Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/04/2022 23:04 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Đau dạ dày - Nỗi lo thời hiện đại


Trong những năm gần đây, đau dạ dày xuất hiện ngày càng phổ biến, đặc biệt ở người trẻ. Bạn có thể từng đau dạ dày vì những ngày ôn thi đầy áp lực, căng thẳng, hay khi thưởng thức món mì cay khoái khẩu ngoài vỉa hè, cũng có thể sau bữa nhậu quá đà cùng các chiến hữu. Một số người bị đau bụng vài ngày sau đó khỏi hẳn. Nhưng một số khác bị căn bệnh này hành hạ khổ sở suốt một thời gian dài, tái đi tái lại hằng tháng, hằng năm trời, ăn uống kém dần, cơ thể suy nhược, thậm chí bị các biến chứng nặng như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân gây nên bệnh dạ dày là gì? Đây từng là chủ đề tranh cãi trong giới y học. Mãi đến năm 1982, hai bác sĩ người Úc đã tìm ra một vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori (HP) thì mọi thứ mới dần sáng tỏ và việc điều trị mang lại nhiều kết quả ngoạn mục bao gồm cả việc dự phòng ung thư dạ dày. Cùng tìm hiểu về vi khuẩn HP và bệnh dạ dày nhé!

Vài nét về bệnh dạ dày

Suốt một thời gian dài, các thầy thuốc cho rằng đau dạ dày (hay còn gọi là viêm loét dạ dày - tá tràng) là do chế độ ăn nhiều đồ cay, cuộc sống có nhiều lo lắng, căng thẳng tâm lý. Lối sống này kích thích sản xuất axit trong dạ dày quá mức, dẫn đến hình thành các vết loét. Do đó, việc điều trị thường áp dụng chế độ ăn kiêng, nghỉ ngơi trên giường và tránh lo lắng, căng thẳng.

Trong gần suốt thế kỷ 20, việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh dạ dày là một vấn đề tranh cãi trong giới Y học. Vào năm 1910,  Schwarzt đưa ra cơ chế gây loét dạ dày là sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ dạ dày và các yếu tố tấn công, ông khẳng định “Không có acid thì không có loét". Từ quan điểm này đã mở ra nền tảng điều trị bệnh loét theo hướng phẫu thuật cắt bỏ vùng hang và thân vị, là vùng tiết ra axit dạ dày hoặc cắt dây thần kinh phế vị kích thích tiết ra axit cũng như sử dụng thuốc giảm tiết axit hoặc trung hòa bớt axit trong một thời gian dài. Đáng buồn thay, mặc dù những phương pháp này làm giảm các triệu chứng nhưng các vết loét có tỷ lệ tái phát cao.

Khám phá Helicobacter pylori

Tại miền tây nước Úc, trong nhiều năm, một vị bác sĩ tên là Barry Marshall đã chứng kiến nhiều người bị loét dạ dày, họ bị nặng đến nổi phải cắt bỏ dạ dày hoặc chảy máu cho đến chết. Ở trường Y, ông có cảm tưởng mình có thể biết hết và điều trị được các bệnh nhưng khi tiếp xúc thực tế với bệnh nhân, ông mới nhận ra là kiến thức mình chẳng là bao, và chừng phân nửa trường hợp là không rõ nguyên nhân. Ông luôn đau đáu đi tìm một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh loét dạ dày.

Năm 1981, ông gặp bác sĩ Robin Warren, một nhà bệnh học của bệnh viện Hoàng gia Perth. Robin cho biết qua mẫu sinh thiết lấy từ dạ dày của 20 bệnh nhân nghi ngờ ung thư dạ dày trong hai năm, ông từng thấy một vài con vi khuẩn, và chúng đều giống hệt nhau. Ông đã đề nghị chàng bác sĩ trẻ Barry thử xem xét hồ sơ của họ và  tìm được điều gì đó không. Barry chú ý trong đó có một phụ nữ khoảng 40 tuổi, từng là bệnh nhân của ông, cô ấy bị buồn nôn và đau dạ dày kinh niên nhưng khi làm các xét nghiệm kiểm tra thì  không phát hiện được điều gì bất thường. Vì vậy, cô ấy đã được chuyển đến một bác sĩ tâm lý để điều trị chống trầm cảm nhưng có vẻ không hiệu quả khi giờ đây cô bị ung thư dày.

Một năm sau, hai người tiến hành một nghiên cứu trên 100 bệnh nhân có cùng triệu chứng đau dạ dày kinh niên để tìm xem có phải các bệnh nhân này bị nhiễm vi khuẩn trên hay không. Barry tìm cách nuôi cấy các mẫu mô lấy từ dạ dày nhưng trong một thời gian dài các bệnh nhân đầu tiên ông chẳng có kết quả gì đặc biệt, phải đến bệnh nhân thứ 35, ông mới có phát hiện thú vị. Ngày đó, ở các phòng thí nghiệm, các kỹ thuật viên sẽ loại bỏ đĩa cấy sau 2 ngày vì thường bị tạp nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Một sự tình cờ, sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh dài ngày, họ đã bất ngờ tìm thấy vi khuẩn HP trên đĩa cấy, thì ra HP phát triển chậm hơn so với các vi khuẩn khác. Sau đó, ông đề nghị để môi trường nuôi cấy lâu hơn và phát hiện ra rằng có 13 bệnh nhân bị loét tá tràng đều có vi khuẩn HP. Ông quan sát thấy rằng tất cả những người bị ung thư dạ dày đều phát triển trên nền của bệnh viêm dạ dày và bất cứ khi nào bệnh nhân không bị viêm dạ dày thì họ cũng không bị nhiễm vi trùng HP. Do đó, suy luận ban đầu là HP phải là nguyên nhân quan trọng của viêm dạ dày và cả ung thư dạ dày nữa.

Bằng những quan sát đó, họ tổng hợp trường hợp trên và trình bày trong hội nghị Y học thường niên của Đại học Hoàng gia Úc nhưng chẳng ai tin vi khuẩn HP  là nguyên nhân của viêm loét dạ dày. Điều này giống như nói rằng Trái đất phẳng, các chuyên gia về bệnh tiêu hóa tin rằng vi sinh vật không thể tồn tại trong môi trường có tính axit cực cao trong dạ dày của người và chỉ cười trước báo cáo của ông. Hơn nữa, lúc đó hai người chỉ là 2 “bác sĩ quèn” nên chẳng ai tin những gì họ nói.

Để có bằng chứng thực nghiệm vững chắc, họ đã cố gắng lây nhiễm cho động vật như lợn, chuột để xem liệu chúng có bị bệnh hay không nhưng tất cả đều thất bại. Vì lý do y đức không được phép thử nghiệm trên người và để chứng minh cho lý thuyết của mình, Barry đã tự thí nghiệm lên bản thân. Ông lấy vi khuẩn HP từ dạ dày của một bệnh nhân được ông điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh, sau đó hòa với súp thịt bò và uống vào. Sau năm ngày, ông bị buồn nôn, nôn mửa, hơi thở hôi thối, mệt mỏi và mất ngủ. Ông đã làm nội soi để lấy mẫu mô từ dạ dày và nuôi cấy ra vi khuẩn HP, chứng minh rằng vi khuẩn này thực tế đã gây ra các triệu chứng đau dạ dày.

Robin và Barry tin tưởng rằng họ đang đứng trước một khám phá khoa học quan trọng, thay đổi hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh dạ dày và có hàng ngàn bệnh nhân đang khổ sở ngoài kia có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, không thể vì sự bảo thủ của giới khoa học mà bỏ cuộc. Họ kiên trì viết một bài báo khoa học nghiêm chỉnh gửi đi nhiều tập san y khoa nhưng đều bị từ chối hết lần này đến lần khác. Barry vẫn miệt mài đi báo cáo kết quả của mình tại hội nghị các nước từ Bỉ, Anh đến Mĩ. Tình cờ trong một hội nghị ở Anh, có ai đó thấy thú vị và nói lại với tập san Lancet (tập san y khoa lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới) cho cơ hội để Barry và Robin công bố. Barry tiếp tục nghiên cứu về cách điều trị HP dù gặp nhiều khó khăn do các công ty dược từ chối tài trợ.

Mãi đến năm 1994, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã chính thức công nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa vi khuẩn HP và bệnh loét dạ dày. Sau đó, vào năm 1996, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt liệu pháp kháng sinh đầu tiên cho bệnh loét do HP gây ra. Cộng đồng y tế lúc này mới chấp nhận rộng rãi và ứng dụng những khám phá của hai ông.

Năm 2005, sau 23 năm kể từ khi phát hiện ra vi khuẩn Helicobacter pylori, Hội đồng Nobel Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Y học cho hai bác sĩ người Úc, Robin Warren và Barry Marshall vì đã có những đóng góp và khám phá to lớn cho khoa học về vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori trong bệnh loét dạ dày tá tràng. Trong một thông cáo báo chí, Tổ chức Giải thưởng Nobel kết luận: “Nhờ khám phá tiên phong của Marshall và Warren, bệnh loét dạ dày tá tràng không còn là một tình trạng mãn tính, thường xuyên gây tàn phế mà là một căn bệnh có thể chữa khỏi bằng một phác đồ ngắn gồm thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết axit”.

Bằng tình yêu công việc, sự quan sát tỉ mỉ, lòng dũng cảm và cả sự quyết tâm, kiên trì theo đuổi ý tưởng trong một thời gian dài trước sự thờ ơ và chế giễu của mọi người, hai nhà khoa học đã làm nên khám phá vĩ đại, cho chúng ta những bài học giá trị và đầy cảm hứng.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024