Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/03/2021 21:03 # 1
thuphuong21
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 69/110 (63%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/10/2020
Bài gởi: 619
Được cảm ơn: 4
Cái bẫy của Hitler


Nhắc đến Ba Lan trong lịch sử Đại chiến Thế giới lần thứ hai, phần đông có lẽ chỉ nhớ rằng việc Đức Quốc xã phát động xâm lược Ba Lan vào ngày 1-9-1939, cũng như những lời tuyên chiến của Anh và Pháp dành cho Đức vài ngày sau đó, là điểm khởi đầu.

Song, để có được điểm khởi đầu ấy, thực ra, lãnh tụ Quốc xã Adolf Hitler đã phải mất tới 5 năm kìm hãm và che giấu tham vọng đích thực của mình đối với quốc gia láng giềng tội nghiệp đó.

Di sản của Pilsudski

Ngày 26-1-1934, hai nhà độc tài của hai nước Đức và Ba Lan cùng nhau ký một hiệp ước bất tương xâm (không xâm phạm lẫn nhau). Theo đó, hai nước cam kết giải quyết mọi vấn đề phát sinh giữa hai bên bằng các cuộc đàm phán song phương, và từ bỏ xung đột vũ trang trong khoảng thời gian 10 năm. Song, chỉ 5 năm sau, Ba Lan đã trở thành một phần lãnh thổ của nước Đức Quốc xã, được đặt dưới quyền cai trị của một "tổng trấn" (hoặc Toàn quyền) Đức.

Người ký hiệp ước bất tương xâm năm ấy, bên phía Đức, dĩ nhiên là Adolf Hitler. Còn bên phía Ba Lan, vị trí đó thuộc về Thống chế Josef Pilsudski, vừa là người anh hùng của cuộc cách mạng Ba Lan 1918, vừa là một nhà độc tài kể từ khi cướp chính quyền năm 1926.

Hiệp ước bất tương xâm ký với Đức Quốc xã ấy chính là dấu ấn đáng nhớ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông, bởi chỉ sau đó một năm, Pilsudski đã qua đời. Giới nghiên cứu cho rằng lý do để Pilsudki đề xuất hiệp ước đó với Đức chính là bởi ông từng đề nghị Pháp cùng hợp tác quân sự chống lại Đức. Tuy nhiên, đề nghị này bị nước Pháp từ chối, bởi nó vi phạm Hòa ước Versailles sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Và bởi vậy, Pilsudski quay sang "làm thân" với Đức.

 

Cái bẫy của Hitler - 1

Josef Beck (phải) - người khiến Ba Lan trả giá cắt cổ cho đường lối đối ngoại của mình.

Cần phải nhấn mạnh rằng trong lịch sử châu Âu, không phải lúc nào Ba Lan cũng "khiêm nhường" như hiện tại. Khối thịnh vượng Ba Lan - Lithuania đã từng là một quyền lực thực thụ đáng nể, đủ sức làm bá chủ vùng Đông Âu bên rìa duyên hải Baltic, thậm chí đủ sức áp đặt quyền lực của mình lên cả những lãnh thổ Nga lẫn những tiểu quốc Đức, trước khi đế quốc Nga cũng như đế quốc Đức chưa thực sự hình thành. Và bởi vậy, những nhân vật đầu não của Ba Lan vẫn nuôi giữ cả lòng tự hào dân tộc (một cách khá cực đoan), lẫn những ước vọng "trùng chấn hùng phong".

Vấn đề là, cho đến thời điểm đầu thế kỷ XX, Ba Lan đã ở vào một tình thế vô cùng "khó co duỗi". Họ bị kẹp giữa Liên Xô (kế thừa Đế quốc Nga) ở phía đông cũng như Đức Quốc xã (kế thừa đế quốc Đức) ở phía tây, và không có mối quan hệ hữu hảo với cả hai địch thủ đều hùng mạnh gấp bội mình ấy.

Với nước Đức, Ba Lan là một "cái gai trong mắt". Hòa ước Versailles quy định Ba Lan được sở hữu "hành lang Ba Lan" (vốn thuộc về Đức trước đó), nghĩa là các tỉnh miền bờ biển Baltic của Ba Lan hiện tại - đồng nghĩa với việc cắt rời miền đất phát tích Đông Phổ (đông bắc Ba Lan) khỏi lãnh thổ Đức. Điều đó tạo nên một hệ quả: Trong tất cả những quốc gia có đường biên giới giáp với Đức - một nước Đức đã sẵn sàng tái vũ trang để "trả hận", Ba Lan ở vào vị thế đáng lo ngại nhất. Chưa kể, những nguồn lợi kinh tế mà Ba Lan được hưởng từ cảng Hansaetic ở Gdansk trên "hành lang Ba Lan" đó càng khiến người Đức thêm bất mãn.

Còn với Liên Xô, Ba Lan là một kẻ thù đích thực. Ân oán hiềm khích giữa hai quốc gia đã kéo dài hàng trăm năm, với cả những lần phong kiến Ba Lan đô hộ các quận quốc Nga hay Sa hoàng cùng Áo và Phổ chia xẻ Ba Lan, lại dày thêm vào thời điểm Nội chiến Nga. Năm 1919-1920, Ba Lan mang quân đánh vào Ukraina, với mong muốn thu hồi những phần lãnh thổ cũ từ Nga (mà họ cho là thuộc về mình). Để rồi, Hồng quân phản kích đến tận Warsawa, và chỉ ở đó, quân Ba Lan mới được chắp cánh bởi lòng ái quốc để giữ vững nền độc lập.

Và sự khờ khạo của Beck

Sau khi Pilsudski qua đời, chính sách ngoại giao của Ba Lan được lèo lái bởi Ngoại trưởng Josef Beck. Đó là một người căm ghét Liên Xô, nhưng lại cũng có ác cảm với Pháp - một trong hai nước bảo hộ Ba Lan, cùng với Anh, đại diện cho Hội Quốc Liên. Ông có cảm tình với Hitler, với chế độ Quốc xã, và do đó lại càng xa rời mối quan hệ truyền thống với Pháp.

Nói một cách ngắn gọn, Pilsudski là người đặt nền móng cho nền hòa bình mong manh của Ba Lan với Đức, còn Beck chính là người tự tay chôn Ba Lan, trong một vũng lầy không lối thoát. Có thể nói như vậy, bởi khi Đức Quốc xã sáp nhập Áo (vi phạm Hiệp định Versaille), Beck không hề cảm thấy có gì lo lắng. Khi Đức giải giáp, tiến đánh và thôn tính Tiệp Khắc, Ba Lan cùng Hungary cũng nhanh tay điều quân hỗ trợ để "chia phần" (lấy một khoảnh vùng Silesia của Tiệp Khắc). Khi Đức Quốc xã đòi quyền sở hữu cảng Memel của Litva, những nỗi lo lắng mới bắt đầu hiện hữu.

Song, khi ấy thì đã quá trễ. Bằng việc tiếp tay để Đức Quốc xã xóa sổ 40 sư đoàn thiện chiến cùng một hệ thống công sự kiên cố bên sườn dãy Carpathe của Tiệp Khắc, Ba Lan đã tự phá hủy một tấm lá chắn ở phía Tây của mình. Và bằng việc xa rời một đồng minh truyền thống như Pháp, cũng như không che giấu sự thù địch với Liên Xô (Beck phản đối việc Liên Xô tham dự hội nghị Munchen, về việc chia sẻ Tiệp Khắc), Ngoại trưởng Ba Lan đặt cả hai tay mình vào miệng hổ.

Ông ta vẫn còn cảm thấy "khó xử" khi Adolf Hitler đòi hỏi: "Gdansk phải được giao trả cho Đức. Nhưng trước tiên, Đức muốn xây dựng một đường sắt và một đường cao tốc xuyên qua Hành lang Ba Lan". Bởi vì, miếng mồi mà Hitler mắc vào lưỡi câu dành cho Beck là khả năng: Hiệp ước bất tương xâm giữa hai nước sẽ được gia hạn thêm 10 hoặc 20 năm nữa. Trong điều kiện đó, Đức sẽ bảo đảm cho đường biên giới của Ba Lan.

Cái bẫy của Hitler - 2

Pilsudski đã cố kiến tạo một nền hòa bình mong manh với nước Đức Quốc xã.

Beck "không thấy có khả năng nào để thỏa thuận với Đức về việc trao trả Gdansk". Tuy nhiên, cả ông lẫn quân đội Ba Lan đều không được phép làm chủ vận mệnh của chính mình nữa. Anh và Pháp đã hứa bảo đảm cho nền độc lập của họ, nhưng diễn biến thực tế sau đó cho thấy rằng đó chỉ là những lời hứa hão, khi "chiến tranh kỳ quặc" diễn ra ở Tây Âu, nơi 110 sư đoàn quân Anh và quân Pháp hầu như không có động thái nào chống lại 23 sư đoàn Đức. Còn Ba Lan phải tự xoay xở, với một đội quân lạc hậu và thiếu thốn, trước một cỗ máy nghiền. Bởi vì, sau khi liên tục chìa tay ra và bị cả Ba Lan lẫn Anh - Pháp khước từ, Liên Xô đã tự lo thân, với việc ký một hiệp ước bất tương xâm nổi tiếng: Hiệp ước Molotov - Ribbentrop.

Hitler, nói cho cùng, đã bỏ ra 5 năm để đạt được rất nhiều mục đích, khi đặt bút ký hiệp ước với Pilsudski: Tạo mối quan hệ thân thiện với một quốc gia chống Liên Xô mãnh liệt, tách Ba Lan khỏi vòng tay của các đồng minh lớn, và rồi đợi đến thời điểm thôn tính thích hợp. Đến khi Beck xuống nước năn nỉ đồng ý nhận mọi điều kiện có thể thương thảo về Hành lang Ba Lan và Đông Phổ, thì các đoàn quân Đức đã sẵn sàng tiến qua biên giới rồi.  

Đó là cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ, khi tin rằng Hitler thực tâm xem "tình hữu nghị giữa Đức và Ba Lan là một trong những điều đáng yên tâm nhất trong đời sống chính trị châu Âu", vào ngày 30-1-1939. Một bài học xương máu cho kỹ năng tồn vong của các nước nhỏ, trong vòng xoáy quyền lực của các đại cường, điều đòi hỏi cả sự tỉnh táo, khéo léo và tinh thần đoàn kết. Như vấn đề đang đặt ra ở hiện tại, cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024