Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/03/2021 20:03 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Làm Thế Nào Để Xây Dựng Tính Kiên Định - Năng Lực Tiềm Ẩn, Định Sẵn Thành Công?


Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao một vài người lại thành công nhận về những thành quả kỳ cựu trong lĩnh vực hoạt động, trong khi đó, những người khác cũng làm việc cật lực ngần đấy, nhưng thành công không nhiều?

Lý do có thể là bởi những con người thành đạt ấy chỉ đơn thuần là thông minh hơn, hoặc có lẽ, giàu đam mê hơn, kiên trì hơn, và thậm chí, là may mắn hơn những người còn lại. Tất nhiên, đó chính là những bí kíp chủ chốt có thể giúp con người ta giành về chiến thắng trong tay.

Tuy nhiên, có một yếu tố khác nữa về thành công còn quan trọng hơn hết thảy. Yếu tố đó chính là lòng kiên định. Kiên định có nghĩa là toàn lực cống hiến vào nhiệm vụ, hoạt động hay mục tiêu của bản thân, dồn hết thảy năng suất hoạt động mà không mảy may sao nhãng.

Để rèn tính kiên định, ta buộc phải học cách đưa ra những cam kết - cam kết bản thân sẽ duy trì một mức độ nỗ lực, trong suốt một khoảng thời gian dài. Về cơ bản, ta nói phải giữ lời, phải thực hiện được lời hứa sẽ nỗ lực liên tục cho đến khi đạt được thành quả.

Tính kiên định, suy cho cùng, đều là về tinh thần trách nghiệm, sự tin tưởng và phụ thuộc vào từng lựa chọn, quyết định và hành động của bản thân.

Kiên định, nói cách khác, là công cụ hỗ trợ ta xây dựng những thói quen nhỏ mà có võ, mà ta sẽ thực hiện mỗi ngày, để tập trung vào từng ưa tiên và lựa chọn hàng đầu.

Bởi vậy, điểm mấu chốt nằm ở năng lực kiểm soát bản thân, chịu trách nghiệm cho từng lựa chọn, không đưa ra mớ lý lẽ vô cớ, hay bất kể một lời phàn nàn nào. Chỉ có độc riêng mình ta, là phải chịu trách nhiệm về những gì bản thân đã làm được, hoặc không làm được. Mọi trách nghiệm đều gói gọn trong lòng bàn tay ta.

Để rèn được kỷ luật kiên định, ta phải học cách tập trung vào thời khắc hiện tại, trong khi vẫn bám sát một mục tiêu dài hạn, để đo lường kết quả và độ ảnh hưởng của các hoạt động thường nhật.

Với công đoạn tự nhận xét, đánh giá chuyên cần như vậy, ta sẽ học hỏi tốt hơn từ những thất bại, để có thể thay đổi từng hành động của bản thân một cách hiệu quả, nếu cần thiết.

Sự kiên định, suy cho cùng, là hành động lặp đi lặp lại. Lặp lại từng hành động (thói quen và công đoạn) hết lần này tới lần khác, để rút kinh nghiệm và sửa đổi, để bản thân có thể giữ vững lộ trình hướng về mục tiêu trong tương lai.

 Và đó chính là bản chất của sự khác biệt giữa thành công và thất bại, trên mọi phương diện nỗ lực, và là chìa khóa để con người ta mạnh dạn tiến bước, vươn tới đỉnh vinh quanh.

Tại sao con người ta lại vật lộn với tính kiên định đến thế?

Mặc dù khái niệm “kiên định” nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng phần lớn chúng ta đều phải đánh vật với nó.

Ta cảm tưởng khó có thể kiên trì theo đuổi một mục tiêu bởi có cơ man nào là những yếu tố gây sao nhãng.

Ta đơn giản là không thể tập trung, không thể cam kết thực hiện, không thể giữ đúng tinh thần kỷ luận để theo đuổi một mục tiêu nào đó trong một khoảng thời gian, để đổi về thành quả lâu dài.

Lý do chủ chốt cho vấn đề này chính là, con người ta chỉ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn. Hay nói cách khác, nếu ta không nhận về thành quả ngay tắp lự, ta không nhìn nhận được lý do thỏa đáng để tiếp tục nỗ lực trong tương lai.

Tuy nhiên, thói quen xây dựng tính kiên định không phải là để thu về kết quả trong chớp nhoáng, mà là về xây dựng từng bước tiến, cũng như những cải thiện, trong suốt một khoảng thời gian dài.

Hãy nghĩ tới một kỹ năng bạn đã dày công rèn giũa trong suốt những năm tháng qua. Có lẽ, bạn có một giọng hát tuyệt vời, hay đã thuần thục kỹ thuật chơi đàn guitar, hoặc giả, bạn là một vũ công tài ba, có thể nói thành thạo một ngoại ngữ. Không quan trọng bạn đã phát triển được loại kỹ năng nào, suy cho cùng, để thành thạo nó, bạn đã phải tốn hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Bạn thành công chinh phục kỹ năng đó là bởi bạn kiên định luyện tập.

Ví dụ thực tế về Hành động một cách Kiên định

Hãy liên tưởng tới bối cảnh một đứa trẻ đang học cách úp rổ. Vào thời gian đầu rèn luyện, nó được dạy cho những kỹ thuật cơ bản về cách ném bóng vào rổ, tuy nhiên, bước khởi đầu ấy vốn dĩ cũng không dễ dàng.

Nó phải luyện đi luyện lại từng bước chuyển động, cũng như từng động tác, nhưng để úp bóng trúng rổ vẫn còn là cả một thử thách.

Chiếc rổ dường như quá bé, và quá xa, tuy nhiên, đứa trẻ ấy vẫn kiên định luyện tập động tác ném bóng hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Qua quá trình ôn luyện lặp đi lặp lại ấy, nó bắt đầu ném được nhiều trái bóng hơn.

Kết quả càng ngày càng khấm khá, bởi cơ thể nó đã bắt đầu ghi nhớ từng động tác ném bóng. Hơn thế nữa, việc kiên trì lặp lại như vậy còn giúp nó hiểu hơn về các động tác nào là dư thừa, nào là chuẩn xác, để úp bóng trúng rổ. Hay nói cách khác, nó đã học hỏi được từ sai lầm của bản thân, và từ đó, thay đổi lần lần.

Qua hằng năm mài giũa, kỹ thuật ném bóng dường như đã trở thành một dạng bản năng, tất cả đều là nhờ nỗ lực kiên định bám sát quá trình luyện tập hằng ngày, ngay từ thời điểm bắt đầu.

Đó chỉ là một ví dụ về sự kiên định trong hành động, một ví dụ chứng minh cho việc kiên trì nỗ lực trong một khoảng thời gian lại có thể đem tới kết quả đáng ngưỡng mộ ra sao.

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi đứa trẻ ấy không chịu luyện tập hằng ngày? Sẽ ra sao nếu nó chỉ luyện 1 tới 2 lần mỗi tháng? Điều đó sẽ dẫn đến sự khác biệt trong thành quả ra sao?

Tất nhiên, đó hẳn sẽ là một sự khác biệt lớn.

Ta sẽ không nhận lại một thành quả ngay lập tức, khi nói đến việc cam kết xây dựng kỷ luật kiên định.

Lòng kiên định, nói đúng hơn, là về việc tạo nên những bước tiến theo thời gian. Kết quả mà ta rốt ráo theo đuổi rồi cũng sẽ tới, tuy nhiên, chỉ tới sau một khoảng thời gian dài khi ta hành động một cách kiên định để theo đuổi mà thôi.

Có thể ở thời điểm hiện tại, vì một lý do nào đó, bạn cảm thấy kỷ luật kiên định không quá khó để thực hiện, hãy thử xét đến những thói quen xấu con người ta đã phát triển qua năm tháng.

Ví dụ, thường xuyên nhón lấy mấy thỏi kẹo, ăn quá ngưỡng cho phép một chút mỗi ngày, nhiều năm như vậy qua đi, sức khỏe tổng thể có thể bị ảnh hưởng, cụ thể, cơ thể sẽ phát sinh các vấn đề về cân nặng và độ linh hoạt.

Nhưng tất nhiên, bạn sẽ không để ý thấy rằng, ăn quá “một ít” từng ngày có tác động ra sao tới cơ thể của bạn, bởi nó không mang lại bất kỳ một biểu hiện nào ngay trong ngày “hôm nay”. Ngày mai, ngày kia hay tuần tới, tháng tới chắc cũng chẳng có sự khác biệt lớn. Nhưng, khi đã trải dài đến hàng năm, bạn có thể thấy được rõ rệt hệ lụy của thói quen thường nhật ấy, bạn có thể thấy rõ sức mạnh của một hành động được lặp đi lặp lại.

Đây chỉ là một trong số nhiều các ví dụ ta nhất quán trong hành động của mình theo một chiều hướng xấu và đầy hạn chế ra sao. Tôi dám chắc bạn ắt hẳn phải nghĩ được cả tá ví dụ khác nữa.

Tương đối rõ ràng rằng, ta chắc chắn có thể đưa những thói quen có tính nhất quán như vậy vào đời sống thường nhật. Tuy nhiên, từ nay trở đi, bạn sẽ hiểu được cách để tận dụng sự nhất quán đó, biến nó thành phương tiện hiệu dụng để đạt được từng mục tiêu mà bạn hằng ao ước.

Sự kiên định đòi hỏi gì ở bạn?

Có thể, tính tới thời điểm hiện tại, bạn đang bị hấp dẫn bởi ý tưởng trở thành một con người kiên định, và hứa hẹn sẽ tuân thủ thực hiện một loạt các hành động thường nhật để bám sát với một mục tiêu cụ thể mà bạn đã hình dung được trong đầu.

Xét về bề nổi, tính kiên định nghe có vẻ khá đơn giản, ta chỉ cần lặp đi lặp lại một hành động nào đó thôi mà, đúng chứ? Đa phần, chúng ta đều khá để tâm tới giá trị của việc liên tục luyện tập, bởi lẽ, thực hiện liên tục một điều gì đó ắt sẽ cấu thành nên nền tảng cho bất kỳ kỹ năng nào mà ta muốn trau dồi.

Tuy nhiên, có một điều ít ai có thể thấu rõ, hành động lặp đi lặp lại như vậy (hay ta cho rằng, đó là tính kiên định) luôn đòi hỏi ở mỗi người mỗi khác.

Kiên định-trong-từng-hành-động không chỉ đơn thuần là về việc lặp đi lặp lại các thao tác, mà là về sự tiến bộ. Ta không thể cắm đầu luyện tập trong vô thức, ta phải học hỏi, phải phát triển và đổi thay trong từng hành động, để có thể tạo được từng bước tiến trong suốt một chặng đường dài phía trước.

Kiên định trong từng hành động thực chất có nghĩa là, ta phải có được mắt nhìn sâu sắc và sự thấu hiểu về những gì bản thân ta làm, để từ đó sửa đổi hợp lý, nhằm cải thiện kết quả và năng lực của bản thân trong suốt một khoảng thời gian dài.

Hay nói cách khác, ta cần nâng cao được hiệu quả và năng suất của bản thân khi bước từng bước dọc trên cuộc hành trình săn đuổi mục tiêu.

Tính kiên định đòi hỏi ta phải luôn thận trọng, và tập trung vào tiến độ, thay vì chỉ giữ nguyên hiện trạng.

Để có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu, ta cần hiểu rõ được rằng, sức mạnh lớn nhất thuộc về hiện tại, ta phải thật cẩn trọng, tỉnh táo và tập trung vào công việc thay vì để tâm trí quẩn quanh.

Ta phải nắm vững kỷ luật bản thân vào ngay thời khắc hiện tại, và chỉ riêng hiện tại mà thôi, không có thời khắc nào khác nữa.

Tôi kiểm soát được bản thân tập trung vào thời điểm hiện tại…Hiện tại mới là quan trọng nhất…Tôi chỉ cần kiên định ngay trong chính thời điểm hiện tại….

Rất nhiều người khó có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu bởi lẽ, họ không nhận được thành quả ngay lập tức.

Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội mòn mỏi mong chờ sự thỏa mãn tức thì.

Khi ta đói, ta liền nhấc máy gọi pizza, khi ta chán ta liền bật ti vi lên xem, khi ta cảm thấy đơn côi, ta liền gọi đường dây nóng nối máy tới bạn bè. Và khi ta lớn khôn, tâm trí ta liền mặc định rằng mọi mong cầu nơi ta đều sẽ được thỏa mãn ngay lập tức.

Tuy nhiên, khi xét đến ước nguyện đạt được một mục tiêu vô cùng đáng giá, tình hình sẽ có một chút đổi thay.  

Thông thường, để có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, trước nhất, ta buộc phải cam kết sẽ lao động cần mẫn, tuy không đổi về ngay được một chút phần thưởng nào.

Tất nhiên, phần thưởng sẽ tới, bất luận ta mong mỏi sớm ngày thành công ra sao mà những gì nhận về lại nhỏ giọt, không thấm thía gì đối với nỗ lực nơi ta. Và đây chính là thời điểm tính kiên định phát huy tác dụng. Ta buộc phải gắn bó với một hoạt động trong suốt một khoảng thời gian để đổi về những thành quả lâu dài. Điều này nghe có vẻ giản đơn, nhưng bởi lẽ, ta đang sống trong một thế giới được bồi đắp dựa trên nền móng là sự thỏa mãn tức thì, liệu có ai lại không lý giải nổi lý do tại sao chỉ có một vài cá nhân đặc biệt mới có thể hái được trái ngọt hay không?

Kiên định cũng cần phải có Kế hoạch

Để có thể duy trì sự kiên định trong suốt một khoảng thời gian, ta buộc phải lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, trọng tâm không nằm ở kế hoạch ta vạch ra ra sao, mà là ở tư duy tinh tiến. Ta phải luôn hướng về phía trước để có thể lên kế hoạch hành động bền bỉ.

Sự kiên định trong từng hành động đòi hỏi ta trước nhất phải vạch rõ được những hoạt động được ưu tiên nhất là gì. Những hoạt động này sẽ được dựng xây dựa trên những giá trị cốt lõi, niềm đam mê, mục tiêu và đích đến của bản thân ta.

Nếu vì bất kỳ một lý do nào đó, sự ưa tiên của bạn không đồng nhất với những yếu tố kể trên, bạn rất khó có thể kiên trì trong một khoảng thời gian dài, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau:

Những ưu tiên hàng đầu của tôi là gì?

Những ưu tiên ấy có thống nhất với từng giá trị, mục tiêu và đích đến của tôi hay không?

Một khi bạn đã nhận thức rõ về thứ tự ưu tiên bạn cần tập trung về, đây chính là thời điểm cần xây dựng một kế hoạch vạch rõ thời gian cụ thể xuyên suốt một ngày, để hoàn tất những hoạt động ưu tiên đó.

Hãy hỏi bản thân:

Cụ thể là vào thời điểm nào tôi sẽ tập trung hoàn thiện những hoạt động này? Làm cách nào để đảm bảo rằng bản thân tôi sẽ tập trung 100% đối với từng nhiệm vụ trong tay?

Mục tiêu chủ chốt chính là dựng xây một lề thói, giúp bạn điều hướng mọi nỗ lực, cũng như từng suy nghĩ, hành động của bản thân, xuyên suốt một ngày dài.

Hãy học cách thiết lập một vài nghi thức nhỏ, mang tính cố định hằng ngày, để hình thành những thói quen mới, phục vụ cho mục tiêu mà bạn đang hướng về. Thực chất, đó chính là những điều kiện cần và đủ, để trở nên kiên định trong từng hành động.

Hành động Kiên định

Hiện bạn đã hiểu rõ về tính kiên định đòi hỏi ở bạn những gì, bây giờ đã đến lúc biến lý thuyết thành hành động, và đương nhiên, bí quyết để rèn được tính kiên định nằm ở sự chuẩn bị phù hợp, và độ tập trung tuyệt đối.

Quá trình chuẩn bị

Trước khi bắt đầu hành động một cách kiên định, quan trọng là bạn phải chuẩn bị được một tâm lý sẵn sàng.

Trước hết, hãy xác định mục tiêu hoặc đích đến mà bạn muốn đạt được.

Hãy tự hỏi bản thân: Tôi muốn đạt được những mục tiêu gì?

Bây giờ, thử tưởng tượng rằng, bạn đang đứng ở vạch đích, và bước từng bước ngược lại trở về vạch xuất phát. Hãy lắng lòng quan sát thật kỹ vạch đích ấy để có thể mường tượng được từng bước đi, từng cung đường mà bạn cần dựng xây theo thời gian.

Sau khi hoàn tất, hãy chia nhỏ mục tiêu này thành từng phần, và lên kế hoạch chi tiết để chinh phục chúng.

Hãy tự hỏi bản thân rằng: Tôi cần làm những gì để đạt được mục tiêu này? Những hành động và hoạt động lặp lại nào là cần thiết phải thực hiện? Những thói quen mặc định cụ thể nào tôi cần phải xây dựng để củng cố cho những hành động ấy? Khi nào tôi sẽ thực hiện bước đầu tiên? Thực hiện như thế nào? Cụ thể là vào thời điểm nào? Cường độ thực hiện là bao nhiêu?

Quan trọng là bạn phải xác định được quãng thời gian cụ thể để hành động và giữ vững tiến độ trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Khi đặt ra quy định về thời gian hành động, bạn sẽ làm việc một cách có mục tiêu hơn, và khẩn trương hơn. Khi không quy định thời gian, bạn sẽ rất dễ bị mất tập trung trong suốt quá trình.

Bạn của thời điểm hiện tại, ắt phải hình dung được rất rõ bản thân cần phải làm những gì để đạt được kết quả như mong đợi rồi.

Toàn quyền quyết định với từng nước đi cụ thể đều nằm trong tay bạn.

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi nữa bạn cần phải trả lời được: Những hành động lặp đi lặp lại nào tôi cần phải tránh xa?

Thường thì, không chỉ những gì ta cần phải tập trung thực hiện mới là quan trọng, những yếu tố ta cần tránh thật xa cũng nắm một vai trò chủ chốt có thể lật ngược thế cờ vào ngay phút chót.

Hãy nghĩ về tất cả những tác nhân gây sao nhãng, và những hoạt động phí hoài thời gian có thể làm chệch hướng mục tiêu của bạn. Thường thì những hoạt động này không có liên quan tới đích đến mà bạn hằng nhắm về, và suy cho cùng, sẽ làm tổn hại tới năng suất hoạt động của bạn.

Thực tế, chúng cũng không hơn gì những cái cớ để bản thân ta đắm chìm trong thói trì hoãn.

Duy trì Thái độ Tập trung Tuyệt đối

Sau khi bạn đã rõ bản thân cần phải làm những gì, bây giờ, hãy bắt tay vào hành động đi thôi! Tuy nhiên, để có thể kiên trì bám sát mục tiêu, điểm mấu chốt nằm ở chỗ, bạn phải duy trì được độ tập trung tuyệt đối, cụ thể là 3 khía cạnh sau:

Tập trung vào những điều trọng yếu, thay vì những thú vui, những công việc thuận tiện dễ dàng.

Tập trung vào một việc trong một thời điểm, thay vì ôm đồm nhiều việc một lúc.

Tập trung thực hiện hoạt động, thay vì tập trung vào kết quả mong muốn.

Tất nhiên, luận điểm quan trọng nhất ở đây chỉ đơn giản là tập trung vào những việc cần thực hiện với không chút sao nhãng.

Bây giờ chính là thời điểm bạn đặt ra cho bản thân từng nhiệm vụ ưu tiên. Bạn phải tập trung vào 1 việc quan trọng nhất bạn cần làm vào thời điểm hiện tại, sẽ mang lại cho bạn những lợi ích lâu dài.

Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm.

Điều này sẽ là cả một thách thức, bởi lẽ, bộ não của chúng ta luôn bị những tác nhân gây sao nhãng thu hút. Nó sẽ luôn muốn làm những công việc khiến nó vui thích, những công việc đơn giản và thuận tiện.

Chỉ chăm chăm vào giải trí, vào những công việc nhàn hạ và thuận tiện như vậy, không hẳn là một cách tốt để tận dụng tối đa thời gian.

Rất có thể, những hoạt động mà bạn cố gắng tập trung vào, sẽ trở nên nhàm chán và tẻ nhạt vô cùng, đối với trường hợp này, điều quan trọng là bạn phải tập trung vào quá trình thực hiện hoạt động đó.

Thông thường, chúng ta đều sẽ bị phân tâm và lạc mất phương hướng khi cứ suy nghĩ xa xôi, và trêu đùa bộ não của chúng ta bằng những suy nghĩ viển vông, hay những công việc mà ta cho rằng cần phải hoàn thiện. Tuy nhiên, khi ta toàn tâm chú ý tới quá trình thực hiện một công việc, ta sẽ không rơi vào loại cạm bẫy đó, bởi lẽ mọi sự tập trung nơi ta đều dồn toàn lực vào công việc hiện tại. Hiện tại mới là quan trọng nhất. Mọi nhân tố khác đều sẽ trở thành thứ yếu.

Để tập trung như vậy không phải là một điều đơn giản, nó đòi hỏi ở bạn sự tập trung cao độ trong suốt một thời gian dài. Bạn nên thường xuyên tự hỏi bản thân mình câu hỏi sau: Tôi phải suy nghĩ như thế nào để có thể duy trì độ tập trung? Liên tục trả lời câu hỏi này có thể giúp bạn tập trung vào quá trình xử lý công việc trong tay.

Suy cho cùng, mọi việc chúng ta làm đều được khởi đầu bằng một suy nghĩ có phải không nào.

Bởi vậy, nếu bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ của bản thân theo một cách tối ưu nhất, bạn sẽ tránh được sự sao nhãng để hoàn thiện những công việc nên được hoàn thiện.

Tất nhiên, thi thoảng sẽ có những lúc bạn trở nên lơ là, bởi lẽ, duy trì sự tập trung cao độ trong suốt một khoảng thời gian dài không phải là một công việc giản đơn.

Sẽ có một vài thời điểm làm bạn cảm thấy bức bối, hãy gạt bỏ đi những xúc cảm ấy, và giữ vững lộ trình cho đến khi thành công đạt được mục tiêu!

Điểm mấu chốt ở đây là, để có thể duy trì tinh thần tập trung, ta cần phải làm việc cật lực.

Tập trung vào một công việc nào đó trong hàng giờ đồng hồ mà không có lấy một giờ phút thả lỏng đầu óc và cơ thể, chẳng khác nào hành vi tự bóc lột trí óc cả. Bởi vậy, quan trọng là bạn phải đặt ra những quãng nghỉ ngắn, trong vòng vài phút xen kẽ các khoảng thời gian bạn tập trung làm việc. Điều này sẽ giúp bạn sạc lại năng lượng, củng cố lại độ tập trung để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Tập trung trong một khoảng thời gian dài

Hãy cùng nhìn lại tất cả những điểm bạn và tôi đã cùng luận bàn, rõ ràng rằng, chìa khóa đến với thành công đó chính là sự kiên định trong hành động. Tuy nhiên, để có thể thực sự nâng cao kết quả đạt được, bạn cũng cần phải thực hiện những hành động có sức ảnh hưởng lớn, đồng thời, thực hiện một cách liên tục trong suốt một quãng thời gian dài.

Liên tục làm những điều nhỏ bé theo những cách thức giản đơn trong suốt một quãng thời gian cũng có thể mang lại sự thay đổi rõ rệt, nhưng nếu bạn muốn sớm ngày nhận về thành quả, thì bạn cần phải kiên trì thực hiện những hành động có sức ảnh hưởng lớn.

Tất nhiên, kế hoạch hành động như vậy vô cùng mỏi mệt và vắt kiệt sức lực, thường sẽ dẫn tới tình trạng kiệt quệ năng lượng. Bởi vậy, quan trọng là phải thực hiện đan xen với những quãng nghỉ ngắn để cơ thể phục hồi.

Đừng chú trọng đến quá trình thực hiện hoạt động phải hoàn hảo, không chút sứt mẻ ra sao. Thực hiện những hành động có sức ảnh hưởng lớn không phải là để hướng tới sự hoàn hảo, mà là để bạn khuyến khích bản thân liên tục rèn luyện, và sớm ngày đạt được thành tựu.

Tất nhiên, thực hành chính là yếu tố chủ chốt. Về cơ bản, đó chính là điều mà bạn cần tập trung vào. Bạn cần phải liên tục mài giũa tay nghề cho đến khi đạt được mục tiêu, hoặc trở thành một tay lão luyện trong chính lĩnh vực mà bạn đầu tư vào.

Đề rèn luyện tay nghề, về cơ bản, bạn phải phát triển được dựa trên những gì bạn đã làm vào ngày hôm qua, và tìm tòi những phương pháp giúp bản thân trau dồi và cải thiện công đoạn làm việc.

Hãy thử hỏi bản thân hai câu hỏi đơn giản sau: Ngày hôm qua tôi đã học làm được những gì? Tôi có thể cải thiện hơn như thế nào trong ngày hôm nay?

Hai câu hỏi trên cho phép bạn liên tục tạo tiến độ, liên tục cải thiện từng nhiệm vụ và hành động trong suốt một khoảng thời gian dài, để có thể nâng cao độ hiệu quả và thành tựu đạt được.

Tất cả những điều này, cơ bản, là về việc xây dựng những thói quen tốt. Khi bạn cam kết sẽ thực hiện những hoạt động, hoặc những nhiệm vụ trong cùng một thời điểm hằng ngày mà không hề thoái trí, bạn của hiện tại đang dựng xây nên những thói quen quan trọng, qua thời gian sẽ đâm chồi thành quả mà bạn hằng ước ao.

Sức mạnh của việc đọc sách 30 phút mỗi ngày

Hãy thử nghĩ tới việc đọc một cuốn sách về phát triển bản thân hoặc xây dựng doanh nghiệp 30 phút một ngày. Đó không phải là một khoảng thời gian quá dài, tuy nhiên, đọc sách 30 phút một ngày, kéo dài trong suốt một tuần, tính tổng là bạn đã đọc được 3 tiếng rưỡi. Một quyển sách có độ dày vừa phải sẽ tốn của bạn 2 tuần để hoàn thiện, nếu đưa ra con số là 52 tuần trong vòng một năm, bạn đã đọc được gần 25 quyển sách rồi! Nhưng hãy thử tưởng tượng rằng, bạn bỏ qua một vài ngày, và chỉ đọc được 20 cuốn, hoặc đi du lịch, và chỉ đọc được 15 cuốn - 15 cuốn trong một năm lận! Tính đến 5 năm kể từ đó, bạn đã đọc được 75 cuốn sách về phát triển bản thân và xây dựng doanh nghiệp rồi!

Liệu đọc 75 cuốn sách trong thời hạn là 5 năm, có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống, công việc, các mối quan hệ và doanh nghiệp của bạn không? Bạn đã tính tới việc sẽ thu thập được những quan điểm và ý tưởng độc nhất vô nhị từ những cuốn sách đó để cải thiện cuộc sống hay chưa? Tôi dám chắc là những cuốn sách quyền năng ấy có khả năng làm được như vậy. Thực chất, tôi dám đánh cược rằng, việc đọc sách sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Và tất cả những gì bạn phải làm chỉ đơn giản là đọc sách 30 phút mỗi ngày mà thôi.

Tất nhiên, 30 phút đọc sách mỗi ngày vào thời điểm ban đầu, sẽ chưa tạo được sự thay đổi đáng kể. Thực tế, bạn cũng chỉ nhận được một vài giá trị ít ỏi từ những đầu sách ấy trong suốt một vài tuần, hay vài tháng.

Tuy nhiên, tuy chậm mà chắc, những hạt giống ươm mầm từng phương thức tư duy đổi mới đã được vùi xuống. Qua thời gian, bạn sẽ càng tạo được từng mối nối liên kết, giữa những gì đã đọc và những gì bản thân vốn đã biết về cuộc sống, công việc, các mối quan hệ và từng tình huống mà bạn phải đương đầu.

Qua thời gian, bạn sẽ bắt gặp nhiều hơn các chuỗi thời khắc “a ha!”, khi bạn đã có con mắt nhìn thấu vạn sự ở đời. Và bạn sẽ bất chợt bừng tỉnh mỗi sáng, khi nhìn nhận cuộc sống và hoàn cảnh của mình, dưới một góc độ hoàn toàn khác biệt. 

Kể từ đó, bạn bắt đầu đưa ra những sự lựa chọn và quyết định khác biệt, dẫn lối bạn đến với một cuộc hành trình độc nhất vô nhị, và cuối cùng, cuộc sống của bạn liền đổi thay mãi mãi.

Tất cả bắt đầu chỉ với 30 phút đọc sách mỗi ngày. Đây chính là sức mạnh của việc kiên định trong hành động, trải dài trong suốt nhiều tháng nhiều năm, đồng thời, cũng là sức mạnh của việc phát triển một thói quen đầy tiềm năng, có thể làm biến đổi cuộc sống của bạn mãi mãi.

Tuy nhiên, đắm mình vào thói quen này sẽ không mang lại sự khác biệt quá lớn, vào hôm nay, hay vào tuần tới, tháng tới. Hoặc có lẽ, bạn cũng sẽ chẳng nhận thấy sự đổi thay trong suốt vài tháng sau đó. Tuy nhiên, qua một khoảng thời gian dài (qua vài năm), khi bạn càng theo đà phát triển, bạn ắt sẽ nhận thấy có một sự khác biệt lớn.

Và rồi sẽ đến một ngày, bạn quay lưng nhìn lại xuất phát điểm, ngỡ ngàng rằng bản thân đã tiến xa biết bao nhiêu.

Và đó chính là sức mạnh của việc kiên định trong từng hành động.

Hệ quả của việc Kiên định trong từng hành động

Đương nhiên, như tôi đã đề cập tới ở các phần trên, sức mạnh này có thể sử dụng để phục vụ cho những mục đích tốt, lẫn những mục đích xấu. Thay vì đọc sách, bạn có thể xem chương trình truyền hình yêu thích 30 phút mỗi ngày, kèm với đó là ngấu nghiến thanh socola ngọt lành.

Thói quen/lề thói này, tất nhiên, sẽ không mang lại sự khác biệt vào hôm nay, hay vào ngày mai, tuần tới, tháng tới. Nhưng khi một năm đã thấm thoắt trôi, hay nhiều năm về sau, khi phần bụng ngày càng phình to, khi sức khỏe, sự linh động của cơ thể dần suy sụp, bạn có thể sẽ nhìn lại cuộc đời và tự hỏi: Tại sao mình lại ra nông nỗi này?

Đó chỉ là một trong nhiều thói quen tự hủy hoại bản thân mà nhiều người thường vướng phải, liên tục lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bởi lẽ ta không nhận thấy sự đổi thay mà thói quen xấu ấy mang lại vào chính hôm nay, hay ngày mai, nó liền thành công trở thành một thói quen chẳng mấy quan trọng, bởi lẽ, nó chỉ đơn giản là lách khỏi “tầm ngắm” của ý thức con người.

Như bạn đã thấy, vấn đề nằm ở chỗ, rất nhiều người hiện đang sống với một mắt nhìn hạn hẹp về thế giới. Họ hiếm khi nhìn xa trông rộng từ hoàn cảnh hiện tại, họ không sao hiểu nổi những hành động của họ vào thời điểm này và những thói quen lặp lại trong vòng nhiều năm tới, sẽ ảnh hưởng tới họ sâu rộng ra sao.

Hoặc có lẽ, họ hoàn toàn ý thức được, nhưng tiếc thay, họ lại không có đủ ý chí quyết tâm cần thiết để kìm giữ bản thân lại. Đó chính là lý do vì sao từng cơn nghiện lại xuất hiện, thói quen cũng giống như cơn nghiện vậy đó. Nó là những điều ta không thể kìm nén thực hiện trong suốt một khoảng thời gian dài. 

Tất nhiên, ta có thể cảm tưởng rằng, bản thân sẽ loại bỏ thói quen xấu ấy vào bất kỳ thời điểm nào, và thay đổi cuộc sống, nhưng trên thực tế, ta chỉ càng đắm mình vào nó hơn thôi.

Cuộc đời quá quý giá để lãng phí bằng cách đó.

Tương lai hoàn toàn gói gọn trong lòng bàn tay ta.

Chỉ có riêng mình ta mới có thể quyết định bản thân sẽ tập trung vào điều gì vào từng khoảnh khắc hiện tại.

Chỉ có riêng mình ta mới có thể đưa ra những lựa chọn thay thế.

Chỉ có riêng mình ta mới có thể sửa đổi tư duy, để bắt đầu tạo ra những cải thiện tích cực ngay từ hôm nay.

Tất cả chỉ khởi đầu từ một điều nhỏ bé và tích cực, một điều mà ta có thể cam kết thực hiện mỗi ngày, mỗi tuần, hàng tháng và hàng năm.

Bạn, đương nhiên sẽ không thể nhìn thấy sự cải thiện vào ngày hôm nay, hay vào ngày mai, vào tuần tới tháng tới. Nhưng qua vài năm kế đó, sự kiên định trong hành động của bạn sẽ trở thành nền tảng dựng xây cho một cuộc sống tương lai giàu đẹp, an vui và đong đầy hơn.

Mọi quyền lựa chọn đều nằm trong tay bạn.

Vậy, bạn sẽ lựa chọn tập trung vào mục tiêu nào, bắt đầu từ ngày hôm nay? 

"Một thời khắc cố gắng không quyết định thành công.Con người ta chỉ thành công khi kiên trì nỗ lực đầy bền bỉ." - Anthony Robbins

-------------

Tác giả: Adam Sicinski

 

Link bài gốc: CONSISTENCY IN ACTION: IS IT THE HIDDEN DRIVER FOR SUCCESS?

 

 

Dịch giả: 

Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024