Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/07/2020 23:07 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Youth Confessions] Chọn Ngành Không Nhất Thiết Phải Thành Nghề


Mình múa bút bài này viết nhanh tặng các em học sinh cấp 3 chuẩn bị chọn ngành.

Hồi mình học cấp 2 – Facebook chưa có nổi, dân mạng còn hay tham gia vào các diễn đàn, mình cũng rất chịu khó tham gia các diễn đàn nổi tiếng thời đấy như truongton.net, baobongda.com rồi VOZ, webtretho các thứ. Hồi đó có một suy nghĩ đơn giản là, cứ viết nhiều bài, chịu khó đi sưu tầm xào nấu nhiều nơi rồi đăng lên các diễn đàn, được nhiều người đọc, nhiều người thích, thế là nổi tiếng. Bây giờ khi viết lách đã trở thành một nghề để sống và kiếm tiền mỗi ngày, mình mới nhận ra rằng chính những thú vui, ước mơ hồi còn nhỏ nếu xem xét kỹ – cũng phần nào phản ánh được sở thích và năng lực tự nhiên của bản thân trong nghề nghiệp đó chứ nhỉ. Vậy các em cấp 3 đang đứng trước ngưỡng cửa phải chọn ngành nào để đi học, các em thử nghĩ xem, trong những năm cấp 2 cấp 3 vừa qua, điều gì trong cuộc sống thường ngày làm các em vui và thấy mình làm tốt hơn so với những người khác? Giao tiếp với bạn bè? Lập kế hoạch tài chính cho mượn đồ? Viết lách, hay gì đó khác?

Lúc đứng ngưỡng cửa chọn ngành, 90% trong đầu mình chỉ nghĩ đến ngành IT. Một phần vì lúc đó IT đang là ngành nổi, một phần vì cũng không có nhiều thông tin các ngành khác, một phần nhiều khác là vì hồi đó thích chơi điện tử. Nghĩ đơn giản là, chơi điện tử giỏi thì chắc học IT cũng giỏi. Bây giờ nghĩ lại mới thấy may, hồi đó không học. Nhờ 1 năm học dự bị tiếng Anh ở RMIT, mình có thời gian để tìm hiểu, trò chuyện cùng các anh/chị đang làm IT trong trường và nhận ra một sự thật phũ phàng đó là: để giỏi IT cần phải giỏi Toán. Toán lại là cái môn học bản thân mình ngu nhất trên trần đời này. Thế mới thấy, để hiểu rõ bản thân mình có hợp với một ngành học không, các em cần dành thời gian tìm kiếm đến những anh/chị đang học trong ngành đó để mà trò chuyện, cũng như lên website của trường mở phần các môn học và đọc thử xem mình có hứng thú không. Đừng nhầm lẫn giữa việc thích đi chơi thì hợp ngành du lịch, thích đọc truyện ngôn tình thì hợp ngành Ngôn ngữ Trung, kiểu kiểu như vậy.

Cuối cùng mình chọn học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại Đại học RMIT, một ngành rất mới vào thời điểm đó, chẳng nhiều người biết lắm và cũng chẳng nhiều người rằng sẽ hợp với mình. Mọi người khuyên rằng: học Quản trị kinh doanh hoặc Thương mại đi, ngành kinh tế sẽ ổn định và dễ xin việc hơn. Hay: đừng học Truyền thông, phải viết với nói nhiều lắm, không hợp với mày đâu. Cuối cùng, mình vẫn tốt nghiệp ngành này loại Giỏi của RMIT nhé, vẫn thấy rất hợp và đi làm ầm ầm được. Câu chuyện mình rút ra ở đây được là: bản thân mỗi người cần phân biệt rõ giữa lời khuyên đúng và lời khuyên tình thương. Cô dì chú bác anh chị bố mẹ có thể thương ta và khuyên ta học ngành A, B dựa trên kinh nghiệm trước đó của họ – nhưng để hiểu về ngành nào phù hợp với bản thân mình nhất, chỉ có chính mình và cả các chuyên gia hướng nghiệp thôi. Các em có thể lấy lời khuyên của người khác để tham khảo, nhưng đừng lấy đó làm đáp án cho câu trả lời của mình. Cứ tin vào trực giác của bản thân, và tham khảo một chuyên gia hướng nghiệp có chuyên môn nếu cần.

Thế học một ngành thì có phải cả đời sẽ làm việc trong ngành đó không? Rồi lỡ chọn sai ngành thì cả đời làm sai sao? Đây là một trong những lo lắng băn khoăn của rất nhiều em học sinh khi tìm đến mình để hỏi về chuyện hướng nghiệp. Một bí mật về mình này: tuy tốt nghiệp truyền thông, nhưng hiện tại mình không làm truyền thông nữa, thay vào đó mình làm trong lĩnh vực giáo dục. Nghe thì có vẻ chẳng liên quan chút nào, nhưng thú thật mình vẫn dùng rất nhiều kiến thức trong lĩnh vực truyền thông để áp dụng và các công việc giáo dục của mình. Thị trường lao động sẽ thay đổi liên tục, chẳng có ngành học nào sẽ đào tạo cho em đủ kiến thức 100% để đáp ứng sau khi ra trường cả. Việc học đại học chỉ là bước đầu thôi, các em trong và sau khi học đại học sẽ cần dành nhiều thời gian cho việc tự học, xây dựng các mối quan hệ từ các hoạt động ngoại khóa nữa. Mà để tự học thêm được cái khác, xây dựng được mối quan hệ bằng việc tham gia nhiều, thì ngành học chính của các em phải vui, phải dễ trước đúng không nào? Vậy nên, đừng áp lực về chuyện phải chọn một ngành đúng 100%. Miễn sao đừng chọn ngành sai lè, còn hơi hơi đúng thôi cũng đã được rồi.

Tác giả: anhtuanle

-----------------------------------------------------------------------------
Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024