Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/04/2023 23:04 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Ryuichi Sakamoto - Người đóng góp thầm lặng phát triển nền âm nhạc thế giới


Ngày 28/3 vừa qua, Ryuichi Sakamoto qua đời. Đây là một sự kiện gây tiếc thương cho toàn thế giới, nhưng có lẽ các bạn đều lạ lẫm với cái tên này bởi ông không hề nổi danh trong nền âm nhạc đại chúng. Tuy nhiên, nếu như bạn sống ở Nhật vào những năm 1980 thì đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đối với người Nhật, ông là người tiên phong làm mới nền âm nhạc, gần như là người đầu tiên sử dụng các công nghệ điện tử tiên tiến để tạo ra âm thanh mới, áp dụng không giới hạn một thể loại nhạc cụ thể. Nhưng phải cho tới khi kiệt tác điện ảnh “The Last Emperor” ra mắt năm 1987, tài năng của Ryuichi mới được công chúng trên toàn thế giới ghi nhận. Bằng chứng là bộ phim đã đạt giải “Âm nhạc xuất sắc nhất” trong lễ trao giải của viện Hàn Lâm năm 1987, cũng như “nhạc phim xuất sắc nhất” của giải Grammy năm 1989. 

Vẫn còn đó nhiều những đóng góp thầm lặng của ông việc phát triển nền âm nhạc thế giới, từ vị trí là người tiên phong cho sự phát triển của dòng nhạc điện tử, cho tới việc là người đưa những âm thanh thân thuộc nhất của đời sống vào âm nhạc.

Tiểu sử

Sakamoto Ryuichi sinh ngày 17/01/1952 tại Tokyo. Ông không có xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha mẹ ông chỉ đơn thuần là những người rất thích nghe nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc danh tiếng Claude Debussy - một nhân vật rất có ảnh hưởng tới ông Ryuichi sau này. Cũng một phần vì vậy mà ông đã bắt đầu làm quen với chiếc Piano ngay chỉ khi vừa mới chập chững biết đi. Tới 3 tuổi thì chính thức học chơi nhạc.

Niềm đam mê với âm nhạc vẫn theo Ryuichi cho tới khi ông học hết trung học. Năm 18 tuổi, ông theo học tại Học viện Âm nhạc Nghệ thuật Tokyo. Tại đây, ông lấy được bằng cử nhân môn sáng tác âm nhạc, và bằng thạc sĩ khoa học xã hội. Ông tập trung theo ngành âm nhạc dân tộc với ý định trở thành một nhà nghiên cứu trong ngành này, do ông rất có hứng thú với nhiều nền âm nhạc truyền thống trên thế giới, đặc biệt là âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Ấn Độ và Châu Phi. Những nghiên cứu này phần nào đó sẽ định hình phong cách âm nhạc của Ryuichi trong tương lai. 

Trên giảng đường, ông cũng được đào tạo về âm nhạc cổ điển, và một suy nghĩ chợt lóe sáng trong đầu, “tại sao không kết hợp các thiết bị âm nhạc điện tử hiện đại sẵn có trên trường vào âm nhạc cổ điển?” Vậy là ông đã sử dụng các thiết bị có sẵn để bắt đầu sáng tác ra các tác phẩm mới mang âm hưởng hiện đại nhưng lại có nền tảng âm nhạc truyền thống, và sử dụng nó để khiến cả thế giới choáng ngợp trong suốt 50 năm tiếp theo. 

Người tiên phong của dòng nhạc điện tử

Như đã nói ở trên, một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn tới Sakamoto là Claude Debussy. Ông mô tả nhạc sĩ người Pháp là một “anh hùng” đối với bản thân, bày tỏ rằng chính âm nhạc của Debussy đã ảnh hưởng rất lớn với ông và nền âm nhạc châu Á. Ngoài ra, ông còn có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc của các nghệ sĩ từ cổ điển cho tới hiện đại như Pierre Boulez, Karlheinz Stockhausen, Gyorgy Ligeti, Kraftwerk, The Beatles và Rolling Stones. 

Tới năm 1975, ông hợp tác cùng nghệ sĩ Tsuchitori Toshiyuki để phát hành sản phẩm “Disapointment-Hatemura”. Sau đó thì ông có hợp tác cùng với Yukihiro Takahashi năm 1977. Các sản phẩm này không thành công lắm về mặt doanh số, nhưng nó là cột mốc quan trọng để cả 3 người nghệ sĩ tài năng cảm nhận được độ ăn ý khi làm việc cùng nhau. Họ thành lập ban nhạc điện tử “Yellow Magic Orchestra” (YMO) vào năm 1978 và bắt đầu hành trình chinh phục đại chúng. Ban nhạc phát hành một loạt các album được đón nhận nồng nhiệt bởi đại chúng như 

Đầu tiên là “Technodelic” - đánh dấu sự chuyển mình của nhóm nhạc sang thể loại Techno, được xem là một trong những album nhạc điện tử kinh điển nhất của thập niên 80. 

Tiếp đến là “Solid State Survivor” - Album chứa những bản nhạc thành công nhất của nhóm như “Behind the Mask” và “Rydeen”. Đây cũng là một trong những Album nhạc điện tử đầu tiên được phát hành trên thị trường quốc tế. 

Tiếp nối sau đó là các Album trong thời kì đỉnh cao của nhóm, gây dựng tiếng vang vô cùng lớn cho YMO, bao gồm “BGM”, Naughty Boys” và “Service”.

Doanh số bán đĩa của nhóm chưa bao giờ được công bố chính thức. Tuy nhiên, YMO tới nay vẫn được người dân Nhật Bản xem là một trong những ban nhạc thành công nhất lịch sử âm nhạc Nhật Bản, đặc biệt là trong thập niên 80. Các album của nhóm đã bán được hàng triệu bản, và tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của thể loại âm nhạc điện tử và nhạc Pop, thậm chí vượt ra ngoài lãnh thổ đất nước mặt trời mọc.

Thể loại nhạc điện tử bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong đại chúng, đặc biệt như ElectroPop/TechnoPop, SynthPop, Cyberpunk, Ambient House, hay Electronica. Với cương vị là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của thể loại nhạc điện tử. Theo như tạp chí AllMusic và các bài viết trên tờ The Rolling Stone đăng tải năm 2019, rất nhiều các nghệ sĩ sau này đã chịu sự ảnh hưởng từ âm nhạc của YMO, có thể kể đến như A-ha, Daft Punk, Radiohead, Bjork, hay LCD Soundsystem. 

Sakamoto trong khoảng thời gian này là nhạc sĩ và cũng là nhà soạn nhạc chính cho một số bài hát nổi tiếng của nhóm, bao gồm “Yellow Magic”, “Technopolis”, “Nice Age”, “Ongaku”, “You’ve Got to Help Yourself”. Ông thậm chí đã hát một số bài trong đó, như “Kimi ni Mune Kyun” hay “Behind the Mask”. Nói tới “Behind the Mask”, nó là một hit thành công trên toàn thế giới khi phần nào đó định hình dòng nhạc Synthpop trước thời đại. Thậm chí về sau này, bài hát còn được những ca sĩ nổi tiếng phương Tây trình bày lại, trong đó có ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson và người ca sĩ tài hoa Eric Clapton. 

Chưa đủ thỏa mãn với các thành công khi là một phần của YMO, ông tiếp tục thử thách bản thân khi thực hiện các sản phẩm solo. Ryuichi phát hành Album đầu tiên của bản thân mình, “Thousand Knives of Ryuichi Sakamoto” vào giữa năm 1978 với sự giúp đỡ của Hideki Matsutake cho bài hát “Thousand Knives”. Album này là sự thử nghiệm của Ryuichi với nhiều phong cách khác nhau. Ví dụ như “Thousand Knives” và “The End of Asia” kết hợp âm nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống của Nhật Bản, trong khi “Grasshoppers” là một khúc dương cầm tối giản. Album được thu sử dụng nhiều loại nhạc cụ điện tử hiện đại vào thời điểm đó, chẳng hạn như KORG PS-3100; Oberheim Eight-Voice; Moog III-C; Polymoog, Minimoog; Micromoog; Korg VC-10; KORG SQ-10, Syn-Drums, cùng một trình biên soạn âm thanh lập trình bởi Matsutake. Một phiên bản khác của bài hát “Thousand Knives” cũng được phát hành.

Các Album solo tiếp theo của Sakamoto Ryuichi cũng tiếp tục giữ đúng với tinh thần của sản phẩm đầu tiên, tiếp tục là đầu tàu cho các nhánh khác nhau thuộc thể loại nhạc điện tử. Album “B-2 Unit” ra mắt năm 1980 có bao gồm sản phẩm “Riot in Lagos”, được coi là một trong những bản nhạc đầu tiên thuộc thể loại Electro-funk. Một vài nghệ sĩ electro và hip-hop thời kì đầu như Afrika Bambaataa và Kurtis Mantronik đều nhận định rằng mình đã được truyền cảm hứng rất lớn từ Album này. Sự ra mắt của “Riot in Lagos” cũng lọt vào danh sách 50 sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển của nhạc Dance. Cũng tương tự như vậy, theo nhận định của tạp chí Fact, bản nhạc “Differencia” sử dụng những nhịp bass synth dồn dập đặc trưng của dòng nhạc Jungle, thậm chí dòng nhạc này tận gần 1 thập kỷ sau mới bắt đầu thịnh hành trong các club ở Anh. Một vài bài hát khác cũng tạo nên nền tảng cho sự phát triển của các dòng nhạc IDM, broken beat và industrial techno. Chưa kể rằng Sakamoto cũng đã cộng tác cùng một producer người Anh chuyên về dòng nhạc reggae, Dennis Bovell, để thực hiện một vài track có sử dụng yếu tố của afrobeat và dub music. Và đó cũng chẳng phải lần cuối cùng ông cộng tác với một nghệ sĩ phương Tây. 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024