Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/12/2009 14:12 # 1
gialangdtu
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 6

Kinh nghiệm: 13/60 (22%)
Kĩ năng: 46/60 (77%)
Ngày gia nhập: 02/12/2009
Bài gởi: 163
Được cảm ơn: 196
Hệ thống nhân vật và tuyến nhân vật phản diện trong truyện cổ tích


MỞ ĐẦU

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vốn rất phong phú và đa dạng. Mỗi câu chuyện được lưu truyền là một bài học quý của ông cha để lại cho thế hệ sau. Hầu hết các câu chuyện đều thể hiện quan niệm sống của ông cha xưa thông qua việc xây dựng các hình tượng nhân vật với các mối quan hệ của nó trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi người Việt Nam khi lớn lên hầu như đều mang trong hình ảnh của một cô Tấm thảo hiền, một chàng Thạch Sanh dũng cảm, một anh trai cày chấc phác và kéo theo đó là sự căm ghét đối với mụ dì ghẻ độc ác, thằng Lý Thông bất nghĩa hay tên Phú hộ tham lam. Hệ thống nhân vật chính là yếu tố nổi bật nhất trong các tác phẩm tự sự và điều đó cũng đúng trong các câu chuyện cổ tích. Nhân vật trong cổ tích khá phong phú, đa dạng tuy nhiên có thể phân loại thành ba tuyến chính: tuyến chính diện, tuyến phản diện và tuyến trung gian. Mỗi tuyến thường có vai trò riêng của nó trong việc thúc đẫy diễn tiến của câu chuyện. Tuyến chính diện là tuyến mà nhân vật được xây dựng công phu nhất và thường là những nhân vật chính trong câu chuyện sẽ thuộc tuyến này. Tuyến chính diện đã được khá nhiều các nhà nghiên cứu đề cập đến. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào khảo sát các đặc trưng cơ bản của tuyến nhân vật phản diện – tuyến nhân vật được khắc họa khá đậm nét và linh hoạt trong nhiều truyện. Do điều kiện và thời gian nghiên cứu còn nhiều hạn hẹp, chúng tôi chỉ tập trung vào những nhân vật là con người trong các câu chuyện tiêu biểu(không khảo sát nhân vật loài vật và thần kì thuộc tuyến phản diện)

Phạm vi khảo sát của chúng tôi là những truyện cổ tích quen thuộc nhất trích từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 4 và tập 5) của Nguyễn Đổng Chi do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2009 và cuốn Văn học dân gian những tác phẩm chọn lọc do Bùi Mạnh Nhị chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2004.

 

NỘI DUNG

 

1. Truyện cổ tích và hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích

1.1.Khái niệm truyện cổ tích và phân loại truyện cổ tích

1.1.1 Vấn đề định nghĩa truyện cổ tích

          Trong  kho tàng truyện dân gian người Việt cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, truyện cổ tích là bộ phận lớn nhất, có lịch sử sinh thành, phát triển và tồn tại lâu dài nhất, có nội dung và hình thức nghệ thuật phong phú, đa dạng nhất và cũng là loại truyện gây nhiều khó khăn nhất trong việc định nghĩa nó.

          Từ năm 1945 trở về trước, khái niệm truyện cổ tích thường dùng theo nghĩa rộng để chi chung toàn bộ truyện kể dân gian. Từ hơn nữa thế kỷ nay, trên cơ sở tiếp thu lí luận và kinh nghiệm nghiên cứu truyện dân gian nước ngoài kết hợp với hoạt động sưu tầm, nghiên cứu truyện dân gian trong nước, các nhà nghiên cứu đã phân chia kho tàng truyện cổ dân gian nước ta thành 5 loại chính: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười và ngụ ngôn. Như vậy khái niệm cổ tích đã được thu hẹp hơn, tuy nhiên nó lại là bộ phận lớn nhất và phức tạp nhất nên việc xác định một khái niệm chính xác cho cổ tích gặp rất nhiều khó khăn.

          Truyện cổ tích sinh ra từ cuối thời kì công xã nguyên thủy, phát triển, tồn tại và diễn biến qua các thời kì khác nhau của xã hội cho đến mãi gần đây. Do đó truyện cổ tích có quan hệ mật thiết với các loại truyện kể dân gian khác, hiện tượng cổ tích hóa thần thoại, cổ tích hóa truyền thuyết, cổ tích hóa ngụ ngôn và ngược lại, hết sức phổ biến. Đó là nguyên nhân khiến cho nhiều truyện kể dân gian Việt rất khó xếp loại. Không nhìn rõ thực tế phức tạp ấy sẽ khiến chúng ta đơn giản hóa khái niệm hoặc rút ra những cách hiểu không đúng về truyện cổ tích. Cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất của các nhà nghiên cứu về khái niệm truyện cổ tích. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thống nhất với những đặc điểm cơ bản của truyện cổ tích.

          Xét về đối tượng phản ánh thì thần thoại chủ yếu hướng về các hiện tượng tự nhiên, truyền thuyết chủ yếu hướng vào các sự kiện lịch sử, còn cổ tích chủ yếu hướng vào các hiện tượng, những xung đột trong đời sống thường nhật của con người trong xã hội nhằm phản ánh, lí giải những mâu thuẩn, những quan hệ riêng tư nhưng có tính phổ biến của xã hội (quan hệ anh em, chị em, vợ chồng, thầy trò, bè bạn, chủ nhà, người ở, dì ghẻ, con chồng…). Vì thế nhân vật chủ yếu của thần thoại là thần, của truyền thuyết là các nhân vật lịch sử, còn của cổ tích là những con người mang tính phổ biến thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp, nhiều giai tầng xã hội khác nhau (nông dân, người đánh cá, tiều phu, người mồ côi, đi ở, phú ông, vua, quan, hoàng tử, công chúa…).

          Nói một cách tổng quát thì cổ tích là loại truyện dân gian có tính phổ biến, hình thành từ thời cổ đại, tồn tại, phát triển qua nhiều thời kì xã hội khác nhau, gắn liền với quá trình tan rã của công xã nguyên thủy, hình thành gia đình phụ quyền và phân hóa giai cấp trong xã hội. Nó hướng vào những vấn đề cơ bản, những số phận, những quan hệ và xung đột có tính chất riêng tư và phổ biến trong xã hội có giai cấp. Nó dùng một kiểu tưởng tượng và hư cấu riêng kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc thù để phản ánh đời sống và khát vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và tiêu khiển của nhân dân.

1.1.2 Phân loại truyện cổ tích

Vấn đề phân loại truyện cổ tích cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong bài viết này, chúng tôi thống nhất theo cách phân chia của Giáo sư Hoàng Tiến Tựu trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (NXB Giáo dục, năm 2001). Theo cách chia này, truyện cổ tích gồm 3 bộ phận chính: truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế sự và truyện cổ tích loài vật.

          Truyện cổ tích thần kì: là loại truyện chứa đựng hai thế giới: một thế giới tương ứng với hiện thực và một thế giới không mang tính hiện thực. Yếu tố thần kì trong truyện này đóng một vai trò rất quan trọng. Nó là yếu tố có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của cốt truyện. Mọi xung đột và mâu thuẩn được giải quyết trong địa hạt thần kì. Với các nhân vật, yếu tố thần kì hoặc đóng vai trò người phụ trợ hoặc đóng vai trò kẻ phá hoại. kẻ cản trở… không một truyện cổ thích thần kì nào không có bóng dáng yếu tố thần kì, yếu tố có liên quan trực tiếp đến nhiều phương diện về nội dung và thi pháp của loại truyện này.

          Truyện cổ tích thế sự: là loại truyện phát triển khi xã hội có giai cấp bộc lộ nhiều mặt tiêu cực của nó và xung đột giai cấp, xung đột giàu – nghèo phát triển cao… Truyện mang nội dung của những chuyện gần gũi với đời sống hàng ngày, có việc hay, việc dở, kẻ tốt, người xấu… Trong nhiều truyện hầu như không có yếu tố thần kì (ví dụ: truyện người chị dâu tốt bụng; Thằng khờ đi mua vịt; Làm theo lời vợ dặn…). Một số truyện có yếu tố thần kì , song yếu tố này không có vai trò quan trọng như trong loại cổ tích thần kì.

          Truyện cổ tích loài vật: là những truyện hướng về sinh hoạt của xã hội loài vật và lấy loài vật làm nhân vật chính, nhất là những con vật gần gũi và có nhiều ảnh hưởng, tác dụng đối với đời sống con người (như: con trâu, con bồ câu, con sáo, con thỏ, con cáo, con cọp, con khỉ…). Ở đây, sự nhân cách hóa con vật vừa bắt nguồn từ quan niệm cổ xưa trong thần thoại vừa là một biện pháp nghệ thuật để phản ánh, nhận thức đối tượng. Vì thế ở đây vừa có nội dung sinh vật học, vừa có nội dung mang ý nghĩa xã hội với những mức độ khác nhau và hai mặt nội dung đó hòa quyện với nhau rất chặt, nhiều khi rất khó tách bạch.

1.2. Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích

          Nhân vật trong truyện cổ tích khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta có thể hệ thống lại thành ba loại lớn sau đây:

1.2.1. Các nhân vật thần kì siêu nhiên

          Những nhân vật này tuy không có trong hiện tại nhưng nó lại biểu hiện rất sống động trong niềm tin và trí tưởng tượng của nhân dân:

          Nhân vật trên thượng giới: Ngọc Hoàng và các thiên thần trong cõi thiên đình như: Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên binh, Thiên tướng… Loại nhận vật này có nguồn gốc từ thần thoại nhưng được cổ tích hóa. Ngọc Hoàng được xem là chúa tể của muôn loài, là người cầm cân nảy mực, khuyến thiện trừng ác tối cao. Xã hội của các thiên thần trên trời do Ngọc Hoàng cai quản cũng được tổ chức tương tự như xã hội trần gian thời phong kiến. Nhưng đây là xã hôi lí tưởng, hoàn toàn công bằng và tố đẹp (có những sai sót Ngọc Hoàng phát hiện và điều chỉnh ngay). Ngọc Hoàng dùng bộ máy thiên triều để chủy huy, điều khiển toàn vũ trụ. Tất cả mọi việc không thể qua được mắt Ngọc Hoàng, phải hiểu được vai trò này thì mới hiểu và cảm được hết cái hay, cái đẹp trong quan niệm của dân gian.

          Diêm Vương và các âm binh: cõi âm được quan niệm ở trong lòng đất. Diêm Vương có quyền xét xử linh hồn người chết. Người có công đức thì được lên cõi trời, được đầu thai, kẻ có tội phải xuống địa ngục và bị hành hình tùy theo tội trạng.

          Vua Thủy Tề (hay Long Vương) và các thủy thần: đây là loại nhân vật bắt nguồn từ thần thoại Việt nhưng được cổ tích hóa và phát triển đa dạng hơn. Người Việt do làm ăn, sinh sống gắn với sông nước nên trong truyện kể của họ hay xuất hiện các nhân vật thủy thần. Có những thủy thần gieo tai họa cho người nhưng cũng có những thủy thần giúp đỡ con người và trong nhiều trường hợp con người cứu vớt thủy thần và được thủy thần trả ơn.

          Tiên, Bụt (hay Phật) và các nhân vật siêu nhiên thần kì khác như Chim Thần, Trăn Tinh, Hồ Tinh, ma, quỷ… Loại nhân vật này không có nơi chốn cố định (trên trời, dưới âm phủ hay dưới nước) mà thường ở những khu vực đặc biệt trong cõi trần như núi cao, rừng rậm, hang động… Loại nhân vật này đa dạng và có thể chia làm hai bộ phận đối lập: nhân vật cứu giúp con người, trừng trị kẻ ác tiêu biểu là bụt, tiên và nhân vật yêu quái thù ghét và hãm hại con người như Trăn Tinh, Hồ Tinh, Hùm Tinh,…

          Trong truyện cổ tích các nhân vật thần kì và con người đi lại khá tự do và dễ dàng qua lại giữa các cõi khác nhau trong vũ trụ. Không hiểu rõ loại nhân vật thần kì và không chú ý tìm hiểu quan niệm truyền thống của người Việt về các cõi khác nhau của vũ trụ thì không thể nào lí giải và cảm thụ được cốt truyện cổ tích Việt nói riêng cũng như văn học dân gian Việt nói chung.

1.2.2. Các nhân vật là người

Bao gồm nhiều loại nhân vật thuộc các giới tính, các lứa tuổi, các nghề nghiệp phổ biến, các thành phần giai cấp khác nhau trong xã hội người Việt thời kì Hùng Vương dựng nước đến cuối thời kì phong kiến tự chủ (trước cánh mạng tháng tám năm 1945). Đáng chú ý là những loại nhân vật sau đây:

Những người lao động nghèo khổ, lương thiện bị đối xử bất công, phổ biến là những nhân vật mồ côi, những người bề dưới chịu nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình và xã hội. Loại nhân vật này thường đóng vai trò chính – nhân vật trung tâm của truyện cổ tích

Các nhân vật bề trên, đàn anh (chị) trong gia đình phụ quyền. Dù xuất thân trong gia đình giàu hay nghèo, họ cũng đều giống nhau ở tính tham lam, độc ác, ích kỷ, coi của hơn người.

Các nhân vật giàu có (trưởng giả, phú ông, phú thương…) xuất hiện khá thườn xuyên trong truyện cổ tích nhưng ít khi có tên riêng, phần lớn là nhân vật phản diện, tham lam, độc ác.

Các nhân vật đế vương, quan lại: hệ thống nhân vật này khá đa dạng, có những nhân vật tốt và cũng có những nhân vật xấu. Những nhân vật đế vương tốt được xây dựng theo quan niệm và mong ước của nhân dân, thường sống giản dị và gần gũi dân chúng. Đây là những nhân vật lí tưởng chỉ có trong niềm tin và sự ước mơ của tác giả cổ tích mà thôi. Tuy nhiên, niềm tin này cũng có cơ sở hiện thực từ những vị vua anh minh trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt.

1.2.3. Những nhân vật loài vật

          Loại nhân vật này không chỉ xuất hiện trong cổ tích loài vật mà còn xuất hiện nhiều trong cổ tích về người. Hầu hết các loài vật có ở nước ta đều xuất hiện trong cổ tích với những vai trò và tác dụng khác nhau. Các loài chim như: đại bàng, phượng hoàng, sáo, bồ câu, cuốc quạ, sẻ…; các loài thú ở rừng núi như: hổ, sư tử, khỉ, cáo, chồn, bò tót, trăn , rắn…; các loài dưới nước như: cá chép, các trê, cá voi, các heo, thuồng luồng, con trai…; các loài vật nuôi như: trâu, gà, lợn, mèo, chó, dê…và các loại côn trùng như: sâu, bướm, cào cào, châu chấu… Sự có mặt của loài vật làm cho cổ tích thêm phong phú, sống động, hấp dẫn và hiện thực hơn. Vai trò của loài vật được thể hiện khác nhau tùy từng truyện. Cách xây dựng và sử dụng các nhân vật loài vật của tác giả truyện cổ tích cũng hết sức phong phú, đa dạng và linh hoạt.

 

2. Nhân vật phản diện trong truyện cổ tích

Như trên đã phân loại, nhân vật trong cổ tích thật rất đa dạng. Tuy nhiên mọi nhân vật đều là phương tiện để thể hiện quan niệm của tác giả. Thế giới nhân vật dù siêu nhiên, con người hay loài vật đều được phân thành hai tuyến rõ rệt là tuyến chính diện gồm những người tốt và tuyến phản diện gồm những kẻ xấu xa, độc ác. Hai tuyến này đối lập nhau và thường xuyên xuất hiện trong đa số các câu chuyện mà chúng tôi khảo sát. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi khảo sát tập trung vào tuyến nhân vật phản diện với những nét tính cách đặc thù của nó để thấy rõ hơn quan niệm của dân gian về những kẻ xấu xa, đáng lên án trong xã hội. Nhân vật phản diện không phải là nhân vật chính của các câu chuyện cổ tích nhưng nó lại là loại nhân vật được khắc họa khá sinh động. Hệ thống nhân vật phản diện luôn được tác giả dân gian đưa vào để tạo nên tình huống truyện hoặc thúc đẫy diễn tiến của cốt truyện. Ở đây, chúng tôi sắp sếp hệ thống nhân vật ác đứng trên quan niệm đạo lí của nhân dân lao động và xem xét nó dựa trên mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.

2.1. Nhân vật phản diện trong quan hệ gia đình.

Trong gia đình, nhân vật phản diện được xếp đặt dựa theo chủ yếu các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, giữa anh chị với em và giữa vợ với chồng. Đây là những mối quan hệ được thể hiện nhiều nhất trong kho tàng truyện cổ Việt Nam.

Trên bình diện mối quan hệ giữa vợ và chồng, nhân vật phản diện thường thấy là người vợ. Người vợ trong các câu chuyện thường giết chồng hoặc phụ bạc người chồng để đến với người mới. Có thể thấy rõ hình ảnh người vợ bạc ác qua nhân vật Nhan Diệp trong truyện “Sự tích con muỗi”. Nhan diệp vốn là người đàn bà lười biếng xa hoa, thỏa thuê sung sướng. Nhan Diệp chết nhưng nhờ người chồng thương yêu quá cảm động lòng trời nên cho nàng sống lại với lời dặn dò phải chung thủy với chồng. Nhưng khi gặp chủ thuyền lái buôn sống đời sống xa hoa thì Ngọc Diệp quên cả tình cũ nghĩa xưa đã phụ bạc chồng. Sau khi trả lại ba giọt máu cho chồng thì thị chết và hóa kiếp thành loài muỗi quanh năm tìm cách hút máu người để mong được lại hóa thành người. Kiểu nhân vật người vợ bạc ác chúng ta có thể tìm thấy trong các truyện khác như “Thịt gà giết chồng”, “Giã tràng xe cát biển đông”… Nhìn chung trong mối quan hệ vợ - chồng trong cổ tích Việt Nam thì không chỉ có người vợ mà cũng có những người chồng ghen tuông, bạc bẽo như “Sự tích đá bà rầu”, “Đồng tiền vạn lịch”, “Quan âm thị Kính”… Tuy nhiên, người vợ vẫn thường được khắc họa là người phụ bạc hoặc giết chồng nhiều hơn, theo quan niệm của chúng tôi có thể đây là do ảnh hưởng của chế độ phụ quyền và đa thê. Do quan niệm nhân dân coi trọng vai trò người đàn ông trong gia đình và chấp nhận quyền thống trị gia đình thuộc về đàn ông nên vấn đề đàn ông bội bạc không bị xem là việc sai trái và không bị lên án do đó không đề cập nhiều trong chuyện kể.

Nhân vật phản diện trong mối quan hệ cha mẹ - con cái: nhân vật được miêu tả trong mối quan hệ này khá đa dạng và trong hầu hết các câu chuyện có thể thấy nhân vật phản diện thường ở vai trò người con. Những người con được cha mẹ nuôi dưỡng trong tình yêu thương nhưng khi lớn lên, được dựng vợ gả chồng rồi thì lại đối xử với cha mẹ không ra gì. Năm người con trai trong truyện “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ con tính tháng kể ngày” là những nhân vật tiêu biểu. Chúng kì kèo, năn nỉ cha mẹ chia của cho bọn chúng và hứa hẹn sẽ nuôi dưỡng cha mẹ đàng hoàng. Nhưng khi cha mẹ già yếu thì chúng đùn đẫy, hơn thua nhau từng ngày trong việc phụng dưỡng, đối đãi với cha mẹ thậm tệ.  Người con trong “Tiếc gà chôn mẹ” hay năm cô con gái trong “Sự tích chiếc khăn tang” cũng tương tự như thế và cuối cùng khi cha chết, các cô phải xấu hổ trùm mặt để đưa tang cha. Nhìn chung, tác giả dân gian thường miêu tả hình ảnh người con trong những câu chuyện này đều là kẻ hoặc keo kiệt, hoặc xem thường cha mẹ đẻ ra mình. Kết thúc những câu chuyện các nhân vật thường không bị trả giá đắt có lẽ do quan niệm dân gian đề cao sự bao dung của cha mẹ với con cái.

Một kiểu nhân vật phản diện khác trong mối quan hệ cha mẹ - con cái đó chính là những nhân vật người mẹ ghẻ. Tiêu biểu là nhân vật người mẹ ghẻ trong truyện “Tấm cám”. Hình ảnh người mẹ ghẻ trong câu chuyện này được khắc họa khá đậm nét. Luôn căm ghét người con riêng của chồng, mụ tìm mọi cách để hãm hại cô Tấm tội nghiệp. Hành động ác nghiệt của mụ tăng theo cấp độ. Mụ bắt tấm đi chăn trâu ở đồng xa để bắt con cá bống – người bạn duy nhất của Tấm làm thịt, mụ trộn thóc với gạo bắt Tấm nhặt để không được đi dự hội, chặt cây cau giết chết Tấm và tiếp tục triệt tiêu các dạng hóa thân của Tấm: làm thịt chim vàng anh, chặt cây xoan, đốt khung cửi…hình ảnh người mẹ ghẻ được khắc họa qua những hành động dã man, tiêu diệt đến tận gốc rễ đứa con riêng của chồng. Hình ảnh người mẹ ghẻ trong “Sự tích chim đa đa”, “Sự tích con dế” hay “Mụ dì ghẻ độc ác”…cũng được khắc họa tương tự. Đa phần họ sợ người con riêng lớn lên sẽ thừa kế tài sản hoặc do ghen ghét với vẻ đẹp, sự may mắn của người con nên tìm cách giết hại. Tuy nhiên, đa phần những đứa con ấy đều thoát chết và khi trở về thì hoặc người mẹ ghẻ sợ quá mà chết “Tấm cám”, “Sự tích con dế” hoặc xấu hổ mà trốn đi biệt tích như trong “Mụ dì ghẻ độc ác”.

Những câu chuyện về mối quan hệ giữa anh chị em cũng xuất hiện khá nhiều các nhân vật phản diện. Kiểu loại nhân vật này khá phong phú nhưng lại được khắc họa khá giống nhau. Họ thường là những người anh, người chị lớn trong gia đình, khi cha mẹ chết đi họ dùng quyền huynh trưởng để chèn ép người em trong việc chia gia tài như những người anh trong truyện “Cây Khế”, “Bính và Đinh”, “Hà rầm hà rạc”, “Hai anh em và con chó đá”…hoặc họ là những người chị ganh tị với sự may mắn của em ruột mình. Hầu hết họ đều quá tham lam tiền của và coi nhẹ tình thân ruột thịt. Họ chiếm trọn bộ gia sản và hưởng cuộc sống sung túc trong khi mặc kệ em mình nghèo đói, hẩm hiu. Có trường hợp họ còn tìm cách giết chết chính em ruột của mình như hai cô chị trong truyện “Sọ Dừa”. Đa phần họ đều có chung một kết cục là chết bởi chính lòng tham (Cây khế, Hà rầm hà rạc), trả giá bằng sự tán gia bại sản (Bính và Đinh) hoặc xấu hổ bỏ làng ra đi biệt tích (Sọ Dừa)…

2.2. Nhân vật phản diện trên bình diện các mối quan hệ xã hội

          Trong kho tàng cổ tích Việt Nam và thế giới nói chung, bên cạnh việc hướng đến mối quan hệ trong gia đình thì việc phản ánh các mối quan hệ xã hội cũng là một bộ phận và số lượng truyện chiếm đáng kể. Nhân vật phản diện ở mảng này cũng khá dồi dào và được khắc họa dựa trên chủ yếu hai mối quan hệ giữa bạn bè với nhau và giữa tầng lớp nghèo hèn với những kẻ giàu sang, quyền thế

          Đối với quan hệ bạn bè, những nhân vật phản diện dù có những hành động khác nhau song đều có chung một thuộc tính là tham lam, vô ơn và bất nghĩa với những người bạn có ơn với mình. Nhân vật Thiên trong “Của Thiên trả Địa” là tiêu biểu cho kiểu nhân vật này. Hai chàng trai đều nghèo và đều có chung chí hướng phấn đấu. Địa chăm chỉ thật thà, Thiên thông minh, mưu mẹo. Mười mấy năm trời Địa cật lực cày thuê cuốc mướn để nuôi Thiên dùi mài kinh sử. Nhưng khi đã vinh quy bái tổ Thiên lại lật lọng, quên đi lời thề xưa và bạt bẽo với người bạn đầy ơn với mình. Nhân vật Tứ trong truyện “Tam và Tứ” cũng tương tự như vậy, khi Tứ buôn vặt hết vốn, đang tìm chỗ làm thuê nuôi miệng thì được Tam giúp đỡ cho theo mình buôn trống. Nhưng với tính tham lam hắn lại lừa bạn nhốt xuống giết và lấy sạch vốn liếng của bạn. Trong truyện “Ngậm ngãi tìm trầm” thì cả hai người bạn cùng tham lam như nhau, cả hai đều muốn lừa gạt người bạn thân để chiếm đoạt của quý. Truyện “Cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán” hoặc truyện “Giáp và Ất”… cũng xuất hiện những người bạn vô ơn, bội nghĩa như trên. Và kết thúc câu chuyện, hầu hết các nhân vật bất nghĩa này đều trả giả đắt cho những hành động tội lỗi của mình bằng việc chịu cảnh tán gia bại sản hoặc chịu cảnh chết thảm: toàn bộ gia sản của Thiên trả về cho Địa, Ất và vợ phải ra pháp trường, Nhân vật Tứ thì bị quỷ bóp cổ chết…

          Nhân vật phản diện trong mối quan hệ giữa tầng lớp giàu sang với những kẻ nghèo đói, cơ hàn cũng được tác giả dân gian xây dựng khá nhiều và khá đa dạng. Kiểu loại nhân vật này là các phú ông, trưởng giả, quan lại và cả vua chúa. Đặc trưng chung của họ là giàu sang, quyền thế nhưng cũng rất tham lam, háo sắc, hách dịch và khinh người. Trong truyện cổ, các nhân vật này thường lợi dụng quyền lực và sự giàu có của mình để chèn ép, bóc lột những người lao động nghèo. Lão trưởng giả trong “Cây tre trăm đốt” là điển hình cho kiểu nhân vật này. Hắn vốn là một tên gian ác, xảo trá. Hắn dùng đủ mọi thủ đoạn để bóc lột người ở và người làm thuê. Hắn hứa gả con gái để lợi dụng sự thật thà hiền lành của anh Khoai biến anh thành kẻ làm không công cho hắn. Thế nhưng cuối cùng hắn lại tính gả con cho nhà tên cai tổng. Nhân vật ông quan trong truyện “Nàng Xuân Hương” tán tỉnh cô gái không được thì lại tìm cách vu oan cho người ta để hạ ngục. Rồi lại tiếp tục dụ dỗ cô gái, không đạt được ý nguyện nên hắn khép người ta vào tội trọng và đem ra pháp trường. Hoàng tử trong truyện “Công chúa Liễu Hạnh” và ông vua trong truyện “Ai mua hành tôi”…thì háo sắc, dùng uy quyền của mình để chiếm đoạt người khác. Kết quả với những nhân vật này cũng thường giống như những tên bạn bất nghĩa. Tùy theo tính chất ác độc đã làm mà nhân vật phải lãnh nhận những hậu quả xứng đáng. Hoặc phải chấp nhận theo yêu cầu của những người nghèo “Cây tre trăm đốt”, “Mũi dài”, hoặc phát điên, phát khùng như hoàng tử “Công chúa liễu hạnh” hoặc phải chết như nhân vật vua trong “Ai mua hành tôi”.

          Trên đây chúng tối chỉ khảo sát nhân vật ác trong một số tác phẩm tiêu biểu. Chúng tôi phân chia trên bình diện các mối quan hệ để nhìn nhận rõ hơn về nét tính cách mà tác giả dân gian muốn thể hiện ở những nhân vật phản diện. Cần phải nhìn nhận một cách công bằng không phải mọi nhân vật xuất hiện trong cổ tích với các vai như như trên đều là nhân vật phản diện. Trong nhiều câu chuyện người vợ rất thương yêu và chung thủy với chồng, người anh rất thương em, người bạn trọn nghĩa với bạn và nhiều vị quan thanh liêm, nhiều vị vua anh minh, sáng suốt. Việc bóc tách và phân chia như chúng tôi đưa ra trên đây chỉ nhằm mục đích tìm ra những đặc điểm chung nhất dựa trên các mối quan hệ để có được cái nhìn tổng quát về nhân vật phản diện vốn rất đa dạng và phong phú trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

KẾT LUẬN

Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam khá đa dạng, song trong từng truyện số lượng nhân vật thường ít và mỗi nhân vật thường đại diện cho một hoặc hai nét tính cách nổi bật nào đó. Điều này thể hiện cả ở nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.

Đối với nhân vật phản diện nói chung, trong hầu hết các câu chuyện mà loại nhân vật này xuất hiện, chúng tôi nhận thấy đặc trưng chung về nguồn gốc xuất thân của nó thường ở tầng lớp trên, giàu có, quyền lực, đàn anh. Điều này xuất phát từ hiện thực cuộc sống của xã hội: sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Đối với quan hệ gia đình, nhân vật phản diện được xây dựng trên cơ sở của chế độ phụ quyền, huynh trưởng. Sự thật cuộc sống được đúc kết và tác giả dân gian dựa trên cơ sở này để xác định nguồn gốc xuất hiện của những nhân vật phản diện.

Nhân vật phản diện được khắc họa chủ yếu thông qua hành động chứ ít khi chú trọng đến những diễn biến nội tâm như trong văn học hiện đại. Hành động nhân vật thực hiện hầu hết là các hành động phi nghĩa. Động cơ dẫn đến những hành động này xuất hiện từ những thuộc tính cố hữu của nhân vật như: lười nhác, ích kỷ, hẹp hòi, đố kị, ngu dốt, hung dữ, tham lam, háo sắc... Có thể nhìn nhận nhận vật phản diện nói riêng và nhân vật cổ tích nói chúng thường là nhân vật chức năng để thực hiện ý đồ của tác giả dân gian. Do đó, tuy đa dạng về kiểu loại nhưng nhìn chung tính cách của nhân vật thường nhất quán và ít phức tạp.

          Kết cục của các nhân vật phản diện thường là cái chết hoặc chịu sự thay đổi vị thế của mình trong xã hội: người giàu sang trở nên nghèo khó, kẻ quyền thế trở thành hèn mọn, một số nhân vật phải hóa thân thành những loài vật, đồ vật kinh tởm…kết cục này là một trong những cách thể hiện niềm tin vào lẽ công bằng và triết lí sống “ở hiền gặp lành, sống ác gặp ác” của dân tộc Việt Nam cũng như quan niệm của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Bùi Mạnh Nhị (2004), Văn học dân gian những tác phẩm chọn lọc, NXB GD.

2.     Nguyễn Đổng Chi (2009), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 4, 5), NXB Trẻ.

3.     Trần Hoàng (2001), Bài giảng mấy vấn đề thi pháp Văn học dân gian, NXB GD

4.     Lê Đức Luận (2005), Giáo trình Thi pháp Văn học dân gian, Giáo trình lưu hành nội bộ, ĐH Đà Nẵng.

5.     Phương Lựu (2006), Lí luận văn học, NXB Giáo dục


MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU

NỘI DUNG

1. Truyện cổ tích và hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích

1.1.Khái niệm truyện cổ tích và phân loại truyện cổ tích

1.1.1 Vấn đề định nghĩa truyện cổ tích

1.1.2 Phân loại truyện cổ tích

1.2.1. Các nhân vật thần kì siêu nhiên

1.2.2. Các nhân vật là người

1.2.3. Những nhân vật loài vật

2. Nhân vật phản diện trong truyện cổ tích

2.1. Nhân vật phản diện trong quan hệ gia đình.

2.2. Nhân vật phản diện trên bình diện các mối quan hệ xã hội

 

KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO




"Học để không làm tổn thương người khác"!!!

 
Các thành viên đã Thank gialangdtu vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024