Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/12/2019 21:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Youth Confessions] Câu Chuyện Nghề: Kỹ Năng Ăn Trong Khi Dịch


Câu chuyện dẫn nhập

Một buổi chiều, khi tôi bắt đầu ngồi vào bàn tiệc sau buổi lễ tại Hải Phòng, đang dịch dăm câu ba điều giữa các bên đối tác thì có điện thoại gọi tới. Tôi liếc nhìn, số của một bác Khách siêu thân thiết, đương nhiên là tôi không dám nghe vì đang trong thời gian làm việc. Tuy nhiên, sau đó, bác ấy gọi tới 2 lần nữa, liên tục, và tôi hiểu rằng đang có một việc vô cùng quan trọng.

Tôi vội xin đi vệ sinh (Việc này đúng ra là phải tránh, phiên dịch phải biết tranh thủ trước tiệc để “giải quyết” vấn đề tế nhị này), và tôi gọi lại cho bác K. Bác bảo “Cháu đang ở đâu? Cháu có thể có mặt ở Khách sạn L - Hà Nội lúc 7h tối được không? Chiều nay bên bác đi xuống tìm Hội trường sự kiện ngày mai trước, ai dè gặp Chủ tịch C, ông ấy mời Giám đốc bên bác ăn tối. Việc quan trọng quá, cháu có thể giúp được không?”

Tôi nhìn đồng hồ, lúc này là 5h40 phút. Và công việc của tôi với một Khách hàng thân thiết khác chưa kết thúc. Tôi bảo “Bác ơi, cháu đang ở Hải Phòng, và cháu sẽ thử gọi một số bạn phiên dịch rất tốt khác cho bác ạ!”. Tôi bắt đầu gọi một loạt các bạn mình, tôi nghĩ rằng hôm nay là thứ 7 nên sẽ có ai đó nhận việc luôn. Nhưng hóa ra không phải, ai cũng có kế hoạch vào cuối tuần hết cả.

Tôi quay trở lại ghế ngồi, vừa đón nhận tin nhắn trả lời, vừa ngồi dịch thêm dăm câu chuyện mà vừa sốt hết cả ruột. Cuối cùng không chịu nổi, tôi lại gần trình bày hoàn cảnh với N – Thư ký dự án và tiếng Nhật tốt. Tôi nhờ N dịch hộ bữa tối, gọi ngay anh lái xe đang chờ bên ngoài và bảo “Em cần có mặt ở L lúc 7h. Em nhờ anh chạy nhanh nhất có thể và trong mức an toàn”. Đồng hồ lúc này chỉ 5h50.

Tôi tới L vào lúc 7h2 phút, mất thêm 3 phút để lên tới phòng tiệc. Bác K sợ tôi không về kịp nên đã để sẵn một bạn phiên dịch của công ty trong đó. Bàn tiệc rộng nên tôi dịch bên phía VIP còn O dịch bên phía đoàn tùy tùng. Đó là lần đầu tiên O ngồi nghe tôi dịch.

Sau bữa tiệc, O lại gần và bảo “Em nghe mọi người khen chị dịch đã lâu. Nhưng cái hôm nay làm em choáng không phải là cách chị dịch, mà là TẠI SAO CHỊ LẠI CÓ THỂ ĂN HẾT TẤT CẢ CÁC THỨ TRONG KHI VẪN DỊCH KHÔNG SÓT MỘT CÂU NÀO thế ạ???”

Rất nhiều bạn mới vào nghề thậm chí không ăn được chút nào khi “tác nghiệp” trong một buổi tiệc. Nhưng nếu đó là bữa trưa, và bạn không ăn thì bạn có thể ngất xỉu trong cuộc họp căng thẳng vào buổi chiều sắp tới.

Bản thân tôi là một đứa ăn siêu chậm, bữa tối thoải mái của tôi có thể kéo dài tới 2 tiếng. Khi trở thành phiên dịch, tôi cũng phải cố gắng để ăn nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn nhanh hơn thì nó vẫn chưa đảm bảo việc CÓ THỂ ĂN HẾT TẤT CẢ CÁC THỨ. Giờ thì tôi đã đạt đến cảnh giới là không ăn chỉ vì tôi đã no, hoặc là vì tôi không thích món ăn đó thôi. Còn nếu tôi thích, tôi chén sạch cả bữa tiệc MÀ KHÔNG DỊCH SÓT MỘT CÂU NÀO.

Và dưới đây là những kinh nghiệm để không đói trong khi dịch của tôi.

 

***
1. Khi đồ ăn được mang tới, đương nhiên bạn không thể tranh thủ ăn luôn trước Khách. Hãy tươi cười chuyển tải nội dung trao đổi xã giao giữa hai bên và kín đáo quan sát mọi động thái của Khách. Khi một trong hai bên Chủ hay Khách đã cầm đũa, thìa, dao trên tay; ấy là lúc bạn cũng phải cầm lấy công cụ của mình.

 

2. Món đầu tiên được đưa lên là súp. Thường nó sẽ nóng, nên tốt nhất là bạn sẽ chờ trong khoảng 3 phút để đảm bảo nó không nóng rãy khi ở trong miệng mình. Trong lúc này, bạn hãy tận tâm với công việc phiên dịch của mình nhé! Sau khi áng chừng súp đã bớt nóng (có thể dùng ngón tay chạm nhẹ vào thành bát để xác nhận), bạn hãy mạnh dạn chén bát súp của mình. Món này thường chỉ có nuốt nên khá đơn giản, Khách nói chưa xong mình đã chuẩn bị chuyển ngữ ngon choét rồi.

3. Món tiếp theo có thể là salát, nộm. Món này cũng dễ xử lý. Mình có thể vừa nghe Khách nói, vừa khéo léo dùng nĩa lấy salát, hay dùng đũa chuẩn bị một gắp nộm rồi lợi dụng lúc Khách sơ hở ta bỏ tọt vào miệng, Khách hết sơ hở thì ta đã xử lý xong, lại tươi hơn hớn chờ tiếp chiêu.

4. Món kế tiếp chắc là cá, thịt, sườn chi đó. Những món này thường ta sẽ phải dụng công nhiều nhất, và sẽ nhiều bạn ngại nhất vì phải nhai tương đối lâu. Nhỡ Khách dừng mà ta vẫn đang nhồm nhoàm thì thật là thất lễ. Rồi hãy tưởng tượng ra cái khoảng trống giao tiếp khi phiên dịch đang... nhai, nó quả là lạc lõng. Nhưng bạn đừng sợ!

 

Hãy nhanh nhẹn nắm chắc tay dao, tay nĩa nào!
Đến đây thì mình phải dùng lý thuyết để giải quyết một vấn đề nan giải là “Làm thế nào để nhai, khi mà Chủ nói xong ta phải dịch, Khách nói xong ta cũng phải dịch mà ta vẫn có thể ăn được?” Vậy ta ăn vào lúc nào???

 

Về cơ bản thì ta phải ăn sau Khách nói một chút và kết thúc trước lúc Khách dừng một chút, phải vậy không ạ! Để làm được điều đó thì miếng thức ăn của ta phải nhỏ. Vì vậy, việc đầu tiên khi đụng món chính là ta hãy nhanh nhẹn cắt tảng thịt, róc rẻo sườn, chia khúc cá thành những miếng nhỏ vừa đủ ăn.

Như đã thống nhất ở trên, ta buộc phải ăn trong lúc Khách hoặc Chủ đang nói thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi Chủ nói (ta ngồi cạnh) thì dễ hơn, ta có thể vừa lắng nghe chàng/nàng buông lời vàng ngọc, vừa nhẹ nhàng xiên miếng mồi đã xé nhỏ cho vào miệng, vừa khe khẽ mỉm cười.

Khi Khách nói (ta ngồi xeo xéo) thì khó hơn một chút, vì mình vẫn còn phải ý nhị gật gù, hay ít nhất là nhìn vào mắt Khách để tỏ dấu hiệu rằng tôi đang lắng nghe. Hãy nhìn vào mắt Khách, ý nhị gật gù, đồng thời dần dần cúi đầu xuống rồi nhanh nhẹn cho thức ăn vào đúng nơi đúng chỗ. Rồi ta lại ngẩng đầu lên, mắt có thể hơi mở to ra một chút, đầu gật gù ý nhị! Và nhất là, đừng quên nhai thật nhẹ nhàng!

Vậy thì thời điểm ta bắt đầu đưa thức ăn vào miệng là khi nào thì hợp lý? Hãy vui lòng chờ hết câu thứ nhất, kẻo rơi vào tình trạng Khách hay Chủ dừng nói mà miệng ta vẫn phồng không sao xẹp xuống được. Hãy kiên nhẫn chờ hết câu thứ hai.

Xong câu này, hoặc là họ sẽ dừng để ta dịch, khi ấy thì ta sẽ tươi cười dịch trong tiếc nuối và cầm sẵn công cụ chờ thời! Trường hợp họ đã bắt đầu câu thứ 3 liên tiếp, khi ấy thì xác suất câu thứ 4, thứ 5, thứ 6 liên tiếp sẽ lên cao tới 80%. Đó chính là thời điểm của bạn. Hãy nắm bắt lấy nó nhé!!!

Nếu chẳng may tình cảnh rơi vào 20% còn lại thì sao? Cũng chưa đến nỗi quá tệ, vì bạn đã cắt nhỏ phần ăn của mình. Vì vậy, hãy nhanh chóng lấy tay che miệng (để Chủ Khách đều biết mình “not available at the moment”) rồi nuốt nó xuống càng nhanh càng tốt, mỉm cười một chút rồi bình tĩnh mà chuyển ngữ. Tôi đảm bảo thời gian chết chỉ rơi vào khoảng 3 giây, và chúng ta vẫn trong giới hạn an toàn.

5. Sau món chính phía trên thì trăm phần trăm là bạn sẽ hoàn toàn bình tĩnh thưởng thức trọn các món ngon được mang lên, trừ phi bạn đã no hoặc đó là món bạn không thích. Tới đây thì tôi không còn gì để rỉ tai các bạn nữa rồi.

Tuy vậy, tất cả những kỹ năng ăn uống tôi kể trên chỉ có thể thực hiện được khi bạn có thể làm đồng thời vài việc cùng một lúc là nhai, nghe và ghi nhớ. Nếu bạn chưa ở level đó, hãy tập luyện không ngừng!

Chúc các bạn có những bữa dịch ngon miệng!

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024