Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/04/2020 21:04 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Nhật Ký 5 Ý - Phương Pháp Ghi Chú Để Nâng Cao Kỹ Năng Tự Nhận Thức Bản Thân Và Học Hỏi Thêm Nhiều Điều Từ Cuộc Sống


 

 

Ai cũng mong muốn bản thân mình có thể trưởng thành và trở nên tốt đẹp hơn từng ngày, chính vì vậy, chúng ta thường tích lũy kinh nghiệm, ghi nhớ và học hỏi. Liên tục trau dồi bản thân chính là cách chúng ta tự trang bị cho mình những hành trang quý báu để bước từng bước vững chắc mà kiên định trên cuộc hành trình dài đằng đẵng của cuộc đời, hay nói cách khác, những hành trang ấy sẽ quyết định tương lai của chúng ta sau này.  

Nhật ký 5 ý là nhật ký gồm 5 câu trả lời ngắn gọn súc tích dành cho câu hỏi sau:

“Tôi của ngày hôm nay nên viết gì để giúp ích cho tôi của sau này?”

Sử dụng nhật ký 5 ý, bạn có thể lưu lại những điều quan trọng nhất mình đã học hỏi được mỗi ngày từ cuộc sống và thấu hiểu chính mình hơn. Có 2 điều quan trọng mà bạn cần suy xét kỹ khi chuẩn bị trả lời câu hỏi này:

Thứ nhất: Tôi của tương lai

 

 

“Tôi của tương lai” có thể là “tôi” trong 2 ngày tới, hoặc 1 tháng sau hoặc thậm chí là 30 năm sau. Khi nghĩ về tương lai, bạn có thể xác định được tầm quan trọng của những điều bạn định sẽ đặt bút viết.

“Điều mà mình vừa ghi có lợi ích gì cho ngày mai/một năm sau/ hay cho con cháu mình không?”

Nếu câu trả lời là không thì hãy bỏ qua những ý đó.

Thứ 2: 5 ý chính

Bạn nên ưu tiên lựa chọn những ý quan trọng nhất để viết vào nhật ký. Biết ưu tiên sẽ giúp bạn sẽ rèn luyện được cho trí não mình khả năng lựa chọn và tập trung vào những điều quan trọng nhất thay vì bị xao nhãng bởi những chuyện tầm phào, lặt vặt. Nếu bạn viết quá nhiều ý thì những ý quan trọng nhất sẽ chóng bị lãng quên, và trong tương lai, bạn sẽ không rút ra được kinh nghiệm gì khi đọc những dòng nhật ký ấy. Nếu bạn cảm thấy 5 ý là quá ít thì thật là tuyệt vời! Bạn hiện đang dồi dào ý tưởng! Hãy viết những ý đó vào một quyển sổ khác và lọc ra những ý quan trọng nhất để đưa vào nhật ký 5 ý.  

1. Những ý tưởng sáng tạo

 

Lợi ích nhận được: Sự sáng tạo và nguồn cảm hứng

Richard Branson, nhà sáng lập của Virgin Group, một trong những doanh nhân thành công nhất trong lịch sử hiện đại, đã chia sẻ rằng yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của ông chính là thói quen luôn ghi chép lại những ý tưởng của bản thân mình.

Nếu bạn là một con người sáng tạo thì ắt hẳn bạn sẽ cảm nhận thấy được rằng mình luôn có rất nhiều sáng kiến và những nguồn cảm hứng bất tận để thực hiện những công việc và kế hoạch mà bạn đang đảm nhận.

Tôi thường hay ghi chép lại những ý tưởng của riêng mình cũng như những câu nói nổi tiếng, những khái niệm hay những thông điệp khơi gợi nguồn cảm hứng, nhưng rồi chỉ chọn ra một vài ý để viết lại vào nhật ký thôi. Để có thể chọn ra những ý quan trọng nhât, tôi thường tự đưa ra cho mình những câu hỏi sau:

Trong tương lai liệu tôi có nhận được nguồn cảm hứng sáng tạo nào không sau khi đọc lại những điều này? Tôi có nên ghi chú thêm vào nhật ký của mình về một trang báo, một quyển sách hay một kế hoạch để sau này tham khảo không? Điều này liệu có tiếp thêm sức mạnh để tôi có thể dũng cảm thực hiện những kế hoạch lớn sẽ làm thay đổi cuộc đời mình chứ? Những điều ấy sau này có trở nên hữu ích đối với công việc của mình không?

Nếu câu trả lời là có, thì tôi sẽ ghi ngay lại.

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng khi bạn dành nhiều thời gian cho việc ấp ủ những ý tưởng và phát triển các ý tưởng ấy một cách vô thức, khả năng tư duy sáng tạo của bạn sẽ ngày càng phát triển. Hãy ghi chép lại những ý tưởng của mình, kiên nhẫn chờ đợi, và để tương lai quyết định khi nào sẽ sử dụng những ý tưởng ấy.

2. Những thành tích quan trọng

Lợi ích nhận được: Sự tự tin và cảm giác mãn nguyện

Liệu bạn đã bao giờ cảm thấy thật tồi tệ khi bản thân chưa thực sự nỗ lực hết mình? Suy nghĩ ấy đã từng ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi, nó che khuất hết mọi thành tích và khiến tôi luôn luôn nghi ngờ năng lực của chính mình.

Chính vì vậy tôi đã thêm “Những thành tích quan trọng” vào trong nhật ký hằng ngày của mình. Tôi ghi lại 2 hoặc 3 thành tích trong ngày mà tôi cảm thấy tự hào nhất.

 

Ghi lại thành tích của mình sẽ làm bạn cảm thấy thật mãn nguyện, nhưng lợi ích của thói quen này đem lại không chỉ có vậy, về sau bạn mới nhận thấy rõ. Bất cứ khi nào bạn nghĩ rằng “Mình đã lãng phí cả tuần qua rồi sao?” thì hãy xem lại ngay những dòng nhật ký của mình. Đây chính là một phương pháp vừa hữu ích lại vừa đơn giản gọn nhẹ, dành riêng cho những ai luôn cảm thấy thiếu tự tin về bản thân mình.

3. Dấu hiệu và ký hiệu

Lợi ích nhận được: Nhận thức, thay đổi và phát triển

Trong cuốn sách “Nhà giả kim” của Paulo Coelho, nhân vật chính, cậu bé Satiago, phải trải qua một cuộc hành trình dài để theo đuổi sứ mệnh của cuộc đời cậu. Satiago đã thành công vì cậu ấy luôn thấu hiểu các điềm báo – dấu hiệu được truyền tải từ vũ trụ huyền bí (những dấu hiệu tới từ những người cậu đã gặp, những thay đổi xung quanh nơi cậu sống, và ngay cả những cảm xúc của cậu).

Hằng ngày, bạn có thể nhận thấy những sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc những dấu hiệu (đặc biệt chú ý tới sự xuất hiện của các trở ngại) báo hiệu trước cho bạn rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Tất cả những điều chúng ta cảm nhận được, suy nghĩ và trải nghiệm đều là một cơ hội để học hỏi và tiếp tục phát triển bản thân mình – tất cả những gì chúng ra cần làm là biết nắm bắt những cơ hội ấy.

Dạo gần đây, tôi thấy mình làm việc không được hiệu quả, tôi ghi lại điều ấy vào nhật ký của mình. Và tôi nhận thấy nguyên nhân là do tôi bị sao nhãng bởi cảnh vật xung quanh, và cả những tiếng ồn. Tôi làm việc cùng phòng với nhiều người khác vì chúng tôi cùng thực hiện chung một dự án, tôi không thể tùy ý thay đổi môi trường làm việc được. Chính vì vậy tôi đã thay đổi hoàn cảnh của chính mình – Chuyển sang chỗ khác và thỏa thuận lại công việc với họ. Từ khi tôi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong tôi và giải quyết triệt để mọi rắc rối, năng suất làm việc của tôi đã tăng vụt!

Những trở ngại mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống chính những điềm báo về bước ngoặt của cuộc đời hoặc sự thay đổi trong tương lai. Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu rõ ràng khác bạn có thể để ý đến:

Ước muốn: Bạn có đang khao khát, nhung nhớ hay mong mỏi bất cứ điều gì không?

Cảm xúc: Bạn có đang cảm thấy cực kỳ phẫn nộ? Lo lắng? Mãn nguyện? Nguyên nhân là do đâu? Dạo gần đây, điều gì đã tác động mạnh tới tâm trạng của bạn thế?

Những sự thay đổi: Bạn nhận thấy những sự thay đổi nào diễn ra xung quanh bạn (các mối quan hệ, địa điểm, những sự kiện đặc biệt…)? Bạn có thay đổi bản thân mình không (hành vi, suy nghĩ, vóc dáng…)?

Triệu chứng: Cơ thể bạn có những thay đổi gì không? Bạn cảm thấy mệt mỏi hay đau đớn một cách bất thường không? Bạn có bất chợt thèm khát thứ gì hay có bất kỳ xúc cảm đặc biệt nào không? Bạn có ăn nhiều hơn, ít vận động hơn, hay khóc nhiều hơn mọi ngày không?

Giấc mơ: Giấc mơ của bạn có để lại dư âm gì khi bạn thức dậy không? Tiềm thức đang cố gắng báo hiệu cho bạn biết điều gì? Từ khi tôi bắt đầu ghi chép và phân tích những giấc mơ, tôi đã có thể thấu hiểu bản thân mình hơn rất nhiều.

 

Bạn có thể thêm nhiều dấu hiệu khác, miễn sao những dấu hiệu ấy có thể giải đáp câu hỏi sau:

“Điều gì đang diễn ra ở cuộc sống hiện tại có thể thúc đẩy tôi đưa ra quyết định và hành động?”

Câu hỏi này sẽ giúp bạn tổng hợp những dấu hiệu hữu ích nhất cho việc đưa ra quyết định và mục tiêu sau này. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy cực kỳ khao khát được sống ở một hòn đảo nhiệt đới, bạn có thể sẽ đặt ngay một chuyến du lịch, hoặc thậm chí là đưa ra những quyết định táo bạo như chuyển sang Thái Lan sinh sống và làm việc từ xa.  

Thi thoảng hãy cứ để trực giác dẫn lối, ngay cả khi bạn không hiểu rõ lý do tại sao. Ví dụ, hồi trước tôi đã từng gặp một người đàn ông vô gia cư đang ngủ ngoài đường, ông ấy không mang theo bất kỳ thứ gì ngoại trừ một tấm chăn để giữ ấm. Tôi rất muốn ghi lại điều này vào trong nhật ký của mình và tôi không hiểu vì sao bản thân mình lại có ước muốn kỳ quặc như vậyMột vài ngày sau, tôi bắt đầu suy ngẫm về sự tối giản và tiện nghi, chính những suy nghĩ này đã quyết định phong cách sống của tôi sau này.

Ghi lại những dấu hiệu và sự quan sát của bản thân đã nâng cao mức độ nhận thức của tôi lên rất nhiều, điều này có quan hệ trực tiếp tới hạnh phúc của tôi. Thật vậy, tôi đã từng ghi vào nhật ký của mình như sau:

Quan sát: Tôi cảm thấy khó chịu khi anh bạn tôi và tôi cùng nói chuyện với một cô gái, cô ấy chỉ chủ ý tới bạn tôi thôi, điều đó làm tôi buồn vì tôi không thể tích cực trò chuyện được như anh ấy.

Kết luận: Quan sát này đã phản ánh lại sự thiếu tự tin của tôi.

Giải pháp: 1) Chấp nhận bản chất hướng nội của mình và phát huy những phẩm chất tốt đẹp khác 2) Cố gắng chủ động nói chuyện và biết lắng nghe hơn, coi anh ấy như một hình mẫu để noi theo thay vì cảm thấy ghen tị với con người anh ấy.  

4. Những bài học và câu hỏi quan trọng
 
 

 

 

Lợi ích nhận được: Tầm nhìn khái quát

 

Có những lúc bạn cảm nhận được rằng mọi việc diễn ra trên đời đều có nguyên nhân của nó, hoặc bạn có thể bất chợt nhận thấy rõ các mối liên hệ của vạn vật, vạn việc xung quanh. Đây chính là sự thấu hiểu.

 

 

 

 

Rất lâu về trước, trong khi tôi đang đi bộ để giải lao sau giờ làm, tôi bất chợt nhận thấy gần đây, bản thân mình cứ đinh ninh rằng thành công chính là được nổi tiếng và có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Nhưng đấy không phải là ước muốn thực sự của tôi, suy nghĩ như vậy đã làm tôi cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Tôi đã đặt ra cho mình một câu hỏi, tôi thực sự mong muốn điều gì? Ước muốn của tôi chính là được sống một cuộc sống trọn vẹn, tràn ngập tình yêu và nuôi dưỡng nét đẹp tâm hồn mình. Ước muốn ấy vốn đã có thể bị cuốn trôi bởi hằng ngàn suy nghĩ vụn vặt khác về đời sống thường ngày, nhưng không, tôi biết rằng điều ước này rất là quan trọng và mình phải nhớ để ghi chép lại vào nhật ký. Kể từ đấy, thói quen liên tục đọc lại những gì đã viết đã hoàn toàn thay đổi cách sống của tôi.

Hãy lùi về một bước để quán sát cuộc sống đời thường để có một cái nhìn khái quát nhất và suy ngẫm. Bạn có thể suy ngẫm về sứ mệnh của cuộc đời mình, giá trị của bản thân, hay sự trưởng thành trong tâm hồn. Có một vài nhận thức trong tâm tưởng bạn có cảm nhận rõ ngay từ đầu và nghĩ rằng không nhất thiết phải ghi lại vào nhật ký, nhưng bạn nên hiểu rằng, những dòng nhật ký ấy sau này sẽ giúp bạn gợi nhớ về thời điểm bản thân có cái hiểu sâu sắc về cuộc đời - Và dẫn lối bạn quay về với những thời khắc ấy.

5. Hành động và trải nghiệm

Lợi ích nhận được: Trải nghiệm và niềm vui 

Cách tốt nhất để xác định được những điều quan trọng nên làm chính là tự mình trải nghiệm. Bạn có thể chọn lựa thực hiện những việc nhỏ có liên quan trực tiếp tới những mục tiêu lớn bạn đặt ra sau này, hãy tìm cho mình nguồn cảm hứng từ những việc bạn cảm thấy thú vị hoặc tự đặt ra cho mình thật nhiều thử thách.

Matt Damon trong phim We Bought a Zoo đã từng nói rằng: “Đôi khi, tất cả những gì bạn cần làm chính là 20 giây dũng cảm một cách điên rồ. Hãy hiểu đúng theo nghĩa đen nhé: Bỏ ra 20 giây để thực hiện những thử thách điên rồ có thể làm bạn cảm thấy xấu hổ. Và tôi xin hứa với bạn rằng, bạn sẽ nhận lại được những giá trị lớn lao.”

Bạn sẽ không bị kìm hãm bởi tâm trí hay chùn bước trước những mục tiêu quá lớn bản thân mình đặt ra nữa, bạn sẽ có cơ hội liên tục khám phá những điều mới lạ. Điều này cũng sẽ làm nhật ký 5 dòng của bạn trở nên thú vị hơn rất nhiều phải không?

Mẹo: Tôi thường vẽ thêm những ô trống vào đầu mỗi dòng nhật ký, tương lai tôi sẽ càng mong muốn thực hiện những dự định của mình hơn để sớm được tích hết vào những ô trống đó. Bạn hãy thử xem sao!

Làm thế nào để ghi nhớ tốt hơn và xác định được những ý quan trọng nhất?

Cách tốt nhất để ghi nhớ chính là luôn mang theo mình 1 cuốn sổ nhỏ, 1 tờ giấy hoặc 1 chiếc điện thoại. Liệu bạn có cảm nhận giống như tôi rằng điều này có đôi chút bất tiện không? Tôi rất ghét mỗi khi phải dừng lại giữa chừng để ghi chú khi mình đang mải miết nghiền ngẫm một cuốn sách hay, nên tôi đã gạch chân lại những ý đó, và khi đọc hết cuốn sách, tôi mới lật lại những trang mình đã đánh dấu và ghi chép vào sổ. Tôi cũng áp dụng phương pháp tương tự đối với mỗi cuộc nói chuyện, sự kiện, cũng như nhiều hoạt động khác diễn ra trong ngày: Tôi chăm chú lắng nghe và ghi nhớ những ý quan trọng để về sau ghi lại vào cuốn nhật ký của mình. Việc này không những giúp tôi tăng cường khả năng ghi nhớ mà còn giúp tôi trở thành một người biết lắng nghe hơn.

Bạn cũng có thể dành ra một buổi tối suy ngẫm về những sự việc đã diễn ra trong ngày, đặc biệt là những sự việc có khả năng giúp bạn ngộ ra nhiều điều quan trọng. Bạn có thể suy ngầm về những cuộc trò chuyện giao lưu, những lúc đọc sách, đọc tài liệu, những lúc vui vẻ phấn khởi hoặc u ám buồn rầu, những trải nghiệm thú vị, đặc sắc, hay bất kỳ thay đổi nào diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

 

Hãy chọn ra những sự kiện quan trọng nhất và ghi lại vào nhật ký 5 ý.

Nghe có vẻ rất tốn công tốn sức vì bạn phải viết ra nhiều nhưng sau cùng chỉ chọn lọc một vài ý để ghi lại đúng không?

Mortimer Adler đã từng đưa ra một khái niệm gọi là “Đọc sơ qua”: “Khi bạn đọc một cuốn sách nằm ngoài tầm hiểu biết của mình, trước tiên bạn nên đọc hết một lượt từ đầu tới cuối và đừng lo lắng về việc mình chỉ hiểu được 25% nội dung của quyển sách ấy, khi bạn làm được như vậy rồi thì bạn mới có thể bắt đầu tìm hiểu sâu nội dung của cuốn sách.” Điều này cũng tương tự như việc bạn ghi chép lại hết những sự kiện đã xảy ra trong ngày, đọc lại một lượt rồi mới thấy được những sự kiện nào có ý nghĩa quan trọng nhất.

Lợi ích của nhật ký 5 ý

Thứ nhất, bạn có thể rèn luyện trí nhớ bằng việc “đọc sơ qua” mỗi ngày của bạn – bằng cách này, bạn sẽ không bỏ sót mất những điều quan trọng đã học hỏi được từ cuộc sống thường nhật.

Thứ hai, bạn rèn luyện trí óc để có được kỹ năng quan sát tổng thể – Bạn thực sự đã học và đã đạt được những gì mỗi ngày? Những điều gì đang diễn ra xung quanh bạn?

Thứ ba, bạn bắt đầu hiểu rõ giá trị cũng như khả năng tự nhận thức của mình thông qua những công việc được bạn ưu tiên thực hiện trước – những công việc này phản ánh điều gì về con người bạn? 

Bí quyết nhỏ để thấu rõ mọi vấn đề

Để rèn luyện bộ não và tăng khả năng thấu hiểu, tôi sử dụng phương pháp “Morning Pages” của Julia Camerion, phương pháp này rất đơn giản, tôi chỉ cần viết 3 trang giấy mỗi sáng về những gì đã xuất hiện trong tâm trí tôi khi vừa thức giấc trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái sáng tạo nhất của não bộ là vào lúc vừa thức dậy. Bạn có thể ghi lại những câu hỏi khó mình chưa giải đáp được hoặc những ý tưởng sáng tạo chưa được hoàn thiện, vào mỗi buổi tối, đây gọi là phương pháp “thuê” bộ não làm việc - Bộ não của bạn sẽ giải quyết những vấn đề ấy khi bạn đang chìm sâu vào giấc ngủ. Nếu bạn chép lại những suy nghĩ xuất hiện đầu tiên sau khi thức giấc, bạn sẽ nắm bắt được ngay những giải pháp mà bộ não đã vạch ra trong vô thức.

Trước khi bắt đầu…

Bạn có thể sử dụng một cuốn sổ để làm nhật ký 5 ý bởi khi viết, ta sẽ ghi nhớ thông tin lâu hơn; sử dụng những tấm thẻ ghi nhớ riêng biệt thay vì dùng sổ cũng là 1 ý kiến hay, thậm chí bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ trên điện thoại như ứng dụng Evernote.

Bạn sẽ nhận thấy rằng nhật ký của bạn luôn luôn thay đổi theo thời gian, và điều này chính là minh chứng cho bản chất luôn thay đổi của con người. Khi bạn chuẩn bị viết nhật ký 5 ý, hãy thay đổi nó sao cho phù hợp với cá tính cũng như sở thích của bạn. Bạn chọn thể loại nhật ký nào cũng được, viết tay hoặc lưu trên điện thoại, chỉ cần nó dễ sử dụng và thú vị là được, nếu không, bạn sẽ không tạo được cho mình thói quen viết nhật ký đâu.

Đây là những gì tôi phát hiện ra được sau khi tạo cho mình thói quen viết nhật ký 5 ý: Không phải tôi của tương lai sẽ nhận lại được nhiều lợi ích nhất từ thói quen này, mà chính là tôi – của hiện tại. Bởi khi rèn được thói quen này, bạn đã thành công xây dựng cho mình một nền tảng tinh thần vững chắc để suy nghĩ, củng cố và tóm tắt mọi thông tin.

Kể từ khi thiết lập thói quen viết nhật ký vào mỗi tối, tôi đã sống theo một cách hoàn toàn khác so với hồi trước.

Tôi của hiện tại luôn luôn tìm kiếm cho mình những dấu hiệu và cơ hội để phát triển bản thân và giải quyết mọi rắc rối. Sẽ rất khó chịu khi lúc nào cũng phải đọc đi đọc lại những dòng nhật ký như “hôm nay mình đọc sách ít quá, hôm nay mình không có đủ thời gian để học...” Chính vì vậy, tôi sắp xếp lại thời gian học tập hợp lý và mọi vấn đề đều được giải quyết. Kỹ năng giao tiếp của tôi cũng được cải thiện nhờ biện pháp tương tự như vậy.

Cảm giác thất vọng về bản thân không còn dai dẳng bám theo tôi nữa xem lại vào những thành quả và những bài học mình có được. Khi nhìn vào cuốn sổ, tôi biết mọi thứ chỉ là tạm thời, tôi biết mình nên dùng những kỹ năng và bài học nào để giải quyết từng rắc rối.

Tôi trở nên kiên định hơn trong tất cả các công việc, ví dụ như luôn luôn ghi chú sau mỗi cuộc trò chuyện, mỗi sự kiện, hay việc theo dõi các thói quen của bản thân và ghi nhật ký nói chung.  

Tôi đặt ra các mục tiêu mỗi tuần, mỗi tháng. Thay vì chỉ ghi nhớ và hạ quyết tâm trong lòng, tôi ghi các mục tiêu cần thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng lên cuốn sổ. Phương pháp này đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.

Tôi có rất nhiều ý tưởng và suy nghĩ, nhưng tôi đã biết chọn lọc ra những điều quan trọng nhất. Tôi nắm được những điều mình coi trọng nhất trong cuộc sống, mục tiêu của tôi hiện tại, và những gì tôi cần phải buông bỏ.

Đôi khi, sẽ có những buổi tối không có gì quan trọng để ghi vào nhật ký 5 ý, tuy nhiên, tôi đã ghi lại tất cả những gì bất chợt hiện lên trong tâm trí mình – kể cả khi ngày hôm đó chỉ nghĩ tới tiệm tạp hóa gần nhà hay việc dọn dẹp nhà cửa. Đừng lo lắng khi mới đầu, bạn không có gì để viết hoặc có quá nhiều ý tưởng để chọn, đây chỉ là một bước khởi đầu nhỏ của cả một quá trình mà thôi. Việc thực hành viết nhật ký sẽ luôn thay đổi theo thời gian khi bạn liên tục trải nghiệm cuộc sống, ghi nhớ và ghi chú.

----------

Tác giả: Sílvia Bastos

 

Link bài gốc: The 5-Bullet-Log: A Note-Taking System to Increase Self-Awareness and Learn More From Life

 

Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024