Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/05/2022 21:05 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Làm chủ tính nhạy cảm


Sự nhạy cảm là một nét tính cách rất đẹp của con người. Chính vì nhạy cảm, chúng ta biết rung động trước một bài thơ hay, một nốt nhạc trầm, nước mắt rơi vì một câu chuyện buồn. Chính vì nhạy cảm, ta cười vô tư như một đứa trẻ, vui vẻ khiêu vũ theo điệu nhạc. Ta biết say mê cùng nắng, vui đùa cùng gió, cuộc đời ngập tràn màu sắc – ấy là nhờ sự nhạy cảm, biết trân trọng những điều nhỏ bé. Không có tính nhạy cảm ấy, mỗi ngày đều là một màu sắc không đổi thay, dù thế giới bên ngoài có ra sao, ta vẫn lạnh lùng quan sát, không chút rung động. Mọi tạo vật, vẻ đẹp của thế giới này một khi không còn được thưởng thức, nâng niu, thì nhàm chán đến nhường nào!

Đấy, tính nhạy cảm quan trọng đến thế. Sự nhạy cảm của những giác quan không chỉ khiến sự tồn tại của con người trên Trái Đất này thú vị hơn, mà sự nhạy cảm còn giúp con người kết nối, thấu hiểu nhau, dễ làm việc cùng nhau hơn. Chính bởi tính nhạy cảm, mà bạn nghe ra đôi chút dỗi hờn trong giọng người thân yêu, để biết mà làm hoà, xí xoá. Chính bởi tính nhạy cảm, bạn nhận ra nỗi buồn của mẹ, của cha, và nhận thức được mình cần về nhà nhiều hơn. Nhờ nhạy cảm, bạn hiểu khách hàng bạn ưa thích điều gì, và có những mong muốn gì, để có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ đúng với nhu cầu của họ. Nếu sử dụng đúng cách, tính nhạy cảm giúp chúng ta nhận ra những cảm xúc khó nắm bắt, những cái nhăn mày cử chỉ của người khác, để có thể hành xử cho khôn khéo, tinh tế.

Tuy nhiên, tính nhạy cảm cũng có mặt trái của nó – đấy là khi bạn bị những cảm xúc của bản thân chi phối. Bạn bị một người chọc giận, thế là bạn mang cơn bực mình trong người đi khắp mọi nơi, làm om sòm lên chỉ bởi những điều vặt vãnh nhất. Một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội đủ biến hai người vốn đang chơi với nhau thành người dưng, bởi vì “tao không thèm chơi với đứa có cái tư tưởng ấy”. Người thân thương hành xử không đúng với những sự mong đợi từ bạn, ví dụ không nhắn tin với bạn trong một vài ngày, thế là một loạt cuộc tranh cãi, sự lo lắng trong đầu nổ ra, drama nảy sinh, và rồi lại cãi lộn, gây gổ, thay vì lắng nghe nhau giải thích. Nếu bạn tự nhận định cảm xúc của bạn là chính bạn, thay vì chỉ quan sát nó như là một trong những trải nghiệm cuộc sống, thì nó sẽ điều khiển bạn, làm bạn rối loạn lên trong những cơn bão của cảm xúc. Sự nhạy cảm lúc này sẽ trở nên thái quá – bởi mỗi hành động của người khác đều có thể chọc cái ngòi nổ – là cảm xúc của bạn – bùm lên bất cứ lúc nào.

Vậy, làm sao đây để không bị kích nổ? Làm sao đây để tìm thấy sự bình yên khi bạn là một người nhạy cảm? Suy cho cùng, cuộc hành trình làm chủ tính nhạy cảm là cuộc hành trình rất cá nhân của mỗi người, nhưng trên hành trình này, mình đúc rút ra được một bài học rất quan trọng, rằng: Thế giới này vẫn luôn thế, mặc kệ bạn có nhạy cảm đến cỡ nào, thì kiểu gì sẽ có lúc bạn bị chọc vào, sẽ có người thô lỗ với bạn, có người công kích, chỉ trích bạn. Điều quan trọng không phải là chuyện gì xảy ra với bạn, mà cách bản thân bạn phản hồi lại mới quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.

Một cách hay ho để có thể làm chủ được cảm xúc của bạn, tách rời cảm xúc khỏi chính bản thân là “đặt tên cho cảm xúc”. Ví dụ, giây phút này bạn rất rất bực mình vì một ai đó, thay vì tự đắm chìm vào sâu cơn giận, hãy hít một hơi thật sâu, thả lỏng và tự hỏi bản thân: “Cảm xúc hiện tại của mình là gì?” Đây là một bài tập khá thú vị cho những bạn đang còn bị cảm xúc điều khiển nhiều, bởi một khi bạn nhận thức được cảm xúc của chính bạn, bạn sẽ không còn bị chìm sâu vào nó. Mỗi cảm xúc đơn giản là một dạng trải nghiệm trong cuộc sống, một vai diễn thú vị mà bạn trải qua. Giây phút trước, bạn có thể là “một người đang thấy hạnh phúc”, thì chỉ sau một chốc, bị ai đó kích động, bạn lại trở thành “một người đang bực bội”. Cảm xúc như nước triều dâng, lúc lên lúc xuống, không tuân theo quy luật nào, và rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Bởi vậy, điều vô cùng quan trọng với những người nhạy cảm là học cách quan sát cảm xúc, để nó đến và đi như sóng biển – không chút phán xét, thay vì bị cuốn theo những cảm xúc và bị chúng điều khiển. Bằng việc quan sát cảm xúc, rồi bạn sẽ nhận ra rằng – bạn là bờ biển vững chãi, bình yên, không lay động, mặc kệ những cảm xúc có tuôn trào như sóng vỗ vào bờ, bạn vẫn có thể quan sát cảm xúc, thay vì để chúng cuốn bạn ra xa.

Trước giờ, mình luôn là một đứa nhạy cảm, khá là “self-conscious” (tự ý thức) về bản thân khá nhiều. Ví dụ, mình lo ngại người khác nghĩ gì về mình, e dè trước sự đánh giá của người ngoài, đặc biệt là những ý kiến tiêu cực, bởi vậy mình tự tạo cho bản thân những áp lực không cần thiết. Tính “tự ý thức” nhiều về bản thân như này làm mình tưởng rằng mọi hành động của mình đều bị đánh giá, mọi ý kiến mình đưa ra đều bị chỉ trích, bởi vậy bản thân mình rất hay ngại lộ diện giữa đám đông, có nỗi sợ thuyết trình nơi đông người. Tuy nhiên, nhờ trải qua quá trình hay “ngại ngùng, nhút nhát” này, mình học được một số bài học về sự tự tin, về sự nhạy cảm của chính mình.

Mới hôm trước thôi, mình có tham gia thuyết trình trong một lớp học. Trước giờ thuyết trình, tim mình đập rất nhanh và mạnh, rất nhiều lo lắng tuôn ra. Mình biết điều đó, nhưng chưa biết làm sao để quay lại trạng thái cân bằng, không âu lo. Mình quan sát tiếng đập của trái tim mình, và mình biết, đây là phản ứng “Fight or Flight” – “Chiến hay chạy” của cơ thể, khi gặp bất kỳ nguy hiểm nào ảnh hưởng tới sự sinh tồn. Hiểu được điều này, mình dần dần tập trung vào hơi thở của bản thân, hai chân để trên mặt đất, và nhắc nhở bản thân: “Mình không có kỳ vọng nào cho bài thuyết trình này cả. Mình chỉ cần làm những gì mình đã ôn tập trước, kết quả ra sao – tuỳ vào giảng viên chấm điểm”. Chính nhờ nhắc nhở này, mình thấy thoải mái, thư giãn hơn hẳn, và lúc thuyết trình, cũng chẳng còn sợ hãi nữa, cứ làm tốt phần mình thôi.

Đây cũng là một bài học quan trọng khác đối với những người nhạy cảm như chúng mình, rằng mình cần học cách bớt tạo ra những áp lực không cần thiết cho bản thân. Ở đây, áp lực không cần thiết đó là những kỳ vọng của người ngoài, và của chính bản thân mình. Nhiều khi, vì quá nhạy cảm, nên chúng mình có xu hướng để ý quá nhiều đến suy nghĩ, cách đánh giá của người khác, chính điều đó tạo nên chứng âu lo, hoảng loạn – điều này không chỉ khiến bạn có những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, mà còn khiến bạn không thể thực hiện tốt những gì bạn cần làm. Sự bình yên, sáng suốt của đầu óc là một điều hết sức quan trọng để bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hay thực hiện phần trình diễn của mình tốt nhất – bởi vậy, nếu bạn là người nhạy cảm, hãy học cách thả lỏng hơn, bớt gánh trên lưng mình những mong đợi, ý kiến của người ngoài, và cả những kỳ vọng chính bản thân bạn tự tạo ra cho bạn.

Câu chuyện về tính nhạy cảm thì còn nhiều lắm, nhiều lắm. Bài học mà tính nhạy cảm mang lại thì đếm mãi cũng không hết. Tính nhạy cảm làm mình sống sâu sắc hơn, trân trọng cuộc đời, từng giây phút hơn; và việc làm chủ được tính nhạy cảm giúp mình trở nên mạnh mẽ hơn, nhẫn nại hơn. Bởi vậy, nếu bạn – người bạn của mình – cũng là người nhạy cảm, mong bạn hãy trân trọng vẻ đẹp của nét tính cách này, nhưng đừng tự biến bản thân thành nạn nhân của những cảm xúc. Trân trọng cảm xúc nhưng đừng để cảm xúc điều khiển bản thân, bạn nhé!

Chúc bạn bình yên trong giây phút này!

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024