Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/01/2020 23:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 12 Thói Quen Sẽ Khiến Cuộc Sống Của Bạn Dễ Chịu Hơn


Mỗi người trong số chúng ta đều chào đón năm mới với những mục tiêu và hoài bão lớn. Chúng ta nghĩ về tất cả những thứ dường như thiếu mất đi trong cuộc sống và tưởng tượng mình sẽ ngày càng hạnh phúc và đầy đủ hơn nếu bản thân có những sự đổ mới. Không có gì để chối cãi nếu nói rằng một số những thành quả nhất định có thể làm mức độ hài lòng về cuộc sống của chúng ta cải thiện đáng kể, nhưng tôi cho rằng những thói quen hằng  ngày chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự hạnh phúc của mỗi người.

Bạn có thể sở hữu một công việc mà bạn rất hứng thú, một cơ thể khỏe mạnh tràn đầy sức sống, và một người bạn đồng hành tuyệt vời, nhưng không có gì trong số những thứ tôi nêu trên có thể hoàn toàn làm hài lòng bạn nếu như bạn không ưu tiên những thói quen hằng ngày đã góp phần nuôi dưỡng hạnh phúc của bạn. Nếu bạn muốn cảm thấy tốt hơn về bản thân và cuộc sống, bạn cần phải thường xuyên thực hiện những việc khiến bạn thấy thanh thản và vui vẻ. Tôi đã phỏng vấn 12 tác giả của Tiny Buddha và dưới đây là những chia sẻ của họ về một thói quen đáng để học tập trong năm mới này:

1. Bắt đầu một ngày mới với những dự định tích cực

“Khi tôi  tỉnh dậy vào mỗi buổi sáng, tôi đã nằm yên trong một vài phút và trầm ngâm suy nghĩ về những điều mà tôi muốn dành cho một ngày mới. Sau đó tôi lặp lại những điều đó trong đầu:

Tôi muốn ngày hôm nay thật yên bình

Tôi muốn ngày hôm nay có thật nhiều niềm vui

Tôi muốn ngày hôm nay được cháy hết mình với đam mê

Tôi muốn ngày hôm nay được cho đi những điều tử tế…

(Và bất kì điều gì khác tôi muốn dành cho ngày mới).

Và tôi cứ tiếp tục danh sách đó đến khi tôi cảm thấy nó đã hoàn thành. Tuy nhiên một số ngày có thể nó sẽ khó khăn hơn một chút, đặc biệt là khi tôi thức dậy từ rất sớm, vẫn còn mệt mỏi, và trong đầu liên tưởng đến viễn cảnh của một ngày dài đằng đẵng sắp bắt đầu. Thế nhưng, thói quen đơn giản ấy đã kéo tôi trở lại với một năng lượng tích cực, nó lấp đầy tôi với sự biết ơn và đặt tôi vào đúng vị trí ban đầu. Kể từ đó, mọi ngày của tôi đều diễn ra suôn sẻ và theo một cách tốt nhất có thể, kể cả khi những thử thách dần tăng lên.”  

-Julie Hoyle­-

2. Rèn luyện sự tự nhận thức về bản thân một cách chú tâm, khách quan và không phán xét

“Cho những người đang tìm kiếm một sự thay đổi trong cuộc đời – ngừng làm những điều tiêu cực và bắt đầu làm những thứ lành mạnh hơn, trở nên tự tin hơn, sống thật với chính bản thân mình – thì thói quen tốt nhất mà bạn cần trau dồi đó là sự chú tâm.Đây là một kĩ năng tự nhận thức một cách chú tâm, khách quan mà không phán xét, và cũng là bước đầu tiên bạn cần làm nếu muốn thay đổi bản thân. Nó giúp bạn nhận ra khi nào bạn cần thay đổi một thứ mà bạn đang làm và khi nào bạn đang rơi vào bế tắc. Tóm lại, bạn sẽ nhận thức được cảm xúc và suy nghĩ thật sự của mình.

Bạn có thể hình dung được cái gì đang thực sự diễn ra – ‘Ồ xem kìa, mình lại rơi vào cái tình thế tồi tệ này một lần nữa. Nó khiến mình sợ hãi và khó chịu. Vậy nên đó là lý do mình đang tìm kiếm một lời bào chữa cho việc không tham gia vào bữa tiệc.’  Kể từ đây, bạn đã có thể thoát ra khỏi những cảm xúc sợ hãi và khó chịu đó, đồng thời nhìn nhận tình huống một cách khách quan hơn. Và tất nhiên, bạn đã có thể tạo nên một sự thay đổi. Bạn có thể thử thách những suy nghĩ của bạn. Bạn có thể lật ngược tình thế. Bạn có thể gợi nhắc bản thân về nơi mà bạn muốn đi đến. Và bạn có thể lên một kế hoạch.

Chúng ta sẽ sống dễ dàng hơn với bộ não tự động. Nó không có nghĩa là chúng ta lười biếng mà chỉ đơn giản là vì đó là cách bộ não của chúng ta hoạt động hiệu quả nhất. Với việc tạo ra một thói quen, bạn không cần nghĩ về việc nên làm gì trong mọi tình huống nữa. Điều đó sẽ giúp bộ não của bạn tích trữ năng lượng để làm việc khác. Tuy nhiên sự hiệu quả không hẳn là sự hoàn hảo đâu nhé. Bởi cách sống tự động này khiến chúng ta không chú ý về những điều đang xảy ra. Không có nhận thức đúng đắn, chúng ta bị mắc kẹt trong cảm xúc của mình, rối rắm như một cuộn băng bị hư và rồi cứ tiếp tục đưa ra cùng những lựa chọn không lành mạnh như vậy.

Đây chỉ là một kỹ năng khá đơn giản – học cách nhận thức, chú ý. Nhưng chẳng có cơ sở khoa học nào cho rằng bạn cần có kỹ năng này để tồn tại cả, và vì thế nên hầu hết mọi người chúng ta đều không có kỹ năng này một cách tự nhiên. Chúng ta cần phải tạo ra nó, lặp lại nó lần này đến lần khác cho đến khi nó trở thành một thói quen – nhưng rất đáng để bạn làm vậy!

Nó thực chất chỉ là một sự thay đổi nho nhỏ trong suy nghĩ của bạn, nhưng lại sâu sắc đến kinh ngạc. Giống như khi bạn đứng dưới dòng thác nước, sau đó lùi ra khỏi dòng nước siết chỉ một bước nhỏ và ngắm nhìn cả ngọn thác trước mắt. Chỉ  một bước đi nhỏ cũng có thể tạo nên một khác biệt lớn.”

- Sandra Wozniki-

3. Hãy tập thiền

Bạn biết cái cảm giác khi mà bạn ở một nơi cách xa nhà một thời gian rồi sau đó trở về ngay trước cửa đúng không? Cảm giác thật sự rất tốt nhỉ? Nó khó để diễn đạt thành lời, nhưng dường như có một thứ vừa mở ra trong tim bạn. Nhà là nơi bạn cảm thấy an toàn, ấm cúng và giá trị. Đó là nơi mà chúng ta biết là mình có thể quay trở về bất cứ lúc nào, bất kể là ta đã xa nó trong bao lâu. Ở đó tồn tại một cảm xúc gọi là sự gắn kết, thuộc về.

Với tôi, thiền cũng giống như vậy – như cách ta trở về nhà. Khi tâm trí tôi yên lặng, một cảm giác tĩnh mịch dâng lên và trái tim tôi bắt đầu phản hồi. Sự tĩnh lặng mang lại cảm giác bình yên, trong sáng, ổn định và cảm giác sâu sắc về sự kết nối. Khi chúng ta hòa mình vào cuộc sống này, ai cũng đều khao khát cảm giác về nhà, vì đó là nền tảng và ta muốn có cái cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Trở về sự tĩnh lặng giống như là trở về nhà vậy .

Trong một thế giới nơi chúng ta liên tục bị quấy rối bởi những phiền nhiễu, kích thích và xung đột, nó dễ dàng quên đi cảm giác được ở nhà là như thế nào. Thêm vào đó là một tâm trí bận rộn,  tự dằn vặt bản thân, và thật dễ dàng để quên rằng cảm giác khi ta trở về ngôi nhà của mình, quên mất rằng sự bình yên và sự ấm áp đã thực sự tồn tại trong chúng ta.

Nó thực sự hiện hữu đó!

Sự tĩnh lặng luôn ở đó, trong nền tảng nhận thức của chúng ta, sẵn sàng và chờ đợi để hỗ trợ, nhưng tâm trí của chúng ta thường quá bận rộn để nhận thấy điều đó. Và khi có một sự kiện hỗn loạn trong cuộc sống, sự tĩnh lặng mang đến một nơi nghỉ ngơi rất ổn định. Nhưng nếu chúng ta không rèn luyện bản thân để biết sự tĩnh lặng, thì khi sóng gió ập đến, sự tĩnh lặng sẽ khó có thể được tìm thấy.

Thiền giúp chúng ta ghi nhớ và xây dựng mối quan hệ với sự tĩnh lặng bằng cách đưa chúng ta ra khỏi trí óc và thay vào đó hướng vào trái tim. Chúng ta càng ghé thăm sự tĩnh lặng thông qua thiền định, nó càng thấm vào tâm hồn, điều đó có nghĩa là nó càng có sẵn cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nên, khi chúng ta gặp một tình huống khó khăn thì nó chỉ còn là vấn đề của việc bạn có để sự tĩnh lặng nắm giữ tâm hồn mình hay không. Và trái tim của bạn sẽ là cầu nối.”

- Ben Fizell-

4. Hãy sử dụng những câu “thần chú”

“Tôi rất thích việc sử dụng những câu ‘thần chú’ như những lời khẳng định. Đôi lúc cuộc sống dường như bị trật khỏi quỹ đạo và đầu óc chúng ta lại gợi lên những cảnh tượng gây nản chí mà có thể dẫn tới những sự lo âu, băn khoăn. Một câu ‘thần chú’ đơn giản có thể sẽ rất hiệu quả trong việc thoát khỏi những tiếng ồn xao lãng và tập trung vào một điểm duy nhất.

Một trong những câu ‘thần chú’ tôi thích nhất đó là ‘Tôi đang an toàn. Tôi được yêu thương. Tôi đủ tốt.’ Tôi lặp lại câu này ít nhất ba lần, mỗi lần tôi đều nhấn mạnh, quả quyết với từng câu từng chữ.

Tôi khuyên các bạn nên tự tạo cho mình một câu ‘thần chú’ riêng, thích hợp với bạn. Chỉ cần ngắn thôi – 1 hay 2 câu là đủ rồi. Sử dụng những từ mang tính nhấn mạnh, khẳng định có thể tạo nên một thói quen lành mạnh về sự tự ý thức và chăm sóc bản thân.”

- Liberty Rose-

5. Hòa mình vào tự nhiên

“Có nhiều cách hòa mình vào tự nhiên, tùy thuộc vào mỗi người. Nó có thể là ngồi trước hiên nhà, trên ban công hay thậm chí là cạnh một chiếc cửa sổ đang mở và cho phép bản thân thưởng thức vẻ thanh bình của cây cối hay giai điệu ngọt ngào của chim chóc.

Hoặc cũng có thể là khi từ từ rảo bước trên con đường quen thuộc và nhìn lại những thứ nhỏ bé mà ta thường bỏ lỡ vì cuộc sống vội vàng hay vì những mối ưu tư lo lắng: đó là những đám rêu xanh mướt, mềm mại; một chiếc đuôi xanh của con thằn lằn nửa ẩn nửa hiện dưới hòn đá làm chúng ta phút chốc giật mình; hay là sự tò mò của con chim hồng tước đang quan sát bạn từ bụi rậm ven đường.

Vui đùa với thiên nhiên không chỉ giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng, âu lo và cải thiện sức khỏe mà còn giúp chúng ta tìm thấy con đường của mình, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Như Rumi đã nói: ‘Tất cả mọi người được tạo ra thích hợp với một công việc nhất định, và sự khao khát công việc đó đã được đặt trong mỗi trái tim mỗi người.’

Chúng ta hầu như không có những cơ hội trong cuộc sống hằng ngày để theo đuổi con tim, mà đúng hơn là hầu hết chúng ta đã quên mất phải làm nó như thế nào. Đi lang thang tự do dưới bầu trời rộng mở, cùng với sự hiếu kỳ và ước mơ, chúng ta học cách từ bỏ việc cố gắng đến một nơi nào đó mà thay vì thế, ta khám phá niềm vui của việc chỉ đơn giản là bước tiếp trên con đường độc đáo của riêng mình.

Khi tôi bắt đầu gắn kết lại với tự nhiên, tôi đã khám phá lại bản chất con người của riêng tôi: con người thật của tôi, chính nó; những món quà tôi phải dành tặng cuộc sống và nơi tôi phù hợp với vòng xoay của cuộc đời. Băng qua khu rừng, tôi bắt đầu nhận thấy, như những sinh vật sống khác trên hành tinh, tôi cần đóng góp một phần quan trọng vào cuộc sống; khi tâm hồn tôi tĩnh lặng, tôi có thể nghe thấy một tiếng nói trong đầu nói với tôi rằng đó là gì; và nếu như tôi nghe theo giọng nói đó, tôi cũng có thể - như lời của Mary Oliver – giữ một vị trí dành cho mình trong thế giới vạn vật kia.”

- Meredith Walters-

6. Hãy thử kết hợp nhiều thói quen

“ Tôi đề xuất một cách tập luyện chăm sóc bản thân đó là kết hợp nhiều thói quen lại với nhau. Nó có nghĩa là bạn lấy một vài thói quen nhỏ và kết hợp chúng lại vào một khoảng thời gian. Ví dụ như những điều bạn làm khi thức dậy: bạn có thể bắt đầu bằng ngồi thiền trong thời gian ngắn, tiếp theo sau đó là duỗi thẳng tay chân trong 10 phút, và rồi kế đến là chuẩn bị cho mình một cốc nước trái cây.

Thói quen được thúc đẩy nhờ sự kích hoạt của một quá trình, mỗi hoạt động sẽ khuyến khích cơ thể bạn thực hiện hoạt động tiếp theo. Hãy làm điều này thường xuyên tại cùng thời điểm trong một vài tuần và sau đó chúng sẽ dần ăn sâu vào bạn. Chuỗi thói quen có thể được thực hiện bất kì lúc nào, ngày hay đêm tùy thuộc vào lúc mà bạn muốn tạo cho bản thân một thời gian chăm sóc bản thân.”

- Suzanne Falter-

7. Kết nối với cơ thể bạn hằng ngày

“Một thói quen đáng để bạn áp dụng trong năm mới đó là bắt đầu dành vài phút mỗi ngày để kết nối với cơ thể của mình. Hãy chú ý đến cảm giác của nó rồi đến cảm giác của bạn. Xem xét cách bạn muốn cảm nhận và những gì bạn có thể làm để thu hẹp khoảng cách giữa cả hai nếu có.

Điều này rất hữu ích bởi vì chúng ta bị cuốn vào những suy nghĩ ám ảnh về tất cả những điều chúng ta nghĩ rằng mình 'đáng lẽ' phải làm cho cơ thể (nhưng cuối cùng lại không làm) mà không bao giờ dừng lại để kết nối và lắng nghe những gì nó thực sự cần.

Điều này cũng tương tự với sức khỏe tinh thần. Nếu bạn thức dậy và cảm thấy buồn chán, tức giận, căng thẳng,… hãy hỏi bản thân xem hôm nay tâm trí/trái tim/tâm hồn của bạn cần gì? Thường thì bạn sẽ nhận ra rằng mình thật sự chỉ cần nghỉ ngơi mà thôi, và hãy cho bản thân điều đó đi. Hoặc có khi bạn cần tìm kiếm một thứ gì đó hòa hợp với tâm hồn của bạn và làm bạn lấy lại niềm đam mê vào một thứ gì đó trong cuộc đời.

Chúng ta thường xuyên trải qua những chuyển động của cuộc sống trong chế độ sinh tồn chỉ đơn giản là vì chúng ta quá bận rộn đến nỗi không thể dừng lại đủ lâu để tìm ra những gì cần có để cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Nếu bạn gặp vấn đề với việc ăn uống lành mạnh, hãy thực hiện bước này xa hơn bằng cách áp dụng nó vào thức ăn. Hãy dành một giây trước khi bạn ăn để tự hỏi, nó làm tôi cảm thấy thế nào nếu tôi ăn món này? Tôi có muốn cảm thấy như vậy không? Tại sao? Đây là một công cụ hữu dụng vì nó cung cấp không gian giữa tự động điều khiển và hành động tiếp theo, để đưa ra lựa chọn có ý thức dựa trên những gì tốt nhất cho cơ thể bạn trong thời điểm đó. Nó còn giúp bạn bắt đầu nhận thức xem nếu/khi nào bạn đang có mục đích trừng phạt mình với đồ ăn. Nếu bạn lướt qua vài câu hỏi nhanh trên và quyết định vẫn tiếp tục ăn dù biết nó có thể khiến bạn đau ốm (và bạn chả quan tâm), đó có nghĩa là bạn đang trừng phạt mình bằng đồ ăn. Bắt đầu nhận ra khi nào thì tình trạng đó xảy ra là bước đầu tiên để học cách thay đổi nó.”   

- Roni Davis-

8. Hãy tập hít thở

“Một thói quen mà tôi nghĩ có thể mang lại lợi ích cho nhiều người là luyện tập các hình thức hít thở. Đó có thể là ngồi thiền đơn giản hay pranayama nâng cao hơn trong yoga - bất cứ điều gì phù hợp với bạn. Từ kinh nghiệm của tôi, chỉ mất một vài phút mỗi ngày có thể có tác động sâu sắc đến mức độ căng thẳng và chất lượng cuộc sống của bạn.

Cho dù bạn đang muốn trở thành một vận động viên mạnh mẽ hơn, hay để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của bạn, hoặc làm việc hiệu quả hơn, tôi thực sự không thể nghĩ đến bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống mà sẽ không được cải thiện nếu áp dụng phương pháp hít thở thường xuyên này.”

- Luke Jones-

9. Hãy là một người biết chọn lọc thông tin

“Không có gì ngạc nhiên khi bạn muốn được thông báo về các vấn đề hiện tại, nhưng hãy cẩn thận khi chọn các nguồn tin tức mà bạn tin tưởng và thậm chí sau đó, hãy hạn chế sự phê bình từ bạn. Chẳng có ích gì trong việc cảm thấy phẫn nộ hơn nửa ngày, tham gia vào một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội mà bạn không thể thắng, hoặc tức giận về những vấn đề, những người mà bạn không nắm rõ. Bởi cuối cùng thì bạn đang giao cái sức mạnh cá nhân của mình cho người khác – những người còn hơn cả vui sướng khi nhận lấy nó.”

- Tim Brownson-

 

10. Thêm vào sự biết ơn đằng sau những câu xin lỗi

“Mỗi lần nói câu ‘Tôi xin lỗi’, tôi đều nói thêm là ‘Cảm ơn rất nhiều’. Chẳng hạn, thay vì chỉ nói câu ‘Xin lỗi tôi tới trễ’, chẳng phải thêm vào câu ‘Cảm ơn vì đã đợi tôi’ nghe tốt hơn nhiều hay sao? Và thay vì chỉ đơn thuần nói ‘Xin lỗi vì tôi đã phá hỏng không khí hôm nay’ tôi cũng nói thêm ‘Cảm ơn vì đã ở đó với tôi dù cho khi tôi có tâm trạng tốt hay không tốt.’

Sự thay đổi tinh tế này giúp tôi cảm thấy tốt hơn về những thiếu sót của bản thân. Thêm vào đó, nó cải thiện các mối quan hệ của tôi, vì tôi chia sẻ sự đánh giá cao của tôi với mọi người và lòng biết ơn là một thứ có thể kết nối mọi trái tim.”

- Karen Salmansohn-

11. Trò chuyện với người lạ

“Tôi nghĩ thói quen đáng để trau dồi trong năm 2020 là trò chuyện với người ta chưa từng quen biết. Đây là thói quen mà tôi có được từ năm 2010, và đó là một sự thay đổi lớn nhất mà tôi từng tạo ra trong cuộc đời mình.

Các mối quan hệ của chúng ta có lẽ là yếu tố quyết định quan trọng thứ hai đối với sự hạnh phúc, chỉ xếp sau sức khỏe. Tất cả các mối quan hệ và tương tác, bao gồm cả những mối quan hệ với những người xa lạ, đóng vai trò lớn trong việc bạn tận hưởng từng khoảnh khắc.

Bằng cách nói chuyện với người lạ, bạn sẽ cải thiện các kỹ năng xã hội của mình, kết nối tốt hơn với mọi người và bạn sẽ học cách tận hưởng bất kỳ khoảnh khắc nào với những người bất kỳ. Khi bạn có thể đi đến một câu lạc bộ sách, quán bar hoặc một hội nghị làm việc và có một thời gian vui vẻ ở đó, cuộc sống của bạn sẽ cải thiện đáng kể.” - Rob Riker-

12. Hãy ngủ nhiều hơn và ngon hơn.

” Chất lượng giấc ngủ quyết định hầu hết mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta! Nó  ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, sức khỏe thể chất, thái độ của chúng ta đối với sự vật, các mối quan hệ và cuối cùng là thành công của chúng ta trong từng lĩnh vực của cuộc sống.

Giấc ngủ đã trở nên ít được coi trọng trong một thế giới với tập thể dục và chế độ dinh dưỡng được ưu tiên hàng đầu như ngày nay. Nhưng tất cả các bằng chứng chỉ ra giấc ngủ là nền tảng của sức khỏe tổng thể của chúng ta. Khoa học đã nói rằng nếu chúng ta ngủ kém,  ta sẽ ăn yếu hơn và tập thể dục cũng ít hiệu quả hơn. Nếu chúng ta ngủ ngon, ta có thể đưa ra quyết định tốt hơn, lựa chọn thức ăn tốt hơn, có thể tập thể dục hiệu quả hơn và cuối cùng chúng ta có thể sống một cuộc sống bổ ích và thành công hơn. Nó hệt như là hiệu ứng đô-mi-nô vậy.”

- Brendan Baker-

 Bạn đã có cho mình thói quen nào trên đây chưa? Hãy note lại những thói quen mà bạn cảm thấy hữu ích để trau dồi nó thường xuyên nhé!

---------------------------------------------

 Tác giả: Lori Deschene

Link bài gốc: 12 Habits to Adopt to Make This Your Best Year Yet

Dịch giả: Lê Thái Hoàng Khanh - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024