Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/01/2020 21:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] "Đừng Để Tương Lai Ghét Bạn Hiện Tại": Thói Quen Xấu Có Đang Gặm Nhấm Cuộc Đời Bạn?


Ai chẳng từng mắc kẹt trong những tháng ngày u tối để lười nhác sống ảo, ngủ nướng, và đi hộp đêm. Ngay cả tác giả Takeshi Furukawa cũng thừa nhận ở tuổi 28 từng có chuỗi ngày luẩn quẩn trong thói quen xấu. Đúng vậy, tuổi trẻ mà, phải có lầm lỡ mới nhận ra sai lầm chứ! Nhưng đừng bao biện cho tuổi trẻ để che đậy những thói quen xấu đang phá hoại tương lai của bạn.

Hãy đón nhận quyển sách Đừng để tương lai ghét bạn hiện tại là người bạn đồng hành để đánh bay thói quen xấu nhé!

 

Tại sao không thể từ bỏ được thói quen xấu?

Khác với thói quen tốt - phải luyện tập mỗi ngày để hình thành, thói quen xấu xâm chiếm cuộc sống của bạn một cách vô thức. Một loại cảm giác thoải mái tức thời được sinh ra khi cầm điện thoại lướt Facebook sau một ngày làm việc cật lực, vì vậy con người sẽ dễ dàng lặp đi lặp lại mỗi lúc mệt mỏi và sẽ bị nghiện mạng xã hội lúc nào không hay.

 

 

 

5 thói quen xấu được ghi nhận theo cuộc khảo sát tác giả thực hiện trên 100 cá nhân, bao gồm:

Thói quen trì hoãn làm những việc mình không thích (51 người)

Lệ thuộc vào mạng Internet và smartphone (43 người)

Ăn quá nhiều (24 người)

Thiếu ngủ do thức khuya (16 người)

Tiêu xài hoang phí (14 người)

Trên đây chỉ là 5 thói quen xấu dựa trên yếu tố chủ quan nhưng thực tế cho thấy đây là những thói quen mà nhiều người, đa phần là các bạn trẻ mắc phải.

Vậy hãy thử trả lời 5 câu hỏi sau xem chúng ta có bao nhiêu thói quen xấu nhé:

1. Thói quen không tốt cho sức khỏe bạn là gì?

2. Thói quen nào của bạn làm rối loạn các thói quen sinh hoạt?

3. Thói quen xấu trong công việc của bạn là gì

4. Thói quen nào về mặt tiền bạc mà bạn muốn từ bỏ?

5. Thói quen nào khiến bạn stress?

Mách nhỏ bạn hãy kiểm tra định kỳ xem có thói quen xấu nào đang xâm chiếm vào cuộc sống của bạn và cũng đừng ngần ngại thay đổi chúng.

Một điều đặc biệt là đến hơn 40% hành vi hàng ngày là thói quen nhưng nếu những thói quen ấy toàn là thói quen xấu sẽ khiến bạn bị mắc kẹt trong cuộc sống của chính mình.

Tác giả đã chỉ ra 3 quan điểm chính dẫn đến việc trì hoàn từ bỏ thói quen xấu

Quan điểm 1: Quy tắc sức hút của thói quen

Quan điểm này bao gồm yếu tố bản năng sinh tồn và cơ chế hoạt động của não bộ trước sự thay đổi, não bộ con người thường có xu hướng chống lại điều này bất kể sự thay đổi là tốt hay xấu nhằm bảo vệ cơ thể trước những nguy hiểm có thể xảy ra.

Quan điểm 2: Sự cân bằng giữa nhận thức và vô thức

Nếu như vô thức luôn mong muốn trì hoãn đại diện cho thói quen xấu, trong khi nhận thức có ý chí thay đổi bao gồm những thói quen tốt nhưng đáng tiếc vô thức lại chiếm đến 95% và chỉ 5% nhận thức trong mỗi cá nhân chúng ta.

Vậy cách nào để chuyển 95 người phản đối mình sang ủng hộ? Khi luyện tập một thói quen mới hãy duy trì trong tối thiểu 30 ngày để trạng thái vô thức tắt đi và tỉ lệ tán thành thói quen sau 1 tháng sẽ là một ẩn số rất thú vị đấy.

Quan điểm 3: Cuộc chiến giữa dục vọng và lý trí

Lý trí và dục vọng được ví như bác lái xe còn dục vọng là anh chàng trợ lý lặng lẽ ngồi bên cạnh chực chờ cơ hội để cướp vô lăng từ bác tài xế. Trước khi trợ lý dục vọng giành lấy vô lăng và làm mọi chuyện trở nên tệ hơn thì bác lý trí phải dùng chiếc đầu lạnh của mình để khống chế anh chàng kia.

Thực tế cho thói quen xấu vẫn tồn tại vì nó mang lại những ý nghĩa nhất định trong thời gian ngắn. Nhưng liệu cuộc đời hay cuộc chơi sẽ kéo dài mãi mãi?

 

 

 

Trước khi thay đổi một thói quen bản thân đang có, hãy đặt câu hỏi liệu mình đã muốn từ bỏ nó hay chưa, từ những kinh nghiệm tư vấn bản thân cho người khác, tác giả đã nhận về những câu trả lời không rõ ràng như:

“Không biết tại sao nhưng tôi muốn từ bỏ thói quen đó” hay

“Không biết tại sao nhưng tôi nghĩ đó là thói quen xấu”…

Có thể chia thói quen xấu thành 3 loại chính, và với từng loại khác nhau cần có một lộ trình khác nhau để thay đổi đạt được kết quả tốt nhất.

1. Thói quen hành động: lướt mạng, tiêu xài quá khả năng của bản thân, trì hoãn... cần khoảng 1 tháng để đạt được mục tiêu

2. Thói quen thân thể: hút thuốc lá, ăn quá nhiều, uống rượu quá độ, thức khuya,. mất khoảng 3 tháng để từ bỏ

3. Thói quen suy nghĩ: thường là những người mang chủ nghĩa hoàn hảo hoặc hay lo lắng, bồn chồn,… cần khoảng 6 tháng để điều chỉnh bản thân.

 Đi kèm là những nguyên tắc quý báu nên ghi nhớ trước khi bắt đầu “tạo thói quen”

Nguyên tắc 1: Mỗi lần thực hiện một thói quen

Rất nhiều người vì có quá nhiều thói quen xấu và muốn thay đổi bản thân ngay lập tức thường sẽ ôm đồm nhiều thứ cùng lúc. Nhưng khi cơ thể đang quen với rất nhiều thói quen xấu, sự thay đổi đột ngột tất cả các thói quen sẽ làm cho cơ thể không thể thích nghi được và dẫn đến tỷ lệ thất bại rất cao. Đừng tham lam, hãy từ bỏ mỗi lần một thói quen nhé.

Nguyên tắc 2: Làm rõ ghim trung tâm và nút thắt cổ chai

Nguyên tắc này yêu cầu bạn phải xác định điểm trung tâm của việc thay đổi. Ví dụ muốn dậy lúc 5 giờ sáng, điều cần thay đổi ở đây là thời gian đi ngủ. Thay vì cố thức đến 1 giờ sáng, cài rất nhiều chuông báo thức và tự nhủ mình sẽ dậy đúng giờ, hãy thay đổi giờ đi ngủ lên 10 giờ hay 11 giờ, khi đó giấc ngủ, năng suất làm việc ngày hôm sau đều được đảm bảo và chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu dậy lúc 5 giờ sáng của mình.

Nguyên tắc 3: Không tập trung vào mục tiêu, hãy tập trung vào quá trình

Việc đạt được mục tiêu nghĩa là tập trung vào kết quả, nhưng việc tạo thói quen lại tập trung vào hành động và quá trình.

Con người cũng có thói quen khi đã đạt được mục đích sẽ “ngựa quen đường cũ”, quay lại với thói quen xấu, nên nhớ “Việc có được kết quả ổn định lâu dài mới chính là sức hấp dẫn của việc tạo thói quen”

 

 

 

Rèn luyện thể lực tinh thần là một trong những yếu tố góp phần nên việc “từ bỏ thói quen” dễ dàng hơn. Trong đó “thể lực tinh thần” là một sự kiềm chế của bản thân trước cám dỗ để tăng cường sức mạnh tinh thần nên rèn luyện 3 thói quen bao gồm: dọn dẹp, dậy sớm, và vận động.. Tạo được 3 thói quen này, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và không còn trốn tránh mọi thứ nữa.

Ngoài ra, “năng lượng tinh thần” là một yếu tố quan trọng khác. Đây được xem là năng lượng cho các hoạt động trong một ngày của bạn, nhưng tiếc thay nó không được phân bố đều cho 24 giờ. Hãy sử dụng “năng lượng tinh thần” đúng lúc để phát huy được tối đa sức mạnh của bản thân.

“Lý do cốt yếu” để tạo động lực từ bỏ

Hãy tự đặt mình vào một hoàn cảnh khó như bạn đang bị thừa cân mà không tìm được lý do để tạm biệt số cân ấy

1. Cảm giác nguy hiểm: “Nếu cứ để như thế này thì sẽ rất tệ”

Thật tệ khi đi shopping mà thử cái nào cũng không vừa.

2. Cảm giác thỏa mãn: “Có rất nhiều điều vui vẻ”

Bạn sẽ trở nên tự tin hơn vào cơ thể của chính mình, có thể làm quen với nhiều bạn mới,…

3. Cảm giác hy vọng: “Sẽ nhận được những điều to lớn trong tương lai”

Có thể tìm được một việc làm - yêu cầu cao về ngoại hình mà bản thân thực sự thích như tiếp viên hàng không chẳng hạn.

Vì vậy mà hãy suy nghĩ nghiêm túc về lý do để bạn từ bỏ thói quen nào đó, điều đó thực sự có ích trong quá trình từ bỏ thói quen của bản thân.

Kỹ thuật “chuyển đổi công tắc” là một sự lựa chọn hoàn hảo

Khi từ bỏ một thói quen xấu, nếu bạn tạo được những hành động có lợi về mặt tâm lý để thay thế thì việc chiến đấu với dục vọng sẽ trở nên rất vui vẻ

Tuy nhiên không phải tất cả các thói quen xấu đều mang lại lợi ích tâm lý, bạn có thể từ bỏ một cách dứt khoát mà không cần hành động thay thế.

Nhưng dù thế nào, nếu có thể dùng công tắc chuyển đổi để duy trì được lợi ích tâm lý thì chúng ta có thể giảm được nhiều sự khổ sở khi từ bỏ một thói quen.

Có 2 cấp độ chính khi từ bỏ một thói quen:

1. Từ bỏ hoàn toàn

Những thói quen xấu có tính chất gây nghiện như chơi game, đánh bạc,.. nên được áp dụng ở cấp độ này để đảm bảo bản thân từ bỏ thành công. Vì những thói quen này, chỉ cần một chút ý chí không vững vàng rất dễ quay lại tình trạng cũ.

2. Giảm về lượng và thời gian

Thời gian lướt mạng, lượng rượu, thức ăn nạp vào cơ thể, … có thể tiết chết từng chút một. Nhưng nếu có thể từ bỏ hoàn toàn, hãy áp dụng ngay và luôn vì nó giúp bạn đạt được hiệu quả từ bỏ dễ hơn.

 

 

 

Như tôi đã đề cập có 3 mức độ thói quen chính, tuy thời gian để hoàn thành cho từng mục tiêu là khác nhau nhưng nhìn chung sẽ có những thời kỳ giống nhau:

- Thời kỳ kiềm chế dục vọng: Thời kỳ đầu tiên cho mọi lộ trình thay đổi thói quen xấu thành thói quen tốt. Nó khá khó khăn vì đây là giai đoạn cám dỗ, dục vọng sẽ quẩn quanh sẽ làm giảm mức độ tập trung của bản thân. Nhưng vẫn có một vài cách nho nhỏ để giúp bạn vượt qua thời kỳ này dễ dàng hơn.

Đối sách 1: Tạo môi trường tránh xa sự mê hoặc và cám dỗ

- Dự tính trước những thứ gây mê hoặc, cám dỗ

- Giảm thiểu, loại bỏ những điều mê hoặc đó.

Dự trù trước những mối nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến quá trình thay đổi của bạn để đề phòng và tránh xa chúng

Đối sách 2: Trực quan hóa các hành động

Đây là việc ghi chép cụ thể bằng con số, từ ngữ, bạn sẽ dễ dàng quản lý và điều chỉnh hành động tốt hơn.

Đối sách 3: Tạo giới hạn trên cho sự buông xuôi

- Thời kỳ cạn kiệt sức lực: là thời kỳ bạn phải kéo động lực từ bỏ thói quen lên lần nữa để duy trì việc từ bỏ thói quen một cách tự nhiên.

Phương châm: Tạo ra mô thức thành công

Từ những ngày thất bại trong thời kỳ kiềm chế dục vọng hãy cân đối với những ngày suôn sẻ để tạo ra một mô thức cho riêng mình và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết

Ở đây tác giả đưa ra 8 công tắc để nâng cao động lực

Công tắc 1: Ngôn từ kỳ diệu: tìm kiếm những từ ngữ, danh ngôn, mà bản thân thích nhất, đọc to hoặc viết ra để níu kéo chính mình khi sắp sửa bỏ cuộc.

Công tắc 2: Giấc mơ thói quen: Vẽ ra giấc mơ về khung cảnh sẽ đạt được sau khi từ bỏ

Công tắc 3: Lề thói tuyệt đối: Tạo ra những hành động cụ thể và tuyệt đối tuân theo

Công tắc 4: Đồng hồ đếm giờ hiệu quả: Đếm giờ tập trung hết sức trong một khoảng thời gian nhất định

Công tắc 5: Phần thưởng và hình phạt: Đặt ra phần thưởng mà bản thân thích nhất khi đạt được mục tiêu và hình phạt mà bản thân ghét nhất khi không hoàn thành (kể cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn)

Công tắc 6: Hội nghị bản thân: Mỗi ngày trước khi ngủ tự nhìn lại những gì bản thân đã làm

Công tắc 7: Người bạn thói quen: Kết hợp với những người bạn có cùng mục tiêu để động viên nhau

Công tắc 8: Thông báo tới mọi người: Khi thông báo với mọi người, bản thân sẽ có trách nhiệm hơn và tự ép bản thân làm việc nghiêm túc hơn.

- Thời kỳ ổn định: Đây là thời kỳ mà bản thân đã vượt qua được những khó khăn và chỉ việc duy trì thói quen để đạt hiệu quả sau cùng. Một vài người sẽ nảy sinh ý muốn thử thách với việc từ bỏ một thói quen khác. Nhưng đó không phải ý hay, hãy dốc hết sức và nghiêm khắc với bản thân để hoàn tất được một thói quen trước khi thực hiện một lộ trình khác. Ở thời kỳ này, không cho phép bản thân có những ngoại lệ.

- Thời kỳ lặp lại nhàm chán: Ở thời kỳ này, nhiều người thường thấy việc mình đang làm thật nhạt nhẽo và nhàm chán, hãy thử làm mới nội dung trong quá trình của mình và lên kế hoạch cho việc thay đổi một thói quen khác.

 

Lời kết:

Những mặt tích cực mà cá nhân nhận được khi thay đổi một thói quen từ xấu sang tốt là rất lớn, điều đó khiến chúng ta nên tự suy ngẫm về việc nên thay đổi bản thân để chính mình của tương lai không ghét bản thân hiện tại

Chúng ta hãy cùng lấy lại tính chủ thể trong cuộc sống bằng “thói quen cần từ bỏ”.

 

Tác giả: Thùy Dương - Bookademy

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024