Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
20/12/2017 13:12 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
ĐẾN VỚI LANG BIANG


Ngày đầu của Karatedo Lâm Đồng
 
Có giàu tưởng tượng lắm thì mình cũng không nghĩ là có ngày mình lại làm thầy dạy võ trên xứ hoa đào này. Năm 1985 mình trở thành thầy giáo ở một trường trung học vùng ven Đà Lạt thì năm 1986 lớp Karatedo đầu tiên ra đời với chỉ chục võ sinh. Khỏi phải nói tới những khó khăn thử thách lúc đầu mà mình gặp phải khi một thân một mình nơi xứ lạ này, chỉ biết rằng nếu thiếu sự vững vàng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời và đầy hiệu quả của Thầy và huynh đệ thì có lẽ mình đã buông xuôi và trở thành kẻ có lỗi với Thầy, với Karatedo Lâm Đồng. Thế rồi từ đốm lửa Karatedo nhỏ nhoi đầu tiên ấy phong trào ngày một phát triển với số võ sinh lúc đông nhất lên tới hàng trăm. Đến nay, thì các câu lạc bộ Karatedo đã xuất hiện trong hầu hết các địa phương của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 500 võ sinh luyện tập thương xuyên, tạo được chổ đứng khá vững chắc trong làng võ thuật Lâm Đồng. Đã có cả ngàn võ sinh được mang Huyền đai Karatedo qua 19 kì thi huyền đai nâng đẳng kể từ lần thi đầu tiên năm 1990, trong đó có võ sinh dự thi Tứ đẳng được Thầy đánh giá là xuất sắc.
    Lâm Đồng cũng từng là địa phương có mặt sớm trong các giải Karate quốc gia. Kể từ giải Hữu nghị quốc gia tại Hà Nội năm 1989 và sau đó là các giải vô địch quốc gia với nhiều võ sinh đoạt huy chương quốc gia, trong đó có cả huy chương vàng. Năm 2001, tại Thành phố Hồ Chí Minh vận động viên Nguyễn Thị Kim Lan được phong kiện tướng quốc gia sau khi giành Huy chương vàng vô địch tuyệt đối.  
    Quan tâm đến việc phát triển phong trào và thành tích nâng cao nhưng Hội karatedo Lâm Đồng cũng chú ý đến các hoạt động xã hội từ thiện. Như truyền thống của võ đường Nghĩa Dũng, Hội karatedo Lâm Đồng coi các hoạt động xã hội từ thiện như một phương cách giáo dục võ sinh tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Với một Hội quần chúng nhỏ nhưng Karatedo Lâm Đồng đã quyên góp được nhiều triệu đồng cùng với áo quần, sách vở cho công tác từ thiện. Đó tuy chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi nhưng đã làm nên bản sắc riêng của làng Không thủ đạo nơi xứ cao nguyên LangBiang này.
      Sẽ  là thiếu sót nếu chưa nhắc tới các sư huynh đã cùng góp phần xây dựng nền móng cho Karatedo Lâm Đồng. Năm 1990, sau một chương trình biểu diễn hoành tráng ra mắt môn phái Karatedo trong làng võ Lâm Đồng tại thao trường Lâm Viên Đà Lạt do các “cao thủ” từ Huế vào phụ trách, nhiều nam thanh nữ tú phố núi kéo nhau đi ghi danh học Karatedo. Một cao thủ trong đội hình biểu diễn, anh Lê Vĩnh Đắc, tình nguyện ở lại với xứ hoa làm huấn luyện viên Karatedo. Đòn thế sắc sảo, tấn pháp vững chắc của anh đã thực sự chinh phục được nhiều trang hảo hớn cao nguyên mà ngay từ lần đầu bước chân vào phòng tập vẫn còn vấn vương đôi chút nghi hoặc với những chàng trai xứ Huế trông có vẻ “văn” hơn là “võ”. Vì thế mà không có gì lạ khi dưới tay anh Đắc, nhiều võ sinh, huấn luyện viên ưu tú được đào tạo.
       Cũng năm đó, chàng lãng tử Lê Thanh Phong đắm say với nét duyên Đà Lạt cũng quyết tâm ta bà lên Nam Tây nguyên “làm một cuộc vong thân của những gã Lưu Nguyễn thời hiện đại”. Chẳng bao lâu sau đó chàng trở thành sinh viên Đại Học Đà Lạt với đầu vào thủ khoa khoa văn. Những năm chàng là sinh viên, có một hình ảnh độc đáo thế này, ban ngày cùng với bạn bè đồng môn, có một anh sinh viên tên Phong mang cặp lên giảng đường cúi đầu trước các “sư phụ” khoa văn trường Đại Học Đà Lạt tiếp thu những tinh hoa văn chương của nhân loại để rồi cứ mỗi chiều chiều nhiều “sư phụ” văn chương và cả bạn đồng môn văn khoa lại khoác kimono trắng ra sân kiên trì theo “sư phụ” không thủ đạo Lê Thanh Phong từ bài Téwaza 1. Phải chứng kiến cảnh một dojo trắng xóa võ phục dưới những tán thông xanh mát cao nguyên, ở đó có anh sinh viên đang hướng dẫn thầy bạn mình tung quyền múa cước mới thấy cuộc sống sao có những lúc đẹp đẽ, chân thực và lãng mạn đến nao lòng. Dan díu với những nàng kiều Đà Lạt có “đôi môi dâu, đôi má hồng đào” chỉ chừng dăm năm thì chàng phải dứt áo ra đi về Thành Phố Hồ Chí Minh, tiếp tục cái hành trình bất tận của đời người. Nhưng may quá, cái linh khí của núi rừng Bạch Mã, cái thanh thoát lãng mạn của xứ cao nguyên LangBiang đã giúp chàng có được thiên bút kí Nghĩa Dũng để đời đẹp như bức tranh: Tâm thức núi . Mình vẫn xem Tâm thức núi như là tuyên ngôn của võ đường Nghĩa Dũng. Đọc nó không hiểu sao mình cứ hình dung ra một cái cổng chào. Một cái cổng kết đầy hoa đỗ quyên rừng Bạch Mã “không đón đưa mà cũng chẳng đợi chờ”. Cái cổng ấy dẫn đến một chốn yên vui mang tên Nghĩa Dũng đường Không thủ đạo. Ở đó, nói như Lê Thanh Phong “…là máu thịt của tình đồng môn, nghĩa thầy trò, là bao ý tưởng đẹp dung dị” - những viên kim cương nghĩa tình đang ngày một hiếm đi giữa lòng nhân loại.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024