Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/06/2020 22:06 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 7 Mẹo Viết Một Bài Tiểu Luận Hoàn Chỉnh


Các bạn học sinh thường mang trong mình tâm lý sợ hãi khi phải viết một bài luận. Dù đó là bài luận xin học bổng, bài luận trên lớp, hay kể cả bài luận cho một cuộc thi, đa phần học sinh ngày nay đều bị choáng ngợp bởi nhiệm vụ khó nhằn đó. Bài luận cũng giống như một đề án lớn vậy, các bạn có thể chia nhỏ nó thành từng bước nhỏ để dễ hoàn thiện hơn.

  1. Chọn đề tài.

Bạn có thể được giao sẵn một đề tài hay bạn được quyền viết về bất kì chủ đề nào bạn muốn. Nếu được giao một chủ đề, bạn nên suy nghĩ về bố cục mình muốn viết. Là một bài tổng quan chung chung hay một bài phân tích cụ thể? Thu hẹp trọng tâm của mình nếu cần thiết. Nếu bạn chưa được chỉ định một chủ đề nào thì sẽ có nhiều việc hơn để làm đấy. Tuy nhiên điều này cũng sẽ cho bạn cơ hội chọn được một đề tài thú vị hoặc thích hợp với bản thân. Đầu tiên, hãy xác định mục đích của bạn. Bài luận này dùng để thông báo hay để thuyết phục? Khi đã xác định được mục đích, bạn cần phải tìm kiếm về các chủ đề mà mình thấy hứng thú. Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Điều gì khiến bạn thích thú? Hãy ghi lại những đề tài đó. Cuối cùng, hãy đánh giá những lựa chọn của mình. Nếu mục tiêu là để giáo dục, hãy chọn những điều mà bạn đã được học. Còn nếu là để thuyết phục, hãy chọn cái mà bạn đam mê. Cho dù bài luận mang mục đích gì thì hãy luôn chắc chắn rằng bạn thích thú với đề tài của mình.

  1. Chuẩn bị dàn ý.

Để thành công viết một bài luận bạn cần phải cẩn thận sắp xếp các mạch suy nghĩ của mình. Bạn có thể thấy được sự kết nối và các mối liên kết giữa các ý tưởng rõ ràng hơn bằng cách viết chúng ra giấy. Dàn ý này sẽ là nền tảng cho bài viết của bạn. Dàn ý hay sơ đồ đều có thể được dùng để sắp xếp, liên kết ý và trình bày ý tưởng. Nếu bạn muốn tạo một sơ đồ tư duy, hãy viết chủ để của mình ngay giữa tờ giấy. Vẽ từ ba đến năm đường nhánh chĩa ra từ các ý chính, và để dành chỗ trống dưới mỗi nhánh. Ở những chỗ trống này hãy đảm bảo rằng bạn liệt kê những ý nhỏ khác liên quan đến mỗi ý chính. Làm như vậy sẽ giúp bạn thấy được các mối quan hệ giữa chúng và viết được một bài luận chặt chẽ hơn.

  1. Viết câu chủ đề.

     

     

Khi bạn đã có cho mình một đề tài và một dàn ý hoàn chỉnh, giờ là lúc bạn cần có một câu chủ đề. Câu chủ đề sẽ cho người đọc biết nội dung chính của bài luận. Hãy nhìn vào dàn ý hay sơ đồ của mình. Những ý chính là gì? Câu chủ đề sẽ có hai phần. Phần đầu tiên sẽ nêu lên đề tài, và phần thứ hai sẽ nói đến ý chính của bài. Ví dụ, nếu bạn đang viết về Bill Clinton và tầm ảnh hưởng của ông đối với nước Mỹ, câu chủ đề phù hợp sẽ là: “Bill Clinton has impacted the future of our country through his two consecutive terms as United States President.” (Bill Clinton đã góp phần làm thay đổi tương lai đất nước trong suốt 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông.)

  1. Viết thân bài.

Thân bài của một tiểu luận sẽ tranh luận, giải thích hay mô tả về chủ đề bạn đã chọn. Mỗi một ý chính mà bạn đã viết trong sơ đồ hoặc dàn ý sẽ là một phần riêng biệt trong thân bài. Mỗi đoạn sẽ có cùng một cấu trúc cơ bản. Bắt đầu bằng việc viết một trong những ý chính thành câu mở đầu. Tiếp theo, viết mỗi ý phụ dưới dạng câu nhưng hãy chừa ra ba đến bốn dòng giữa mỗi ý để bạn có thể quay trở lại các ý và thêm vào những ví dụ cụ thể nhằm củng cố luận điểm của mình. Ghi vào những chỗ trống này với những dữ kiện liên quan để liên kết những ý nhỏ hơn với nhau.

  1. Viết mở bài.

Sau khi đã phát triển câu chủ đề và toàn bộ thân bài, bạn phải viết phần mở bài. Đó sẽ là phần thu hút sự chú ý của người đọc và thể hiện trọng tâm của bài viết. Hãy bắt đầu với một điều sẽ gợi sự tò mò và làm người đọc chú tâm hơn vào bài viết của bạn. Bạn có thể viết những thông tin gây sốc, cuộc đối thoại, một câu chuyện, một lời trích dẫn, hoặc là một bản tóm tắt đơn giản về chủ đề của mình. Dù bạn chọn tiếp cận bằng góc độ nào thì cũng hãy chắc chắn rằng nó có sự gắn kết với câu chủ đề nằm ở cuối phần mở bài.

  1. Viết kết luận.

Kết luận có nhiệm vụ khép lại chủ đề và tóm tắt ý chính, đồng thời đưa ra quan điểm cuối cùng của người viết về chủ đề đó. Phần kết luận nên bao gồm ba đến năm câu. Bạn có thể xem lại những ý chính của mình và phát triển thêm một vài ý củng cố câu chủ đề.

  1. Trau chuốt và hoàn thiện.

     

     

Sau khi đã viết xong phần kết luận, bạn thở phào vì nghĩ rằng mình đã hoàn thành một bài luận. Chưa xong đâu bạn ơi. Trước khi bạn cho rằng đây là một bài viết đã hoàn chỉnh, bạn sẽ cần phải để ý đến tất cả các chi tiết nhỏ. Hãy kiểm tra thứ tự, vị trí của các đoạn văn. Những ý lớn nhất nên nằm ở đoạn đầu và cuối của thân bài, còn những ý khác thì sẽ phân tán ở giữa. Và hãy luôn đảm bảo rằng thứ tự của các đoạn hợp lý, lô-gíc. Nếu bài viết của bạn mô tả một quá trình, chẳng hạn như cách làm một chiếc bánh sô-cô-la ngon tuyệt, thì hãy để ý liệu các đoạn có đang được sắp xếp theo đúng thứ tự hay không nhé. Nếu có thể, hãy đối chiếu bài viết của mình với các tiêu chuẩn, yêu cầu của bài viết nhé. Giáo viên có thể có một số yêu cầu riêng về hình thức trình bày bài luận, mẫu luận xin học bổng cũng yêu cầu nhiều hình thức khác nhau, và bạn phải kiểm tra thật kĩ nhằm đảm bảo rằng bài viết của mình khớp với yêu cầu của bài luận. Điều cuối cùng đó là hãy đọc lại nhiều lần những gì bạn đã viết để chắc chắn rằng mọi thứ đều hợp lý và dễ hiểu. Hãy kiểm tra xem mạch văn đã trôi chảy chưa, thêm vào các cụm từ để ý tưởng của bạn được diễn đạt một cách mạch lạc hơn. Hãy kiểm tra cả lỗi chính tả và ngữ pháp nữa nhé. Chúc mừng bạn! Vậy là bạn vừa viết xong một bài tiểu luận tuyệt vời.

----------

Tác giả: The Fastweb team

Dịch giả: Đoàn Lê Phương Ngân - ToMo - Learn Something New 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024