Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/12/2022 20:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Làm sao để hạnh phúc với chính mình trong hiện tại?


Bạn có còn nhớ cảm xúc khi lần đầu nghe thấy bài hát yêu thích mà sau này ngân vang mãi trong lòng mình. Có còn nhớ cảm xúc khi lần đầu nói chuyện với người bạn mà tri kỉ mà sau này cùng ta trải qua cả tuổi trẻ. Có còn nhớ cảm xúc khi lần đầu trở về lại nơi bạn gọi là nhà sau nhiều năm đi xa, dù tất cả lặng thinh nhưng bạn thấy lòng mình trào lên những cảm xúc tuyệt đẹp, bình yên, thuần khiết, mà đối với ta của những ngày khác là thừa mưa. Chưa bao giờ ta thấy trái tim mình rung động vì một giai điệu như thế, như thể âm hưởng của nó chính là nhịp đập của trái tim ta vậy. Chưa bao giờ ta bắt gặp một suy nghĩ đồng điệu với mình đến thế, như thể ta bắt gặp nửa còn lại của chính mình trong gương vậy. Hay như chưa bao giờ ta thấy tâm mình tĩnh lặng đến thế, như thể ta với cảnh vật hoà làm một, nó lặng thinh, ta cũng vậy, không có suy nghĩ, không có nỗi lòng.

Đã bao lâu rồi, kể từ lần cuối bạn được cảm nhận cái cảm xúc thuần khiết mà mãnh liệt nhất ấy chạy quanh người mình, chỉ từ những điều nhỏ bé quanh cuộc sống?

Đó là sự cộng hưởng (resonance).

Là ta hiểu những cảm xúc giai điệu ấy đem lại, và ta thấy lòng mình được thấu hiểu qua từng câu chữ và âm sắc trong giai điệu, ta hiểu nhau, và ta trở thành một. Nó bỗng trở thành chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tâm hồn ta, làm ta hạnh phúc. Ta được cảm nhận sự hạnh phúc ấy, chỉ khi có sự cộng hưởng.

Và sự cộng hưởng chỉ xảy ra, khi có sự đồng cảm, là khi ta hiểu, và ta được hiểu. Thế nhưng, đó cũng là điều rất nhiều người, mà trong đó có thể có cả chúng ta, đã quên mất.

Trước tiên, hãy để tôi hỏi bạn: Ý nghĩa của cuộc sống này là gì? Hay nói cách khác: Điều gì, khiến bạn còn đang sống?

Tôi đã hỏi rất nhiều người câu hỏi này, mà phần đông, họ sẽ trả lời rằng: họ phải cố gắng sống để kiếm tiền, để có công việc ổn định, sau này dễ dàng lấy vợ, lập gia đình. Rằng họ sống để làm việc, học tập, … Nghe nó bình thường phải không? Bình thường ý tôi ở đây, là vẫn hợp tình hợp lí phải không?

Nhưng với tôi, câu trả lời ấy có những sự bất thường:

Học tập và làm việc là những điều mang ý nghĩa cao cả, sống để làm việc. Nhưng, nó không phải là mục đích cuối cùng của cuộc sống, không ai sống vì làm việc, mà ta làm việc vì cuộc sống này. Ta làm việc, đạt đến những vị trí cao, có nhiều tiền, đó không phải là mục đích cuộc sống của ta, mà là công cụ để đưa ta đến mục đích cuối cùng của cuộc sống ta: Giúp đỡ con người. Ta giàu có, là để ta có thêm khả năng làm đẹp cho đời, rằng ta sẽ có thể cho đi nhiều hơn nữa. Tôi tin rằng chúng ta đều từng nghĩ về triết lý sống vừa rồi, nhưng ta đã quên mất nó, hoặc ta bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống công việc quá lâu làm ta dần tưởng rằng công việc là mục đích sống của ta. Tại sao, rõ ràng ta biết triết lý ấy nhưng ta vẫn quên đi? Rất nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay, đang ở trong vòng xoáy của cuộc sống hấp tấp, công việc hối hả, Một vòng xoáy mà ta bị cuốn sâu vào những mục tiêu, vào những ước muốn, và ta dần quên đi mất cái gốc rễ làm nên chúng. Ta dần bị cuốn bay lên, cao lên khỏi mặt đất, ta sống trong những khao khát trên bầu trời, và ta dần tin rằng đó là cuộc sống của mình thật.

Và ta mắc kẹt.

Mà vẫn không biết mình bị mắc kẹt trong thế giới “ảo” ấy. Ta cứ thế xây nên ngôi nhà niềm tin trong thế giới bong bóng ấy. Ta sẽ nhận ra, bầu trời là vô tạn, những giấc mơ và ước muốn sẽ không bao giờ là đủ để lấp đầy. Và ta sẽ kiệt sức trên con đường tìm thấy hạnh phúc. Mà thực ra, hạnh phúc là cái ở ngay mặt đất, và ta thuộc về mặt đất. Ta rồi sẽ nhớ ra ý nghĩa của bầu trời là để chiếu sáng sự sống của mặt đất, rằng dù nó có đẹp đến mấy, hũng vĩ đến mấy, cũng sẽ không mang ý nghĩa gì nếu không có mặt đất hiểu cho nó. Nếu không có màu trắng thì sao có màu đen, và nếu thiếu đi mặt đất, bầu trời sẽ còn lại ý nghĩa gì? Ước mơ, nếu thiếu đi con người, sẽ còn lại gì?

Để trả lời cho câu hỏi “Điều gì khiến bạn vẫn còn đang sống?”, đó sẽ là vì khi đang có mặt trên thế gian này, tôi hiểu, và vẫn còn được hiểu. Hiểu rằng mình được cuộc đời này hiểu cho rất nhiều: Đó có thể là ta được gia đình hiểu rằng mình cần điều kiện tốt nhất để phát triển, rằng mình cần được ăn uống như thế nào, được học tập ra sao. Đó là bạn được mẹ mình hiểu món ăn ưa thích nhất, và rồi nó tạo nên một thời thơ ấy đong đầy niềm vui của bữa cơm gia đình. Rồi sau này, là được những thân thiết hiểu rằng mình là người như thế nào, sở thích của mình, và mục tiêu sống của mình, để rồi mình được họ đồng hành trên con đường đời sau này. Đó là những sự đồng cảm dễ thấy xảy ra quanh ta, bao quanh ta trong cuộc sống hằng ngày.

Nhưng sự đồng cảm không dừng lại ở đó, nó to lớn, và vô tận: Để thực sự hiểu, ta phải nhìn sâu hơn thế.

Rằng không phải “mình được hiểu” mới chỉ bắt đầu từ khi mình sinh ra, mà nó vốn đã được bắt đầu từ thời cha mẹ đến ông bà ta? Để bạn được sinh ra với cuộc sống hiện tại, đó là mình được cha ông hiểu rằng để người dân Việt Nam không phải chịu cảnh khổ đau, vì chiến tranh, vì cái đói, cái nghèo đi theo đất nước, vì họ hiểu rằng ta không nên được sinh ra với cuộc sống đau khổ như họ, nên họ cố gắng, bằng tất cả, bằng chính sinh mạng của mình, để giúp cho tương lai, mà ở đây chính là ta, có được cuộc sống tốt hơn. Nghe xa xôi, phải không? Nếu gần hơn nữa, đó là những mảnh đời kém may mắn xung quanh ta, những vô vàn cuộc đời đang phải gồng mình lên vượt qua khổ đau từng ngày. Cùng đứng dưới mặt trời, nắng chiếu vào lòng ta sự ấm áp của đông về, còn có những người, mà nắng rọi vào đôi mắt cũng không đủ để làm họ quên đi trong giây lát nỗi bất lực không có tiền để mua cơm cho đứa con vừa tròn 5 tuổi, cái lưng râm ran cơn đau tưởng như kéo dài đến ngày ta chết đi vì tiền phẫu thuật để dành cho con đi học thêm với mong ước nó sẽ có cuộc sống tốt hơn bố mẹ nó, cái thất thần khi ngồi trên mái nhà chứng kiến dòng nước lũ cuốn đi tất cả những đồ đạc cha mẹ ta từng gom góp bao năm với hi vọng con cái sẽ không có đôi tay chai sần vết bốc vác than gạch của bố mẹ nó, …, họ thấy gì?

Họ hiểu rằng đó là cuộc đời của mình, và họ hiểu cuộc đời của bạn không phải là sự may mắn mà họ có. Họ hiểu cho cả chúng ta.

Cái bình thường trong cuộc sống của mình - có nước để uống, có đường để đi, có sách để đọc - là ước mơ cả đời họ phấn đấu. Hay nói theo một cách nào đó, họ hiểu rằng hiện tại họ đang chịu cái khó khăn để ta không phải trải qua chúng. Chính là họ, khi hiểu cho chính họ, đang hiểu cho cả ta. Và ta, khi càng hiểu cho họ, đang càng hiểu ra chính mình.

Độ sâu trong sự “hiểu” của một cá nhân với thế giới này sẽ tỉ lệ thuận với độ sâu sự “hạnh phúc” họ cảm nhận được trong cuộc sống.

Giải được những đề toán khó, ta vui vì mình được điểm cao và vì bố mẹ sẽ vui vì mình là đứa con ngoan, sự hạnh phúc của việc giải được bài toán khó sẽ dừng lại ở đó, mà sau này khi ta trưởng thành, liệu có mấy ai nhắc lại việc mình đã giải được bao nhiêu bài toán khó. Đó, là niềm vui ngắn hạn. Nhưng nếu ta hiểu những kết nối trong thế giới này, ta sẽ hiểu, rằng ngày hôm nay ta giải được đề toán khó, ta đã cố gắng để sống và làm thật tốt với những khả năng mình đang có, hiểu rằng điểm toán cao ấy là một phần giúp bạn tiếp tục vững tin trên hành trình nỗ lực mài giũa bản thân để trở nên tài giỏi hơn, để bạn có thể làm nên nhiều điều cống hiến cho cuộc sống này hơn, bất kể là những điều lớn lao như nhà khoa học phát minh ra những công trình lớn lao hay là nhà giáo nuôi dạy lớp lớp thế hệ học sinh. Tất cả đều mang ý nghĩa lớn lao như nhau, và khi nhắc lại về “đề toán” ấy, ta nhớ lại rằng nó là một trong những kết quả đánh dấu cho hành trình mình đã sống và cố gắng hết mình với những khả năng mình đang có trong cuộc sống. Và nó, là một niềm vui dài hạn.

Ta sẽ sống tiếp, hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn, nếu ta hiểu cho tất cả. Hiểu được tất cả, ta sẽ là người hiểu ra chính mình nhất.

Từ sự đồng cảm của ta với họ, và của họ với ta, giữa con người với con người, ta hiểu ra lẽ sống của mình, hiểu ra mục đích sống của mình. Đồng cảm giúp ta nhìn thấy cuộc sống này dưới đôi mắt và trái tim của người khác, và giúp ta thấy cuộc đời mình có bao nhiêu điều tươi đẹp, để ta nhìn lại vào trong mình, giúp ta hiểu ra sự may mắn cho sự hiện diện lúc này của mình, giúp ta hiểu mình còn nên sống sao cho thật tốt với những gì mình đang có, mình còn phải phấn đấu, vì những con người đã hiểu cho mình, và những con người mình sẽ hiểu. Và ta sẽ biết mình phải sống thật tốt với cuộc đời ngắn ngủi này của mình. Và đó sẽ là khởi đầu, cho một cuộc đời đẹp trên thế gian này. Sẽ có những người nói, họ không cần “suy nghĩ nhiều như vậy” mà vẫn sống thật tốt và đạt được nhiều thành tựu cao trong cuộc sống. Phải, mà thậm chí, có nhiều người có thể như vậy, nhưng đó là khi ta lấy vật chất làm thước đo cho thành tựu hay sự thành công của cuộc sống. Còn nếu lấy tinh thần và cảm xúc, liệu rằng những người ấy có đủ đầy, có giàu có như những người họ có sự đồng cảm sâu sắc với thế giới này? (lấy dẫn chứng)

Bởi vì “cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống thật sự trong thế giới này” - Phan Việt

Nên mỗi giây phút ta còn cảm nhận sự hiện diện của mình, hãy nuôi dưỡng sự đồng cảm trong tâm hôn mình. Đúng vậy, cần rất nhiều nỗ lực để có được sự đồng cảm luôn hiện diện trong tâm hồn mình:

“The highest form of knowledge, according to George Eliot, is empathy, for it requires us to suspend our egos and live in another’s world. It requires profound, purpose‐larger‐than‐the‐self kind of understanding.”

“Hình thức trí tuệ cao nhất là sự đồng cảm, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tạm dừng cái tôi của mình và sống trong thế giới quan của người khác. Nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, có mục đích lớn hơn bản thân, theo George Eliot, một trong những nhà văn hiện thực tiên phong mọi thời đại. Ta hãy tự hỏi đã bao lâu rồi kể từ lần cuối ta nhìn vào bầu trời trên đầu và nghĩ về chính mình, thay vì nghĩ xem bài nhạc nào sẽ phù hợp để chèn vào chiếc story Instagram về bức ảnh bầu trời mình sẽ chụp. Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối ta nhìn vào một ai đó vô danh đứng cạnh, khi ngồi chung trên xe buýt, khi đứng đỗ chờ đèn đỏ bên cạnh, khi ngồi ăn ở bàn bên cạnh, những người không tên đang tồn tại trong thế giới trước mặt bạn, thay vì nhìn vào màn hình chiếc điện thoại giới hạn quanh 4 góc hình chữ nhật của bạn.

Một khi bắt đầu nhìn rõ thế giới này, nhìn rõ sự vận hành của cuộc sống, của bản thân, sẽ rất khó hay gần như không thể quay về với sự “ngủ quên” trước đây.

Và để bắt đầu hành trình ấy, ta cần từng bước tập luyện. Mà theo tôi, cách đơn giản nhất, đó là mang một cái đầu rỗng, bước ra ngoài đường, và thử cảm nhận tất cả mọi thứ mà trước đây ta chưa từng đặt điểm nhìn vào: chiếc lá cây vô tri đung đưa trong gió và nắng, con ong vò vèo đang bay quanh một bông hoa nghiêng nghiêng bên vệ đường, một bà mẹ mặc áo chống nắng chở con đi bên lề phải, một hành khách đang vịn tay trên chiếc xe bus bạn đi cùng.

Và tự hỏi.

Người đàn ông với chiếc áo vest được là phẳng phiu đang gật đầu theo giai điệu ấy, anh ấy vui vì một ngày làm việc tuyệt vời hay vui vì cuối cùng anh ấy cũng được đắm mình trong những giây phút chỉ có anh và âm nhạc. Người mẹ với bé trai 6-7 tuổi ngồi trên đùi và hai tay ôm một túi vải to tướng, gần suốt chuyến đi cô chỉ nhìn vào cô gái trẻ với chiếc áo lông và đôi chân thon gọn ngồi đối diện. Là cô đang cố tìm kiếm một điểm nhìn để giữ cho đôi mắt đỏ hoe ấy không cụp xuống, hay là cô đang nhớ về một thời trẻ tuổi mình từng phơi phới như thế, rằng sẽ chẳng bao giờ mình nghĩ rằng một tình yêu đẹp rực rỡ của tuổi trẻ trước sự gột rửa của những mưu sinh của cuộc sống sẽ để lại ta trong hình của hiện tại, quần áo khoác vội đủ để giữ ấm, vết chân chim hằn lên những câu chuyện cô chẳng kể cho đứa con thơ đang ngồi yên trên đùi. Còn cô gái ở đối diện ấy, cô nhìn vào chiếc điện thoại suốt chuyến đi, lần duy nhất cô ngẩng đầu lên là để nhắc người bạn trai bên cạnh ngồi xích ra. Là cô đang quan tâm xem mái tóc mới của một người bạn đã 3 năm rồi cô chưa từng gặp lại, hay là cô đang tìm kiếm một điều gì đó để quên đi hiện tại quá nhiều chuyện để suy nghĩ, về bài vở trên trường lớp còn dang dở, về định hướng công việc còn đang để ngỏ, tìm kiếm những video ngắn trên mạng mà cô thấy nó rõ ràng hơn cái hình ảnh mờ nhạt trong tương lai của mình mà cô sẽ không bao giờ tưởng tượng được, rằng liệu cô sẽ mãi vẹn nguyên vẻ đẹp của hiện tại hay cô sẽ phai tàn như người phụ nữ ngồi đối diện.

Mỗi người đang sống trong thế giới của riêng họ. Nhìn họ, giống như nhìn chính mình, họ đang sống, tôi cũng còn sống, họ đang cố gắng sống, tôi cũng đang cố gắng để tiến về phía trước. Tất cả, đều là một, dù đến từ những nơi khác nhau, có những kí ức tuổi thơ, đẹp đẽ, hay khó khăn, cuối cùng, tất cả cũng từng có một tuổi thơ, và tuổi trẻ, và tuổi thanh xuân, để rồi đến cùng một vị trí, một khoảnh khắc trong hiện tại: chờ đèn đỏ ở ngã tư phố Yên Sở.

Ta sẽ thấy ngày hôm nay bỗng trở thành ngày hạnh phúc nhất. Ngày hôm nay, hiện tại, mà không phải mọi khoảnh khắc, đều là hiện tại hay sao?




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024