Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/01/2021 20:01 # 1
thuphuong21
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 69/110 (63%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/10/2020
Bài gởi: 619
Được cảm ơn: 4
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại


12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại giữa hải quân Mỹ và hải quân Đế quốc Nhật Bản ở vịnh Leyte, Philippines.

Trận chiến vịnh Leyte (hải chiến Philippines lần 2) được các nhà sử học đánh giá là cuộc đối đầu trên biển lớn nhất trong chiến tranh hiện đại dựa trên tiềm lực quân sự của hai bên. Khí tài quân sự hiện đại Mỹ và Nhật Bản đổ vào chiến trường rộng lớn tới 260.000 km2.

Đây được coi là một trong những trận chiến quan trọng nhất trong Thế chiến 2, quyết định sức mạnh hải quân Mỹ và Nhật Bản cũng như khả năng kiểm soát Thái Bình Dương. Trận chiến vịnh Leyte bao gồm 4 trận đánh tại biển Sibuyan, biển Surigao, Cape Engaño và Samar từ ngày 23-26.10.1944.

Bối cảnh lịch sử

Từ tháng 8.1942 đến đầu năm 1944, hải quân Mỹ đã đánh bật lực lượng Nhật Bản ra khỏi các đảo ở phía Nam và miền trung Thái Bình Dương. Giữa năm 1944, hải quân Mỹ đã chiếm được một số đảo quan trọng, bàn đạp cho máy bay ném bom B-29 xuất kích tấn công các đảo chính của Nhật Bản.

Ban đầu, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thiên về giải pháp cô lập lực lượng Nhật tại Philippines và tấn công Đài Loan. Nhưng Đại tướng Lục quân Douglas MacArthur lại muốn tấn công vào Philippines, cắt ngang con đường tiếp tế chiến lược của Nhật Bản.

Để lại Philippines trong tay quân Nhật sẽ là một đòn đánh vào thanh thế của Mỹ và là một sự sỉ nhục vào danh dự cá nhân của MacArthur. Bởi năm 1942 ông đã phát biểu câu nói nổi tiếng: "Tôi sẽ trở lại", ám chỉ rằng sẽ trở lại Philippines.

Sau khi xem xét các yếu tố chiến lược, hải quân Mỹ quyết định mở cuộc tấn công vào Philippines nhằm cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua vịnh Leyte.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 2

Đại tướng lục quân Mỹ Douglas MacArthur (giữa).

Theo kế hoạch, quân đội do tướng MacArthur chỉ huy sẽ đổ bộ lên đảo ở bờ đông Leyte. Các kỹ sư quân sự sẽ xây dựng một sân bay tạm thời để quân đội Mỹ làm bàn đạp tấn công sâu hơn vào Philippines. Hạm đội 7 đóng vai trò yểm trợ đổ bộ và chiến đấu trực tiếp với hải quân Nhật. Ngoài ra, Mỹ còn hạm đội 3 do Đô đốc William F. Halsey, Jr đóng vai trò yểm trợ gần bờ nếu tàu chiến Nhật áp sát.

Việc thiếu tổng chỉ huy làm cho sự phối hợp giữa các lực lượng không đồng nhất, khiến hải quân Mỹ chiến đấu không hiệu quả như kế hoạch. May mắn rằng lực lượng Nhật Bản với 3 chỉ huy riêng biệt, cũng không có tổng chỉ huy chung.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 3

Hàng trăm tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã tham gia vào hải chiến lớn nhất lịch sử ở vịnh Leyte.

Đến ngày 20.10, hải quân Mỹ đã huy động đến vịnh Leyte 8 tàu sân bay cỡ lớn, 8 tàu tuần dương hạng nhẹ, 18 tàu tuần dương hộ tống, 12 thiết giáp hạm, 24 tàu tuần dương, 141 tàu khu trục và khoảng 1.500 máy bay. Trong khi đó, lực lượng Nhật Bản chỉ có 4 tàu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 19 tàu tuần dương, 34 tàu khu trục và 700 máy bay.

Điểm mạnh của hải quân Nhật lúc đó là hai thiết giáp hạm lớn nhất và mạnh nhất, bao gồm Yamato và Mushashi. Hải quân Mỹ dựa vào ưu thế của các tàu sân bay cỡ lớn cùng 1.500 máy bay.

Chôn vùi 300.000 tấn sắt thép

Để chuẩn bị cho trận hải chiến quyết định, từ ngày 12.10, hạm đội 3 tấn công các sân bay ở đảo Đài Loan và quần đảo Ryukyu nhằm tiêu diệt lực lượng không quân Nhật Bản tại đây, dọn đường cho cuộc đổ bộ vào Leyte. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 16.10 với chiến thắng của quân đội Mỹ.

Hai ngày sau đó, lực lượng Mỹ chiếm đảo Homonhon và Dinagat, mở đường tiến vào vịnh Leyte. Nhật Bản chuyển sang chiến lược Sho-1. Phó đô đốc Jisaburō Ozawa chỉ huy mũi tấn công phía Bắc làm nhiệm vụ thu hút lực lượng Mỹ ra khỏi vịnh Leyte.

Nhóm tàu này làm nhiệm vụ mồi nhử trong khi đó các tàu chiến ở phía Nam do Phó đô đốc Shoji Nishimura chỉ huy tấn công vào khu vực eo biển Surigao. Nhóm tàu chiến ở tâm do Phó đô đốc Takeo Kurita chỉ huy đột kích qua eo biển San Bernardino.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 4

Thủy thủ trên tàu sân bay Zuikaku thực hiện nghi lễ chào cờ cuối cùng sau khi nó bị trúng đạn nghiêng hẳn sang một bên và nhanh chóng bị chìm sau đó.

Trong trận hải chiến vịnh Leyte, lần đầu tiên các phi công Nhật Bản dùng đòn tấn công cảm tử (kamikaze) một cách có tổ chức. Ngày 20.10.1944, hải quân Mỹ bắt đầu đổ bộ lên đảo Leyte khá dễ dàng. Cho đến cuối ngày, 100.000 tấn hàng tiếp tế đã được chuyển đến Leyte.

Cuộc chạm trán giữa hải quân đôi bên lên đến đỉnh điểm của sự ác liệt với quy mô chưa từng có kéo dài 3 ngày, từ ngày 23.10. Một ngày trước đó, 4 hạm đội Nhật Bản lấn lướt hướng về phía hải quân Mỹ để nghênh chiến.

Ngày 23.10, hải quân Mỹ sớm chiếm lợi thế nhờ uy lực của tàu ngầm, đánh đắm hai tàu tuần dương Nhật thuộc quyền chỉ huy của Phó đô đốc Takeo Kurita. Tàu tuần dương thứ ba hư hỏng nặng và phải trở về Brunei.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 5

Thiết giáp hạm Yamato sau khi trúng một quả bom.

Sáng ngày 24.10, Nhật phản công nhờ 200 máy bay cất cánh trên đảo Luzon, vô hiệu hóa tàu sân bay hạng nhẹ Princeton. Tàu sân bay của Phó đô đốc Jisaburō Ozawa dùng hai phần ba máy bay tấn công hạm đội 3 Mỹ do Đô đốc William F. Halsey, Jr nhưng không thành công. Các phi công trên tàu sân bay Nhật vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Ở phía nam, tàu chiến Nhật tấn công hạm đội 7 Mỹ nhưng cũng thất bại, thậm chí còn mất 70 máy bay.

Chống đỡ thành công đợt tấn công của Nhật, hải quân Mỹ đồng loạt phản công, 5 đợt không kích suốt từ sáng đến chiều đã đánh chìm thiết giáp hạm Musashi, một trong hai niềm kiêu hãnh của hải quân Nhật.

Tâm điểm của trận chiến diễn ra vào ngày 25.10 khi các phi công dày dạn kinh nghiệm của Mỹ đánh chìm toàn bộ 4 tàu sân bay Nhật do Phó đô đốc Jisaburō Ozawa chỉ huy. Tình cảnh phía nam thậm chí còn tồi tệ hơn khi Phó đô đốc Shoji Nishimura để mất gần như toàn bộ tàu chiến, chỉ còn một tàu khu trục quay trở về.

Đế quốc Nhật chỉ giành được ưu thế ở khu vực trung tâm, khi sức mạnh từ thiết giáp hạm đã đánh chìm một tàu sân bay Mỹ. Hướng đến vịnh Leyte, hạm đội do Phó Đô đốc Takeo Kurita chỉ huy còn đánh chìm tàu sân bay hộ tống Gambier Bay và 3 tàu khác. Lực lượng Nhật cũng tổn thất 3 tàu tuần dương và 1 chiếc bị hư hại nặng. Suốt cả ngày 25.10, Phó Đô đốc Kurita cố gắng truy đuổi hạm đội Mỹ trong vô vọng và chấp nhận bỏ cuộc vào lúc 6 giờ chiều.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 6

Tàu sân bay hạng nhẹ USS Princeton bốc cháy sau khi trúng bom từ máy bay Nhật Bản.

Đến ngày 26.10, trận chiến vịnh Leyte gần như đã kết thúc khi hạm đội 3 Mỹ chỉ truy đuổi và đánh chìm được một tàu tuần dương Nhật trong khi các tàu Nhật đang rút chạy khỏi khu vực.

Kết thúc trận chiến, hải quân Nhật thiệt hại nặng nề, tổn thất 3 thiết giáp hạm (bao gồm niềm kiêu hãnh Musashi), 4 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương và 9 tàu khu trục. Tổng cộng 300.000 tấn sắt thép chìm xuống biển. Hải quân Mỹ chỉ thiệt hại tương đương 37.000 tấn, bao gồm 1 tàu sân bay hạng nhẹ và 2 tàu sân bay hộ tống cùng một vài tàu chiến khác.

Trong khi Mỹ dễ dàng bù đắp thiệt hại thì hải quân Nhật mất hoàn toàn năng lực chiến đấu. Hải quân Mỹ từ đây có thể tiến thẳng đến chính quốc Nhật Bản mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng đáng kể nào trên biển. Trong nhiệm vụ cuối cùng, thiết giáp hạm Yamato đã bị đánh chìm trên đường đến Okinawa.

Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Hải quân Nhật khi đó nhận ra rằng thất bại ở Leyte “tương đương với việc để mất Philippines. “Tôi nghĩ rằng đó là lúc cuộc chiến đến hồi kết thúc”.

Sau này, Đô đốc Nhật Bản Ozawa chia sẻ: “Kể từ sau trận chiến này, các tàu chiến Nhật Bản gần như tê liệt hoàn toàn, đế quốc Nhật chỉ còn biết dựa vào lực lượng trên bộ và các đợt tấn công cảm tử trên bầu trời”.

Thiệt hại quá lớn cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản xuất quốc phòng do thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến hạm đội Liên hợp Nhật Bản và quân đội Nhật Bản dần mất sức chiến đấu rồi bị đánh bại hoàn toàn.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024