Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/12/2019 22:12 # 1
vnrleo28
Cấp độ: 29 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 34/290 (12%)
Kĩ năng: 40/80 (50%)
Ngày gia nhập: 17/09/2014
Bài gởi: 4094
Được cảm ơn: 320
“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại


Sau gần 2 thập kỷ xuất hiện và phát triển trên mảnh đất hình chữ S, nhạc rap đã có cho mình những thị trường và độ phủ sóng nhất định, trở thành một trong những dòng nhạc có sự ảnh hưởng lớn nhất với giới trẻ và xuất hiện ngày càng nhiều những rapper thành công không chỉ trong nước mà còn cả ở quốc tế.

 
 

 

Sau gần 2 thập kỷ xuất hiện và phát triển trên mảnh đất hình chữ S, nhạc rap đã có cho mình những thị trường và độ phủ sóng nhất định, trở thành một trong những dòng nhạc có sự ảnh hưởng lớn nhất với giới trẻ và xuất hiện ngày càng nhiều những rapper thành công không chỉ trong nước mà còn cả ở quốc tế. 

Thế nhưng ít ai biết rằng đằng sau thành công của những cái tên nổi tiếng hàng đầu đó lại là cả một quãng đường chông gai, với xuất phát điểm là những cậu trai ngây ngô, tiếp xúc với hip hop một cách hồn nhiên và bụi bặm nhất. Từ những “home studio” trong phòng ngủ, chiếc mic headphone rẻ tiền, những rapper underground đã vươn ra ánh sáng và có những MV triệu view, hàng trăm nghìn khán giả cùng những sản phẩm xịn xò được đầu tư kỹ lưỡng.

Để đạt được thành công như thế, đằng sau những gì họ trải qua chưa bao giờ là dễ dàng. Dưới đây là 6 câu chuyện về những rapper nổi tiếng nhất tại Việt Nam mà cho đến bây giờ người ta vẫn thường nhắc tới nếu nghĩ đến cụm từ “from zero to hero".

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 1.

Lil’Knight là một trong những rapper kỳ cựu của Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ năm 2002 tại những tổ chức/đội nhóm underground như Việt Spritz, VietDreamerz… Và cũng giống như bao rapper F1 của Underground khác, LK trưởng thành từ những bản rap tự thu từ những con beat lấy sẵn từ internet, không bản quyền, rap đè lyric của mình lên về bất cứ nội dung gì mà bản thân muốn… Những kỹ thuật cơ bản, những bản thu sơ khai đó của LK đã trở thành một nền tảng vững chắc giúp các rapper thế hệ sau của Underground Việt Nam noi theo và phát triển.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 2.

Năm 2006, LK bất ngờ nam tiến để gia nhập công ty CN - cùng công ty với ca sĩ Ưng Đại Vệ. Điều này đồng nghĩa với việc LK là một trong những nghệ sĩ underground thuần túy đầu tiên tự mình “ngoi lên” mainstream. Vào lúc này, quan niệm về sự khác biệt giữa Underground/Mainstream của rap Việt đang khá gay gắt nên việc LK đi tiên phong lên mainstream nhận được khá nhiều “gạch đá” từ cộng đồng. Có thể nói LK là một trong những rapper dũng cảm nhất trong giai đoạn đó: dám tự mình tìm một lối đi mới nhiều ánh sáng hơn, và cũng dám đứng ra hứng chịu mọi chỉ trích từ những kẻ bảo thủ. Thế nhưng đây cũng chính là giai đoạn đỉnh cao nhất sự nghiệp của LK khi anh được coi là rapper thành công và nổi tiếng nhất Việt Nam lúc bấy giờ, với những ca khúc thống trị các BXH hip hop trong một thời gian dài.

Sau khi rời CN sau khoảng 2 năm hoạt động, LK đã có một khoảng thời gian trầm lắng. Bước sang 2010, LK bất ngờ trở lại với album Bản Thể 1205, thành lập Lady Killah - tổ chức underground mới toanh chuyên về hip hop R&B. Màu nhạc của LK và Lady Killah lúc này hoàn toàn khác so với vài năm trước, mới mẻ và gần gũi với công chúng, thị trường hơn. Nhưng cũng chính vì điều này mà LK tiếp tục nhận sự chỉ trích từ cộng đồng khi họ gọi anh là “rapper mất chất”, là “rapper thị trường”, đả kích nhạc rap của anh quá gần gũi với pop…

Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, LK vẫn âm thầm phát triển Lady Killah và từ đó sản sinh ra không biết bao nhiêu tài năng cho thị trường nhạc Việt như Justatee, Big Daddy, Mr.T hay thậm chí là cả Sơn Tùng M-TP về sau. Những cá nhân xuất chúng đó ít nhiều đều có sự ảnh hưởng từ nền tảng mà LK để lại, và họ hưởng trọn những vinh quang trong sự nghiệp thăng hoa của bản thân. Chỉ có người anh già LK thì vẫn ngồi đó, lặng lẽ rút lui sau những thành kiến nặng nề của chính cộng đồng Underground nơi anh từng lớn lên. 

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 4.

Đến khi người ta nghĩ rằng LK sẽ rời bỏ cuộc chơi, thì vào năm 2018, LK bất ngờ trở lại với những ca khúc nhạc rap mới toanh, kết hợp cũng những rapper thế hệ sau đang nhận được sự yêu thích từ cộng đồng. Anh cũng quan tâm và tham dự nhiều các sự kiện về rap/hip hop hơn, và bản thân những sản phẩm của LK cũng có sự đầu tư không nhỏ về kỹ thuật, nội dung. Những ca khúc như “Janin Monkeet”, “Thầy Hiệu Trưởng”, “Thề”,… của LK đều được đánh giá là cập nhật khá nhanh xu thế của hip hop quốc tế, cho thấy LK vẫn luôn cố gắng làm mới bản thân và không để mình bị tụt hậu quá nhiều so với thế hệ trẻ. Nhắc lại về chặng đường dài theo đuổi Hip Hop, từng lên đến đỉnh cao nhưng cũng từng gặp khó khăn và chịu không ít chỉ trích, áp lực, LK chia sẻ:

“Nghệ sĩ đứng trên đỉnh cao đến mấy rồi cũng trở về với khoảng thời gian cô đơn. Cống hiến thời gian, tuổi trẻ, sức lực và tâm huyết cho đam mê, dành phần lớn hoặc thậm chí là cả thanh xuân của mình cho nó. Nếu tốt đẹp thì sẽ được ca ngợi, tung hô, thổi phồng. Nhưng cũng chẳng biết khi nào sẽ bất chợt bị tất cả ruồng bỏ, quay lưng với mình. Biết bao nghệ sĩ lớn đã phải đối mặt với sự cô độc trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm, bế tắc và cảm thấy không có lối thoát. Tất cả đều do dư luận, do một lũ anti tồn đọng tạo nên. Sự nổi tiếng lúc nào cũng là con dao hai lưỡi, có được tất cả thì cũng có lúc sẽ mất đi tất cả. Cái chính là đủ tỉnh táo để xem nhẹ mọi thứ thì may ra giữ lại được bản thân.”

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 5.

Dòng tâm sự trên có lẽ được LK dành tặng cho chính bản thân mình, khi anh đã phải tự mình vượt qua nhiều sự chỉ trích ở nửa sau sự nghiệp. Và dĩ nhiên, việc quay lại với Hip Hop ở cái tuổi 35 đã cho thấy LK đã vượt qua được sự “cô độc” mà anh nhắc đến, trở lại làm một LK của ngày xưa, vô lo vô nghĩ, sẵn sàng cháy hết mình với đam mê. Và tháng 11 vừa qua, LK cũng đã chính thức lên xe hoa với bạn gái, và rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng ở cả showbiz và underground đã tới dự đám cưới của rapper huyền thoại này. Sự tôn trọng tuyệt đối của thế hệ sau dành cho anh vào lúc này chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và sự hy sinh trong nhiều năm qua của LK. “Cây đại thụ” này đã đặt ra một nền móng quá vững chắc để Rap Việt có thể phát triển mạnh mẽ được như ngày hôm nay, và đam mê bền bỉ của anh với hip hop sau gần 2 thập kỷ chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng không nhỏ dành cho những rapper trẻ hoài bão.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 6.

Kể từ sau khi trở thành “hiện tượng” với ca khúc “Đưa Nhau Đi Trốn” -  vào năm 2015, tên tuổi của Đen Vâu lên như diều gặp gió và càn quét hết tất cả các BXH nhạc Việt với những bài rap mang màu sắc giản dị, trần trụi cực kỳ đặc trưng của anh nghệ sĩ đất Mỏ. Thế nhưng ít ai biết 6 năm trước (2013), Đen Vâu vẫn đang là một anh công nhân vệ sinh vớt rác ở Vịnh Hạ Long. Công việc vất vả với mức lương vỏn vẹn khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhưng Đen chưa bao giờ nguôi tình yêu với âm nhạc và ước mơ về một sân khấu lớn, nơi anh có thể truyền tải với công chúng những đoạn rap mộc mạc mang theo lời tâm sự từ đáy lòng mình.

“Tay trái ôm mơ, phải ôm rác, 

tay đâu mà nắm lấy tay người” - Ta và nàng, Đen Vâu

Sự nghiệp rap của Đen Vâu cũng bắt đầu nhen nhóm ở Underground như bao rapper khác, với những chiếc mic headphone giá chỉ 100 nghìn đồng. Anh ngụp lặn ở rất nhiều forum và tổ chức tự phát, đi từng bước chậm rãi để đem màu nhạc của bản thân tiến gần hơn tới đại chúng. Cho dù xuất hiện trên sóng truyền hình từ năm 2011 ở chương trình Bài Hát Việt và đoạt giải bài hát được khán giả yêu thích nhất với ca khúc “Cây Bàng”, cái tên Đen Vâu vẫn phải đợi đến năm 2015 mới được khán giả Việt Nam biết đến rộng rãi. Và câu chuyện sau đó thì chắc chúng ta cũng đã biết quá rõ, khi danh tiếng và sự thành công cứ lần lượt ập đến với Đen Vâu, cùng với rất nhiều giải thưởng danh giá bao gồm:

 

Zing Music Awards, đoạt giải “Ca khúc rap/hiphop được yêu thích nhất” với bài hát “Đưa nhau đi trốn”

 

Keeng Young Award, đoạt giải “Ca khúc Rap/Hip hop/R&B được yêu thích nhất” với bài hát “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 7.

2018 là một năm thành công đối với sự nghiệp âm nhạc của Đen Vâu. Tại lễ trao giải Gala WeChoice Awards, Đen cùng lúc đạt giải thưởng ở hạng mục "Sản phẩm Underground được yêu thích" dành cho đứa con tinh thần "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" và hạng mục "Ca sĩ có hoạt động đột phá" của năm xuất sắc vượt qua các tên tuổi nổi bật như Erik, Chi Pu, Bích Phương,...

Đây là một kết quả xứng đáng cho một năm nỗ lực hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, chăm chỉ của Đen, đồng thời định hình rõ nét âm nhạc của giới Underground trong lòng khán giả. 

Sau khi nhận được "cú đúp" giải thưởng, Đen Vâu đã có những phát biểu đầy cảm xúc trên sân khấu WeChoice Awards. Nam rapper thật thà chia sẻ: "Cuối cùng hàng xóm cũng biết tôi đang làm gì. Từ những ngày đầu Đen thu âm ở nhà, những người hàng xóm luôn than phiền, không biết tôi hát nhạc gì đây. Với giải thưởng này, bố mẹ tôi chắc hẳn sẽ bất ngờ và tôi hy vọng những người hàng xóm đã hiểu mình làm gì. Cảm ơn WeChoice đã đưa những nghệ sĩ đến từ "thế giới ngầm" như Đen ra ánh sáng, đến được với công chúng”. 

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 8.

Có một điểm khá thú vị là hầu hết những nghệ sĩ lên mainstream thường phải tự thích nghi với môi trường mới này, lắng nghe thị hiếu của khán giả và thay đổi màu nhạc của bản thân theo xu thế, theo sở thích của đại chúng. Nhưng Đen Vâu thì khác, anh rap những gì anh muốn, giữ nguyên chất riêng của mình, tự tạo đất diễn, không cần làm nền hay dựa hơi vào bất cứ ai để nổi tiếng theo. Giữa những màu mè và diêm dúa của showbiz, Đen Vâu vẫn chọn cho mình chất nhạc mộc mạc, giản dị. Nó có lẽ xuất phát từ tính cách của anh công nhân vệ sinh năm nào, dù cuộc sống đã đổi khác nhưng lyric của Đen vẫn là những lời tâm sự của anh “nghệ sĩ nghèo” ngày xưa. Điều này vô tình tạo nên một Đen Vâu vô cùng đặc biệt, “độc bản” trên thị trường, và thành công đến với anh như một điều tất yếu.

“Con đường do tao chọn và tao cam tâm bước

Tao thà chìm dưới đại dương còn hơn bị tan trong nước” - Mười Năm, Đen Vâu

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 9.

“Lão Đại” Wowy có lẽ là một trong những rapper Việt Nam có tên tuổi vươn xa nhất ở thời điểm hiện tại, khi anh đã đưa được nhạc Rap mang màu sắc đường phố vào phim điện ảnh “Ròm”, phim đạt giải cao nhất trong hạng mục quan trọng nhất của Liên Hoan Phim Quốc Tế Busan 2019. Bản thân anh cũng góp mặt trong bộ phim này với một vai diễn phản diện.

Wowy cùng ekip làm phim RÒM

Thế nhưng bản thân Wowy cũng có một tuổi thơ vô cùng dữ dội khi sinh ra và lớn lên ở một khu ổ chuột với nhiều tệ nạn xã hội vây quanh. Tiếp xúc với văn hóa Hiphop từ sớm, Wowy có thể coi là một trong những rapper tiên phong ở miền Nam khi bắt đầu hoạt động từ 2006 với nhóm SouthGanz và thu âm mixtape đầu tiên của mình trong… tủ quần áo. Tuy nhiên lúc này, tên tuổi của Wowy vẫn chưa được nhiều người biết đến.

4 năm sau, Wowy bắt đầu được để ý nhiều hơn khi anh kết hợp cùng Karik cho ra những hit đình đám lúc bây giờ như “Khu Tao Sống”, “Do Real Thing”, “Hai Thế Giới”,… Sau khi Karik tách ra để lên mainstream, Wowy cũng tự mình tìm lối đi riêng với rất nhiều dự án lớn nhằm đưa nhạc rap ở Việt Nam tới một tầm cao mới. Anh đã thực hiện rất nhiều những kế hoạch, ý tưởng khác người, thậm chí bị cho là “điên rồ” như dự án LIVE! (lưu diễn nhạc rap kết hợp nghệ thuật siêu thực), hay việc cố gắng đưa những bài nhạc của mình đến với điện ảnh, đến những thị trường lớn hơn trên quốc tế… Những suy nghĩ đó của Wowy không đơn thuần xuất phát từ sự vỹ cuồng của bản thân, mà còn từ tư tưởng luôn coi âm nhạc là nghệ thuật, là sự nghiệp chứ không phải giải trí đơn thuần. 

“Đây là nhạc rap, là sự thật

Viết trên giấy nháp nhưng tao làm việc nghiêm túc” - Do Real Thing, Wowy

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 11.

Những thành tựu mà “Lão đại” đang gặt hái được ngày hôm nay chính là phần thưởng xứng đáng dành cho anh sau khi trải qua một chặng đường dài đầy chông gai với hip hop.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 12.

So với những cái tên đại thụ như Lil’Knight, Wowy,... thì Đạt Maniac có thể coi là nằm ở thế hệ sau khi bắt đầu nổi tiếng trong “rap game” ở giai đoạn 2008 - 2009, giai đoạn nở rộ của cộng đồng rap miền Nam. Đây là khoảng thời gian mà Underground rap miền Nam máu lửa nhất với những trận chiến, beef/battle kéo dài triền miên giữa những băng nhóm đối địch, và chàng trai trẻ Đạt Maniac cũng bị cuốn theo cuộc chiến đó. Như bao underground rapper thế hệ F2 khác, Đạt Maniac trưởng thành trong những tổ chức “thiện chiến” như GoDz, G-Family… với những bài nhạc gai góc, ca từ mạnh, khó tiếp cận với đại chúng.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 13.

Đạt Maniac - rapper Underground vươn tầm Châu Á - Nguồn: internet

Khi những trận chiến kết thúc, Đạt Maniac trở về với mảng “rap life” rất đời của mình. Những bài rap về cuộc sống cũng chính là nơi người ta thấy một Đạt trưởng thành và trải đời hơn. Không còn những bài diss gắt gỏng, công kích mạnh mẽ vào đối thủ, khán giả quen hơn với hình ảnh của Đạt Maniac qua những “Đời Thường”, “Ở lại đây với con”, … Rap life của Đạt Maniac không hề có những thông điệp “dạy đời” hay ép buộc người nghe phải chung suy nghĩ với anh, mà đơn giản là những hình ảnh cuộc sống hàng ngày Đạt thấy, Đạt nghe, được ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ lyric, rồi thổi flow vào beat nhạc.

“Phong cách âm nhạc của Đạt là hồi phục con người, mình chỉ muốn viết những bài nhạc mà một người ra về sau một ngày dài họ có thể nghe và cảm thấy nguồn nặng lượng đó, trở nên vui vẻ hơn. Những bài nhạc của Đạt viết về cuộc sống, viết về những gì tai nghe mắt thấy, vì khi mình làm cái việc đó thông qua âm nhạc thì mới thấy tâm hồn nó tự do được.” - Đạt Maniac

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 14.
 

Một lý do khiến Đạt Maniac nổi bật hơn phần còn lại của Rap Việt chính là tốc độ rap thần sầu của mình. Đình đám nhất có lẽ là siêu phẩm “Côn Đồ Trên Con Đò” với khả năng “bắn” 176 âm tiết trong 20 giây, đưa Đạt Maniac lên một tầm cao mới và được nhiều tổ chức lớn để ý hơn. Thay đổi trong tư duy làm nhạc, “chiến binh” Đạt Maniac ngày nào dần giã từ chiến trường khốc liệt của Underground, tập trung phát triển hình ảnh bản thân và hướng đến mục tiêu đưa nhạc rap Việt Nam vượt qua biên giới của mảnh đất hình chữ S.

 

Nỗ lực đó của Đạt Maniac đã được đền đáp khi tên tuổi của anh bắt đầu vươn xa đến những website, tạp chí hip hop châu Á. Thành công nhất có lẽ là màn trình diễn ấn tượng của anh tại chương trình YO! MTV Rap của MTV Asia. Ở chương trình này, toàn bộ các nghệ sĩ trong khu vực đã phải ngả mũ thán phục trước tốc độ rap của Đạt, góp phần khẳng định vị thế của Rap Việt trên trường quốc tế.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 17.

Suboi có thể coi là nữ rapper đầu tiên của Việt Nam khi bắt đầu chơi rap & hiphop từ những năm 2004 - 2005 (khi Su 14 - 15 tuổi). Mặc dù hiện tại Suboi đã gặt hái được rất nhiều những thành công ở mainstream cả trong và ngoài nước, được mệnh danh là Queen of Viet Rap, nhưng ít ai biết rằng Suboi cũng từng có một thời gian dài “lăn lộn” ở môi trường underground. Cô là thành viên của nhóm Street Doktorz - nhóm nhạc rap huyền thoại được thành lập từ năm 2006 với nhiều tên tuổi cộm cán của rap Việt lúc bấy giờ như: DSK, Rap Soul, Krazynoize... Ảnh hưởng mạnh mẽ từ hip hop quốc tế cũng như được tiếp xúc với những tài năng hàng đầu của rap Việt, Suboi có một phong cách rap cực kỳ hiện đại và phóng khoáng, nhưng hoàn toàn có thể “oldschool” nếu muốn. 

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 18.

Ngay cả khi bước lên mainstream từ năm 2009, Suboi vẫn giữ cho mình một bản sắc riêng và kỹ thuật flow cực kỳ đáng nể. Thế nhưng cái khó khăn nhất đối với Suboi chính là việc vượt qua định kiến của xã hội về một cô gái dám chơi hết mình với hip hop và cạnh tranh với cánh mày râu trong rap Việt. Muốn tồn tại trong cộng đồng âm nhạc đậm chất đường phố và nhiều thị phi, những nữ rapper như Suboi phải trở nên rắn rỏi gấp vạn người khác, và  điều đó đôi khi khiến cô buộc phải gạt đi chút “nữ tính” của bản thân, vượt khỏi những khuôn mẫu vốn thường bị áp đặt cho nữ giới.

“Mình sống trong một xã hội có tâm lý phán xét. Làm gì cũng phải nghĩ xem người khác có nhìn vào hay không. Đó là một rào cản cho sự phát triển.” - Suboi

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 19.

Thành công sau này đến với Suboi không phải vì cô là “nữ rapper”, mà còn vì kỹ năng của cô không hề thua kém gì những mày râu chơi rap khác. Thậm chí Suboi còn vươn xa hơn tất cả những rapper còn lại của Việt Nam khi tận dụng tốt thế mạnh rap tiếng Anh của mình để tấn công vào thị trường quốc tế. Tên tuổi của cô tràn ngập các tạp chí và BXH hip hop nước ngoài, được lưu diễn ở nhiều sân khấu lớn trên thế giới và thành tựu đáng nhớ nhất của cô nàng này có lẽ là lần được giao lưu và rap trực tiếp trước mặt Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Có thể nói Suboi là nữ rapper thành công nhất, và là người có công lớn nhất trong việc góp phần đưa hiphop & rap Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

“Đừng bao giờ nghĩ mình là người Việt Nam thì không bằng nước ngoài. Tất cả sự quyết tâm, lòng can đảm mọi người đều có như nhau.” - Suboi

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 20.

Sự xuất hiện của DSK trong bài viết này có lẽ hơi… khác biệt một chút so với những cái tên còn lại. Người đàn ông này không có xuất hiện ở bất kỳ lễ trao giải danh giá nào, không có một hit nào được phát sóng rộng rãi trên truyền hình hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, cũng chưa một lần được vinh danh trên các tạp chí hip hop quốc tế. Thế nhưng DSK lại nhận được sự kính trọng tuyệt đối từ những rapper thành công nhất Việt Nam.

DSK tên thật là Nguyễn Đức Minh, sinh năm 1987, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng phần lớn thời trai trẻ của anh lại sinh sống và học tập ở Đức. Ở đây, anh gặp gỡ những du học sinh Việt Nam giống mình, tiếp xúc với hip hop và thành lập nhóm nhạc rap Viger. DSK có thể coi là rapper “Underground” nhất khi anh không phải một người cầu tiến trong việc phát triển hình ảnh bản thân. Âm nhạc của anh không hề màu mè, không cần đầu tư MV quảng bá rầm rộ mà chỉ đơn giản là những bài nhạc tự sản xuất được đăng tải lên soundcloud hoặc tự quay điện thoại, sau đó người hâm mộ tự truyền tay cho nhau nghe.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 21.

Âm nhạc của DSK là hiện thân của “nỗi đau” trong anh, và nỗi đau đó cũng là chủ đề chính cho mixtape đầu tư “Waking life” của anh, một trong những mixtape đáng nghe nhất của Việt Rap. DSK đã trải qua một quãng thời gian dài đầy khó khăn khi mất đi người mẹ của mình, suy sụp tinh thần, không thể tiếp tục việc học, bị người yêu và bạn bè quay lưng…, và anh đã trút tất cả những tâm sự, những câu chuyện buồn đó của bản thân vào nhạc rap. Những tác phẩm của DSK luôn in đậm cảm xúc và trải nghiệm thực tế của anh, như thể là cách anh tâm sự chuyện đời với chính người nghe chứ không phải là những dòng lyric vô thưởng vô phạt, ngôn từ hoa mỹ được trau chuốt cẩn thận chỉ để thể hiện kỹ năng bản thân. Có lẽ tất cả những người yêu quý DSK đều không thể quên được lời tâm sự về triết lý âm nhạc của “anh hai” trong một lần uống say: 

“Nghệ thuật nó không cần phải thông minh và sáng suốt. Quan trọng nhất là âm nhạc làm cho mình phải thể hiện được cảm xúc của mình lúc đó.”

Cùng với sự sáng tạo và tiếp thu tinh hoa của rap quốc tế, DSK trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho các rapper trẻ ở Việt Nam.

 

Trở về Việt Nam sau nhiều năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người, DSK từ chối rất nhiều lời mời gọi và sự hợp tác để… lên Đà Lạt “ở ẩn”. Âm nhạc của DSK trong giai đoạn này đã trở nên tự do hơn, giàu tính chiêm nghiệm và trải đời. Rất nhiều những nghệ sĩ trẻ hiện nay, cho dù có hoặc không phải là rapper, đều vô cùng yêu thích, tôn trọng và bị ảnh hưởng rất nhiều từ âm nhạc và phong cách sống tự do phóng khoáng của DSK. Không thành tựu hay giải thưởng, không có nhiều lượt nghe và sự lan tỏa rộng rãi, nhưng sau 10 năm hoạt động, chưa bao giờ người ta thấy DSK ngưng rap, ngưng tìm tòi và ngưng thể hiện niềm đam mê bất tận với dòng nhạc này.

“From zero to hero” và câu chuyện về các rapper huyền thoại - Ảnh 23.

DSK và cuộc sống yên bình ở Đà Lạt

“Với mình rap vừa là niềm đam mê, vừa là nguồn cảm hứng. Một khi nó đã là đam mê thì nó là cả đời, chứ không phải một giai đoạn hay thích thú nhất thời. Còn gọi rap là cảm hứng thì nó rất đúng ở trường hợp mình là một người nghe nhạc, một thính giả. Mình rất tự hào là sau 10 năm làm nhạc thì mình vẫn là một rap fan thực thụ”.

DSK có thể được xem như một rapper “không thành công”, nhưng anh lại là nguồn cảm hứng cho tất cả những rapper thành công khác, là người duy nhất được mệnh danh là “King of rap” và trở thành “thần tượng của những thần tượng” trong rap Việt.

Quả ngọt chỉ dành cho kẻ xứng đáng. "Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được".

Thành công và vị trí như hôm nay của các rapper tài năng đến từ những nỗ lực không ngừng của họ và những đánh đổi mà họ phải trải qua. Đó là những đau đớn của vấp ngã, thất bại, những giọt nước mắt, giọt mồ hôi xương máu. 

Nhưng chính những sương gió đã giúp cho họ trưởng thành hơn, vững chãi hơn, để tiếp tục hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc, trở thành những biểu tượng của tinh thần striver bất biến.

 



Gmail: vnrleo28@gmail.com

Con người có thể mất đi nam tính, có thể mất đi nữ tính, nhưng đừng đánh mất nhân tính
Lớp : K20YDH1


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024