Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/12/2020 21:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Hành Trình 3 Bước Giúp Biến Công Ty Khởi Nghiệp Thành Kỳ Lân Tỷ Đô


Thành lập một công ty riêng không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là cả một chặng đường dài với ba giai đoạn quan trọng: lên dây cót tinh thần, lên kế hoạch và hành động.


  1. Lên dây cót tinh thần

Hầu hết những người chưa từng kinh doanh đều cảm thấy e dè và chùn bước trước những lời đồn đoán hoặc cường điệu hoá về khởi nghiệp. Họ luôn suy nghĩ về điều này và thậm chí có thể thường xuyên tham dự các buổi hội thảo hay xem những video truyền cảm hứng trên mạng. Nhưng rốt cục, tất cả những gì họ làm được cũng chỉ là câu kéo thời gian, tự tạo cho mình lý do để trì hoãn bản thân thay vì thực sự hành động. Và sau thời gian dài viện cớ, sớm muộn những người này đều sẽ bỏ cuộc trước cả khi bắt đầu khởi nghiệp. 

Thách thức lớn nhất cho những ai muốn khởi nghiệp thường không phải là khó khăn trong việc lên kế hoạch thành lập doanh nghiệp hay gọi vốn đầu tư, mà thường là vì không có đủ động lực thúc đẩy bản thân và không có đủ sự tự tin để thực hiện. 

Vì thế, hãy tự tạo cho mình đủ động lực trước khi bắt đầu, đủ tự tin để vượt qua khó khăn, thách thức và đủ vững chí bền lòng để đứng dậy sau mỗi thất bại. Tạo động lực cho phép mình bắt đầu từ con số không, chậm mà chắc với mục tiêu được xác định cụ thể, rõ rệt là cách tối ưu nhất để bắt đầu thực hiện bất cứ việc gì. 

Là một chủ doanh nghiệp trẻ, bạn sẽ được nắm trong tay quyền tự chủ và tự quyết, được tận hưởng cảm giác làm “ông chủ” của chính mình. Suy cho cùng, bạn cũng đã dành phần lớn thời gian trong đời mình để làm việc cho ai đó, vì thế đây sẽ là một trải nghiệm mới lạ mà bạn sớm yêu thích và làm quen khi khởi nghiệp. Những doanh nhân lớn tuổi, những người giàu kinh nghiệm thương trường thường có lợi thế hơn về mặt trải nghiệm, họ nắm chắc về những thứ nên làm và không nên làm, những người nên chia sẻ và không nên chia sẻ, và đương nhiên, họ cũng có cho mình một dòng vốn lưu động ổn định, cũng như một nền tảng tài chính vững chắc. Tuy nhiên, những doanh nhân trẻ, những người mới bắt đầu lại có khả năng thay đổi linh hoạt để tạo nên những xu thế độc đáo và mới lạ. 

Bên cạnh đó, trước khi quyết định khởi nghiệp, hãy dành thời gian để bàn bạc kỹ lưỡng với những người thân bên cạnh mình, bởi chính họ sẽ giúp đỡ bạn trong việc theo dõi và hoạch định số tiền cũng như thời gian định bỏ ra để đầu tư, đảm bảo rằng bạn sẽ không “vung tay quá trán” và sẽ có những quyết định đúng đắn, hợp lý. Để có được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía gia đình cũng như thuyết phục được các đối tượng khách hàng và nhà đầu tư, bạn cũng cần phải thể hiện rằng mình đã có một lộ trình cụ thể với những dự định và hướng đi được lên kế hoạch chu đáo để sau đó có thể thực hiện được những bước đi, những hành động mang lại kết quả thực tế. 


  1. Lên kế hoạch 

Khi bạn đã cảm thấy vững vàng về tâm lý trước khi bắt đầu khởi nghiệp, giờ là lúc để bạn lên cho mình một kế hoạch khái quát về những mục tiêu và dự định của bản thân. Đối với những doanh nhân thành đạt, họ sẽ có lợi thế khi không cần phải trình bày những kế hoạch đầy tham vọng để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và có thể phát hành công khai lần đầu cho doanh nghiệp hay công ty của mình. Nếu như mục đích của bạn là tạo ra những doanh nghiệp lớn như vậy, bạn sẽ cần phải mở rộng nghiên cứu kỹ hơn rất nhiều. Mặt khác, phần lớn những người mới khởi nghiệp thường chú trọng lên kế hoạch duy trì doanh nghiệp của mình ở quy mô siêu nhỏ với bạn là chủ sở hữu và là thành viên duy nhất. Theo Cục thống kê Dân số Hoa Kỳ, loại hình doanh nghiệp này còn được gọi là các “doanh nghiệp độc lập” hay “non-employer businesses*”. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, ước tính có tới hơn ba phần tư số lượng doanh nghiệp tại nước này là các doanh nghiệp độc lập, tương đương với 25 triệu trên tổng số 32 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Hoa Kỳ. 

Cũng có một điều cần lưu ý, đó là đừng mặc định liên tưởng việc khởi nghiệp với bộ dạng mệt mỏi rã rời vì những đêm thức trắng bên bàn làm việc, hãy tự lên cho mình một kế hoạch phù hợp với khả năng, nhu cầu và mục tiêu của mình. Cũng theo thống kê, chỉ có khoảng 30% người khởi nghiệp dành ra hơn 40 giờ đồng hồ một tuần, 20% dành từ 20 – 40 giờ và đến 50% còn lại chỉ dành ra dưới 20 giờ đồng hồ cho việc phát triển và quản lý doanh nghiệp của mình.

Bạn cũng sẽ cần phải tính toán đến mức doanh thu mong muốn của công ty mình dưới góc nhìn thực tế và khách quan. Bởi lẽ, một kế hoạch với mức doanh thu dự kiến hợp lý, đúng với thực tế sẽ đặt kỳ vọng của bạn ở ngưỡng vừa đủ, trong trường hợp không đạt được con số mong muốn, bạn cũng sẽ không quá thất vọng hay chán nản. Mặt khác, nếu như có thể vượt doanh thu, bạn sẽ nhận được một nguồn động lực đáng kể. 

Một lời khuyên hữu ích khác khi lên kế hoạch khởi nghiệp, đó là bạn nên lựa chọn kinh doanh những sản phẩm mà mình thực sự yêu thích và có thể đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Khái niệm “cộng đồng” có thể chỉ ở quy mô nhỏ, xung quanh khu bạn sinh sống, hay cũng có thể ở quy mô lớn hơn như cả nước, hay thậm chí toàn cầu.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải lên kế hoạch tính toán cho mức giá của sản phẩm hay dịch vụ mình cung cấp, và đương nhiên con số ấy sẽ phải lớn hơn số vốn bỏ ra ban đầu. Doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển đến đâu, nhanh hay chậm, thu nhập nhiều hay ít... đều phụ thuộc vào kế hoạch ban đầu của bạn được chuẩn bị kỹ càng đến đâu, và việc bạn có thể bám sát kế hoạch đó như thế nào. 

Lên kế hoạch không phải là thứ gì đó mập mờ như bói toán hay đoán trước tương lai, mà đơn thuần chỉ là một quá trình nhìn nhận và đánh giá mục đích, hoài bão hay ước mơ của bản thân, cũng như viết nên câu chuyện kể về việc mình đã chinh phục ước mơ ấy như thế nào. 


  1. Hành động

Hãy nhìn nhận những doanh nghiệp được thành lập đơn giản chỉ là việc thử nghiệm sau khi lên kế hoạch và nghiên cứu, cũng giống như bao ngành nghề khác trong xã hội: thử nghiệm y tế; thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm ứng dụng kế toán... và còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Song tất cả những điều nêu trên đều có chung một đặc điểm với start-up, chính là dù bạn làm trong ngành nghề nào đi chăng nữa thì cũng đều cần phải thực hành những đến độ nhuần nhuyễn những kỹ năng có được từ lý thuyết và nghiên cứu. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, bất kỳ ai khi khởi nghiệp đều sẽ có được lợi thế nếu có thể chứng tỏ được mức độ chuyên nghiệp và hiểu biết của mình về sản phẩm và doanh nghiệp, dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa.  

Trở thành chuyên gia trong vận hành và quản lý doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc phải liên tục phát triển và đổi mới để có thể tạo thêm giá trị cho sản phẩm khi đến tay người dùng. Song điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới thất bại. 

Do đó, bạn sẽ cần phải hoạch định những chiến lược và quy trình kinh doanh phù hợp để trở nên thành thạo hơn trong lĩnh vực và mô hình doanh nghiệp mình lựa chọn phát triển. Để làm được vậy, bạn cũng sẽ cần không ngừng cải thiện bản thân cả về mặt kinh nghiệm qua những cuộc làm ăn, những phiên giao dịch; cũng như kiến thức chuyên sâu về sản phẩm và lĩnh vực doanh nghiệp. 


Ai cũng có thể dấn thân làm giàu trong nền kinh tế hiện tại, dù cho quy mô doanh nghiệp có là nhỏ đi chăng nữa, miễn là phù hợp với mục tiêu và sở thích của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng cần làm là thiết lập được một nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực doanh nghiệp mà mình lựa chọn, cũng như có được một mô hình thích hợp cho công ty của mình. Bên cạnh đó, để khởi nghiệp thành công cũng sẽ cần đến sự phát triển cá nhân trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là chuyên môn và kinh nghiệm.

------------------------

 

Tác giả: Rick Terrien

Link bài gốc: The 3-Step Startup Journey (entrepreneur.com)

 

Dịch giả: Nguyễn Bách Lâm - ToMo - Learn Something New 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024