Gòn có lẽ sẽ chịu số phận đáng sợ hơn nhiều. Những người cộng sản Việt Nam hay đùa rằng họ chiếm Sài Gòn “dễ như trở bàn tay”. Nhưng sự thật không hẳn như thế - thương vong của cả hai phe đều khá nặng, và những cuộc đấu súng chỉ ngừng lại ngay gần phạm vi nội thành. Ở trung tâm thành phố, người ta sợ việc xảy ra tình trạng hỗn loạn và cướp phá hơn. Bấy giờ tôi và Stewart Dalby của Thời báo Kinh tế đang đi bộ dọc theo đường Tự Do - một trong những tuyến phố chính của Sài Gòn. Chúng tôi bị một người đàn ông chặn đường - anh ta chạm tay vào thắt lưng, ám chỉ việc mình có súng; rồi cứ thế đưa tay cướp lấy cái máy ảnh đắt tiền của Dalby. Những vụ việc như vậy xảy ra đủ nhiều để khiến người ta tin rằng những người cộng sản chiếm quyền kiểm soát thành phố sớm chừng nào tốt chừng ấy.

Vào ngày đầu tiên sau khi thời đại mới bắt đầu, không còn bóng dáng người Mỹ nào trong tòa đại sứ quán kiên cố trông như một pháo đài thu nhỏ trên Đại lộ Thống Nhất. Trong đó chỉ còn lại tàn dư của vụ di tản đầy hỗn loạn hôm trước và những vụ cướp phá kéo theo. Không còn ai trong tòa thị chính hay nhà hát opera cũ của người Pháp, nơi Quốc Hội thường họp mặt. Và không còn cả Tổng thống bên trong dinh - Nguyễn Văn Thiệu đã rời khỏi đất nước từ lâu. Người kế nhiệm ông ta cũng chỉ ở lại một tuần, trước khi giao lại trọng trách cho Dương Văn Minh. Ông Minh đã nói với các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên bước vào trong dinh rằng ông đã sẵn sàng bàn giao quyền lực. Nhưng họ đáp lại rằng “Ông không thể bàn giao thứ mà ông không có”, rồi dẫn ông ta đi. Ông Minh mới chỉ ngồi ghế Tổng thống vỏn vẹn hai ngày.

Quyền lực của Minh quả là không có thực, nhưng cả Sài Gòn cũng đã sống trong những điều huyễn hoặc như thế nhiều tuần liền. Trong các khu vườn bách thảo, nơi dân chúng thường dạo chơi dịp cuối tuần, có thể nghe thấy đủ loại tin đồn từ xa. “Người Pháp sẽ trở lại với hai sư đoàn,” một người lên tiếng. “Người Mỹ sẽ sớm ném bom,” một người khác nói. “Sẽ có một chính phủ liên hiệp,” một người thứ ba chen vào. Khi cuộc chiến dần đi đến hồi kết, suy nghĩ phổ biến nhất dường như là “Chúng ta đều là người Việt”, và người ta thốt ra câu ấy với một vẻ vừa hy vọng vừa cam chịu. Với dân thường thì ấy là một sự an ủi; nhưng với những người có địa vị hoặc thân cận với người Mỹ thì không. Họ sợ bị trả thù, hoặc ít nhất cũng sẽ bị đưa vào danh sách đen đến mãi sau này. Nhiều người lo lắng một cách vô căn cứ, nhưng có lẽ đó là do tình trạng hoảng loạn chung lúc bấy giờ. Một nhà báo đã viết rằng “Nỗi sợ Việt Cộng đã khiến cả Sài Gòn mất trí”. Nhiều người muốn tháo chạy, và đúng là có không ít người đã rời khỏi thành phố được; đầu tiên là trên những máy ban vận tải, và đến những giây phút cuối cùng là trên những chiếc trực thăng. Gần một triệu người Việt đã rời khỏi đất nước sau năm 1975 như thế.

Những sĩ quan người Mỹ phụ trách việc di tản đã phải đưa ra những quyết định khó khăn. Để không làm suy yếu thêm lớp phòng thủ vốn đã không còn nhiều sức mạnh của Nam Việt Nam, họ đã giới hạn những chuyến di tản trước đó. Đồng thời, họ cũng trấn an những người ở lại rằng “nếu chuyện đến mức đó” (bởi vẫn còn những người tin rằng chính quyền Nam Việt Nam có thể tồn tại dưới một hình thức nào đó), thì họ sẽ đưa tất cả rời đi được. Đó là một lời hứa mà họ đã không thể thực hiện. Một người trong số đó ở Sài Gòn là Frank Snepp về sau đã nhớ lại rằng: “Những tiếng kêu hoảng loạn vang lên trong radio của CIA vào ngày cuối cùng đó đến giờ vẫn khiến tôi cắn rứt”. Một ngày trước đó, tôi và nhiều phóng viên khác đã đứng ở trên mái của khách sạn Caravelle và chứng kiến hàng dài những người tuyệt vọng đợi đến lượt để được đưa lên các trực thăng di tản. Càng tuyệt vọng hơn khi người ta chứng kiến những chiếc trực thăng dần bay mất và nhận ra rằng sẽ không có thêm chiếc nào đến nữa. Ở khu vực đại sứ quán Mỹ, đám đông tụ tập và kêu khóc, cầu xin được vào bên trong; những người lính Mỹ tìm cách đẩy họ ra, và kéo những người có giấy phép hợp pháp vào.

Ngày hôm sau, những chiếc xe tăng tiến vào - chúng hướng về trung tâm thành phố và Dinh Tổng thống. Một số xe tăng bị lạc, chúng tôi thấy một chiếc thậm chí còn quay ngược lại và tiến về phía một bệnh viện cũ của người Pháp. Nhưng rồi những cỗ xe tăng nhanh chóng tìm được đúng đường đến Dinh Tổng thống và húc thẳng qua cổng. Trên chiếc xe tăng dẫn đầu có chở theo James Fenton - một nhà thơ kiêm nhà báo, phóng viên cuối cùng của tờ Washington Post tại Sài Gòn, và trông anh ta vừa hân hoan vừa lo lắng. Khi những người lính tiến vào sau đó, những lính phòng thủ của dinh tản đi, một số cố chống trả trong những nỗ lực cuối cùng.

Những người lính mới đến đó được gọi là bộ đội - họ mặc những bộ trang phục đơn giản màu xanh lục nhạt và đội những chiếc mũ kiểu cũ. Họ trông có vẻ nhẹ nhõm: chiến tranh đã kết thúc, họ vẫn còn sống, và đều góp công trong chiến thắng vĩ đại này. Một cuộc diễu hành được tổ chức vài ngày sau, và rồi rất nhiều người trong số họ rời khỏi Sài Gòn. Những người ở lại đều có vẻ lịch sự, dường như hơi rụt rè. Họ cho rằng những người da trắng ở lại đều là người Nga. Một số tỏ ra ngạc nhiên trước sự giàu có của Sài Gòn; số khác có vẻ thích thú những chiếc đồng hồ - vốn là những vật mà chỉ các nhân vật cấp cao trong quân đội Bắc Việt sở hữu - nhất là những chiếc hiển thị được ngày tháng. Nếu đi thành cặp, họ thường níu lấy tay nhau - một cảnh tượng gây xúc động lạ kỳ. Nhưng họ tỏ rõ là những người lính được huấn luyện rất tốt. Khi có một số người liều mạng nổ súng vào những người lính Bắc Việt ở gần công viên cạnh Dinh Tổng thống, họ lập tức phản ứng lại với một tốc độ và nhịp điệu đáng kinh ngạc. Những người mới phút trước còn đang nằm dài hút thuốc nay lập tức xoay người và dùng vũ khí bắn trả, trong khi các tiểu đội khác bên sườn nhanh chóng áp sát kẻ địch. Cảnh tượng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng thời đại chiến tranh mà quân du kích với trang bị thiếu thốn phải đối đầu với kẻ địch mạnh hơn đã kết thúc rồi. Quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn là một đội quân kiểu mẫu mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Họ được trang bị đầy đủ pháo binh và tăng thiết giáp, chỉ thiếu không quân mà thôi. Nhưng cũng không thành vấn đề, bởi lúc đó lực lượng không quân của Nam Việt Nam cũng hầu như chẳng còn lại gì.

Trong nhiều năm, Việt Nam là điểm nóng về chính trị, quân sự và những vấn đề nhân đạo. Mọi người đã quá quen thuộc với cuộc chiến đến mức nhiều lúc người ta cảm thấy rằng thảy mọi thứ tồi tệ và tốt đẹp trên thế giới đều có thể được tìm thấy ở đây. Kết quả của cuộc chiến này quyết định quá nhiều thứ quan trọng: phe nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa cộng sản và phi-cộng sản; các quốc gia phương Tây liệu còn có thể tiếp tục áp đặt sự thống trị lên các nước thuộc địa cũ; một quốc gia nhỏ yếu liệu có thể chống lại một cường quốc; hay phong cách chiến tranh du kích có thể đánh bại các đội quân hiện đại. Bên cạnh đó, người ta cũng tự hỏi rằng liệu những phong trào hòa bình - một số thậm chí diễn ra ngay tại quốc gia gây chiến - có thể xoay chuyển chính sách của một cường quốc hay không. Những câu hỏi ấy tưởng như đơn giản, nhưng lại khó để trả lời - dù là vào lúc Sài Gòn thất thủ, hay là ở hiện tại. Tuy nhiên, sự thật rõ ràng chỉ ra rằng cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm, và một tội ác - người ta phát động nó quá dễ dàng, thực hiện nó một cách quá tàn bạo, và rồi bị ném bỏ hoàn toàn.

Câu chuyện về sự sụp đổ của Nam Việt Nam thực chất là một thất bại đã được dự báo từ trước. Cả Richard Nixon và Henry Kissinger khi nhận ra cuộc chiến này không còn phù hợp với tình hình chính trị nữa, đã chấp nhận rút quân Mỹ khỏi Việt Nam - theo các điều khoản của Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Họ biết rằng điều này đồng nghĩa với thắng lợi của miền Bắc, nhưng cũng muốn có một “khoảng thời gian thích hợp” - theo lời của Kissinger - giữa sự rời đi của nước Mỹ và thất bại của Nam Việt Nam. Điều này có nghĩa là họ vẫn mong muốn Nam Việt Nam có thể tiếp tục chiến đấu sau khi quân đội Mỹ đã rút đi - như vậy thì nước Mỹ cũng sẽ không mất mặt với quốc tế. Lý do là vì sự thay đổi trong vị thế chính trị chung của Nixon khi đó. Quốc Hội Mỹ ngày càng phản đối kéo dài cuộc chiến, dẫn đến việc những khoản viện trợ cho Sài Gòn dần bị cắt bớt.

Cuối tháng 8 năm 1974, người phụ trách các khoản viện trợ quân sự cho quân đội Nam Việt Nam là Thiếu tướng John E Murray đã viết thẳng rằng “nếu không có hỗ trợ thì Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ thua trận; họ có thể chưa thua ngay tuần tới, hay tháng tới, nhưng đến năm sau chắc chắn sẽ thua.” Xét trên các phương diện kỹ thuật và quân sự, bản chất của cuộc chiến khá đơn giản. Nam Việt Nam là một vùng đất không thuận lợi về mặt địa lý khi luôn trong tình trạng có thể bị đánh thọc sườn. Luôn phải có lực lượng phòng vệ nó ở mọi điểm trọng yếu, mà nếu thiếu viện trợ của Mỹ thì việc này không thể thực hiện được. Và giờ, những viện trợ đó cũng đang dần biến mất.

Tổng thống Thiệu - người mà tính chính danh vốn đã không có nhiều - giờ còn được ít sự ủng hộ hơn. Nền kinh tế ở miền nam đang sụp đổ, thậm chí những người Công giáo vốn ủng hộ ông ta cũng đã quay lưng; những người theo đạo Phật thì ngày càng phản đối mạnh mẽ; ông ta thậm chí còn không được những người theo đường lối ôn hòa và trung lập ủng hộ nữa. Nam Việt Nam đang ở trong tình trạng hiểm nghèo, nhưng Bắc Việt cũng có những vấn đề của riêng họ. Mặc dù Đảng và chính phủ luôn cho thấy một sự tự tin tuyệt đối rằng chiến thắng và thống nhất sẽ đến, nhưng nội bộ của họ cũng có những nghi ngờ. Bắc Việt cũng gặp nhiều vấn đề về vũ khí và trang thiết bị, vì người Nga và người Trung Quốc cũng dần giảm hỗ trợ quân sự sau Hiệp định Hòa bình Paris. Và cũng như Nam Việt Nam, họ cũng lo lắng về sự đáng tin và động cơ thực sự của các đồng minh. George J Veith đã viết trong cuốn “Black April” rằng lúc ấy, Hà Nội cảm giác rằng “cơ hội chiến thắng thực sự rất nhỏ”.

Kế hoạch ban đầu sẽ là một chiến dịch quân sự kéo dài hai năm, và kết thúc với chiến thắng vào năm 1976. Nhưng những cuộc tấn công mở màn ở Tây Nguyên thành công đến mức họ quyết định tổng tiến công ngay vào năm 1975. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vẻn vẹn hai tháng. Những thất bại đầu tiên của Nam Việt Nam đến từ việc thiếu lực lượng dự bị và hỏa lực, và những quyết định sai lầm của Thiệu cũng như các tướng lĩnh của ông ta chỉ khiến tình hình xấu đi. Quân đội Bắc Việt nhanh chóng áp sát Sài Gòn. Tại Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng hay nhiều nơi khác; có thể thấy những cảnh tượng hoảng sợ và hỗn loạn, nhiều người bất tuân mệnh lệnh và bỏ chạy; nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trận đánh cam go và quyết liệt. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì Nam Việt Nam - dù là một đất nước thực sự hay chỉ là một “chính quyền tay sai” - cũng đã tiến dần đến hồi kết. Điều ấy khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

Những phóng viên chọn ở lại Sài Gòn hầu hết là người Pháp và người Nhật, có cả một số là người Anh cùng một hai người Mỹ nhưng giả làm người Canada. Chúng tôi đưa tin về một cuộc chiến - dĩ nhiên luôn tồn tại rủi ro, nhưng có phần dễ chịu hơn hẳn nhiều cuộc chiến khác. Chúng tôi được phép di chuyển trên những chiếc máy bay và trực thăng của quân đội Mỹ; được cung cấp nơi ăn chốn ở và được bảo vệ bởi quân đội Mỹ và Nam Việt Nam. Buổi sáng chúng tôi có thể còn đang ở gần một chiến trường ở phía bắc, nhưng đến chiều là đã có thể quay về Sài Gòn uống một ly sau khi tắm rửa được rồi. Nhưng giờ, mọi thứ ấy đã biến mất hoàn toàn. Những sự hỗ trợ và bảo vệ của người Mỹ đã biến mất. Nhiều người liên lạc bản địa cũng vậy. Các trợ lý, tài xế hay thông dịch viên cũng không còn tăm hơi đâu nữa. (Vẫn có một số ngoại lệ ở lại, nhưng hóa ra họ lại đều là điệp viên của phía cộng sản).

Phía Bắc Việt có một vài sĩ quan biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng họ cũng hiếm khi giúp được chúng tôi. Có một lần, ngay sau khi thành phố thất thủ, một đơn vị quay phim của quân đội Bắc Việt xông vào văn phòng của CBS và yêu cầu họ giao nộp những đoạn phim quay cảnh trận đánh thực sự cuối cùng tại Bến Tân Cảng. Họ trông có vẻ tức giận và nhễ nhại mồ hôi - chắc là họ đến chậm nên không quay được gì nên muốn lấy đi những cảnh mà bên đài truyền hình của Mỹ đã quay được. Tôi đã chứng kiến việc ấy, và vội chạy đi để tìm một vị tướng Bắc Việt có vẻ lịch sự mà tôi đã gặp trước đó. Ông ta đến và nhanh chóng giải quyết rắc rối, đồng thời lệnh cho những người lính kia giải tán. Trưởng phòng của đài CBS thở phào nhẹ nhõm và mời người này một ly, nhưng ông lịch sự từ chối.

Nói chung, cánh phóng viên chúng tôi đều gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ có một số ít ỏi thiết bị cần thiết. Ban đầu chúng tôi còn không thể gửi báo cáo, vì bưu điện đã đóng còn mọi đường dây fax và điện thoại cũng đều ngừng hoạt động. Sau đó khi mọi thứ đã bình thường, chúng tôi gửi hàng loạt ghi chép về những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhưng sau đó, chúng tôi có thể làm gì tiếp được đây? Bình thường chúng tôi sẽ viết những bài báo phê bình các chính sách của Mỹ và chính phủ cùng quân đội Nam Việt Nam. Nhưng giờ tất cả đều đã không còn nữa rồi, và những lời chỉ trích của chúng tôi cũng chẳng quan trọng mấy nữa. Vài người chọn đi thăm nhiều địa điểm từng là những nơi quan trọng và viết những mẩu tin theo dạng “trước đây và hiện tại” mô tả sự thay đổi của những nơi ấy. Tôi cùng mấy người khác thì cùng lái xe dọc theo Quốc lộ 13 về phía An Lộc - một thị trấn nhỏ ở phía bắc Sài Gòn, từng bị bao vây trong cuộc tấn công năm 1972. Trên đường, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ: những đôi ủng - có lẽ của cả một đại đội - được xếp ngay ngắn ven đường. Những bộ đồng phục của quân đội Nam Việt Nam thì nằm rải rác trong các con mương hai bên đường. Có thể thấy những cảnh tương tự như vậy ở nhiều nơi khác. Có lẽ quân đội Bắc Việt đã yêu cầu những người đầu hàng cởi bỏ tư trang vật dụng.

Trên đường rời An Lộc, chúng tôi đi qua tòa đại sứ quán Anh, và chợt nhận thấy toán lính canh gác nó đã tháo lá cờ xuống làm mái che nắng. Bất ngờ và giận dữ, tôi lao ra khỏi xe đến chỗ họ và yêu cầu họ treo lá cờ lại. Chắc vì tưởng tôi là người Nga hay Đông Đức hay ai đấy có quyền nên họ gập lá cờ lại.

“Sao mình lại làm thế?” tôi đã tự hỏi. Những người lính kia dĩ nhiên không có ý xúc phạm. Đó chỉ là một mảnh vải mà thôi. Có lẽ là bởi vì chúng tôi đều vẫn đang nghĩ về những cuộc chiến thời trước, và vẫn còn giữ nguyên tư tưởng về sự vượt trội của phương Tây. Chúng tôi đều thế cả, dù gần như không có ai thật lòng ủng hộ cuộc chiến.

Trước khi thành phố thất thủ, một phóng viên người Mỹ kiêm sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ là Philip Caputo đã tự hỏi rằng liệu những gì đang xảy ra có giống như trong lịch sử - khi những quân đoàn La Mã buộc phải rút khỏi những vùng biên giới của Đế chế hay không? Phải chăng sự thống trị của phương Tây, với nước Mỹ là hiện thân cuối cùng, rốt cuộc đã sắp cáo chung? Có thứ gì đó đã sụp đổ và thứ gì khác - một thứ không thuộc về “chúng ta” - sẽ thế chỗ.

Chúng tôi cũng thử viết về những gì đang xảy ra ở nước Việt Nam mới. Có những điều xảy ra ngay trước mắt, tại chính khách sạn nơi chúng tôi ở - các nhân viên được gọi đi để tham dự nhiều lớp học cải tạo. Người ta gọi đó là Học tập, và rồi ai cũng sẽ phải tham dự. Các cựu sĩ quan quân đội cũng phải tham gia. Chúng tôi tự hỏi rằng liệu họ có định thiết lập một thể chế tách biệt ở miền Nam - ít nhất là trong giai đoạn trước mắt hay không? Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ đóng vai trò gì? Câu trả lời cho hai câu hỏi trên là một chính quyền miền Nam tách biệt sẽ không tồn tại lâu, và chính phủ cách mạng lâm thời sẽ không có nhiều vai trò. Nhưng chúng tôi không có mấy thời gian tìm hiểu, và kiểu cách hoạt động gần như bí mật của chính quyền khiến chúng tôi chỉ nắm được những điều khá mơ hồ về những gì đang xảy ra mà thôi.

Chúng tôi có cảm tưởng rằng bản thân - hay đúng hơn là các quốc gia mỗi người đại diện - đã không còn được tôn trọng như trước. Cảm giác này được củng cố bởi sự thật là dù cánh phóng viên không phải tù binh, thì cũng không được hoàn toàn tự do thoải mái. Chúng tôi không thể tự quyết định xem mình sẽ ở lại Việt Nam hay rời khỏi nơi đây. “Họ” sẽ là những người quyết định điều ấy. Chúng tôi ngưỡng mộ những con người này và sự kỷ luật của họ, nhưng thái độ cứng rắn của họ khiến chúng tôi lo ngại. Có cảm tưởng như có rất ít cơ hội hòa giải dân tộc dựa trên những thỏa hiệp có phần hạn chế đã được đề ra. Một phóng viên người Ý là Tiziano Terzani viết trong cuốn sách “Giai Phong!” của mình rằng: ông cảm thấy “vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi” rằng cuộc cách mạng này đã chạm tới cái gọi là “ranh giới của nhân tính”.

Việc bị loại ra khỏi mọi thứ đang diễn ra khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Đa số các phóng viên người Anh dành hầu hết thời gian của ngày trong một căn biệt thự rộng lớn thuộc về một ngân hàng Anh. Người đại diện còn lại của ngân hàng - một người Ấn Độ - sẵn lòng để chúng tôi sử dụng nó để tránh căn biệt thự bị trưng dụng. Ở biệt thự ấy có một con chó to, ngoan ngoãn và thân thiện. Một buổi tối nọ, có một vài cảnh vệ Bắc Việt đến và hỏi xem chúng tôi làm gì ở đây. Họ nhìn thấy con chó và cuối cùng trước khi đi, một người vừa xoa bụng vừa bảo rằng “Ăn chắc ngon đấy.” Sau khi họ đã đi khỏi, chúng tôi mới giận dữ bảo nhau rằng “Thằng khốn ấy muốn ăn thịt con chó của chúng ta.” Một thời gian ngắn sau, chúng tôi cùng khoảng 100 phóng viên khác, được yêu cầu rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi được sắp xếp lên một chiếc máy bay loại Antonov của Nga và hạ cánh ở Viêng Chăn của Lào. Trước khi đi, chúng tôi đã cố thu xếp tìm người bảo vệ con chó, nhưng cũng không dám hy vọng gì nhiều.

Ở Washington, một trong những phóng viên phản chiến Mỹ nhiệt thành nhất là Gloria Emerson đã ghi lại về sự phấn khích đến lố bịch, những cái vỗ tay, chúc tụng và những điếu xì gà được châm lên ở Nhà Trắng để ăn mừng chiến dịch Mayaguez. Mayaguez vốn là một tàu chở hàng của Mỹ có thủy thủ đoàn bị Khmer Đỏ bắt giữ ở ngoài khơi Campuchia vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ. Người Mỹ đã cử lính thủy quân lục chiến tới để giải cứu thủy thủ đoàn. Chiến dịch này sau đó đã được thổi phồng lên như một thắng lợi to lớn nhằm xóa đi thất bại đáng xấu hổ vào ngày 30/4 ở Việt Nam và việc Pnomh Penh sụp đổ trước đó. Trên thực tế, đây là một thất bại khi người Mỹ đã thiệt hại rất nhiều về người khi tấn công lực lượng Khmer Đỏ.

Vụ việc Mayaguez là một bằng chứng cho thấy rằng người ta có thể đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng không thể khiến người Mỹ ngừng nghĩ về Việt Nam được. Trong những thập kỷ kế tiếp, nước Mỹ vẫn tiếp tục chiến tranh theo cách của riêng mình - đó là cấm vận kinh tế và cô lập chính trị với nước Việt Nam mới. Đỉnh điểm của việc này là khi nước Mỹ ủng hộ tàn dư của Khmer Đỏ trong việc chống lại chính quyền do Việt Nam góp phần thành lập tại Pnomh Penh.

Hiện nay, hai nước đã thân thiện trở lại - giống như Hồ Chí Minh từng mong muốn vào năm 1945. Nhưng kể cả khi nước Mỹ đã ngừng các hành động trừng phạt đối với Việt Nam, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục theo những cách khác. Tất cả những gì nước Mỹ làm sau đó đều xuất phát từ nỗi sợ và việc tái khẳng định vị thế quân sự của họ. Nước Mỹ sợ một Việt Nam khác, sợ sa vào một vũng lầy và phải hứng chịu một thất bại khác. Họ gần như bị ép phải tìm kiếm một quốc gia khác để tái thực hiện những gì đã làm ở Việt Nam - nhưng lần này kết quả phải là chiến thắng một cách rõ ràng và thuyết phục. Nước Mỹ đã tìm kiếm điều này hết lần này đến lần khác, mà gần đây nhất chính là ở các nước Afghanistan và Iraq. Có thể nói Việt Nam như một bóng ma luôn ám ảnh nước Mỹ mà không chịu biến mất. Và vì thế, chiến tranh chưa bao giờ thực sự chấm dứt với nước Mỹ.

Tôi lại nhớ về một lần đi dạo trong vườn bách thảo ở Sài Gòn không lâu trước khi thành phố thất thủ cùng Peter Kann của báo Wall Street Journal. Hai chúng tôi bắt gặp một cậu bé khoảng 13 tuổi. Cậu bé lôi từ trong túi ra một thứ thú vị - một mô hình trực thăng của quân đội Mỹ được làm từ những thứ bỏ đi như hộp đựng bút bi và các mảnh lon bia. Những món đồ này khá kỳ công, và chúng tôi ấn tượng khi cậu bé dùng thứ tiếng Anh tương đối chuẩn giải thích cách cậu bé làm ra chúng như thế nào. Chúng tôi mua hai cái, mắt tôi cay cay khi nhìn cậu bé cất kỹ mấy tờ tiền, và tôi nghĩ Kann cũng có cảm xúc tương tự. Không biết sau này cậu bé ấy có còn phải vất vả kiếm sống như vậy hay không; nhưng quả thực là cả đất nước Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh kinh hoàng vẫn sẽ gặp nhiều chông gai trong tương lai - và cả nước Mỹ cũng vậy. Có những đau đớn và nỗi buồn đã nằm lại trong quá khứ, nhưng lúc ấy tôi có linh cảm rằng; dù mọi thứ ở Sài Gòn có kết thúc, thì tương lai vẫn sẽ có những điều tương tự như vậy xảy ra.

Bài viết gốc của nhà báo Martin Woollacott, đăng ngày 21/4/2015 nhân dịp 40 năm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024