Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/11/2019 16:11 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Tớ đã apply chương trình trao đổi ở Nhật thế nào?


Tớ đã hứa là post trước đủ 50 likes tớ sẽ đăng bài chia sẻ quá trình apply trao đổi tại Nhật của bản thân. Và tèn ten, cảm ơn các cậu đã quan tâm, đây là bài chia sẻ đầu tiên của tớ về bản thân. Có sai sót hay thắc mắc gì, mong các cậu để lại comment cho tớ hoặc inbox trực tiếp nếu muốn hỏi thêm thông tin nhé.
Warning: Bài khá dài nhưng chứa đựng cả bầu trời tâm huyết
Again, đọc đến cuối để thấy bật mí về “siêu phẩm” tiếp theo nhé
Tớ đã apply chương trình trao đổi tại Nhật kỳ xuân năm tới (04/2020). Đây là chương trình trao đổi được tổ chức do trường Đại học Ngoại Thương liên kết với các trường đối tác tại nước ngoài. Và tớ đã apply trường Hitotsubashi nằm tại thủ đô Tokyo hoa lệ. Tớ là một trong hai người được chọn đi tham gia chương trình đợt này tại trường Hito. Hiện tại tớ đã làm xong hồ sơ, đang trong giai đoạn chờ đợi (mòn mỏi) COE.
Hành trình apply chương trình này của tớ kéo dài gần một năm. Bắt đầu từ giai đoạn kỳ hai năm nhất. Sau khi đã xem xét bản thân không phải là con người của học hành thi cử, tớ không dự định sẽ học thạc sĩ hay tiến sĩ. Còn về du học bậc cử nhân cũng tốt, nhưng đối với tớ, tớ không có hứng thú nhiều lắm. Vì vậy chương trình trao đổi một học kỳ vừa đem lại cho tớ cơ hội học tập và trải nghiệm tại nước ngoài, vừa đáp ứng tiêu chí thời gian không quá dài cũng như dễ dàng được học tại một quốc gia khó xin học bổng như ở Nhật, Hàn,…
Tiêu chí và điều kiện: Tớ sẽ nói qua về chương trình trao đổi tại Ngoại Thương nhé, và đặc biệt điểm đến là nước Nhật.
Trước hết, sơ qua về quá trình từ lúc cậu nộp đơn tham gia đến khi cất cánh là thế này. Mỗi năm FTU sẽ mở hai đợt đăng ký là kỳ thu mở đơn đăng ký vào khoảng tháng 1, tháng 2 (thời gian đi là tháng 8, hoặc đi Nhật thì là tháng 10 của năm đó), và kỳ xuân mở vào tháng 8 (thời gian đi là tháng 12 năm đó hoặc tháng 4 năm tới nếu đi Nhật). Hiểu đơn giản là cậu phải đăng ký trước 1 kỳ học (nửa năm) thì kỳ tới mới được đi. Và cái tên kỳ thu kỳ xuân thì được quy ước là cậu đi mùa nào thì gọi là kỳ ấy. Như vậy là vào tháng 8 và tháng 1 hằng năm sẽ mở đơn đăng ký. Cậu theo dõi fanpage Phòng Hợp tác Quốc tế FTU (HTQT) là sẽ thấy link đăng ký. Điền theo link với một số mục như điểm GPA hiện tại, bằng ngoại ngữ nếu có. Nhớ tìm hiểu kỹ các trường mình muốn đi từ trước, chọn ra 3 trường muốn đi nhất, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Phòng HTQT sẽ căn cứ vào nguyện vọng đó của cậu để xét hồ sơ. Nhưng thông thường, tớ thấy nếu đã trượt nguyện vọng 1 thì khó được chọn ở các nguyện vọng sau. Vì khi cậu xếp nguyện vọng 2,3 là một trường nào đó, có các anh chị bạn khác đã xếp trường đó làm nguyện vọng 1 của họ, nên đương nhiên họ sẽ được quyền ưu tiên hơn cho nguyện vọng ấy. Thế nên mới có câu chuyện nhiều anh chị sau khi biết mình trượt, đã lên phòng HTQT thắc mắc rằng rõ ràng điểm GPA cao hơn, bằng ngoại ngữ cao hơn lại không được chọn đi. Nguyên nhân chỉ vì họ đã xếp trường đó là nguyện vọng 2, 3. Vậy nên việc đặt nguyện vọng là vô cùng quan trọng. Sau khi nộp xong đơn tham gia (link), cậu sẽ có khoảng thời gian ăn ngủ và tích đức chờ mail của phòng HTQT xác nhận cậu đỗ không. Trượt thì không có mail nên tự biết nha 😿. Từ đó thì phòng HTQT sẽ hướng dẫn cậu làm các thủ tục tiếp theo. Các thủ tục này sẽ được trường hướng dẫn kỹ càng, làm đúng theo hướng dẫn trong mail là được.
Chương trình trao đổi có yêu cầu đầu tiên và cũng được xem như quan trọng nhất là yêu cầu về GPA. Điểm số không được dưới 7.0/10. Thật ra mức này là mức sàn mà mọi sinh viên muốn đăng ký chương trình đều dễ có được. Nhưng trước giờ tớ toàn thấy mọi người điểm GPA là trên 8.0/10. Đối với các hồ sơ apply đi Nhật hoặc Hàn, mà là những trường nổi tiếng như đại học Waseda, hay đại học quốc gia Seoul, theo nhiều nguồn tin nghe lỏm, các anh chị apply thành công toàn có GPA 8.6/10, điển hình có một chị 8.89/10 🙊. Tiêu chí này rất quan trọng, vì nó sẽ được các thầy cô phụ trách hồ sơ của FTU xem xét đầu tiên. Không chỉ vậy, nếu đăng ký đi các nước có thể được cấp học bổng như Hàn, Nhật thì họ sẽ xem xét điểm GPA này mà quyết định xem cậu có được cấp học bổng hay không. Học bổng nhiều nhất nhận được khi đi Nhật là 8 man một tháng (tương đương 16 triệu VND). 8 man là đủ để cậu sinh hoạt tiết kiệm và ăn chơi sương sương.
Tiêu chí thứ hai là tiêu chí về trình độ ngoại ngữ. Các thầy cô cũng như các anh chị từng tham gia đều khẳng định đây là tiêu chí phụ. Nhưng không phải đâu nhé, có được tiêu chí này giống như có được con át chủ bài ý 😸. Một số trường tại Nhật, Hàn, Pháp,… yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ nước họ, hoặc bằng IELTS ít nhất 6.5. Ở Nhật, nếu cậu muốn apply thì điều kiện của nhiều trường phải là N1, một số ít trường yêu cầu N2 hoặc bằng IELTS/TOEIC tương đương (IELTS 6.5 là min). Khi đã đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản của trường rồi là N2, hoặc IELTS 6.5 thì đừng vội mừng vì cậu vẫn chưa chắc kèo đâu khi những người đăng ký cùng cậu có thể có N1, hoặc IELTS 7.5 rồi cơ 😸. Tớ chỉ muốn nói là cậu cố được bằng ngoại ngữ càng cao càng tốt, vì không bao giờ thừa cả.
Tiêu chí thứ ba là tiêu chí hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên tiêu chí này các thầy cô tại FTU sẽ không xét trong giai đoạn đầu tiên là giai đoạn đăng ký đơn (vòng hồ sơ). Tiêu chí này sẽ được đánh giá khi cậu đã qua vòng đơn và được chọn là 1 trong số 2 hay 3 người đi cùng đợt và trường tham gia.
Vậy nên hãy chăm chút hai tiêu chí đầu tiên kỹ nhất. Vì chúng sẽ quyết định cậu có thể pass vòng hồ sơ khá khắc nghiệt hay không. Khi đã pass vòng hồ sơ, cậu gần như chắc chắn có suất đi. Chỉ là gần như thôi vì không thể chủ quan được. Đã có rất nhiều anh chị vì bất cẩn trong việc chuẩn bị các giấy tờ nộp cho trường đối tác hay vì lý do trời ơi đất hỡi nào đó tớ cũng không hiểu được, không được đi trao đổi dù đã qua vòng đơn. Ngoài những tiêu chí này ra thì có hai tiêu chí nữa vô cùng quan trọng tại FTU là tiêu chí tín chỉ và học phí. Nhiều anh chị từng vì quên hoặc không chú ý tới hai tiêu chí này mà đã bị đánh trượt. Về tín chỉ, cậu phải còn lại 9 tín tại trường (như một hình thức để trường buộc sinh viên phải trở về hoàn thành nốt chương trình tại FTU sau khi đi trao đổi), còn về học phí, phải đóng đủ theo quy định, nghĩa là đã hoàn thành học phí của kỳ trước.
Hành trình bản thân
Như đã giới thiệu, tớ đã tìm hiểu chương trình này từ đầu kỳ 2 năm nhất. Lúc ấy, trong đầu tớ chỉ có một điểm đến duy nhất: nước Pháp. Tớ bị cuồng nước Pháp từ hồi cấp 2 😽. Tớ mong muốn đi Pháp từ rất lâu, từng say mê tự học tiếng Pháp (sau bỏ cuộc vì lười 😿) trong phòng có hẳn mô hình tháp Effiel to bổ chảng, trên tường là miếng dán tường in hình tháp Effiel, Khải Hoàn Môn, hoa oải hương,… Nói chung tớ cuồng nước Pháp và văn hóa Pháp. Tớ đã khá chắc chắn rằng mình sẽ apply đi Pháp trong suốt hơn nửa năm (từ tháng 12 khi mới tìm hiểu, cho tới tận sát lúc đăng ký kỳ xuân là tháng 8). Thế nhưng chỉ trong vòng nửa tháng ngắn ngủi, gần sát deadline đăng ký, tớ đã thay đổi hoàn toàn nguyện vọng. Tớ đăng ký đi Nhật. Lúc ấy tớ suy nghĩ rằng tớ muốn ĐI CHƠI ở Pháp thôi, chứ đi học thì chưa chắc. Trong khi đó đây là cơ hội đi học cần đánh đổi nhiều thứ, vì nhiều mục đích cho tương lai, nên không thể đơn giản nghĩ đi Pháp để “chơi là chính học là phụ” được. Thế nên sau khi xem xét cân nhắc kỹ, tớ chọn nước Nhật là điểm đến của mình.
Thứ nhất là để đi học đại học tại Nhật, nếu apply các học bổng cử nhân, cần phải có trình độ Tiếng Nhật nhất định. Mà theo tớ tìm hiểu có học bổng MEXT của chính phủ Nhật Bản siêu danh giá nhưng đương nhiên điều kiện cũng khó nhằn. Trong khi đó Tiếng Nhật của tớ, và tất cả những gì tớ biết về Nhật Bản thời điểm ấy tương đương với 1 (1 nhé chứ không phải 0, tớ vẫn biết Nhật Bản nằm ở Đông Á và món sushi thì khác kimbap 🐣). Vậy nên tớ quyết định apply chương trình trao đổi đi Nhật, vừa khả năng cao dễ đậu, vừa thời gian trao đổi ngắn không bị ra trường muộn, lại còn được học bằng Tiếng Anh tại trường đó. Như vậy bạn nào muốn học ở Nhật nhưng (gần như) không biết Tiếng Nhật như tớ thì hoàn toàn nên xem xét chương trình đi trao đổi nhé. Đó, với cái suy nghĩ tích cực một cách hơi quá 😹 mà chả thèm quan tâm mấy đến việc bản thân mù hoàn toàn Tiếng Nhật, chưa biết nhiều về nước Nhật, ít sống xa cha mẹ, khả năng đỗ không cao do các anh chị bạn bè khác ở các khoa chuyên ngành như khoa Tiếng Nhật rất giỏi giang và có lợi thế hơn về ngoại ngữ, tớ đã quyết định đến Nhật. Có lẽ đây vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của tớ. Khi tớ quyết định một bước tiến nào đó trong cuộc đời, tớ thường quyết định với thái độ “chả sợ gì” 😸. Tuy nhiên chính vì không lo lắng quá nhiều, gần như là liều lĩnh, tớ đã có nhiều cơ hội, trải nghiệm bất ngờ và vô cùng thú vị.
Vào thời điểm đăng ký đơn, tớ đã chuẩn bị khá đầy đủ và kỹ càng. Thứ nhất là về GPA, tớ đã kịp tích lũy từ kỳ 2 năm nhất, với GPA thời điểm apply là 3.5 (nhưng giờ giảm rồi 😿). Thứ hai là về bằng ngoại ngữ, tớ đã đạt mức điểm IELTS từ tháng 7 năm nay, có thể nói, là khá có tính cạnh tranh (đầu 8 đuôi 0). Các hoạt động ngoại khóa tớ cũng tham gia tích cực vào cuối năm nhất, trong đó toàn là hoạt động tình nguyện văn hóa, chứ tớ không tham gia CLB nào tại FTU hoặc ngoài trường cả. Chỉ thiếu duy nhất trình độ Tiếng Nhật do thay đổi quyết định nằm ngoài dự tính.
Ngay khi vừa đăng ký vòng đơn, tớ đăng ký ngay một khóa học Tiếng Nhật căn bản cấp tốc. Hiện tại tớ cũng đã học được khá khá Tiếng Nhật. Tuy giao tiếp, rồi ngữ pháp, nghe nói,… vẫn khó với tớ, tớ đang nỗ lực từng ngày với tâm thế học được thêm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tớ cũng đã từ chối vô số lời mời dạy thêm, chỉ để toàn tâm chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Tớ cũng từng đắn đo suy nghĩ khi thấy bạn bè tớ đang đi intern, đi dạy,… và đôi lúc tớ hoài nghi liệu mình có đang chậm hơn bạn bè trong công việc không. Nhưng không, tớ vẫn chấp nhận đầu tư như hiện tại, vì tớ tin rằng khoản đầu tư và mất đi hiện tại là hợp lý, và nó có thể không đem lại cho tớ lợi ích hiện tại, nhưng nó sẽ là khoản đầu tư sinh lời lớn trong tương lai.
Chia sẻ ngoài lề
Về vấn đề chọn trường tại Nhật, tớ đã chọn trường Hitotsubashi. Thông tin về trường thì các cậu có thể dễ dàng tìm thấy trên google, wiki. Nhưng về cơ bản, trường Hito có những ưu điểm sau, và chính những ưu điểm này khiến tớ quyết định đăng ký:
- Trường được đánh giá là trường đào tạo kinh tế tốt nhất tại Nhật mà theo Wiki họ viết “the best in economics and commerce related subjects in Japan”.
- Trường đón nhiều sv trao đổi mỗi kỳ, đặc biệt các sv từ Mỹ và các nước Châu Âu.
- Trường nằm tại vùng ngoại ô Tokyo nên giá cả phải chăng hơn trong trung tâm.
- Một trong những điều kiện mà trường đưa ra là IELTS 6.5
Có rất nhiều trường nổi tiếng khác tại Nhật cũng liên kết với FTU như Waseda, Sophia, Nagoya, Meiji,…
Trên đây là bài chia sẻ khá chi tiết của tớ về quá trình apply, điều kiện và hồ sơ cần thiết,… Có thể các cậu thấy nó mang tính hơi hẹp, vì chương trình tớ apply là chương trình của FTU. Tuy nhiên, về cơ bản, quá trình, hồ sơ,… của các chương trình trao đổi, dù có liên kết với trường đại học ở Việt Nam hay không, đều giống nhau. Các cậu cần chuẩn bị:
- Điểm GPA càng cao càng tốt.
- Bằng ngoại ngữ, ít nhất là Tiếng Anh, nếu có thêm ngoại ngữ khác và đặc biệt là ngoại ngữ nước cậu đăng ký thì càng khuyến khích.
- Một số cuộc thi, hoạt động ngoại khóa từng tham gia.
- Hộ chiếu.
- Letter of recommendation.
- Chứng minh tài chính.
- Các giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng nhận sinh viên,… thì tùy trường cậu đăng ký, sẽ có những yêu cầu riêng.
- (Tùy trường) Bài luận, thường là bài luận ngắn, câu hỏi chỉ xoay quanh việc tại sao cậu chọn chương trình này, trường này, và cậu có tố chất gì để họ nhận cậu (thông thường, các chương trình rất ư xịn xò, có cung cấp học bổng sẽ yêu cầu khá cao về bài luận, họ sẽ xét bài luận để xem cậu có xứng đáng nhận học bổng không)
LƯU Ý:
1. Khi vừa nhận được mail báo qua vòng hồ sơ thì nên làm hộ chiếu ngay và luôn nếu cậu chưa có. Đừng ngốc nghếch như tớ khá sát deadline mới đi làm hộ chiếu. May mắn vẫn nộp kịp deadline.
2. Học bổng khá là may rủi. Theo tớ biết thì đi Nhật và Hàn dễ có học bổng hơn các nước Châu Âu. Nhưng cũng không dễ lắm đâu. Trường đối tác xem xét còn sinh viên chỉ biết tích đức thôi
 

https://www.facebook.com/groups/1028954257496266/permalink/1079289239129434/



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024