Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
22/10/2017 18:10 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
VÕ ĐƯỜNG HAY TỔ ẤM!


Từ lâu rồi, để gọi nơi ở mọi người có nhiều tên gọi như: phủ, bảo, đường, trang, viện, hay gần gũi hơn là: ngôi nhà, căn hộ, căn nhà biệt thự…. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn từ “tổ ấm” cho chủ đề này. Có câu: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ngôi nhà được cấu thành từ nhiều vật liệu tạo nên còn tổ ấm là nơi có sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ dành cho con, của con dành cho cha mẹ, và anh chị em quan tâm chăm sóc nhau . Ở tổ ấm ta có được cảm giác an toàn, cảm giác gia đình. Cho nên tổ ấm bao giờ cũng giá trị tinh thần cao quý 
 

Lễ Khánh Thành Võ Đường có ý nghĩa thiêng liêng đối với môn đồ Karate có tâm huyết. Phần tôi, rất vui mừng khi được thầy gọi điện thoại nhắc nhở. Tôi vội vàng khăn gói làm cuộc hành trình vạn dặm (nói vậy chứ chỉ có 1.300 km thôi!) về Võ Đường Trung tâm. 

Theo lịch triệu tập thì chiều 30-12-2011 chúng tôi có mặt ở Huế là được. Tuy nhiên sư huynh Phan Văn Toàn ở Hà Tĩnh thành hôn vào 04-01-2012 có mời tôi (Toàn cùng tập với tôi tại nhà thầy vài tuần vào mùa hè 2006). Tại quê nhà Đồng Tháp tôi đã rất muốn đến thăm, đến chung vui cùng Toàn rồi. Trùng dịp thầy triệu tập về Huế, vậy là tôi tranh thủ thời gian: dành ra hơn 24 tiếng đồng hồ để ra Hà Tĩnh tặng món quà cưới mà tôi đã chuẩn bị từ khi còn ở Đồng Tháp. Đó là lý do tôi có mặt ở Huế sớm (sáng 29-12). Không phải cái gì cũng thuận lợi. Đến Huế, tôi liên lạc Toàn thì biết rằng đoạn đường từ TP Hà Tĩnh về Hương Khê hư nặng không đi xe được, phải đi bộ nhiều giờ, tôi không đủ thời gian đến với Hương Khê rồi, tiếc lắm ! Rứa là tôi dư thời gian gần hai ngày lang thang cùng rêu phong thành cổ! Ngày mẹ thầy mất, từ quê nhà Đồng Tháp tôi rất muốn đến viếng nhưng đường sá xa xôi đành nén lòng mình ở lại . 

 
Phục và thầy trên đỉnh Bạch Mã - 2009


Nhớ lại thời gian diễn ra giải Nghĩa Dũng (8/ 2010), trong tiệc trên Hương giang, tôi trò chuyện cùng anh Chinh, anh hứa sắp xếp ngưòi đưa tôi về thăm quê nội của anh, tôi vui mừng lắm trong sự trông chờ. Nhưng những lần gặp anh sau đó, anh không nói gì, sẵn mặc cảm thân phận mình nhỏ bé trong võ đường lâu nay, tôi nghĩ nguời lớn như anh làm sao nhớ chuyện nhỏ này được - đối với tôi việc này thiêng liêng lắm. Nhưng tôi không nhắc với anh Chinh nữa. Sau đó  tôi gặp võ sư Đào Đức Ánh, nói tâm sự của mình, rất nhanh, ngay lập tức anh Ánh nhận lời đưa tôi về Phú Lộc quê thầy. Chúng tôi hẹn 7 giờ sáng hôm sau đi. Sáng hôm sau, 6h 59’ anh đến, tôi ấn tượng về chi tiết này, rứa là chúng tôi về quê thầy. Được thắp hương lên bàn thờ trong ngôi nhà đơn sơ mà thiêng liêng đến lạ sau đó ra viếng mộ, anh Ánh đã chu đáo mang theo cả một bó hưong, chúng tôi đốt hương cắm tất cả các ngôi mộ, trầm tư giây lát rồi về. Từ mộ phần về nhà cũ của thầy lòng tôi dạt dào cảm khái, rằng mình đã thực hiện  được tâm nguyện ấp ủ trong lòng lâu nay thật dễ chịu 

Về Huế lần này tôi sắp xếp thời gian thêm 2 việc phụ: thăm quê thầy và quê Toàn. Ngày đầu đến Huế, đứng từ phía nhà sách, nhìn tổng thể Võ Đường, đang hân hoan chiêm ngắm vẻ đẹp Võ đường, bất chợt thấy thầy đang quét bên dưới gian Lan, lòng tôi bồi hồi xúc động, lặng lẽ nhìn thầy, lặng lẽ lấy máy ra ghi hình (tôi cam chịu tội ghi hình trái phép này)  khoảnh khắc đầy xúc động này!  Rồi tôi vào nhà sau nghỉ ngơi một lát cho dung nhan tươi tỉnh mới qua gặp thầy được. Đầu tiên tôi gặp cô Thảo và chị Giang, cô vui lắm! Gặp chị Đặng Hồng Thái Giang chị em mừng lắm! Cách nhau hơn 2000km mà gặp nhau không vui sao được!  Khi gặp thầy, tôi xúc động lắm mà không dám lộ ra cảm xúc. Chao ôi mới mười mấy tháng thôi mà thời gian đã chất thêm lên đôi vai sương gió của thầy… Không biết là tôi tinh tế hay nhạy cảm một cách yếu đuối khi trong lòng đầy xúc động như rứa! Nhớ lại lần đầu “thấy” thầy tại Cao Lãnh vào năm 1997, lần đó là sau giải trẻ toàn quốc tại Huế thầy vào thăm sới tập của thầy Đỗ Thanh Phong ở nhà thiếu nhi tỉnh ĐT một ngày cuối năm 97, lần đó tôi không được nói chuyện với thầy, tôi đã nghỉ tập trước đó để đi Cần Thơ luyện thi. Lần trò chuỵện với thầy lần đầu tiên là tại nhà thầy vào hè 2004 khi tôi du lịch Huế. Lần này ngồi nhẩm tính trong cảm xúc, vậy là tôi gặp thầy mới 7 năm, chao ôi mới 7 năm mà thời gian đã hằn lên thầy nhiều đến thế, đúng là: “Thiên thêm tuế nguyệt, nhân thêm thọ”. Từ thầy tôi ngộ ra được bài học đáng giá về việc hỏi ý kiến người khác. 

Nghe nói mưa Huế lâu rồi nhưng đây mới là lần đầu tôi thấm thía mưa Huế. Đã là mưa thì cứ đùng đùng sấm dậy còn dễ chịu (theo tôi ) còn hơn là mưa nhè nhẹ, nhè nhẹ như trẻ khóc dai thì quá sợ. Đêm ấy em Đô nhưòng mùng mền cho tôi ngủ còn em nó ra ngủ với Thái. Đêm ấy lạnh kinh hồn, trải một cái mền dưới lưng, trùm phía trên một cái nữa mà tôi không tài nào ngủ được. Lạnh còn hơn ở Bạch Mã. 

Hôm sau được bạn Hệ cho mượn xe gắn máy mà rong ruổi xứ Huế. Về quê chị Giang ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế ;có anh Nguyễn Văn Nguyên ở Đông Anh Dojo cùng đi. Đêm đã lạnh, ngày còn lạnh hơn. Theo chị Giang mà lạnh nổi da gà, nhưng mà ấm lòng, chị tranh thủ từng chút thời gian thăm họ hàng, tặng CD bài hát dự Festival Trà Thái Nguyên và ngôi trường chị đang công tác. Tôi hiểu rằng đó là đứa con tinh thần mà chị dành trọn tâm huyết vào nó, tôi lặng thầm chiêm nghiệm và thưởng thức tình quê dù là hưởng ké của người khác. Đặc biệt chị nhờ tôi chụp rất nhiều ảnh về quê hương: về làng Đồng Di, về thôn Di Đông, về cầu ngói Thanh Toàn … tôi nghĩ rằng hơn cả kỉ niệm, chị còn muốn làm thêm điều gì đó đối với hằng trăm tấm ảnh quê hương, thôi thì đáp số ở phía trước đó mà, chỉ cần ta biết chờ đợi 

Đêm nay ít lạnh hơn có lẽ vì thêm người, đó là Danh, cảnh sát trẻ công tác ỏ Thăng Bình, Quảng Nam đang học Hà Nội. Không biết có ai có cảm giác này không? Karate có điều lạ này, đối với nhiều người mới quen tôi luôn ý thức cảnh giác, nhưng đồng môn Nghĩa Dũng Karate thì khác, dù mới quen nhưng tôi có cảm giác đầm ấm thân thiện. Hy vọng nhiều Karateka khác cũng có cảm giác như tôi vậy. 

Nhớ lại nhiều năm trước, thầy tặng tôi kỷ yếu Hệ Phái SUZUCHO KARATE DO 45 năm hình thành và phát triển trong dịp lễ sinh nhật thầy Suzuki Choji ở Sài Gòn, tôi đọc bài nói về Karate Lâm Đồng và bài cú đấm trên giấy, từ đó tôi mới biết Đà Lạt có Karate> Hè 2006 có dịp đến Đà Lạt, tôi hỏi người địa phương về lớp Karate và sau nhiều khó khăn lắc léo do lạ nước lạ cái, cuối cùng tôi tìm được nhà anh Nguyễn Quốc Túy. Việc tìm nhà anh Túy cũng khá ly kỳ …. Tuy nhiên tôi chưa gặp được. Hôm sau quay lại một lần nữa tôi mới được diện kiến anh Túy. Tôi ngộ ra cảm giác này từ lần ấy. 

Hôm sau, tập Tonfa, Danh không có nên tôi chia một cái. Chúng tôi tập không giống ai vì chỉ có một cái. Buổi chiều, được ông Nguyễn Hồng Minh nói chuyện về tinh thần OLYMPIC, về lịch sử OLYMPIC, tôi ngộ ra nhiều giá trị. Buổi tối, xen kẽ nhịp nhàng những bài hát hay, xúc động là nội dung trò chuyện của thầy và bác Minh. Tôi ngộ ra nhiều điều quý báu. Thật tiếc vô cùng, trên đường về quê, tôi đã bị mất căp xấp bài hát ấy. Đêm ấy còn đậm đà hơn nữa khi mấy anh em đi làm cái gì đó để đón giao thừa dương lịch. Có chút men nên ngủ ngon lành. 

Hôm sau là lễ khánh thành. Thầy nhắc đi nhắc lại về môn phái, hệ phái, chi lưu rằng đây là tổ đường của chi lưu Nghĩa Dũng. Tôi không khỏi thắc mắc sao thầy nói điều đơn giản ấy, nhỏ bé như tôi còn hiểu thì các sư huynh tỉ cao đồ họ càng sâu sắc hơn nữa. Sau này, liên kết những điều  thầy đã nói lại, tôi đã hiểu dụng tâm thầy muốn gởi gắm khi nói về Tổ đường. Giây phút mặc niệm trước bàn thờ thầy SUZUKI cực kỳ thiêng liêng, tôi thầm hứa với thầy Suzuki Choji trong năm 2012 phát triển phong trào hơn. Tuy nhiên sau này được sư huynh Lê Cảnh Thắng phân tích nhiều ý xác đáng, tôi điều chỉnh mục tiêu. Thưa thầy, con xin phép hạ chuẩn: chỉ làm mới người HLV trong con mà thôi 

Sau đó thầy mời mọi người nhập tiệc, Nghĩa Dũng Karate phát triển nhanh quá, mới 8/2010 có 33 tỉnh thành ngành mà bây chừ đã lên 41 HLV có mặt. Vậy mà còn vắng Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Kiên Giang Phú Quốc, Bình Phước, Đắc Nông, Ninh Thuận… Buổi tiệc đông lắm, vui lắm có thêm các anh chị HLV không có mặt ngày 31-12, hôm nay có mặt . Người Do Thái khi chia tay, họ nói: “ Hẹn gặp lại năm sau tại Jerusalem nhé!”. Lời chào thật dễ thương và sâu nặng sầu bi của nỗi buồn vong quốc. Giây phút buồn ấy rồi cũng đến, thầy bắt giọng bài hát Chia Tay của Do Thái, tôi nghe bàng bạc trong đó còn có nỗi buồn “ Hận Đồ Bàn ” của Chế Bồng Nga cùng dự cảm tâm tư trống trải của Trương Kế trong đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều nữa! Tôi biết thầy xúc động lắm! Tôi cũng rứa mà! Rồi các anh ra phi trường lên máy bay, các chị các bạn lên xe lên tàu về quê, thật buồn nỗi buồn chia biệt! Đành hẹn ngày gặp lại.

Tôi tiếp tục hưởng thụ cảm giác ướt lạnh cùng chị Giang và anh Nguyên về Phú Bổn thắp hương cho người thân là liệt sĩ. Đêm đó, chúng tôi: anh Toàn, Chị Giang, anh Nguyên, Thắng và tôi trò chuyện sôi nổi đậm đà tình đồng môn. Tôi biết được nhiều hơn về Võ Đường, hiểu được hơn nhiều giá trị. 

Hôm sau (02-01-12), xin gặp thầy để chào tạm biệt. Tâm tình sâu nặng, tôi chuyển tâm tình của Vũ Văn Quân ở Bình Phước, thầy dạy bài học quý báu về vai trò sống còn của tư duy kế hoạch hóa. Cô Thảo tặng cho ba má tôi chai dầu do anh Đoàn Dũng tặng cô, sứ giả tình cảm ấy, rất xót vì đã bị mất cắp trên đường về. 

À! TS Nguyễn Văn Đăng đến rồi ! Thầy Đăng đưa tôi ra bến xe Nam đấy ! Hành lý về quê nặng tình cảm của gia đình thầy Đăng, nhà Nghiên cứu Phan Thuận An, sư tỉ Giang và mọi người… 

Tôi viết mấy dòng này mà cái lạnh cắt da của Huế, cái ấm áp nghĩa tình, cái cảm giác mái ấm vẫn còn lắng đọng trong tâm khảm!!! Và, đêm nay, trong giấc mơ, tôi đã có thể hỏi người - mưa Huế bây chừ lạnh lắm không em?

        




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024