Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/07/2022 20:07 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
ĐI LÀM BẬN RỘN THÌ HỌC TIẾNG ANH KIỂU GÌ?


Nhất là khi không phải công việc nào cũng cần dùng tiếng Anh thường xuyên, nhưng càng về lâu dài lại càng cần có tiếng Anh để có thể làm các cv tốt hơn?

Sự thật là chúng ta không phải ai sau khi ra trường, đi làm, cũng làm những công việc sử dụng tới tiếng Anh, và nó cứ thế mai một đi. Lớp mình, chuyên ngành ngôn ngữ Anh, đứa nào cũng học tiếng Anh suốt từ cấp 2, đến hết đại học. Rồi ra trường chỉ nhõn hai bạn theo nghề giáo viên Tiếng Anh! Thêm vào vài bạn du học, còn lại… chẳng ai dùng tiếng Anh nữa. Cô bạn cùng lớp, giỏi đến độ tự học thêm 2 ngoại ngữ mới để phục vụ công việc kinh doanh, mà cũng thú nhận tiếng Anh rơi rụng hết rồi. Vì thế bạn ấy không thể du học cao học ngay khi cơ hội tới.

Mình không chăm chỉ, tỉ mẩn, nên học kiểu nhồi từ vựng, tập viết hàng chục hàng trăm bài luận thì thôi, xin kiếu. Tự học kiểu phải dùng giao tiếp được và phải vui cơ. Hồi mới ra trường, gần 3 năm đi làm không dùng tiếng Anh nhưng mình chưa từng mai một kĩ năng ngoại ngữ.

Thật sự mình chẳng bao giờ tự hỏi bản thân xem công sức bỏ ra cho bộ môn này có đáng hay không, vì tự nhủ, học hành phải có quá trình, chẳng có đường tắt nào hết. Đến lúc cần tới mới lo học thì cơ hội qua mất rồi. Ngoài ra, học ngôn ngữ giúp mình duy trì được thói quen học tập và rèn khả năng “bắt nhịp” liên tục. Vì vậy, khi cơ hội du học, đi làm và định cư ở nước ngoài tới, mình đã nắm được rất nhanh. Có đa ngôn ngữ đã mở cho mình nhiều cánh cửa trong đời, chẳng riêng học hành, công việc mà còn là tri thức, tư duy và tình cảm.

Sau đây là một số cách mình thực hiện để tự học tiếng Anh theo hướng biến nó thành kĩ năng thường nhật, và tiếp tục phát triển, duy trì dù đi làm bận rộn và không dùng tới.

Mình xác định nếu không dùng trong công việc, mình sẽ dùng để giải trí và học.

1 - PHIM, NHẠC TIẾNG ANH VÀ NẤU ĂN

Hầu hết tiếng Anh đời thường và phát âm mình nhặt từ những tháng ngày cấp 2, cấp 3 triền miên xem Disney Channel, Discovery, HBO và Starmovies. Nhạc thì cũng như mọi người thôi, nghe các bài hot US UK.

Phim lúc đầu thì chỉ nghe xong đọc sub tiếng Việt để hiểu nghĩa. Sau này thì tiến tới là nhận biết những chỗ người ta dịch sai (do hiểu sai về văn hoá, ngữ cảnh) để... tự thoả mãn bản thân he he. Mình xem đa dạng thể loại phim nên mót được từ vựng của nhiều chuyên ngành khác nhau từ kinh tế, luật, chính trị, đến khoa học.

Đến giờ thì Netflix là kênh chính vì mình học được đa ngôn ngữ (Trung, Anh, Nhật) Kiểu như mình bật phim Kimetsu no Yaiba bản lồng tiếng Trung, bật sub tiếng Anh để học cùng lúc hai ngôn ngữ. Hay bộ Nanatsu No Taizai có bản lồng tiếng Anh hay bá cháy đó. Phim thì đủ thể loại, đủ accent, mê chữ ê kéo dài.

Nấu ăn thì chủ yếu là mình xem công thức món ăn, cách nấu nướng các món của nước ngoài, nhất là kiến thức làm bánh ngọt nhưng cái này từ ngày sang Đài là cũng không có thời gian đụng tới nên chuyển xem show nấu ăn với lại xem Uncle Roger.

2 - HỌC KIẾN THỨC QUA VIDEO TIẾNG ANH

Mình rất là thích Ted Ed và SUB Factory. Clip hoạt hình vui mắt, kiến thức khoa học thú vị. Các bạn có thể thử nghe vài câu xong bấm dừng, viết xuống cái mình nghe được, và tiếp tục. Thử vài lần đọc lại thấy mình nghe chính xác dần lên. Đấy là cô giáo tiếng Anh mình bắt mình làm thế chứ mình thì lười chỉ nghe thôi là chính. Ha ha.

3 - ĐU IDOL VÀ HÓNG PHỐT BẰNG CÁCH ĐỌC BÁO MẠNG TIẾNG ANH

Động lực từ đu idol là không gì sánh được, đạp bằng mọi rào cản ngôn ngữ. Hồi xưa xem Sherlock mê anh Benedict Cumberbatch quá mà phải đu idol, xem hết các show có anh, xem hết phim có anh, rồi Google đọc mọi bài về anh. Mà anh thì giọng Anh Anh khá là khó nghe với hệ Mỹ như mình nên vì đu idol mà kĩ năng tiếng Anh lên vù vù.

Hóng phốt thì sao?

Thì có ngôi sao quốc tế nào có scandal chẳng hạn, chờ báo mạng nhà mình dịch hết bài cũng hơi lâu, thế thì tự lên mạng đọc tiểu sử sao, phốt phủng thế nào.

4 - TỰ NÓI CHUYỆN MỘT MÌNH VÀ SHADOWING

Nghe hơi ngáo nhưng là sự thật. Thường xem phim mình hay tự nhập vào phim, tự nhại lời thoại của người ta rồi có khi hết phim vẫn đang sống trong đó và nhại thoại một mình. Khi các bạn nhại phim, cố gắng bắt chước thật giống, đây cũng là nền tảng của kĩ năng shadowing để luyện tập được cách phát âm tự nhiên.

5 - MUỐN GIỎI THÌ PHẢI HỌC TỪ LỖI SAI CỦA... NGƯỜI KHÁC

Mình hay tham gia các group học tiếng Anh của các bạn nhỏ dù mình cũng lớn tuổi rồi, hoặc các group IELTS để xem chữa bài, nhiều khi mình sẽ thấy ừm cái này sai cái kia sai. Rồi nhớ cái sai đó để tránh. Rồi năm nào có đề thi chuyên Anh với đại học cũng ngựa ngựa vào xem, làm, rồi xem người ta chữa.

Đặc biệt là mình thích nghe clip người VN nói tiếng anh (nhất là người nổi tiếng, ha ha) để nhận biết lỗi phát âm sai, tự chấm và tự tránh. Giỏi lên là phải chấm được bài ở level thấp hơn chứ. Khi nào bạn nghe và nhận thấy ồ nói sai là bạn biết bạn giỏi hơn bạn của trước đây, chứ không bị loè kiểu cứ nghe người ta bắn ầm ầm ra vẻ lưu loát xong mặc định nó giỏi tiếng Anh.

Thật sự có những người bạn của mình không chú trọng rèn phát âm vì “người ta nghe vẫn hiểu”, nhưng mình thuộc típ thích hoàn thiện, sửa âm chút một cho chuẩn hơn mỗi ngày, khắc phục các yếu tố accent Châu Á, đớt hay ngọng. Nó là sở thích cá nhân thôi nhé.

6 - SỬ DỤNG CÁC HỆ THỐNG BẰNG TIẾNG ANH NHIỀU NHẤT CÓ THỂ

Điện thoại, FB, Insta, Gmail, hay bất cứ hệ thống nào có thể cài và sử dụng bằng tiếng Anh là mình chuyển sang tiếng Anh hết và duy trì thói quen này từ ngày mình có chiếc điện thoại đầu tiên tới giờ.

Tìm kiếm bằng Google cũng ưu tiên search keywords tiếng Anh để tìm nguồn chuẩn, sau đó mới tìm bằng các ngôn ngữ khác. Mình cũng khuyến khích cách này trong học tập và tra cứu vì cách lí giải và đưa ví dụ của nước ngoài nhiều khi dễ hiểu hơn ta, nhất là ở các môn chuyên ngành.

7 - ĐỌC SÁCH, TRUYỆN BẰNG TIẾNG ANH

Nói thật là mình chỉ đọc các bộ Manga mình quá nghiền bản tiếng Anh vì trên mạng họ ra chương mới nhanh hơn. Khổ, đọc lậu đấy chứ không vẻ vang gì. Chứ bảo mình đọc mấy tác phẩm văn học, truyện chữ bằng tiếng Anh thì thôi, vì lười. Trừ những bộ mà bản dịch tiếng Việt quá là tệ hại thì phải tìm sách tiếng Anh đọc. Ví dụ như “Sự im lặng của bầy cừu” của NXB có chữ N, dịch dở tới độ bệnh nghề nghiệp chuyên ngành biên phiên dịch trỗi dậy làm vừa đọc vừa nghiến ken két, đọc được chục trang sang chấn tinh thần, quăng luôn ba quyển cùng dịch giả nguyên bộ sách mới mua.

Có một số sách mình hay đọc bằng tiếng Anh là sách chuyên ngành, các cuốn sách về tài chính, đầu tư, vì dịch ra tiếng Việt thuật ngữ nghe chuối lắm tự đọc bản gốc cho nhanh.

Mình thì không tin vào trò chat chít để giỏi tiếng Anh, nên tất nhiên không có phương pháp kiểu tải Tinder lên học tiếng rồi. Tuy nhiên mình biết có những ứng dụng kiểu học tiếng bằng hội thoại với giáo viên/ người bản xứ. Do mình không thích nói chuyện với người lạ nên chưa thử qua nha. Nhiều khi với người khác lại OK nên khuyến khích các bạn có thể thử, miễn là giữ an toàn cho bản thân (về thông tin cá nhân, đời tư, tránh scam).

Trên đây là các cách mình tự duy trì học và rèn tiếng Anh hiệu quả nhiều năm qua. Mong là có ích cho các bạn.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024