Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/04/2018 23:04 # 1
datspider
Cấp độ: 16 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 141/160 (88%)
Kĩ năng: 7/40 (18%)
Ngày gia nhập: 14/04/2014
Bài gởi: 1341
Được cảm ơn: 67
Khám phá cuộc đời của Lovelace – Nữ lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới


Một thế kỷ trước thuở bình minh của thời đại máy tính, Ada Lovelace đã tưởng tượng ra chiếc máy tính hiện đại, một thứ có thể phục vụ cho nhiều mục đích. Theo những dòng ghi chép của Lovelace vào năm 1843, nó có thể được lập trình để làm theo các hướng dẫn. Chiếc máy ấy không chỉ có thể tính toán mà còn có thể tạo ra nhiều thứ khác, vì nó “dệt ra các mô hình đại số giống như cách cái máy dệt Jacquard dệt ra hoa và lá”.

Bức họa Ada Lovelace vào năm 1840.

Chiếc máy tính mà cô nhắc đến chính là chiếc “máy phân tích” mà cô cùng nhà sáng chế người Anh Charles Babbage cộng tác sáng chế và không may là chúng chưa bao giờ được tạo ra. Nhưng những bài viết về máy tính đã giúp Lovelace – nữ toán học gia tài năng sinh năm 1815 – được công nhận là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.

Ada Lovelace (1815 – 1852) có tên trước khi kết hôn là Augusta Ada Byron. Cô sinh ngày 10/12/1815 tại London, là con gái của Lãnh chúa Byron và bà Annabella Milbanke. Họ đã ly thân khi cô còn nhỏ và cha cô qua đời khi cô chỉ mới lên 8. Mẹ của Ada, bà Annabella Milbanke là một nhà thơ xuất thân từ một gia đình giàu có và có một sự quan tâm sâu sắc đối với toán học. Lãnh chúa Byron từng gọi mẹ cô là “công chúa hình bình hành” và sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà được gọi là “Medea toán học” khi bà trở thành một nhà cải cách xã hội. Có thể thấy, Ada Lovelace chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ mình – một nhà thơ có niềm đam mê với các con số.

Ada Lovelace khi còn nhỏ.

Babbage – người đã gọi Ada Lovelace là “phù thủy của các con số” – đã từng viết rằng cô “đã ném câu thần chú của mình quanh khoảng trừu tượng nhất của khoa học và đã nắm bắt được nó bằng một lực mà rất ít trí tuệ của phái mạnh (ít nhất là ở đất nước của chúng ta) có thể gắng sức vượt qua nó”.

Theo một trong những người viết tiểu sử của cô – Betty Alexandra Toole – Ada Lovelace còn là một nhà thơ lãng mạn, là người đã có công kết hợp nghệ thuật và khoa học. Lovelace cho rằng toán học và logic rất sáng tạo và giàu trí tưởng tượng rồi gọi nó là “môn khoa học đầy thi vị”:

Toán học tạo thành một thứ ngôn ngữ mà thông qua đó chúng ta có thể diễn đạt đầy đủ được những sự thật vĩ đại của thế giới tự nhiên.

Nhờ vào xuất thân quyền quý, cô được học với các gia sư riêng, các trí thức trong giới khoa học và văn học Anh. Lovelace ngẫu nhiên được bao quanh bởi những nhà tư tưởng lớn của thời đại ấy, bao gồm Mary Somerville – nhà khoa học kiêm nữ nhà văn nổi tiếng.

Ada Lovelace năm lên 4 tuổi.

Somerville chính là người đã giới thiệu Lovelace với Babbage khi cô 17 tuổi, tại một cuộc họp mà ông tổ chức ngay sau khi cô có buổi xuất hiện đầu tiên trước xã hội. Ông đã cho Lovelace thấy một cái máy tính cơ học bằng đồng cao khoảng 60cm và nó đã nhanh chóng khuấy động trí tưởng tượng của cô gái trẻ. Họ nhanh chóng tìm thấy sự đồng điệu trong tâm trí về toán học và khoa học để rồi sự hợp tác ấy kéo dài đến gần hai thập kỷ.

Thiếu nữ Augusta Ada Byron năm 17 tuổi.

 
 
 
Learn More
 
 
 

Sau đó, Lovelace gặp chồng mình – William King thông qua Somerville. Họ kết hôn năm 1835, khi cô mới 19 tuổi. William nhanh chóng trở thành Bá tước và cô trở thành Nữ bá tước Lovelace. Đến năm 1839, họ đã có hai con trai và một con gái.

Tuy nhiên Lovelace đã quyết định không để cuộc sống gia đình làm trì hoãn công việc của mình. Vào năm cô kết hôn, Lovelace đã viết thư cho Somerville: “Bây giờ tôi đọc Toán học mỗi ngày và đang tập làm quen với phép lượng giác và đã học sơ bộ về phương trình bậc 3 và bậc 4. Vì vậy, ông cũng thấy rằng hôn nhân không hề làm giảm niềm đam mê của tôi cho những mục tiêu này và tôi không để nó trở thành gắng nặng trên con đường theo đuổi đam mê”.

Năm 1840, Lovelace nhờ Augustus De Morgan – một giáo sư toán ở London đến dạy kèm cho cô. Thông qua việc trao đổi thư từ, ông đã dạy cô toán ở trình độ đại học. Năm 1843, khi ở độ tuổi 27 tuổi, cô đã hoàn thành công trình đóng góp có giá trị to lớn của mình cho khoa học máy tính. Ada cũng xuất bản bản dịch của mình cho một bài báo khoa học về Máy Phân Tích của Babbage và thêm vào một phần khá dài có tiêu đề là “Ghi chú”. Ở đây, cô đã miêu tả máy tính hoạt động như thế nào, tưởng tượng tiềm năng của nó và viết ra chương trình đầu tiên cho nó.

Biểu đồ do Lovelace viết từ Ghi chú G, thuật toán máy tính đầu tiên được xuất bản.

Trong bài viết này, cô đã tưởng tượng ra một tương lai trong đó các máy tính có thể phân tích mạnh hơn và nhanh hơn con người: “Một ngôn ngữ mới có phạm vi rộng, mạnh mẽ, được phát triển để sử dụng cho mục đích phân tích trong tương lai, trong đó vận dụng sự chính xác tuyệt đối để những ứng dụng này có thể trở nên nhanh hơn và chính xác hơn cho các mục đích khác nhau của nhân loại”.

Chương trình mà cô từng viết cho Máy Phân Tích dùng vào việc tính số thứ bảy Bernoulli (số Bernoulli được đặt tên theo nhà toán học người Thuỵ Sĩ Jacob Bernoulli và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học). Nhưng ảnh hưởng sâu sắc hơn của Ada Lovelace chính là việc nhìn thấy trước tiềm năng của máy tính.

Đáng kinh ngạc là ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ 19, Lovelace đã nghĩ đến một chiếc máy vượt xa cả việc tính toán con số thông thường, nó có thể hiểu được các biểu tượng và được dùng để tạo ra âm nhạc hay nghệ thuật.

Bức họa Ada Lovelace năm 1836.

Walter Isaacson đã viết trong cuốn sách Những người sáng tạo của ông rằng: “Cái nhìn sâu sắc này sẽ trở thành khái niệm cốt lõi của thời đại kỹ thuật số. Bất cứ nội dung, dữ liệu, thông tin hay âm nhạc, văn bản, hình ảnh, số, biểu tượng, âm thanh, đoạn phim đều có thể thể hiện dưới dạng số và thao tác bằng máy”.

Lovelace cũng khám phá sự phân chia về những gì máy tính có thể làm, đồng thời viết về trách nhiệm đặt lên người lập trình máy tính. Cô cũng là người cho rằng các máy tính một ngày nào đó có thể tự suy nghĩ và tự tạo ra mọi thứ – những gì mà hiện tại chúng ta gọi là trí tuệ nhân tạo – nhưng sau đó lại bác bỏ ý kiến này: “Máy Phân Tích không thể có bất kỳ sự giả dối nào dù nó tạo ra điều gì. Nó chỉ có thể làm bất cứ điều gì mà chúng ta biết cách thực hiện”.

Tìm thấy tác phẩm nghệ thuật khác dưới bức họa của Picasso

Tìm thấy tác phẩm nghệ thuật khác dưới bức họa của Picasso Bằng cách thực hiện một loạt các phép quét quang phổ trên bức họa La Misrereuse accroupie, các chuyên gia đã khám phá ra nhiều chi tiết mới và...

Tác phẩm của cô, được tái khám phá vào giữa thế kỷ 20 và trở thành nguồn cảm hứng để Bộ Quốc phòng đặt tên cho một ngôn ngữ lập trình theo tên cô. Bắt đầu từ năm 2009, người ta lấy ngày Thứ Ba thứ hai của tháng 10 làm ngày Ada Lovelace – ngày tôn vinh những thành tựu của phụ nữ trong lĩnh vực “khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học” (STEM).

 

Lovelace sống vào thời đại mà phụ nữ không được coi là những nhà tư tưởng khoa học nổi bật và những kỹ năng mà cô sở hữu thường được mô tả là chỉ dành cho nam giới.

Bức chân dung Lovelace do họa sĩ A. E. Chalon vẽ đã được sử dụng cho Sáng kiến Ada – một dự án hỗ trợ công nghệ mở và phụ nữ.

“Với một sự hiểu biết tường tận mang nét nam tính và vững chắc, khả năng nắm bắt nhanh chóng và sự kiên định, Lady Lovelace đã có tất cả sự tinh tế của nhân vật nữ khôn khéo nhất” – phó tổng biên tập của tờThe London Examiner bày tỏ suy nghĩ.

Ursula Martin – một nhà khoa học máy tính tại Đại học Oxford, đã nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Lovelace. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã xem nó như một “tài liệu phi thường”: “Cô ấy nói về các nguyên lý trừu tượng của sự tính toán, cách lập trình nó và cả những ý tưởng lớn như là nó có thể sáng tác nhạc hay có thể suy nghĩ nữa”.

Một trong hai bức ảnh của Ada, được chụp bởi Antoine Claudet vào thời gian cô ấy đã tạo ra “Ghi chú” của mình về máy tính.

Ada Lovelace qua đời chưa đầy một thập kỷ sau công trình nghiên cứu của mình ở tuổi 36, vào ngày 27 tháng 11 năm 1852 vì căn bệnh ung thư tử cung. Có thể nói, Lovelace thực sự là một minh chứng cho việc phụ nữ hoàn toàn có năng lực trong ngành công nghệ – nơi mà hiện tại họ đang bị đánh giá quá thấp và có rất ít cơ hội. Việc công nhận nữ toán học gia tài ba này là lập trình viên đầu tiên trên thế giới đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ theo đuổi đam mê trong lĩnh vực STEM.

máy tính

Bảng xanh tưởng nhớ công lao của Lovelace tại quảng trường St. James, London.

Theo: guu.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024