Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/12/2019 23:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] “Không Phải Chưa Đủ Năng Lực, Mà Là Chưa Đủ Kiên Định”: Vững Bước Trên Hành Trình Kiểm Soát Cuộc Đời Mình


Bạn quyết tâm học hành, hừng hực viết những mục tiêu trên giấy, nhưng cứ bật máy tính lên là xem phim, bật điện thoại lên là chơi game hết cả ngày? Bạn tự nhủ rằng phải tiết kiệm tiền, nhưng lại không kìm lòng được trước những thứ mà bản thân không thực sự cần? Mỗi lúc như vậy, bạn đều hối hận, tự hỏi tại sao mình không kiên định đến cùng, cứ bị những thú vui ngắn ngủi làm phân tâm. Cuốn sách Không Phải Chưa Đủ Năng Lực, Mà Là Chưa Đủ Kiên Định của tác giả Hàn Xuân Trạch sẽ giúp bạn vững bước trên hành trình kiểm soát cuộc đời của chính mình.


Hàn Xuân Trạch - nữ tác giả thế hệ 7x, đồng thời là nhà tư vấn tâm lý. Cô có biệt tài nhìn nhận cuộc sống từ góc nhìn của phái nữ và các tác phẩm của cô đều ẩn chứa sự dịu dàng trong đó. Hiện tại, cô đã xuất bản nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu mến. Và hãy cùng xem Hàn Xuân Trạch hướng dẫn chúng ta sử dụng khả năng tự kiểm soát bản thân như thế nào nhé!


Mất kiểm soát là khuynh hướng tự nhiên của con người


Mở đầu cuốn sách, tác giả đã kể ra những thí nghiệm chứng minh rằng con người phải vận dụng ý chí trong quá trình khống chế tư duy, nếu ý chí tiêu hao quá độ sẽ dẫn đến hiện tượng không thể kiểm soát được suy nghĩ. Nguồn năng lượng ý chí của con người là có hạn, vì vậy muốn dùng ý chí để tự kiểm soát thì nhất định phải kết hợp với việc chế ngự suy nghĩ. 


Khi một suy nghĩ mà bạn không thể chế ngự xuất hiện, đừng ép bản thân không được nghĩ về nó. Bạn hãy viết những thứ mình nghĩ ra giấy, sau khi viết ra, bạn sẽ cảm thấy bao nhiêu gánh nặng như được trút bỏ. Đến lúc đó ta sẽ suy nghĩ hướng giải quyết vấn đề tồn đọng trong những ý nghĩ kia.


“Thành kiến nhận thức” là một loại thành kiến chủ quan nảy sinh trong nhận thức của một người do ảnh hưởng của yếu tố xã hội hoặc kinh nghiệm cá nhân. Nếu muốn khống chế thành kiến của bản thân, phải thay đổi tư duy và nhận định. Ví dụ, nếu có thành kiến với một kiểu người, bạn có thể tiếp xúc với họ một thời gian. Đến khi phát hiện ra lối sống và hành vi của họ không giống như trong ấn tượng của mình, cái nhìn của bạn về họ sẽ thay đổi. 


Đôi khi chúng ta tin chắc rằng suy nghĩ và cách làm của mình là đúng đắn. Cho dù người khác có nói thế nào chăng nữa, ta vẫn không chịu thừa nhận mà cố chấp đến cùng. Chẳng hạn một học sinh làm bài không tốt trong kỳ thi cuối kỳ, cậu ta không cho rằng là do mình chưa cố gắng, mà đổ lỗi cho việc tối qua thức khuya ngủ không ngon hay dạo này có việc làm cậu ấy phân tâm. Những lý lẽ này đều xuất phát từ cơ chế bảo vệ của con người với chính mình, nhưng lại làm khả năng tự kiểm soát tư duy giảm xuống. 


Đầu tiên, ta phải hiểu rõ rằng một người giữ vững ý kiến ban đầu của bản thân là do chịu ảnh hưởng sâu sắc của những thông tinh hình thành lên những ý kiến đấy. Tiếp đó, ta phải thay đổi tâm thái, tìm kiếm sự cân bằng mới, không được coi việc thừa nhận sai lầm là một chuyện bẽ mặt. Chẳng có ai trên đời này là hoàn hảo cả, ai cũng có lúc phạm lỗi. Nếu cứ khăng khăng coi quan niệm và suy nghĩ sai lầm là đúng và hành động theo nó thì người bị tổn thương suy cho cùng vẫn là bản thân ta. Hình thành ý thức chấp nhận sai lầm cũng là một dấu hiệu của sự trưởng thành.


Có khi nào bạn cảm thấy soi gương, mình đẹp hơn trong ảnh chụp chưa? Càng soi lâu, ta càng cảm thấy đôi mắt mình to hơn, mũi cao và thẳng hơn và khuôn mặt có nét hơn. Các chuyên gia tâm lý học đưa ra hai yếu tố để giải thích hiện tượng này. Thứ nhất là tâm trạng lúc đó. Nếu vui, ta sẽ thấy trong gương mình xinh đẹp hơn; nếu tâm trạng không tốt, hình ảnh ta thấy cũng khó có thể xinh đẹp. Thứ hai là động cơ của việc soi gương. Chúng ta đều hy vọng mình trong gương có thể ưa nhìn hơn một chút, điều này tạo ra ám thị tâm lý. Vì thế, lúc nhìn bản thân trong gương, ta sẽ cảm thấy mình xinh đẹp hơn so với hiện thực.


Rất nhiều người mua xổ số đều hy vọng sẽ gặp may mắn và trúng giải lớn; học sinh thi lên lớp đều cầu mong sẽ làm bài suôn sẻ và đạt thành tích tốt. Có thể thấy, ai cũng hy vọng mình là người may mắn. Nó là thứ liên quan mật thiết với cách tư duy của con người. Một người có tư duy tích cực lạc quan sẽ nhìn rõ tình hình, phân tích thiệt hơn, lập ra kế hoạch hoàn hảo, sau đó dũng cảm thực hiện những gì đã vạch ra. Cho dù phải đối mặt với khó khăn cũng sẽ tích cực nghĩ cách để khắc phục. Những người như vậy sẽ luôn gặp được may mắn. Còn người có lối tư duy bi quan thì ngược lại. Nhưng làm thế nào để có thể điều khiển tư duy của mình theo hướng tích cực? Muốn làm được điều đó phải thay đổi tâm thái của bản thân. Bởi vì chỉ khi có tâm thái tốt, tư duy mới có thể trở nên tích cực.


     Suy nghĩ thay đổi hành vi, hành vi thay đổi kết quả. Nếu suy nghĩ tích cực, có nhiều khả năng bạn sẽ trở nên may mắn hơn.



Cám dỗ là thứ thoạt nhìn cứ ngỡ tươi ngon vừa miệng. 


Vào một buổi sáng tràn ngập ánh nắng rực rỡ, bạn bước ra khỏi nhà đi dạo quanh phố, tâm trạng vô cùng thư thái. Khi bước đến trước cửa tiệm bánh ngọt đầy đủ màu sắc, dẫu hiểu rõ bản thân nên ăn uống điều độ, nhưng ta khó lòng chối từ được chúng. Khi đối mặt với cám dỗ, não bộ sẽ tiết ra chất dẫn truyền thần kinh được gọi là Dopamine, chất này sẽ khống chế ý chí, hành vi và động cơ của bạn, đồng thời phát tín hiệu “đòi hỏi” tới não bộ. Một khi nếm được vị bánh ngọt , khả năng tự kiểm soát sẽ tiêu tan hoàn toàn.


Có một vài người trong chúng ta không thể chống lại cám dỗ. Bởi vì trong quá trình nỗ lực kiên trì, khả năng vượt qua khó khăn và cám dỗ của ta vẫn chưa đủ tốt, hay nói cách khác, đó là vì năng lực kiểm soát chấp hành của bản thân tương đối yếu. Vì thế cần phải tăng cường rèn luyện ý chí và tiếp tục kiên trì sẽ nâng cao khả năng chống lại cám dỗ của con người.


Con người thường bỏ qua hạnh phúc của tương lai để hưởng thụ và tìm kiếm niềm vui nhất thời. Giống như khi mới nhận lương, ta sẽ chi tiền hết lần này đến lần khác để mua thứ thỏa mãn khao khát của bản thân mà quên không cân nhắc các khoản chi trong tháng… Ta muốn ngay lập tức được thỏa mãn khi khao khát thứ gì đó chứ không thể đợi được đến ngày mai. Ví dụ, bạn hút thuốc uống rượu để thỏa mãn dục vọng nhất thời và đẩy vấn đề sức khỏe của bản thân ra phía sau. Bạn quan tâm đến suy nghĩ trước mắt, nhưng lại bỏ lỡ điều quan trọng ở tương lai. Khi không thể “trì hoãn sự hài lòng”, bạn sẽ hối hận về sau. 


     Đừng để chút cám dỗ nhỏ bé mê hoặc mà hãy tiếp tục kiên trì, biết đâu bạn có thể đạt được thành công lớn hơn. 



Con người không thể thoát khỏi ảnh hưởng của hoàn cảnh


Khi một sản phẩm mới vừa ra thị trường, vì chưa được trải nghiệm nên chắc chắn người ta sẽ không mua. Tuy nhiên, nếu có rất nhiều người xếp hàng trước quầy bán sản phẩm này, cho dù giá không hề rẻ, bạn nhất định sẽ lập tức gia nhập đội ngũ dài dằng dặc ấy, bởi vì bạn đã bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Ai trong chúng ta đều hiểu rằng để môi trường bên ngoài chi phối tư duy là một điều dại dột, nhưng đến thời khắc quan trọng, ta lại không thể kiểm soát được suy nghĩ của mình. Chính vì vậy ta phải kiên định tin tưởng bản thân có thể tránh xa cám dỗ. Chỉ cần giữ vững niềm tin là có thể giảm ảnh hưởng của hoàn cảnh xuống mức thấp nhất. Tóm lại, nếu không muốn bị hoàn cảnh chi phối, chúng ta cần nâng cao khả năng tự kiểm soát, không để hoàn cảnh làm dao động quyết tâm của mình.


Nếu như ta muốn vận dụng thông tin xung quanh để tự kiểm soát bản thân nhằm đem lại ảnh hưởng tích cực cho chính mình, ta cần phải tiếp xúc với các thông tin tích cực nhiều hơn. Ví dụ, trong học tập, chúng ta nên ở cùng các người bạn chăm chỉ. Khi học tập cùng họ, thông tin mà bạn nhận được đa phần có liên quan đến sự chăm chỉ, kiên trì, nỗ lực phấn đấu, hành vi tự nhiên bị ảnh hưởng bởi họ, từ đó dần dần thay đổi. 


Để điều khiển cảm xúc của mình, chúng ta có thể tránh xa những yếu tố khơi gợi cảm xúc bi quan và tạo ra yếu tố làm cho cảm xúc trở nên tích cực. Bạn có thể thay hình nền máy tính bằng hình ảnh của cảnh đẹp hoặc động vật nhỏ mà bạn yêu thích, đặt ở trên bàn những đồ trang trí hoặc bức ảnh khiến bạn vui vẻ. Khi chọn địa điểm du lịch, nên chọn một nơi bạn chưa từng đến. Những nơi như vậy sẽ mang lại cảm giác tươi mới, từ đó bạn sẽ điều khiển cảm xúc hiệu quả hơn. 


     Nếu thực sự không có cách nào chịu được môi trường chật chội, khi tâm trạng trở nên buồn bực, cáu kỉnh, bạn phải cho bản thân mình một cơ hội để “giảm xóc”.



Người khác sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của bạn


Ai cũng biết rằng bệnh AIDS và virus cảm cúm có thể lây nhiễm. Nhưng có rất nhiều người không biết hành vi, cử chỉ của con người cũng sẽ lây sang cho nhau. Khi nhìn thấy trong ti vi có người ăn bánh kem, ta cũng sẽ nảy sinh cảm giác muốn ăn; nhìn thấy người ta đi nghỉ dưỡng ở một nơi phong cảnh hữu tình, ta cũng rất muốn được đi đến đó. Nói chung hành vi của con người có tính “lây nhiễm”.


Có khi nào vì ngần ngại từ chối người khác mà bạn tùy tiện đáp ứng đề nghị của họ chưa? Để rồi sau này khi bản thân không làm được điều đó và đánh mất chữ tín với đối phương, chúng ta sẽ tự trách, tự ti, hối hận không ngừng. Và điều này dẫn đến khả năng tự kiểm soát giảm xuống.


Mặc dù việc từ chối người khác cũng thể hiện khả năng tự kiểm soát, nhưng ta cần hiểu rõ một số quan điểm sau: đầu tiên, đừng từ chối người ta bằng giọng nói lạnh lùng cứng nhắc. Bạn chỉ cần từ chối họ bằng lòng thành tâm và thái độ chân thành mà uyển chuyển là được. Có như vậy, sau này hai người mới còn khả năng hợp tác lần nữa. Tiếp theo, bạn nhất định phải chú ý đến lòng tự trọng của họ. Cố gắng dùng từ ngữ chính xác, thỏa đáng, đảm bảo đối phương có thể chấp nhận. Chỉ cần biết cân nhắc khi từ chối người khác, khống chế tốt hành vi và lời nói của mình để không làm tổn thương đến đối phương. Chúng ta không những có thể vượt qua việc từ chối đầy khó khăn mà vẫn duy trì được quan hệ tốt đẹp với người khác. 


     Khi cảm thấy ý kiến của mình khác với mọi người, trước hết bạn đừng vội nghi ngờ bản thân. Hãy bình tĩnh suy nghĩ một lúc, cân nhắc rõ ràng rồi mới quyết định hành động như thế nào. 



Nếu không đủ khả năng tự kiểm soát, hãy để người khác kiểm soát thay cho bạn


Con người là một loài động vật bầy đàn và thích cuộc sống trong tập thể. Một người sáng sớm định ra ngoài tập thể dục nhưng cảm thấy đi một mình thật cô đơn nên anh ta đã tìm người bạn học để đi cùng, hai người vừa trò chuyện vừa tập luyện, bất giác anh ta cảm thấy việc này rất có ý nghĩa. Hay  là có những người rất muốn đi du lịch, nhưng lại không muốn đi một mình. Nếu tìm được vài người bạn có chung nguyện vọng cùng đi với nhau, niềm hăng hái du lịch của người đó sẽ dâng trào. 


Dựa vào giám sát đôn đốc của tập thể, người nghiện bia rượu, thuốc lá cũng có thể cai nghiện một cách hiệu quả. Ví dụ, tập hợp lại những người thích hút thuốc uống rượu lại một chỗ, giới thiệu làm quen họ với nhau. Sau đó, khi gặp gỡ mọi người có thể kể nhau nghe tình hình cai thuốc và rượu bia của mình cũng như phương pháp vượt qua cám dỗ. Những người còn lại cảm nhận được sự cổ vũ và ủng hộ của thành viên trong nhóm, họ sẽ có thêm niềm tin trong quá trình cai nghiện. 


     Nếu kiểm soát bản thân, đối xử chân thành với mọi người, làm việc bằng cái tâm của mình, suy xét vấn đề từ góc độ của người khác, bạn sẽ nhận ra mình có khả năng tự kiểm soát ở rất nhiều phương diện và dễ dàng đạt được thành công. 



Lời kết


Qua cuốn sách Không Phải Chưa Đủ Năng Lực, Mà Là Chưa Đủ Kiên Định hy vọng sẽ một phần nào đó giúp cuộc sống của bạn đi đúng hướng quỹ đạo, vượt qua những cám dỗ bủa vây tứ phía, vững bước trên hành trình kiểm soát cuộc đời mình để thành công trên đường đời và đạt được hạnh phúc dài lâu.


Review chi tiết bởi Hồng Dịu - Bookademy 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024