Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
01/12/2021 10:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
QUẢN LÝ NỖI LO


Mình là một người rất hay lo. Và trước đây nỗi lo còn khiến mình chìm trong tiêu cực, khiến mình không còn năng lượng và không thể tập trung vào việc khác, dẫn đến nhiều việc càng tồi tệ hơn. May mắn sau này mình đã tìm được giải pháp giúp mình quản lý nỗi lo, đặc biệt có lần giải pháp này đã giúp mình thoát khỏi lo lắng sau khi làm bài thi và đạt học bổng giỏi. Mời bạn cùng mình khám phá tại bài viết này nhé!

1. NỖI LO ĐÃ TÁC ĐỘNG ĐẾN MÌNH NHƯ THẾ NÀO?

  • Về lợi ích

Trước tiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng nỗi lo cũng có những tác dụng tích cực, nỗi lo giúp mình chuẩn bị tốt hơn trong những việc quan trọng như thi cử, phỏng vấn, gặp gỡ những người đặc biệt,... và nhận thức cũng như tránh khỏi những nguy hiểm.

  • Về tác hại

Nỗi lo ảnh hưởng đến cả sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Có lẽ do mình còn trẻ nên chưa nhận thấy được những ảnh hưởng của nỗi lo lên sức khoẻ thể chất, tuy nhiên sức khoẻ tinh thần và hiệu quả học tập của mình đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đa phần những lần lo lắng, nỗi lo khiến mình không thể tận hưởng giây phút hiện tại. Ví dụ mình đi chơi nhưng lại luôn lo không biết mình đã khoá cửa nhà, đã đóng kín cửa tủ lạnh hay đã rút điện ấm đun nước chưa; hoặc về nhà sau một ngày dài thay vì nghỉ ngơi thư giãn thì mình lại u ám với nỗi lo không biết người khác nghĩ gì về mình trong cuộc trò chuyện vừa rồi...

Đặc biệt nỗi lo về thi cử hay bài thi vừa làm còn khiến mình tiêu cực trong nhiều ngày và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Mình nhận ra rõ điều này từ hồi học cấp 3. Khi đó có những môn là nỗi ám ảnh và là mối đe doạ đến danh hiệu học sinh giỏi của mình. Nên có nhiều lúc kiểm tra hay thi xong những môn đó, mình thường lo đến mức ăn không ngon, nỗi lo đeo bám mình suốt mấy ngày liền khiến mình không còn tâm trí tập trung vào học hay ôn thi những môn khác. Dẫn đến những môn sau mình làm bài tệ hơn khả năng của mình và không đạt kết quả như mong đợi.

2. QUẢN LÝ NỖI LO QUA 3 BƯỚC

Khoảng 1 năm trước mình tiếp cận được giải pháp quản lý nỗi lo trong quyển sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống". Và qua quá trình trải nghiệm và áp dụng, mình đã đúc kết được 1 công thức cho bản thân và đã áp dụng thành công.

Để thực hiện giải pháp này, bạn có thể tự nói thầm hoặc viết ra giấy. Mình hay viết ra giấy hoặc gõ trên laptop vì nó giúp mình giải phóng những suy nghĩ ra khỏi bộ não và cũng để đọc lại khi mình lo lắng những điều tương tự.

Bước 1: Trả lời câu hỏi "Mình đang lo lắng vì điều gì?"

Đôi lúc mình thấy trong lòng lo lắng về một hay vài điều gì đó nhưng không rõ ràng. Ví dụ mình hay thấy lo khi mình chưa note lại lịch deadline hoặc meeting quan trọng. Nhưng đôi lúc nỗi lo đó cứ ngấm ngầm, khiến mình mất tập trung và phải mất một lúc mình mới nhận ra. Cho nên khi thấy lo và đặt câu hỏi này, mình có thể nhanh chóng làm rõ hơn vấn đề mà mình đang gặp phải. Khi này mình chỉ cần mở lịch ra và note lại các việc quan trọng là đã giải quyết được nỗi lo này.

Còn khi một nỗi lo đã rõ ràng, mình cũng nên ghi ra hoặc nói rõ hơn với bản thân vì bước này cũng giống như lúc mình kể chuyện này với bạn bè, mình thường thấy nhẹ nhàng hơn và vấn đề cũng rõ ràng hơn.

Bước 2: Xác định điều tồi tệ nhất và xác suất xảy ra. Chấp nhận và rút ra bài học từ việc này.

Khi lo lắng và rối trí, mình thường cảm thấy những điều sắp diễn ra sẽ rất ghê gớm, rất tồi tệ nhưng khi xác định điều tồi tệ nhất, có khi bạn thấy điều đó rất ít có khả năng xảy ra hoặc điều đó chẳng đáng là gì.

Và cho dù là điều đó có tồi tệ đi chăng nữa thì khi ta nhìn nhận điều này với thái độ chấp nhận và rút ra bài học, chúng ta sẽ càng trưởng thành hơn, tiến bộ hơn và sẽ không gặp lại điều này nữa. Về vấn đề này bạn có thể đọc thêm trong bài blog "Đọc 3 người thầy vĩ đại để nhìn nhận đúng hơn về mọi thứ xảy ra trong cuộc sống” đăng trên page Ngan’s Journey.

Những lúc thi xong và làm bài không ổn, mình thường lo là sẽ rớt môn. Tuy nhiên khi ngồi xuống tính toán lại, nếu môn đó điểm giữa kỳ 30% của mình là 8, vậy điểm thi 70% của mình là 2.5 thì điểm trung bình môn đã trên 4 đủ qua môn. Và mình nhận thấy khi thi mình cũng hiểu bài và những chỗ mình sai sẽ không nhiều đến mức không đủ nổi 2.5. Vậy rất ít khả năng mình sẽ rớt môn mà tệ nhất là chỉ điểm thấp mà thôi.

Tiếp theo mình tự nhủ sẽ chấp nhận việc điểm thấp này. Và mình nhìn nhận điều này xảy ra chắc chắn có lý do và đây là một bài học mà mình cần học được để không phải lo lắng điều này nữa. Có lẽ môn này làm bài không tốt do thứ 4 tuần trước mình đã không kỷ luật ôn bài, thời gian học trên lớp có nhiều buổi không tập trung dẫn đến ôn thi bị dồn kiến thức. Vậy điều mình còn cần phải rèn luyện là tính kỷ luật và sự tập trung.

Bước 3: Mình có thể làm gì để cải thiện tình hình?

Thay vì lo lắng không ngừng thì tìm cách cải thiện tình hình mới là điều chúng ta thật sự nên làm. Tuy nhiên khi một sự việc không hay xảy đến, tâm trí chúng ta thường sẽ như một mớ bòng bong và khó có thể đi được đến bước này. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần thực hiện những bước trên để giải toả đầu óc khỏi những suy nghĩ hỗn loạn và chừa chỗ cho giải pháp cải thiện vấn đề.

Vậy điểm thấp môn này sẽ kéo điểm trung bình cả học kỳ của mình xuống, nhưng đây chỉ mới là môn đầu tiên và vẫn còn nhiều môn nữa chưa thi, mình có thể dùng những môn này để kéo điểm trung bình lên. Do đó mình sẽ kỷ luật, tập trung và theo sát tiến độ ôn thi đã đề ra đối với những môn còn lại. Vậy là sau đó, mình gần như quên bén nỗi lo này, mình tiếp tục dành thời gian và tập trung ôn thi những môn khác.

Và cách này đã thật sự đã giúp mình. Bằng việc ngừng lo lắng và tìm cách cải thiện tình hình, mình đã đạt được điểm cao trong các môn còn lại và còn được học bổng giỏi, điều mà mình thậm chí còn không nghĩ đến. Còn nếu mình vẫn như trước kia, để cho nỗi lo choáng hết tâm trí, thì có lẽ mình đã tiêu cực trong mấy ngày liền và không thể ôn thi tốt các môn còn lại.

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024