Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/05/2023 20:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Học tập suốt đời - năng lực “sống còn” trong thế kỷ 21


Học tập suốt đời ư? Tôi không nghe nhầm đấy chứ? Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi những đêm ngủ gục trên đống bài vở, phờ phạc sau mỗi kỳ thi. Giờ thì hãy để đầu óc tôi được thư giãn một tí! Tôi đã học miệt mài không dưới chục năm trời. Giờ tôi cần đi làm, cần kiếm tiền và tận hưởng cuộc sống sau bao vất vả. Học suốt đời ư? Nghe thật ám ảnh!

Đừng căng thẳng với chữ “học” như vậy. Ngay lúc bạn đang lang thang trên mạng và muốn đọc bài viết này, có nghĩa là bạn đang muốn biết một thông tin nào đó có ý nghĩa với bạn. Đây có phải là việc bạn đang đáp ứng nhu cầu học tập của chính mình không? 

Học tập không chỉ có hình thức chính quy

Nếu bạn nghĩ học tập là phải tới lớp phù hợp với độ tuổi, theo một chương trình học nhất định, sử dụng giáo trình quy định, nhận văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thì đó là bạn đang liên tưởng đến hình thức giáo dục chính quy. Theo UNESCO, còn có 2 hình thức giáo dục ngoài chính quy là “non-formal education” và “informal education”.

”Non-formal education” được hiểu đơn giản là học tập diễn ra ở các tổ chức ngoài hệ thống chính quy, như là các khóa học ngắn hạn dạy kỹ năng mềm, ngoại ngữ, nghệ thuật, các khóa đào tạo nội bộ, các chương trình học tập cộng đồng,... ”Non-formal education” còn có thể được hiểu là tương ứng với hình thức giáo dục thường xuyên ở Việt Nam.

“Informal education” có thể diễn ra tự phát trong đời sống như khi trò chuyện, nấu ăn, đi du lịch, đọc sách báo,... Và cũng có thể xảy ra tự nhiên khi người học đang tham gia vào các hình thức học tập chính quy hay không chính quy. Đây là một hình thức học tập tự nguyện được thôi thúc bởi sự thỏa mãn cá nhân (có thể là theo đuổi sở thích cá nhân, tham vọng nghề nghiệp hay lý tưởng sống).

Các hình thức học tập chính quy và không chính quy trên sẽ bổ sung và củng cố lẫn nhau trong quá trình học tập suốt đời.

Thực trạng học tập dựa trên nỗi sợ sinh tồn

Không phải ngẫu nhiên mà các “ông lớn” như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg đều bỏ học đại học. Tất nhiên, không phải ai bỏ đại học cũng thành công như ước muốn, có khi họ còn phải vất vả hơn rất nhiều mà cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Từ bỏ học tập chính quy không có nghĩa là ngừng học. Họ không nhàn nhã hơn mà đã chủ động học hỏi rất nhiều.

Thử nhớ lại xem tại sao bạn nỗ lực học tập ở trường? Tại sao bạn chọn học ngành đó? Có khi nào bạn buộc phải ghi nhớ điều gì đó không có liên quan đến bản thân và cũng chưa rõ để làm gì ngoài mục đích thi cử? Có khi nào bạn đi học vì thấy “người ta sao, mình vậy” chứ chưa thực sự biết bản thân đang cần gì, muốn gì?

Sau một khoảng thời gian dài miệt mài “cắm mặt” vào sách vở, có thể chúng ta đã quen với việc có ai đó lên kế hoạch hộ mình, quen với việc cần những động lực bên ngoài thôi thúc học tập (như điểm số, bằng khen, cái nhìn ngưỡng mộ từ bạn bè hay sự hài lòng từ gia đình). Để rồi khi trưởng thành, chúng ta không đủ khả năng tự học, tìm kiếm giải pháp, làm việc với con người, thích nghi trước biến đổi. Ta còn hoang mang với cả chính bản thân mình. Mình thực sự muốn gì? Ý nghĩa cuộc đời này là gì?

Hiện nay, tỷ lệ cử nhân đại học thất nghiệp nhiều hơn lao động trình độ trung cấp. Người có việc thì chán làm, muốn nghỉ việc, nhảy việc liên tục. Theo VietnamWorks, có đến 80% người lao động tham gia khảo sát muốn chuyển việc trong nửa cuối năm 2022. Rốt cuộc, chúng ta học tập vì điều gì vậy? Học để có bằng cấp, vậy sau khi nhận bằng cấp thì chúng ta hết học sao? Học để bớt khổ, vậy nếu học việc khó khổ quá thì chúng ta sẽ đi tìm cơ hội khác sướng hơn sao? Học để kiếm tiền, vậy chỉ lúc lương về mới vui, còn lại chuỗi ngày phải mày mò trong công việc là rất chán nản hay sao?

Nhu cầu học tập suốt đời càng cấp thiết trong thế kỷ 21

Theo UNESCO, quan điểm nhấn mạnh việc học hỏi cần thiết từ khi nằm nôi đến lúc xuống mồ đã có từ xã hội cổ đại chứ không mới bắt đầu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, thế kỷ 21 với xu hướng toàn cầu hóa, mục đích học tập ngày nay không chỉ để biết đọc, biết viết theo phong trào xóa mù chữ hay “dậm chân tại chỗ” với một tấm bằng có thời hạn vĩnh viễn. 

Giáo dục thế kỷ 21 cần trang bị cho người học năng lực để học cách học những thứ bản thân và xã hội cần, học cách giải quyết vấn đề, cách thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là giáo dục cần lấy người học làm trung tâm. Người học sẽ không còn bị hạn chế trong một mô hình giáo dục hay một tổ chức nhất định; họ được trao quyền học tập chủ động để tạo ra sự khác biệt cá nhân, có thể linh hoạt kết nối với nhau. Họ được trao cơ hội thể hiện và được công nhận năng lực thay cho bằng cấp.

Vậy tại sao việc học có thể khép lại sau cánh cửa giảng đường trong khi mọi thứ đều luôn biến đổi? Liệu chúng ta đã có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại? Và liệu chúng ta có tự tin là mình đủ khả năng giải quyết các vấn đề hàng ngày của chính mình?

Học tập suốt đời là chìa khóa mở lối vào thế kỷ 21. Nó liên kết với một khái niệm khác thường được đưa ra, đó là xã hội học tập.

Ủy ban quốc tế về giáo dục cho thế kỷ 21

Có thể bạn sẽ thấy “hụt hơi” khi nghĩ đến việc học hành phải “rượt đuổi” theo tốc độ thay đổi của thời đại như vậy. Tôi không muốn có một bài viết đã nhiều chữ rồi mà còn “dặm” thêm tình tiết căng thẳng vào cuộc sống vốn đã đầy rẫy stress này. Tôi muốn có vài đề xuất để đối mặt với thách thức.

Củng cố niềm vui học tập ngay từ khi còn nhỏ

Học tập vốn diễn ra rất tự nhiên theo bản năng:

- Một đứa trẻ sơ sinh có bản năng giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng tiếng khóc để nhận được sự giúp đỡ của mẹ.

- Một đứa trẻ biết bò đã biết tận dụng mọi giác quan để khám phá đồ vật. Có khi chúng khám phá bằng miệng, có khi đập đập xuống sàn hay ném ra xa.

- Một đứa trẻ biết đi, biết nói sẽ thể hiện sự “hiếu học” bằng khả năng lục lọi cao độ, đặt nhiều câu hỏi về xung quanh, liên tục khám phá các giới hạn.

Có thể từ nỗi lo về một tương lai phải chật vật với cơm áo gạo tiền mà không ít phụ huynh rất căng thẳng trước ngưỡng cửa cấp 1. Các lớp tiền tiểu học mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu “cho con biết trước một tí”. Với những đứa trẻ đang tuổi phát triển mạnh về cảm xúc xã hội, đáng lẽ chúng cần kết nối với nhau bằng những tình cảm hướng thượng. Đằng này, các con lại sớm bị đưa vào guồng quay thi thua, so sánh với nhau nhằm hướng tới mục tiêu vị kỷ. Những trẻ điểm kém thì bị bạn cười, tự ti thu mình vào thế giới ảo; trẻ điểm cao thì dễ sinh lòng khoe khoang. Từ đây, chúng ta dễ thấy một xã hội tương lai sẽ như thế nào.

Củng cố niềm vui học tập từ nhỏ không đến từ việc học chính quy với khởi đầu dễ dàng, với niềm vui thành tích. Ngay khi vui chơi theo đúng bản năng của mình, những đứa trẻ cũng có thể học được nhiều điều:

- Học cách làm việc với con người trong những trò chơi tập thể.

- Học tuân thủ luật chơi, thương lượng với nhau, xử lý tình huống bất ngờ, tìm kiếm sự trợ giúp.

- Học cách thấu hiểu bằng việc hóa thân vào nhiều vai trò khác nhau.

- Học chấp nhận thất bại từ thử và sai và kiên trì đến khi trò chơi hoàn thành.

- Học về tư duy, sáng tạo khi chúng được chơi với những đồ vật cực kỳ đơn giản như thùng các - tông, các khối gỗ trơn.

- Học cách sắp xếp, lên kế hoạch thực hiện trò chơi cá nhân hay nhóm.

Để người lớn có thể học tập suốt đời trong thế kỷ 21

Trước hết, để mỗi chúng ta tự nguyện học suốt đời thì bản thân “cái sự học” ấy cần được thấy rõ giá trị và gắn liền với động lực nội tại hơn là phụ thuộc vào thưởng - phạt bên ngoài. Một định hướng học tập diễn ra song song với cuộc sống hàng ngày, niềm vui thiên về quá trình hơn là hướng tới kết quả nhất định.

Trong thế kỷ 21, việc học không thể nằm ngoài ảnh hưởng của công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa. Người học dễ “ngộp” trong bể thông tin, và ở đó có không ít thông tin rác. Chúng ta không những không thể làm chủ kiến thức mà có khi còn bị kiến thức làm chủ mình. Nhưng như người Phương Đông xưa có câu: “loạn thế xuất anh hùng”, khi khó khăn càng nhiều thì cơ hội sẽ càng lớn. Kỷ nguyên số mở ra rất nhiều cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người.

Loạn thế xuất anh hùng.

Chúng ta có thể tận dụng công nghệ thông tin để linh hoạt học tập theo bề rộng nhưng cũng cần thời gian “ngẫm” để phát triển theo chiều sâu. Chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời cho vô vàn thắc mắc của mình từ hệ thống thư viện mở, từ những kết nối liên thế hệ hay từ chính trải nghiệm sống của bản thân.

Học tập suốt đời có mối quan hệ mật thiết với năng lực tự học .

Bên cạnh lòng nhiệt thành, người học cần phải hiểu về bản thân để đủ khả năng nhận thức và kiểm soát xung lực bên trong, rồi kiên trì hành động. Người học cũng cần hiểu biết về thế giới bên ngoài để kết nối với các nguồn lực phù hợp. Rõ ràng, thế giới này có nhiều người thích chạy, mê chạy nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua thử thách marathon, phải thế không?

Lời kết

Cách đây 78 năm, toàn dân Việt đã hưởng ứng lời Bác, đồng lòng trong chiến dịch xóa mù chữ. Thế hệ cha ông đã dùng gạch, phấn để viết xuống đất, lên cây thay cho bút và giấy. Chỉ cần có cánh cửa hay tấm ván thôi là mọi người có thể học; học ở bất cứ đâu dù là trong nhà, ngoài sân đình hay trên đường đi; học cả ban đêm, lúc mới từ ruộng hay từ công xưởng về; học đánh vần từng chữ cái cả khi đầu đã điểm hai thứ tóc.

Ngày nay, thế hệ con cháu đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thì sao lại không thể học hăng say được như thế? 

Từ bài học của Bác về phong trào xóa nạn mù chữ, thiết nghĩ để tiến tới một xã hội học tập thì không thể thiếu sự ủng hộ của toàn dân, do dân, vì dân, cùng nhân dân đồng lòng làm giáo dục. Bạn có nghĩ thế không?




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024