Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/05/2020 22:05 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Từ Bỏ Công Việc Nhàm Chán Và Đạt Được Sự Tự Do Trong Kinh Doanh Chỉ Trong 6 Bước


Việc chịu sự quản lý của một ai đó trong công việc sẽ tăng nguy cơ rủi ro và làm cho sự nghiệp của bạn bị chững lại.

Ảnh chụp bởi Diego Jimenez

Ngay lúc này, đang có một sự chuyển dịch lớn trong lực lượng lao động tại Mỹ. Những người lao động đang từ bỏ công việc của họ với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay - điều chưa từng có tiền lệ trong suốt 20 năm, kể từ khi thời đại Internet bắt đầu bùng nổ.

Thực ra vấn đề này không ngạc nhiên cho lắm.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 87% nhân viên trên toàn cầu đang chưa thật sự tận tâm trong công việc. Họ không có cơ hội được phát huy hết tiềm năng của bản thân.

Thay vào đó, những người từ bỏ công việc vì cảm thấy ngột ngạt với không gian làm việc chung nên đã dần chuyển sang làm việc tự do (freelance) ở các quốc gia khác.

Trong 2 năm qua, lượng khách du lịch đặt phòng đơn đã tăng vọt, lên khoảng 42%, còn tỉ lệ những người làm việc tự do ở Mỹ đã tăng 8,1% trong 3 năm trở lại đây. Fast Company dự đoán rằng đến năm 2027, lao động tự do sẽ trở thành thành phần lao động chính tại Mỹ.

 

Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì?

Hầu hết mọi người đều không muốn phải làm việc dưới sự quản lý của ai đó. Chúng ta muốn tìm kiếm sự linh hoạt trong công việc. Chúng ta muốn đi du lịch, vượt qua hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out: ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, mất cơ hội) và làm việc ở bất cứ đâu. Công việc văn phòng "sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về" nhàm chán đã chết.

Hãy so sánh, việc bạn chỉ làm việc tại một công ty cũng giống như khi bạn đi mua trứng và đặt tất cả những quả trứng của mình vào trong một chiếc giỏ vậy. Đột nhiên vào một hôm, bạn bị tuột tay, bạn bị mất kiểm soát, chiếc giỏ rơi xuống đất và toàn bộ số trứng vỡ vụn.

Đơn giản là vì trong công việc, có quá nhiều cơ hội, quá nhiều điều cần học hỏi và trải nghiệm. Để có thể tự do làm những gì bạn thấy thỏa mãn, bạn phải chờ cho đến khi nghỉ hưu.

 

Tuy nhiên, vẫn còn có một cách khác

Đối với một số người trong chúng ta, không phải tất cả mọi người nhé, giải pháp phù hợp hơn là có được sự tự do trong kinh doanh.

Tự do trong kinh doanh là khi bạn trở nên độc lập, không chịu sự ràng buộc và kiếm tiền bằng việc làm những gì bạn thích.

Bài viết này là một lộ trình gồm 6 bước để giúp bạn đạt được tự do trong vấn đề kinh doanh. Nó xoay quanh việc trả lời câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để bạn có thể tạo ra nhiều nguồn thu nhập, bằng việc làm những gì bạn thích, ở bất cứ nơi đâu?

Cùng bắt đầu nào!

 

1. Học một kỹ năng mà bạn yêu thích

Đây là nền tảng vững chắc của sự nghiệp và sẽ phục vụ bạn trong suốt cuộc đời. Một kỹ năng bạn yêu thích chính là tài sản mà bạn sẽ sử dụng để giúp người khác thành công - một điều then chốt trong kinh doanh.

Đối với riêng cá nhân tôi, đó chính là kĩ năng viết.

Trớ trêu thay, tôi rất ghét viết lách. Ở trường, tôi không thật sự giỏi việc này. Điểm số của tôi, theo thầy Jordan Peterson (một nhà tâm lý học lâm sàng người Canada và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto) nói, KHÔNG HỀ CAO. Tôi cũng không đam mê lắm và chẳng thấy nó có mục đích gì, cho đến khi tôi tìm được công việc đầu tiên.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi ra trường là làm điều phối viên tiếp thị tại một phòng thương mại. Người sếp đầu tiên đã dạy tôi một kỹ năng và nó đã thay đổi cuộc đời tôi.

Cô ấy dạy tôi cách làm thế nào để viết được một thông cáo báo chí. Cô ấy đã rất khắt khe và yêu cầu tôi phải viết theo cấu trúc, rõ ràng, ngắn gọn và chỉ được bám sát vào sự thật.

Tôi biết bạn đang nghĩ gì.

"Một thông cáo báo chí ư? Nghe mới nhạt nhẽo làm sao!"

Tôi biết chứ.

Nhưng đây là những gì đã xảy ra. Sau khi tôi viết một thông cáo báo chí và gửi cho một loạt các địa chỉ email, bài viết đó đã được in lại trên một tờ báo địa phương. Tôi thấy bài viết của mình được rất nhiều người đón đọc. Điều này khiến tôi nhận ra rằng, một thông cáo báo chí có thể tác động to lớn đến giới kinh doanh và cuộc sống của mọi người. Nó có thể thay đổi cách mọi người đưa ra quyết định hoặc thay đổi các sự kiện đang diễn ra trên thế giới.

Vì vậy, vào năm 2014, tôi bắt đầu viết bài trên Medium, các blog khác nhau và công việc tiến triển khá khả quan. Các bài viết đó đã được xuất bản trên tạp chí Inc., Forbes, Business Insider, Axios, TNW, tạp chí Smashing và CNBC Make It. Ấn phẩm Medium của tôi đã tăng lên hơn 91.000 người theo dõi. Tôi đã học được rằng, nếu bạn không lãng phí thời gian của mọi người, chỉ dựa vào sự thật và sắp xếp các sự kiện theo đúng thứ tự, bài đó sẽ khá hữu ích.

Nhưng nó lại không phải viết

Kỹ năng của bạn có thể là bất cứ điều gì  giúp làm tăng giá trị cho ai đó hoặc một cái gì đó khác. Vậy làm thế nào để bạn tìm ra nó? (Hãy bỏ qua phần sau nếu bạn đã biết)

Ba câu hỏi sẽ giúp bạn tìm ra được kỹ năng mà bạn yêu thích.

1. Bạn muốn nó được tạo nên bởi điều gì? Tôi tin rằng mọi thứ đều được sinh ra theo một cách nào đó. Cho dù là từ, gỗ, mã code, sơn hoặc thậm chí là từ nghệ thuật ẩm thực. Làm thế nào để bạn thể hiện được sự sáng tạo của bản thân?

2. Nếu bạn được trao một tỷ đô la ngay bây giờ, bạn sẽ dành thời gian để làm gì? Một người cố vấn, một ngày nọ đã rủ tôi ra ngoài ăn trưa và ngồi đối diện với tôi. Anh đẩy lọ muối về phía tôi và hỏi tôi câu hỏi này. "Tưởng tượng nhé, nếu đây là một tỷ đô la, anh sẽ dành thời gian cho nó như thế nào?" Đây là một câu hỏi thú vị bởi vì nó đã loại bỏ đi nhu cầu phải kiếm được tiền. Bạn sẽ làm gì nếu tất cả các nhu cầu hàng ngày của bạn đã được đáp ứng cho đến hết đời?

3. Làm thế nào bạn có thể thực sự, thực sự giỏi trong một lĩnh vực nhất định? Đây là một câu hỏi rất thực tế. Nat Eliason trong một buổi phỏng vấn đã nói rằng, 90% yếu tố quyết định sự thành công của SEO là việc viết câu trả lời có ích nhất trên mạng internet cho một câu hỏi cụ thể, 10% còn lại là việc sử dụng các công cụ kỹ thuật, như thẻ meta, thẻ alt và cách phân phối các từ khóa. "Điều này cực kỳ khó khăn", Nat nói. Vì vậy, bạn phải thực sự giỏi. Hãy làm việc chăm chỉ và luyện tập không ngừng nghỉ. Benjamin Franklin, một trong những nhà văn kiệt xuất trong lịch sử thế giới, đã trở thành huyền thoại bằng cách sao chép các chuyên mục và tác giả nổi tiếng ở London khi còn trẻ, cố gắng tái tạo lập luận của họ từ trí nhớ và sau đó so sánh văn bản của chính ông với họ. Cuối cùng, Franklin thấy rằng, đôi khi mình có thể đưa ra quan điểm giống như họ, nhưng theo một cách rõ ràng mà lại ngắn gọn hơn.

Vì vậy, hãy tìm một việc bạn thích làm để giúp đỡ người khác thành công, và cố gắng trở nên thực sự giỏi.

 

2. Tạo ra mọi thứ dù cho có thể thất bại (rất nhiều lần)

Khi tôi nói với một người bạn về tầm quan trọng của thất bại, anh ấy đã hỏi tôi rằng, "Nhưng mục tiêu của chúng ta rõ ràng không phải là thất bại, phải không?" Nó vừa đúng. Nhưng lại vừa sai. Chẳng có ai muốn thất bại cả, nhưng thất bại lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác đối với một doanh nhân.

Thất bại có nghĩa là bạn đã mạo hiểm và học được điều gì đó.

Elon Musk từng nói, "Nếu mọi thứ không thất bại, bạn sẽ không bao giờ sáng tạo để có được thành công thực sự."

Còn Jeff Bezos thì nhắn nhủ, "Thất bại và phát minh là một cặp song sinh không thể tách rời".

Thất bại không chỉ để lại một bài học có giá trị, mà nó còn rèn đức tính kiên cường - một phẩm chất cần có ở một doanh nhân.

Tôi đã trải qua khá nhiều thất bại trong cuộc đời mình. Khi một dự án kinh doanh không thành công như mong đợi, hãy cố gắng ghi nhớ câu nói:

Nắm được lý thuyết là một chuyện, vận dụng vào thực tiễn được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đó là một phần tất yếu trong công việc.

Nếu bạn không rút ra được điều gì sau những thất bại của mình, thì bạn thực sự đang thất bại. Nhưng nếu bạn có được chiến lược, hiểu biết và mối quan hệ từ sau mỗi thất bại, những lần tới, bạn sẽ dần hoàn thiện bản thân và dễ dàng đạt được những thành công lớn.

 

3. Đưa ra những lời đề nghị "lớn"

Những yêu cầu, lời đề nghị "lớn" sẽ thúc đẩy con đường công danh của bạn.

Một lời đề nghị "lớn" là một lời đề nghị táo bạo, nó táo bạo đến nỗi, vượt quá khả năng hiện tại của bạn để có thể làm được điều đó. Một lời đề nghị "lớn" có thể dưới dạng email, thông qua những cuộc trò chuyện, cuộc gọi điện thoại, tweet hoặc tin nhắn trực tiếp trên mạng xã hội. Dù cho nó có thể dễ dàng bị từ chối hoặc bỏ qua, nhưng nếu được chấp thuận, nó có thể thay đổi sự nghiệp của bạn mãi mãi.

Ví dụ, tôi đã đưa ra một lời đề nghị cho công việc thứ hai của mình. Tôi để ý rằng, công ty mà tôi hằng ao ước được làm việc tại đó đang thiếu một vị trí lãnh đạo tiếp thị. Họ không thực sự quá nổi bật về mặt thương hiệu trên trực tuyến.

Vì vậy, tôi đã phải làm quen với những người trong công ty, viết mô tả công việc, chức danh và mức lương kỳ vọng rồi nộp đơn xin ứng tuyển.

May mắn là họ đã chấp thuận. Tôi đã rời bỏ công việc tính lương theo giờ của mình và trở thành giám đốc tiếp thị mới tại một công ty bất động sản thương mại trong 2 năm rưỡi tiếp theo. Sau khi tôi xin nghỉ, họ đã thuê hai người mới để khỏa lấp chỗ trống của tôi. Một lời đề nghị "lớn" giúp bạn thăng tiến nhanh chóng.

Đối với các doanh nhân, những lời đề nghị "lớn" nên được xem xét hàng tuần. Chúng là bí quyết để có được khách hàng mới, quan hệ đối tác mới, nguồn doanh thu mới, độ phủ sóng truyền thông và tuyển dụng những con người chất lượng vào làm việc.

 

Làm thế nào để thực hiện một lời đề nghị lớn chỉ trong 6 bước.

·         Dành chút thời gian để nghiên cứu về một thương hiệu/đối tác mà bạn muốn làm việc.

·         Nhận biết (các) nhu cầu của mọi người hoặc của doanh nghiệp.

·         Tiếp cận/ xây dựng các mối quan hệ (GỢI Ý: xem bước tiếp theo)

·         Hãy đề xuất với họ làm thế nào mà bạn có thể đáp ứng được các yêu cầu đó. Lời đề xuất nên được căn chỉnh một cách cụ thể và hữu ích, để họ cảm thấy bị thuyết phục bởi những lí do bạn đưa ra.

·         Đàm phán các điều khoản. Hãy chắc chắn rằng chúng có lợi cho cả đôi bên.

·         Kí kết các thỏa thuận.

Thật không may, không phải tất cả mọi người bạn gặp đều phù hợp để bạn đưa ra những lời đề nghị "lớn". Và không phải ai cũng có quyền đưa ra quyết định để phê duyệt những lời đề nghị của bạn. Vậy làm thế nào để bạn liên lạc với đúng người và tiếp cận với người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng?

 

4. Thiếp lập mạng lưới - nhưng làm thế nào?

Cụm từ "Mạng lưới" có vẻ hơi "chuyên ngành" quá nhỉ? Vậy ta thử thay thế nó bằng "sự tò mò xã hội với ý nghĩa tích cực" hoặc đơn giản hơn là "thiết lập các mối quan hệ mới" nhé

Việc xây dựng một mạng lưới nhằm tạo ra cơ hội để thực hiện các yêu cầu lớn.

Thông qua mạng lưới đó, bạn có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người mới. Những người này có mạng lưới của riêng họ - một hiệu ứng theo cấp số nhân mà bạn có thể khai thác, truy cập để tìm cho mình những cơ hội mới.

Thông qua việc xây dựng mạng lưới của mình, tôi đã có thể xây dựng một danh mục đầu tư kinh doanh, cho phép tôi từ bỏ công việc full-time nhàm chán và tự mình phát triển.

Ví dụ, tôi đã có mặt tại một sự kiện ở San Jose, đứng tại vị trí của mình - cạnh bàn ăn - và bắt tay với biên tập viên của một ngân hàng lớn. Chúng tôi đã nói chuyện, thảo luận và tán ngẫu trong suốt khoảng thời gian sự kiện diễn ra. Khi cảm thấy thời cơ đã đến, tôi đã đưa ra đề nghị được viết bài cho đội của anh ấy. Chúng tôi trò chuyện và anh ấy đã đưa tôi danh thiếp. Trong những ngày tiếp theo, tôi liên tục theo dõi sát sao tình hình. Và không phải chờ đợi quá lâu, tôi đã ký hợp đồng và nhận được dự án viết bài đầu tiên với mức 1 đô la cho mỗi từ.

Tôi còn nhiều ví dụ khác nữa, nhưng tôi sẽ ngắn gọn lại với bản tóm tắt này: Thành công trong kinh doanh đến từ việc đưa ra những yêu cầu, lời đề nghị "lớn", với những người quan trọng, vào một thời điểm thích hợp. Nó bắt đầu bằng việc đi ra các sự kiện và hội nghị, gặp gỡ những người mới, đặc biệt là các diễn giả.

 

 

5. Kinh doanh không ngừng nghỉ

Bước thứ năm trong lộ trình của bạn, là một doanh nhân, bạn phải luôn kinh doanh không ngừng. Đặc biệt là với những doanh nhân có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, như tôi chẳng hạn. Trong hầu hết mọi cuộc trò chuyện, ít nhất một trong số những điều tôi làm đều có liên quan - ứng dụng khởi động cuộc trò chuyện của tôi, tiểu thuyết, các ấn phẩm trên Medium, dịch vụ viết và chỉnh sửa thương hiệu, khóa học viết, sản phẩm của khách hàng - tôi luôn có thể kinh doanh trong mọi cuộc trò chuyện.

Nhưng tôi đã không làm như vậy, bở vì tôi không muốn trở nên xấu xa, giả dối hoặc gây phiền nhiễu cho mọi người xung quanh.

Vậy làm thế nào để bạn "buôn may bán đắt" nhưng sản phẩm tung ra thị trường vẫn luôn đảm bảo chất lượng?

Cuốn sách "Integrity Selling" (tạm dịch: Sự trung thực trong kinh doanh) đã giúp tôi trả lời câu hỏi này.

Tóm lại, thông điệp của cuốn sách được gói gọn trong một bài học đơn giản: Hãy thay từ "bán" bằng từ "trợ giúp".

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng bất cứ sản phẩm bạn bán đều phải cung cấp giá trị đích thực cho người mua, ngay cả khi đó là doanh nghiệp của chính bạn. Phải chắc chắn rằng: đôi bên cùng có lợi. Không ai bị lừa và bất cứ ai cũng đều được hưởng những lợi ích.

Bạn cần cẩn thận và phải định hình trong đầu về cách bạn bán thế nào và ai sẽ là khách hàng của bạn. Cố gắng tránh những sai lầm phổ biến sau:

Nếu những gì bạn đang kinh doanh không thực sự hữu ích cho cuộc sống hoặc công việc của ai đó, thì bạn đang mắc một trong ba sai lầm sau đây.

1.  Bạn đang bán cho nhầm đối tượng khách hàng - điều này không giúp ích gì cho những người mua sản phẩm của bạn. Các sản phẩm đó giúp đỡ người khác, không phải họ.

2.  Bạn không nên bán những thứ - dù cho đó là sản phẩm tốt và có thể giúp ích cho mọi người, nhưng không phải là thứ mà bạn tin tưởng hoàn toàn. Quả thực rất khó để bán những gì bạn cảm thấy không thật sự chắc chắn.

3.  Những thứ không nên được bán ra - chúng không phải là sản phẩm hay dịch vụ hữu ích.

Nếu bạn có thể áp dụng tư duy này cho việc kinh doanh của mình, chuyển đổi doanh số của doanh nghiệp bạn sẽ gia tăng đáng kể (vì chúng sẽ hướng đến các mục tiêu tốt hơn) hoặc bạn sẽ có đủ tự tin để tránh xa công việc tồi tệ mà bạn cảm thấy không tin tưởng. Dù bằng cách nào đi nữa, nó sẽ giúp bạn luôn trung thực trong việc bán hàng - một phẩm chất cần có của một doanh nhân.

6. Sắp xếp các cơ hội phù hợp bằng cách phân chia thời gian giữa thu nhập và đầu tư.

Đến bước này, bạn cần có một danh mục đầu tư của công việc: Bạn đang tạo ra các dự án nhắm vào kỹ năng mà bạn đam mê, bạn ra ngoài xã hội thiết lập các mối quan hệ mới, bắt đầu việc kinh doanh, thực hiện những lời đề nghị "lớn" và bất thình lình, các cơ hội tốt bắt đầu đổ vào. Thật tuyệt vời!

Nhưng hãy đợi đã nào! Bạn chỉ có một mình. Thời gian của bạn thì có hạn. Trong khi lại có quá nhiều thứ để bạn có thể làm. Lúc này bạn đã đạt đến giới hạn của bản thân. 

Bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có nếu bạn chỉ làm việc tự do trong suốt cuộc đời của mình.

Làm việc tự do là một cách tuyệt vời để bạn thiết lập kế sinh nhai và tận hưởng niềm vui trong công việc. Nhưng làm việc tự do chưa chắc đã giúp bạn đạt được sự tự do trong kinh doanh, xin đừng nhầm giữa hai khái niệm này. Những người làm việc tự do là những người tự làm chủ, họ có quyền kiểm soát thời gian của mình - nhưng họ đang thiếu một điều rất quan trọng của sự tự do trong kinh doanh: tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau cùng một lúc.

Tinh thần khởi nghiệp liên quan đến việc tạo ra một công ty hay dự án mà bạn không cần phải liên tục điều hành. Nó cho phép khả năng thu nhập thụ động. Một dự án kinh doanh nếu thành công, có thể giúp bạn kiếm được tiền ngay cả khi vẫn đang ngủ trên giường. Còn làm việc tự do thì không như vậy.

Mặt khác, một doanh nhân có thể đầu tư thời gian và tiền bạc của mình vào việc xây dựng một sản phẩm hoặc doanh nghiệp và tạo ra một dòng tiền hoàn toàn độc lập với thời gian của họ. Điều này đòi hỏi một khoản đầu tư trả trước đáng kể.

Vì vậy, đối với những ai đang phấn đấu cho sự tự do trong kinh doanh, thời gian của họ nên được phân chia như thế này:

Chìa khóa để đạt được sự tự do trong kinh doanh chính là việc cân bằng được thời gian kiếm tiền và thời gian đầu tư

Đối với những ai đang làm việc tự do, Khoản kiếm được gắn liền trực tiếp với thu nhập. Công việc bạn đang làm giúp bạn kiếm thu nhập, thường được tính theo giờ hoặc tỷ lệ phần trăm các dự án.

Đầu tư là công việc bạn không kiếm được thu nhập trực tiếp, chẳng hạn như viết sách, tạo khóa học trực tuyến, viết bài, kết nối mạng. Chúng không trả tiền cho bạn ngay lập tức nhưng lại có tiềm năng to lớn giúp bạn làm giàu về sau.

Bạn kiếm tiền bằng việc bỏ thời gian ra làm việc, một cách ổn định. Số tiền đó giúp bạn chi trả cho các hóa đơn, hỗ trợ gia đình, phục vụ nhu cầu ăn uống, đi du lịch, vv

Bạn đầu tư thời gian của mình để có cơ hội nhận phần thưởng rủi ro bất đối xứng.

Phần thưởng rủi ro bất đối xứng là một thuật ngữ được Tony Robbins sử dụng để mô tả khoản đầu tư có tiềm năng lớn hơn theo cấp số nhân so với hạn chế, rủi ro của nó. Một số câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu khoản đầu tư có thật sự mang lại thành công? Và nếu thất bại, liệu có khả năng bị mất trắng không?

Mặt thu nhập của biểu đồ có phần thưởng rủi ro đối xứng - bạn bỏ thời gian để làm việc, bạn sẽ kiếm được tiền.

Nhưng điều này không thụ động hoặc có thể được mở rộng.

Đây là nơi bạn cần đầu tư - chính là điều thôi thúc bạn viết một cuốn sách, xây dựng một khóa học trực tuyến, thiết kế một ứng dụng hoặc đầu tư vào một cổ phiếu OTC (Over-the-counter: cổ phiếu chưa niêm yết) rủi ro..., chúng có tiềm năng để tạo ra lợi nhuận trong khi bạn đang say giấc.

Chìa khóa cho Mô hình Thời gian của tự do trong kinh doanh là tìm ra sự cân bằng phù hợp. Nếu tất cả những gì bạn làm chỉ là để kiếm thu nhập, bạn sẽ không bao giờ có được nhiều nguồn thu nhập khác nhau trong cùng một lúc hoặc có thể giúp khối lượng tài sản của bạn được tăng lên. Ngược lại, nếu bạn tập trung toàn bộ vào việc đầu tư, bạn rất dễ bị cuốn vào các khoản đầu tư không có cơ sở hoặc rủi ro mang lại tương đối cao. Điều này đòi hỏi bạn phải biết cân bằng giữa hai công việc trên.

Nhưng nhìn chung, khi nhắc đến sự cân bằng, tức là ta ám chỉ tăng trưởng ổn định.

Tăng trưởng ổn định là một dấu hiệu cho thấy bạn đang mở rộng các cơ hội phù hợp với năng lực của bản thân. Nếu tăng trưởng ổn định không xảy ra, bạn cần quay lại điểm khởi đầu của lộ trình này và tìm kiếm cho mình những cơ hội khác tốt hơn.

-------------------------------------------------------

Tác giả: Dave Schools

Link bài gốc: How to Quit Your Job and Achieve Entrepreneurial Freedom in 6 Steps

Dịch giả: Phạm Đoàn Quang Huy - ToMo - Learn Something New 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024