Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
26/07/2021 22:07 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Nỗi cô đơn của người già


Dịch bệnh ai cũng lo lắng cả, tôi đọc báo và thấy vậy. Có lẽ đó là lý do chúng tôi được tận dụng để giảm bớt nỗi lo cho mọi người, dù cho chính chúng tôi mới là đối tượng đáng nên lo và đáng được lo nhất.
Hầu như phần lớn ca tử vong trên thế giới đều được viện dẫn bằng lý do “già cả, nhiều bệnh nền về tim, gan, phèo, phổi, thận, dạ dày, ung thư…”. Tôi không biết liệu có người già 60, 70 tuổi nào không mắc các bệnh nền hay không [1]? Chẳng hiểu sao mọi người thay vì chỉ nói rằng “già”, phải kết hợp thêm hàng tá những thuật ngữ bệnh tật cao siêu mà có lẽ bạn cứ ra bệnh viện xét nghiệm nhiều khả năng cũng không hoàn toàn mạnh khỏe.
Người già chúng tôi không chỉ phải sống với bệnh tật, còn phải quen với việc cảm giác như mình đang dần bị đẩy ra khỏi xã hội. Chúng tôi trải qua nhiều năm tháng sống trong cảm giác sâu sắc về việc thấy bản thân đang trở thành khán giả ngắm nhìn cuộc đời nhàm chán của mình trôi qua. Vâng, ngay cả khi đó là cuộc đời đầy nhàm chán, tôi còn chẳng thể là nhân vật chính trong ấy, chỉ có thể làm một người khán giả ngồi yên theo dõi cùng sự bất lực gần như hoàn hảo.
Có lẽ ai cũng biết điều này là hiển nhiên khi về già, nên tôi vẫn thường nghe các cô cậu trẻ tuổi bàn nhau rằng họ không muốn sống quá già, họ muốn chết quách đi cho xong ngay sau khi cuộc đời đã không còn mấy vui thú. Nhưng họ không nhận ra rằng sự thiếu hụt vui thú của người già không đến từ tuổi tác, mà đến từ thiết kế của xã hội nơi họ sống.
Người già chúng tôi nhạy cảm hơn với những khuôn mẫu [2]. Cho đến tận những ngày cuối đời, tôi mới nhận ra rằng cuộc đời này chỉ là những trật tự được sắp đặt sẵn và nó có lợi cho người này một ít, người kia nhiều ít. Có đôi người còn cảm thấy hạnh phúc với sự bất công họ nhận được, có đôi người khác dù không hạnh phúc mấy nhưng cũng chẳng thay đổi được gì - như người già chúng tôi chẳng hạn.
Vì những lời nói của chúng tôi nếu không thường xuyên được xem là “nói nhảm”, thì cũng bị đánh giá như những lời lèm bèm của kẻ-gần-như-mất-trí. Mọi người đang hạnh phúc, và tôi nghĩ những lời của mình vô nghĩa với trải nghiệm của họ. Bất kể rằng (một lần nữa tôi lại lèm bèm), niềm hạnh phúc giả tạo ấy được xây dựng từ những thứ giả tạo không kém.
Tôi thấy mọi người dường như trải qua khoảng thời gian tồi tệ gần như trong phần lớn thời gian, nhưng xã hội được thiết kế để họ ít nghĩ về nó hơn. Không lạ gì khi ta nhìn thấy một anh chàng thất bại trong cuộc sống liên tục lên mạng xã hội nói chữ và bày tỏ niềm tự hào về quốc gia anh sống - dù anh chưa bao giờ đặt ra câu hỏi cho sự thất bại của mình, và cũng chẳng mảy may lo lắng về cuộc đời khó khăn của anh về sau này. Rồi đến lúc anh thực sự thấm thía vị thế của mình, những lời nói của anh sẽ lại trôi vào quên lãng, thậm chí còn bị coi khinh - bởi những kẻ cũng đang đau đớn không kém với cuộc đời của chính mình.
Chúng tôi có nhiều thời gian một mình, có lẽ đó là quỹ tài nguyên quý báu để tôi ngẫm nghĩ về những khuôn mẫu. Và lèm bèm.
Xã hội thay đổi nhanh chóng và khác thời của tôi nhiều quá. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ và đô thị hóa đang khiến mọi thứ bung bét hết cả [3]. Tuy vậy, mọi người vẫn khá hạnh phúc vì thế hệ tận hưởng lợi thế từ những hệ thống trên đến nay vẫn chưa già. Tôi nghĩ thế.
Đô thị hóa đã tạo ra sức hút mạnh mẽ kéo những thanh niên trẻ tuổi rời bỏ gia đình và quê hương của họ. Lối sống đô thị hiện đại, sôi động, sự tự do phóng khoáng, những trò mới mẻ, những “bạn tình tương lai” hay ho, công việc “ngầu lòi” (theo ngôn ngữ của các thanh niên)... xã hội tạo ra hàng loạt cám dỗ đủ mạnh để bứt hết người trẻ ra khỏi nông thôn.
Thậm chí để phòng hờ, nó còn tạo ra các định kiến về sự thành công cho các anh chị bước chân lên thành phố và sự kém cỏi bất tài cho những ai phải ở lại quê hương trồng rau nuôi cá. Dù cho cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và chất luọng đời sống cá nhân có thể ngược lại.
Quá trình này đã phá vỡ cấu trúc gia đình cũ ở thời tôi sống. Mọi người thôi không còn sống chung nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu nữa. Ngày nay người ta sống với nhau trong mô hình gia đình chỉ bố mẹ và con cái, hay còn gọi là gia đình hạt nhân. Vì vậy, những đứa trẻ trong phần lớn thời gian không được nuôi dưỡng bởi ông bà, có muốn cũng chẳng thể có được cảm giác sâu sắc dành cho ông bà của mình.
Ngày nay chỉ còn những đứa trẻ với ánh mắt ngơ ngác, lạ lẫm xen chút sợ hãi mỗi lần về quê, ngượng ngùng mỗi khi bị những ông bà già có chung ADN kêu lại để cho ngồi vào lòng hay hôn má. Tôi còn cảm thấy rằng chúng thấy phiền phức và né tránh những chuyến thăm này càng nhiều càng tốt. Cũng khó trách được chúng, làm sao người ta có thể có những cảm xúc chân thực, vẹn nguyên như kỳ vọng của mọi người, khi chúng và ông bà có mối quan hệ không khác gì người lạ được chứ? Chúng vẫn có những xúc cảm trong sáng với bạn bè và người lớn ở thành phố, nhưng lại thể hiện sự ngỗ nghịch với người cùng dòng máu xa lạ vì bị ép phải có cảm xúc và cư xử theo đúng mô-tuýp.
Gia đình truyền thống với những luật lệ, ràng buộc và giới hạn khiến chúng ta khó lòng bứt phá được, nhưng nó tạo ra sự ổn định và an toàn cho mọi người phía trong ấy. Bố mẹ đi làm có thể để con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, ông bà khi về già vẫn có con cháu ở cùng để chăm lo… Nhưng đơn giản là mô hình này chẳng còn phù hợp nữa. Xã hội muốn phát triển, chúng ta muốn tiến bộ, mọi người muốn tạo ra những thứ mới mẻ và có các trải nghiệm hay ho hơn… và do vậy, chúng ta phải tách nhau ra và có những cách khác. Hi sinh một vài thứ này, mang về một vài thứ khác, lúc nào cũng vậy.
Sự phát triển của xã hội cũng giúp chúng tôi sống lâu hơn. Nhưng vì người già nào cũng sống lâu, nên dần trở nên “mất giá”, hay thậm chí trở thành gánh nặng. Xã hội hiện đại yêu cầu các thành viên trẻ tuổi luôn phải hiện diện thường trực để hoàn thành nhiệm vụ của mình và tất nhiên không cho chúng quá nhiều thời gian để chăm sóc bố mẹ già thường xuyên được. Và vì vậy, người già bỗng trở thành một thứ gì đó phiền phức, “ký sinh” lấy đi thời gian, tiền bạc của những người trẻ hơn.
Sự tôn trọng của mọi người dành cho lớp người già chúng tôi dần giảm đi theo thời gian, khi chúng tôi phải từ bỏ những vị trí quyền lực trong bộ máy, kiếm được ít tiền hơn (hay thậm chí chẳng kiếm được gì). Những mác định danh được xã hội gắn lên để khiến mọi người xem trọng chúng tôi nay đã bị gỡ xuống. Và vì vậy, theo thời gian, tôi đành phải chấp nhận cảm nhận cảm giác “định danh xã hội” của bản thân dần mờ nhạt và biến mất. Để từ đó một cá thể sinh học yếu đuối trơ trọi hiện ra, cùng với một vài phụ kiện xưa cũ được gắn lên, bao gồm “sự tôn trọng dành cho người lớn tuổi” hay hàng loạt định kiến xã hội lâu đời khác.
Tôi đã từng ghét những định kiến ấy, nhưng giờ đây lại cảm thấy biết ơn chúng. Ít nhất chúng vẫn tạo ra được những luồng sức mạnh kỳ bí khiến ngay cả bọn trẻ trâu hung hăng nhất cũng né tôi ra, hoặc tạo ra cho tôi một lớp áo choàng tàng hình trước mặt chúng. Hoặc đôi khi được nhường ghế trên xe buýt, đôi khi khác được cho tính tiền trước trong siêu thị. Những điều nhỏ nhặt này khiến tôi còn chút cảm giác thấy rằng mình vẫn là một phù thủy với những loại bùa phép tầm thường nhưng không quá vô dụng của mình.
Người già trong thời tôi sống là những phù thủy có quyền năng mạnh hơn rất nhiều.
Vì họ sống trong thời xã hội còn ít chuyển biến, nên nghề nghiệp đa phần cũ kỹ. Giả như năm 1000 người dân đánh cá, làm gốm, trồng lúa, dệt vải để kiếm sống, thì năm 1500 người dân cũng làm dệt vải, trồng lúa, làm gốm và đánh cá để kiếm sống. Do vậy, người già nắm giữ kinh nghiệm sâu sắc hơn cả và người trẻ dù sao cũng phải nể trọng vài phần để mong học lỏm hoặc xin được lời khuyên chất lượng nào đó.
Ngày nay thì khác, hàng loạt thứ mới mẻ được sinh ra và người già còn chẳng thể hình dung nổi, nói gì đến việc có hiểu biết về chúng. Những nghề nghiệp mới mẻ đã đưa người trẻ lên một vị thế mới và tách biệt hoàn toàn họ khỏi người lớn tuổi. Có những nghề mà bạn còn chẳng thể tìm thấy sếp hay đồng nghiệp vượt quá 40 tuổi. Đó cũng là một lý do nữa khiến người già dần bớt giá trị trong mắt hậu sinh.
Hơn nữa, các bậc tiền bối ở thời chúng tôi còn đại diện cho sự hiểu biết, thông tuệ và minh triết. Còn bây giờ, tôi chẳng biết nữa. Tôi nghĩ người già đang bị hạn chế xuất hiện nhất có thể. Hiếm khi tôi bắt gặp được viral video nào đó liên quan đến người già và mức độ gây xúc cảm của chúng tôi có lẽ còn thua cả lũ mèo.
Người da đen thường xuyên phàn nàn về chuyện họ ít được xuất hiện trên phim ảnh với vị thế gây ảnh hưởng tích cực. Thôi nào, các bạn còn hơn người già vài ba phần đấy.
Dù sao việc này cũng thật khó nghĩ. Người già bản thân họ đã không phù hợp để làm những việc bào sức như đóng phim. Và có vẻ thị trường cũng chẳng ưa thích xem phim có nội dung chính về người già cho lắm - ngoài chính người già. Nhưng kiểu người già nào lại đi ra rạp phim và tiêu tiền cho những diễn viên thần tượng của mình cơ chứ?
(Tuy vậy, các tay tư bản có vẻ vẫn thích người già, họ vẫn đang tích cực đầu tư vào ống thở và những thứ kiểu kiểu thế cho chúng tôi).
Việc xuất hiện ít trên những phương tiện thông tin đại chúng có thể vì người già là thế hệ tiêu thụ ít nhất [4]. Ai lại đi quảng cáo thời trang cho người già khi những kẻ ngại thay đổi này hiếm khi ra khỏi nhà và có thói quen hoài niệm mặc mãi vài ba bộ đổi đi đổi lại cơ chứ? Ai lại đi tiếp thị những chuyến du lịch cho người già đầy rủi ro và ít tiềm năng? Ai lại quảng cáo thực phẩm cho người già khi chúng tôi phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ bác sĩ do mang theo trong người cả đống bệnh?
Ngay cả khi họ không quan tâm đến chúng tôi, họ thậm chí còn lợi dụng chúng tôi nữa. Những nhãn hàng mỹ phẩm liên tục có những chiến dịch quảng cáo gián tiếp xem thường làn da nhăn nheo, đồi mồi và lão hóa của người già. Trong khi đó, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp cũng không quên gắn liền tiền mãn kinh, sinh lý yếu hay những đặc điểm khác của người cao tuổi với điều gì đó tiêu cực và nên tránh xa. Tôi nghĩ nhiều người sẽ lại cho rằng tôi đang lèm bèm, cho đến khi họ mang theo những đặc điểm bị xã hội trực tiếp và gián tiếp xa lánh, có lẽ lúc ấy họ sẽ hiểu. Chẳng vui vẻ gì khi những định kiến khiến người khác có ánh nhìn ái ngại về bạn, thậm chí ngay cả bạn còn chối bỏ bản thân.
Chúng tôi có rất ít sản phẩm mới để lựa chọn, chủ yếu chỉ tiêu thụ những thứ đã cũ. Chúng tôi xem những bộ phim cũ, nghe nhạc đã cũ, theo lối thời trang cũ và hàng loạt thứ cũ kỹ khác. Mọi người bảo rằng người già hoài niệm và ngại đổi mới, nhưng làm gì có gì mới để đổi? Chẳng ai thèm thử nghiệm, đổi mới những sản phẩm dành cho người già cả. Ngoài tã giấy. À ừ, tôi khá ghét phải nhắc đến nó.
Thực ra người già đôi lần vẫn được xuất hiện trong hàng loạt phim dành cho các cô cậu mới lớn. Có lần tôi bắt gặp bà già bị Captain Marvel đấm vào mồm trên tàu điện, nhiều lần khác là những ông bà già nằm một chỗ mũi gắn đầy ống làm nền để xây dựng tính cách cho các cặp đôi trong những bộ phim tình cảm lãng mạn (như cho anh chàng vai chính trở thành kiểu hiền lành biết quan tâm người khác vì mỗi tháng ghé thăm căn hộ tồi tàn của bà mình một lần chẳng hạn), hay mới đây nhất là bà già bị chính đứa con tâm thần của mình giết vì sự bao bọc cực đoan của mình.
Trong đa số trường hợp, chúng tôi là vai phụ và nếu không đại diện cho những điều cổ hủ phiền phức cần loại bỏ, chủ yếu được khắc họa tương đối hạnh phúc với số phận của bản thân. Từ những viện dưỡng lão đầy âm thanh, ánh sáng, màu sắc với các bạn già ngồi chơi mạt chược cùng nhau cười ha hả… cho đến những ông bà già sống một mình cùng lũ thú cưng với lối sống yên bình đáng mơ ước.
Những thứ như ngủ dậy đau người đến không thể ngồi dậy nổi, thuốc uống một mớ bằng cả nắm tay, tâm trạng bất ổn và thường xuyên mất kiểm soát, sự cô đơn đến cùng cực hàng đêm mất ngủ… bằng một cách nào đó luôn bị bỏ qua [5]. Báo chí cũng chẳng buồn đưa tin về những số phận neo đơn hay những bê bối của viện dưỡng lão nữa [6].
Chúng tôi tồn tại nhưng dường như trở nên vô hình. Xã hội hiện đại được thiết kế như một nơi mọi người luôn gặp gỡ và kết nối với nhau - trừ với người già. Lần cuối bạn chơi game cùng người cao tuổi là lúc nào? Lần cuối bạn vào quán bar bay cùng người cao tuổi là khi nào? Lần cuối bạn bắt gặp cụ già chạy xe là khi nào và lần cuối bạn bực mình về lối chạy xe của họ? Lần cuối bạn kết bạn với cụ già nào đó trên Facebook…?
Mọi người chấp nhận cuộc sống buồn tẻ của chúng tôi như một sự thật hiển nhiên, hiển nhiên như chuyện già thì phải chết vậy.
Tất nhiên những gì tôi vừa nói không hẳn đúng với mọi người già. Nhưng việc đúng với họ có lẽ không mấy quan trọng, tôi cũng thừa nhận vậy. Quan trọng là bạn, những người còn trẻ, rốt cục cảm thấy gì.
Hy vọng nó có thể tạo động lực để bạn nhấc máy lên gọi cho bố mẹ của mình ở quê nhà. Hy vọng bạn sẽ không phải khó chịu khi nghe họ lèm bèm giống những lời của tôi.
Và hy vọng khi bạn già đi, thế giới đã trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho người cao tuổi.
Tôi dùng từ hy vọng đến tận 5 lần, vì đó là tất cả những gì tôi có thể làm được trong lúc này. Phần còn lại, phải hy vọng ở lớp trẻ vậy.
*Bài viết không nhất thiết đại diện cho tiếng nói của người cao tuổi.
 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024