Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/11/2021 21:11 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Mình đã định hướng nghề nghiệp như thế nào?


Định hướng nghề nghiệp - Mình tin rằng đây là vấn đề của hầu hết các bạn trẻ khi chuẩn bị bước vào đời. Vậy nên, hôm nay mình sẽ chia sẻ đôi chút dựa trên chặng đường 5 năm bước vào nghề của mình.

Tại sao phải định hướng nghề nghiệp?

Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển, nhiều ngành nghề, công việc mới xuất hiện. Các bạn trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn hơn cho sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các bạn phải tìm ra được lối đi cho mình trong muôn ngàn lựa chọn. Tại sao phải tìm cho mình lối đi riêng? Tại sao phải định hướng nghề nghiệp?

Việc định hướng nghề nghiệp sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được lộ trình phát triển tốt nhất

Nó giống như việc: Bạn đã biết được đích đến của mình là đâu thì bạn sẽ nhanh chóng tìm được những con đường để đến đích tốt nhất vậy. Chỉ khi biết: Mình muốn làm gì? Mình muốn ở vị trí nào? thì bạn mới có thể trả lời được: Làm thế nào để mình tiến tới được vị trí đó?

Khi xác định được vị trí và công việc mà mình muốn làm trong tương lai, bạn sẽ tìm ra được lộ trình phát triển tốt nhất cho mình.

Việc định hướng sẽ giúp các bạn tiết kiệm được thời gian tiến tới thành công

Trong cuốn Outliers xuất bản năm 2008, (tạm dịch: Những kẻ xuất chúng) tác giả Malcolm Gladwell cho rằng: Chúng ta sẽ cần 10.000 giờ luyện tập có chủ đích để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào.

Theo đó, để tiến tới thành công nhanh nhất, bạn cần dành thời gian để tập trung cho lĩnh vực bạn muốn trở thành chuyên gia. Nếu như bạn đã định hướng nghề nghiệp được, bạn có thể tập trung 100% vào lĩnh vực đó. Còn không, rất có thể bạn sẽ bị sao nhãng, mất thời gian với những công việc không giúp ích gì trên con đường đến đích của mình.

Dù cho con số 10.000 giờ có thay đổi, thì việc định hướng sự nghiệp cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian tiến tới thành công của bạn.

Mình đã định hướng nghề nghiệp như thế nào?

Ở cái thời của mình, việc viết nguyện vọng đại học của nhiều người đôi khi không suy nghĩ quá nhiều đến tương lai. Sẽ có những người được gia đình định hướng trước. Rằng: Học ngành này, trường này để sau này trở thành người như thế này. Hay chăng là: Nghề này đang phát triển, nhu cầu nhân sự cao, lao vào đây để ra trường dễ có việc.

Bố mẹ mình cũng có nói qua, nhưng không định hướng cho mình như thế, mà để mình tự tìm hiểu, tự quyết định. Cái thời cấp ba cũng chẳng nghĩ gì nhiều, mình chỉ đơn giản là cố gắng đỗ đại học, để bước đến những chân trời xa hơn.

Mình đăng ký 2 nguyện vọng: 1 là về lĩnh vực mình mạnh nhất thời điểm đó - tiếng Anh; 2 là một ngành phù hợp để trượt xuống trường đại học khác gần người yêu. Thế rồi, mình trượt nguyện vọng 1 và đỗ nguyện vọng 2. Điều không tưởng ở đây là mình lại đỗ nguyện vọng 2, khi mà 2 trong 3 môn thi mình mù tịt. Điểm tiếng Anh đã kéo mình lại trong giây phút quyết định. Thế là số phận đã đưa mình đến ngành Công nghệ Đa phương tiện.

Lúc đó, mình cũng chưa nghĩ tới việc tương lai sẽ làm gì. Chỉ đơn giản là học xong có bằng rồi tính. Năm đầu học đại cương, mình chỉ chơi và chơi, nên điểm các môn đại cương đa phần lẹt đẹt. Khi vào các kỹ năng chuyên ngành, mình bắt đầu chú ý hơn.

Đợt mình vào là khóa đầu tiên của ngành này. Có lẽ vì thế mà bất cứ kỹ năng nào có trong mảng truyền thông, có thể dạy là chúng mình đều được học hết. Từ các kiến thức về truyền thông, tư duy mỹ thuật, kỹ thuật quay phim, chụp ảnh,.. cho đến sử dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh, video như Photoshop, Illustrator, Premiere,..

Nếu như cái nào mình cũng dành 100% công lực để học hết tất cả các môn thì có khi bây giờ mình đã thành một content toàn năng cũng nên!

Nếu như các chuyên ngành Thiết kế đa phương tiện hay Ứng dụng đa phương tiện học kỹ năng công cụ là chính, có thể dễ dàng định hướng được công việc tương lai thì ngành Truyền thông đa phương tiện của mình lại khá nặng về lý thuyết. Càng học càng thấy truyền thông rộng, nhưng không được định hướng cụ thể, nên nhiều bạn trong chúng mình lại mất phương hướng, rốt cuộc học xong sẽ ra làm gì?

Cũng đã có lúc mình tự hỏi: Rốt cuộc mình muốn làm gì? Mình có thể làm gì?

Ai mà chẳng muốn ra trường làm đúng ngành mình học chứ. Nhưng nó không giống như học kế toán thì ra làm kế toán, học thiết kế thì ra làm thiết kế. Thời điểm đó, theo mình được biết thì chẳng có vị trí nào là truyền thông đa phương tiện cả. Thế là mình bắt buộc phải tự tìm hiểu công việc liên quan thôi.

Năm 2 đại học, với tất cả vốn liếng tích lũy trên trường, mình tìm các công việc mà mình có thể tận dụng kỹ năng đã học hoặc điểm mạnh của mình. Từ edit video đến viết lách,.. mình nhận các job nhỏ cộng tác freelance. Từ đây, mình đã biết được mình thích làm gì, mình giỏi làm gì, và cuối cùng là lọc ra được những lĩnh vực mình yếu kém không nên theo đuổi.

Từ sự tiếp xúc trong công việc, mình hiểu sâu hơn về các vị trí khác. Ngoài mục tiêu ngắn hạn cần hoàn thành, mình đã biết bản thân muốn tiến tới vị trí nào khác, để tới được vị trí đó mình cần có những kỹ năng gì?

Có thể bây giờ các bạn có thể dễ dàng tìm được những thông tin định hướng nghề nghiệp như thế, nhưng thời điểm của mình thì đúng là trăm bài giảng cũng chưa chắc bằng một lần trải nghiệm thực tế.

Từ những kinh nghiệm có được từ việc làm thêm thời sinh viên, vừa ra trường mình đã ổn định ở vị trí marketing strategist tại một doanh nghiệp SME. Hay ngày nay người ta còn gọi là Marketing Full-stack.

Không phải một thành quả quá lớn lao, nhưng đây chắc chắn là nền tảng để mình phát triển sau này. Đồng thời, mình tin rằng phương thức định hướng này đã giúp mình loại bỏ rất nhiều phiền não khi mất định hướng nghề nghiệp - một vấn đề mà mình nghĩ rằng rất nhiều bạn trẻ ngày nay gặp phải.

Kết luận:

Thật sự là mình cũng khá may mắn khi đã được học đầy đủ các kỹ năng, kiến thức thà “thừa còn hơn thiếu” ở trên giảng đường (dù nhiều kỹ năng thực tế không có). Điều này đã giúp mình linh động trong việc lựa chọn sự nghiệp rất nhiều.

Có thể không phải ai cũng may mắn như mình, hoặc không thích công việc ngành mình học, đang muốn định hướng cho tương lai nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu.. Vậy hãy thử phương pháp của mình.

Thử từ những kỹ năng bạn sẵn có, những điểm bạn mạnh. Nếu không, hãy tìm một công việc mà bạn cho rằng mình thích, tìm hiểu, học hỏi và thử. Dù việc thử có mất bao nhiêu thời gian, thì cuối cùng nó vẫn đến đích mà thôi. Chúc bạn thành công trên con đường định hướng sự nghiệp của mình.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024