Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/12/2019 22:12 # 1
vnrleo28
Cấp độ: 29 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 34/290 (12%)
Kĩ năng: 40/80 (50%)
Ngày gia nhập: 17/09/2014
Bài gởi: 4094
Được cảm ơn: 320
Khát cá trên dòng Mekong


CAMPUCHIATbong ngồi trong một túp lều tạm bợ bên Biển Hồ và kể cho lũ trẻ xung quanh về nơi từng có nguồn thủy sản dồi dào.

"Cách đây rất lâu, hồ này chứa vô cùng nhiều loài rắn, cá da trơn", Tbong cho biết, mắt nheo lại dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chỉ trong một thế hệ, mọi thứ đã thay đổi.

Các loài cá tại Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia đang suy giảm nghiêm trọng. Thực vật cũng chết dần và toàn bộ hệ thống sông Mekong đang bị phá hủy. Đối với những đứa trẻ xung quanh Tbong, một Biển H đầy ắp thủy sản chỉ là câu chuyện "trong truyền thuyết".

Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở trung tâm khu vực hạ lưu sông Mekong. Hồ này cùng các bãi bồi xung quanh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới hồi năm 1997, tạo môi trường nuôi trồng và thu hoạch hàng trăm loài cá, cũng như các sản phẩm thủy sản nước ngọt khác. Tuy nhiên, mực nước năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Một ngư dân quăng lưới trên sông Tonle Sap nối với Biển Hồ ở Campuchia hồi năm 2010. Ảnh: Reuters.

Một ngư dân quăng lưới trên sông Tonle Sap nối với Biển Hồ ở Campuchia hồi năm 2010. Ảnh: Reuters.

"Kể từ khi Ủy hội sông Mekong (MRC) thành lập hồi năm 1995, mực nước trên khắp vùng hạ lưu con sông này chưa bao giờ thấp đến thế, nước cũng có màu xanh khác thường do mất đi lớp phù sa", Marc Goichot, cố vấn cấp cao phụ trách chương trình sông Mekong của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), cho biết.

Goichot giải thích rằng đối với sông Mekong, màu nước xanh là hiện tượng bất thường và có tác động xấu. "Đó là sự thay đổi lớn trong hệ thống sinh thái và sẽ gây ra một loạt tác động, như phơi bày các loài thủy sản dễ bị tổn thương trước mắt những 'thợ săn', làm suy yếu bờ sông, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng phong phú cho các cánh đồng lúa, rừng ngập mặn và thủy sản", chuyên gia cho hay.

Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự thay đổi trên lưu vực sông Mekong suốt nhiều thập kỷ.

Ý tưởng xây các đập ở hạ lưu sông Mekong xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc coi thủy điện là chiến lược tiềm năng để phát triển kinh tế. Kế hoạch này đạt được đà tăng trưởng vào đầu những năm 2000. Khi đó, MRC ước tính 4 quốc gia thành viên của ủy hội, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có thể thu được khoảng 30 tỷ USD lợi nhuận.

Nhưng vài năm sau, MRC đã thay đổi dự báo, thừa nhận những thiệt hại về môi trường đi kèm các đập thủy điện này để lại hậu quả lớn hơn bất cứ tiềm năng lợi ích nào.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, Trung Quốc vẫn xây thêm nhiều đập trên sông Mekong. Mekong Butterfly, một nhóm dân sự ở Thái Lan, cáo buộc 8 con đập ở Trung Quốc là thủ phạm chính khiến mực nước sông xuống thấp kỷ lục. Những quốc gia ở hạ lưu sông Mekong cũng không từ bỏ việc phát triển thủy điện, khi riêng ở Lào và Campuchia có tới hơn 140 đập thủy điện được lên kế hoạch trên dòng chính và các nhánh.

Tại các hồ chứa do sông Mekong chảy vào, các đập thủy điện đã chặn dòng phù sa giàu dinh dưỡng. Theo WWF, từ năm 1992 đến 2014, lưu lượng phù sa trên sông Mekong đã giảm hơn một nửa. Khi phù sa bị chặn lại, nước biển bắt đầu xâm nhập vào sông, đe dọa hệ sinh thái nước ngọt vốn dễ tổn thương. Các con đập cũng chặn đường di chuyển của khoảng 160 loài cá di cư đường dài.

"Chúng cần bơi lên tận thượng nguồn ở phía bắc Lào để sinh sản, trong khi cá con phải ngược về vùng đồng bằng sông Mekong và Biển Hồ để kiếm ăn. Bất cứ chướng ngại vật nào trên đường di cư cũng khiến chúng có nguy cơ cao bị tuyệt chủng", Goichot cảnh báo.

Các loài thủy sản lớn có lộ trình di cư dài hơn nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2010, quần thể cá da trơn lớn trên sông Mekong đã giảm 90% sau một thập kỷ. "Trong số 692 loài cá nước ngọt còn tồn lại ở hạ lưu sông Mekong, 10% có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và 3% gần bị đe dọa", báo cáo năm 2018 của MRC cho hay.

Vị trí hồ Tonle Sap ở Campuchia. Đồ họa: Guardian.

Vị trí Biển Hồ ở Campuchia. Đồ họa: Guardian.

Sự suy giảm thủy sản không chỉ vì môi trường thay đổi, mà còn do tình trạng đánh bắt trái phép ngày càng gia tăng. Nhiều thủ phạm là những ngư dân địa phương tuyệt vọng, sử dụng một loạt biện pháp như dùng thuốc nổ, kích điện, chất độc và lưới cỡ siêu lớn không được cấp phép. Họ cũng thường phớt lờ lệnh cấm đánh bắt trong mùa cấm từ tháng 6 đến tháng 10, khi một số khu vực nhất định được giới hạn để tạo điều kiện cho cá sinh sản.

Việc bán cá nước ngọt khai thác từ Biển Hồ trên chợ đen cũng ngày càng nở rộ. Đây là một chủ đề nhạy cảm trong khu vực, nên dường như không ai sẵn lòng tiếp chuyện. Chủ các thuyền không chắc chắn về những việc họ đang làm để kiếm sống, trong khi người bán hàng ở chợ dường như cũng mơ hồ về nguồn gốc số cá họ nhập về.

Tình trạng đánh bắt và buôn bán cá bất hợp pháp, cùng với các đập thủy điện, nạn cát tặc và những hoạt động khác của con người đang để lại hậu quả ngày càng rõ ràng.

Là một trong những nước có ngành sản xuất cá nội địa lớn nhất thế giới, Campuchia phụ thuộc chặt chẽ vào sông Mekong để đảm bảo an ninh lương thực. Với những người sống gần Biển Hồ, cá thường là mặt hàng miễn phí, nhưng giờ đây họ phải mua chúng với giá ngày càng tăng.

Vannak, một người bán hàng trong chợ ở Siem Reap, cho biết giá cá cao gấp đôi so với vài năm trước. "Khoảng 5-10 năm trước, chúng tôi mua một kg cá với giá 4.000 hoặc 5.000 riel (1,2 USD)", người đàn ông chỉ tay vào con cá đang nướng. Tuy nhiên, mức giá bây giờ đã tăng lên 10.000 riel (2,4 USD) một kg.

Tbong hồi tưởng lại khoảng thời gian chỉ cần giăng lưới trong rừng ngập mặn là cá tự chui vào. "Giờ đây, mỗi lần đi đánh cá, tôi phải ở lại giữa hồ trong khoảng 10-15 ngày, thay vì một hoặc hai ngày như trước đây", anh cho hay.

Khi nguồn cá tự nhiên ngày càng khan hiếm, ngư dân buộc phải thiết lập các trang trại nuôi trồng trên Biển Hồ, trong khi người dân đang chuyển sang các nguồn protein thay thế. Tuy nhiên, điều này cũng có khả năng tác động đáng kể tới sinh thái.

"Việc sản xuất những nguồn thực phẩm khác, bao gồm thịt bò, đậu nành, hoặc thủy sản nuôi trồng, đều cần tới đất, nước và gây ô nhiễm. Nhu cầu đất đai ngày càng tăng có thể sẽ thúc đẩy chuyển đổi rừng nhiều hơn, trong khi nguồn nước cũng bị cạnh tranh", Goichot cho biết.

Giới chuyên gia nhận định tình hình tại Biển Hồ là dấu hiệu vô cùng thực tế về tương lai của toàn bộ lưu vực sông Mekong nếu tiếp tục không kiểm soát khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, những phản ứng và biện pháp đưa ra vẫn còn chậm. Thành tựu của MRC được cho là mới dừng lại ở phổ biến kiến thức.

Với sáng kiến Phục hồi Các đồng bằng châu Á, WWF đang nỗ lực đảm bảo đầu tư về tài chính cũng như chính sách để bảo vệ môi trường song song với các kế hoạch phát triển. Tổ chức này cũng đang tìm cách quản lý nguồn nước dựa theo một sáng kiến khác.

Các hành động kiểm soát không chỉ dừng lại ở mức cấp thiết đối với sông Mekong, mà đang ở mức báo động. Theo một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2012 tới 2017 của MRC, tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm 35-40% vào năm sau nếu không có hành động nào được triển khai. Việc phát triển thủy điện tới năm 2040 cũng sẽ loại bỏ phần lớn các loài cá di cư trên sông Mekong.

"Hệ thống sinh thái trên sông Mekong rõ ràng đang trải qua những thay đổi nghiêm trọng vô cùng đáng quan ngại. Chúng ta còn cách một cuộc khủng hoảng lớn bao xa?", Goichot nói.

Ánh Ngọc (Theo Guardian)



Gmail: vnrleo28@gmail.com

Con người có thể mất đi nam tính, có thể mất đi nữ tính, nhưng đừng đánh mất nhân tính
Lớp : K20YDH1


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024