Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
20/12/2017 13:12 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Nghĩa Dũng Karate - Suzucho: Huế - Sài Gòn - Canada


Tôi viết những dòng chữ này khi đang ngồi trên chuyến bay từ Sài Gòn đi Thượng Hải (Trung Quốc) đúng ngày 28/2 sinh nhật của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Cuộc sống của tôi giống như cánh hải âu, sẽ cứ trôi mãi như vậy nếu không có những khoảnh khắc dừng lại - những dấu lặng cần thiết của một bản trường ca, như vào lúc này đây, để ôn lại những kỷ niệm, chiêm nghiệm về bản thân trong những mơ ước thắng mình và vượt người từ một thanh niên Việt Nam mang ý chí của "con nhà nghèo vượt khó"...

Quả thật, nhiều khi tôi cũng ngạc nhiên về sự sung sức, dẻo dai của chính mình và nhất là niềm đam mê cháy bỏng trên quá nhiều lĩnh vực... Sự năng động có thể giúp ta thành đạt nhanh chóng, nhưng đối với riêng tôi, sự tự tin, quyết đoán trong công việc là chìa khóa của thành công, vốn đã được phôi thai từ những hội ngộ vô cùng may mắn với võ thuật karate - không thủ đạo, với Nghĩa Dũng Dojo - Suzucho... từ trong tâm thức của những ngày chập chững vào đời...

Tuổi thiếu niên tôi vốn là một cậu bé nhỏ con, nhút nhát vì căn bệnh suyễn quái ác... Rồi dịp may và nhân duyên cũng đến, tháng 3/1989, tôi gặp thầy Nguyễn Văn Dũng lần đầu tiên tại Sài Gòn. Tôi còn nhớ rất rõ đêm hôm đó sau khi giám sát một buổi tập ở ĐH Hồng Bàng, thầy nhờ tôi đèo về nhà người quen trên đường Nguyễn Trãi. Trên đường đi, thầy trò có dịp nói chuyện và ấn tượng tốt đẹp đầu tiên về thầy trong tôi là một phong thái hết sức thân thiện, nghiêm trang và nho nhã như một nho sĩ hơn là một võ sĩ. Rồi sau đó là những chuỗi ngày tuyệt đẹp và nhiều kỷ niệm trong tuổi thanh niên của tôi. Mùa hè năm 1989, tôi về Huế luyện tập và được phong huyền đai của Hệ phái Suzucho-Nghĩa Dũng. Tôi đã trưởng thành và tự hào là một thành viên của đại gia đình Karate-Nghĩa Dũng.

Thấm thoát tôi đã rời Việt Nam và định cư tại Canada hơn 3 năm, một giai đoạn thật sự phải đương đầu với cuộc sống chẳng mấy dễ dàng của những người mới nhập cư... Để có tiền và chi phí tiếp tục theo học đại học, tôi đã phải làm rất nhiều việc: hát phòng trà, dạy piano, sơn sửa nhà, rửa chén, bắt giun, hái hoa quả, dọn vệ sinh... Quả là một giai đoạn thật sự quá khó khăn cho một "cậu ấm" từ Việt Nam như tôi, nhưng giờ nhìn lại tôi lại thấy cám ơn cuộc đời đã rèn luyện mình. Ngày ấy tôi rất hồn nhiên lao vào cuộc sống, chấp nhận mọi thách thức như không có điểm tận cùng để những đêm trở về mệt nhoài thể xác, tôi chỉ biết tự ru dỗ mình bằng ca từ của nhạc Trịnh: "... Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...".

Rồi khó khăn cũng trôi qua, tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa ở Toronto, Canada và có một chỗ làm ổn định trong một công ty kiến trúc nội thất ở Toronto... Năm 1994, vì quá bức xúc với thực tế chia rẽ và thù hận chính trị quá đáng của những thế hệ đi trước, tôi quyết định đem cây đàn piano mới tinh vừa mua bằng những tháng lương đầu tiên - đến đặt tại trụ sở văn phòng Hội Liên hiệp Thanh niên Toronto, một tổ chức thiện nguyện của sinh viên, thanh niên Việt Nam để dạy âm nhạc và làm phong phú thêm các hoạt động nghèo nàn ở đây. Nhiều người nhìn tôi bằng thái độ nghi ngờ và cho rằng đó là hành động ngông cuồng của tuổi trẻ hoặc ác ý hơn thì chụp mũ tôi có mưu đồ chính trị gì đây... Mặc kệ họ, tôi thì thấy vui vì được tiếp xúc nhiều với các em nhỏ, những lớp trẻ lớn lên ở Canada vốn rất bỡ ngỡ với ngôn ngữ và văn hóa quê nhà...

Trong một buổi chiều, tôi rất bất ngờ được biết sau lớp nhạc của mình sẽ có một lớp học khác trong căn phòng đó do một võ sư karate người Việt tình nguyện đến dạy, có cô bé Laura, học trò piano của tôi cũng xin học vì thích múa võ... Tò mò quá, tôi quyết định ngồi nán lại để thị phạm lớp karate mới này, tôi ngồi lại chơi mấy bản nhạc Trịnh Công Sơn và Chopin... thì có người vỗ vai hỏi tôi: "Này, anh chơi đàn bao lâu mà ác thế..." giọng Hải Phòng đặc sệt... Nhìn lại thì ra cả đám thầy trò nhóm võ sinh karate vừa thay võ phục xong đang ngồi nghe tôi đàn vì thầy Đức cũng rất mê nhạc... Tôi gặp đồng môn Suzucho - Nghĩa Dũng, Phạm Anh Đức (bạn thân của tôi sau này) thật tình cờ như vậy... Mỗi lần nhớ lại tôi vẫn phải bật cười vì nhớ cái cảnh cả đám võ sinh đêm ấy ngồi nghêu ngao hát: "Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều hóa kiếp con trâu..." - Tuấn Anh,  cậu em trai Đức luôn tinh nghịch hát như vậy cho thân phận những thanh niên phải làm việc quần quật trên xứ người như chúng tôi... Gặp được nhau thật quá vui và hy hữu.

Đêm ấy khi ngồi xem Đức đi quyền và dạy các thế cận chiến, tôi giật mình: "Tay này rất khá, đòn thế rất chắc chắn và đặc biệt các đòn tay cận chiến”... Đến cuối buổi tôi dò hỏi Đức thì mới "té ngửa": "Bọn em dạy võ có bài bản hẳn hoi, từ Hệ phái Shotokan - Suzucho...", "Thầy em là ai?", 'thầy Nguyễn Văn Dũng ở Huế...", "Anh cũng học từ thầy Dũng?", "... mà cậu là dân Hải Phòng tại sao lại vào Huế?", "Thế anh từ Sài Gòn ra thì sao?"... hahaha... hahaha...

Đêm hôm ấy ở vùng đất lạnh lẽo, xa xôi tại Canada, có hai thanh niên từ hai miền đất nước tình cờ gặp nhau, vui như Tết, cho cả lớp nghỉ tập sớm rồi kéo nhau đi uống "cái gì đó" mừng đồng môn hội ngộ...

Thế là anh em chúng tôi quyết tâm thành lập Nghĩa Dũng Đường tại Canada, tôi dốc hết tiền dành dụm được cùng Đức mua sắm dụng cụ, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục hành chính và thuê hẳn một trung tâm võ thuật để luyện tập, chiêu quân... Nghĩa Dũng - Suzucho Karate ở Toronto năm đó có lúc tuyển đến hơn 50 võ sinh, giành mấy giải thưởng karate của tiểu bang Ontario... Nhiều phụ huynh biết tiếng và qua kiểm chứng, rất yên tâm gửi con em cho chúng tôi rèn luyện. Vì ngoài dạy karate, chúng tôi còn giúp các em vui đùa, tập nói tiếng Việt, sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là rèn luyện ý chí không sợ hãi trước kẻ mạnh...

Cuộc sống và những hoài bão mới lại cuốn tôi rời Canada 2 năm sau đó, Đức, Tuấn Anh và các học trò cũ như Vinh, Hiển, Cường, Ngọc... đều đã mang huyền đai. Điều vinh hạnh nhất sau những cố gắng phát triển hệ phái, thầy tôi ở quê nhà đã phong cho tôi huyền đai tam đẳng và Đức huyền đai tứ đẳng. Về làm việc tại Việt Nam và châu Á, tôi được về gần với thầy tôi, nhưng cũng đã để lại sau lưng nhiều luyến tiếc và những kỷ niệm của một thời dấn thân đầy tâm huyết và nhiệt tình của tuổi trẻ tại Canada.

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024