Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
14/09/2017 14:09 # 1
valentdn
Cấp độ: 31 - Kỹ năng: 32

Kinh nghiệm: 40/310 (13%)
Kĩ năng: 294/320 (92%)
Ngày gia nhập: 09/12/2009
Bài gởi: 4690
Được cảm ơn: 5254
Quán chè 5.000 đồng hơn 40 năm giữa lòng Đà Nẵng


Bà chủ quán chè 5.000 đồng hơn 40 năm giữa lòng Đà Nẵng: Tăng giá thì học sinh, công nhân sao có tiền mua!

Giữa lòng Đà Nẵng, có một quán chè 5 ngàn đồng nằm lặng lẽ bên góc vỉa hè suốt 40 năm. Khách đến đây để cảm nhận hương vị ngọt thanh dân dã, gợi lại những ly chè thời xưa, khi họ vẫn còn là đứa trẻ.

Bán chè từ năm 17 tuổi Từ lâu, những người dân sống ở góc phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã quen thuộc với hình ảnh quán chè đậu của bà Đăng Thị Thôi (58 tuổi).

Cứ khoảng 18 giờ chiều, bà Thôi lại cặm cụi dọn gánh chè ra trước mái hiên của căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh để mưu sinh cho đến 22 giờ tối. Quán chè không bảng hiệu, thực đơn, chỉ có những nồi chè được đặt ngay ngắn với vài chiếc ghế nhựa, ấy vậy mà lúc nào cũng tấp nập khách.

Đã nhiều năm nay, khách quen vẫn thường lặn lội tìm đến để thưởng thức món chè dân dã từng một thời vang danh ở Đà Nẵng…

Bà Thôi chia sẻ, năm 10 tuổi, bà theo phụ chị dâu bán chè. Sống chung một nhà, ngày nào cũng được quan sát công việc từ khâu chuẩn bị cho đến khi nấu thành phẩm nên bà dần học được cách nấu chè gia truyền của gia đình vợ anh trai. Năm bà Thôi vừa tròn 17 tuổi, chị dâu đột ngột qua đời, từ đó bà nối nghiệp, gắn bó với góc đường và cả gánh chè này ngót nghét cũng đã gần 40 năm nay. Không có nhiều sự lựa chọn như những quán chè ăn theo trào lưu của người trẻ, ở đây chỉ có những loại chè đậu được nấu theo kiểu truyền thống.

Nhưng có lẽ, chính nhờ sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng khâu đã khiến những chén chè của bà Thôi trở nên thơm ngon, ngọt thanh và ăn hoài không ngán…

Chỉ với những loại đậu nấu nhuyễn, thêm ít đường, nước cốt dừa và đá xay nhưng chè của bà Thôi khiến ai đã ăn một lần thì sẽ nhớ mãi…

Theo bà Thôi, mỗi ngày bà phải mất 6 đến 8 giờ đồng hồ để chuẩn bị và nấu các món chè đủ vị. Các loại đậu được bà tự tay đặt mua ở tận huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sau đó ngâm nước kỹ hàng giờ, giã nhuyễn rồi mới mang nấu để có được vị bùi và béo.

Còn chè chuối, bà phải luộc qua một lần rồi sau đó mới nấu để chuối không bị ra màu thâm tím. Còn chè bắp thì đích thân bà mỗi sáng sớm phải ra chợ lựa mua những trái bắp nếp non, sau đó về cất công ngồi bào nhỏ để nấu cho chè được mịn. “Bí quyết để nấu chè ngon của tôi là cân bằng lượng đường, đậu, bột và các hương liệu phụ gia khác, do vậy nên tôi luôn dùng cân để lường cho chính xác từng thứ trước khi nấu.

Đặc biệt tôi rất chú ý đến nước cốt dừa. Dừa được tôi lựa để nước cốt được ngọt, béo và thơm hơn…”, bà Thôi chia sẻ. Mỗi chén chè đậu thơm ngon nức mũi chỉ có giá 5 ngàn đồng… Khách đến ăn chè của bà Thôi có đủ lứa tuổi. Ngoài việc được thưởng thức chè, thực khách còn thích được nghe bà Thôi kể những câu chuyện ngày xa xưa, về cái thời mà con phố sầm uất bậc nhất Đà thành này vẫn còn là một con đường vắng người qua lại…

Những câu chuyện của bà Thôi kể khiến ai cũng thấy thân thuộc và gần gũi như chính mùi vị chè bà nấu vậy. Xem thêm:  Điểm danh những con đường ẩm thực "khét tiếng" nhất Đà Nẵng “Bán 5k/ly được rồi, tăng thêm thì học sinh, công nhân sao có tiền mua!”

Gần 40 năm qua, dù vật giá thị trường ngày càng tăng nhưng bà Thôi vẫn luôn cố gắng giữ mức giá bình dân cho các món chè. Mỗi chén chè đậu thơm phức hòa quyện với nước cốt dừa béo ngậy được bà bán với giá chỉ vỏn vẹn 5 nghìn đồng/ly. 

Ai ăn chè của bà Thôi cũng nhận xét chè vừa rẻ và thơm ngon, ăn xong vẫn còn thấy ngọt lịm và ấm áp hơn hẳn các quán chè khác, có lẽ là do cái tình mà bà Thôi đã ân cần gửi gắm qua mỗi ly chè… “Tôi chủ yếu bỏ công làm lời thôi, bán nhiêu đó là đủ rồi, tăng thêm thì học sinh, công nhân sao có tiền mua. Mấy đứa con tôi giờ cũng đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, tụi nó nhiều lần khuyên tôi nên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già nhưng tôi không chịu. Mình còn sức thì còn làm, ngồi chơi để con cái nuôi thấy cũng kỳ kỳ. Với lại, hơn nửa đời người gắn bó với mấy nồi chè, giờ không nấu chè nữa tôi thấy ‘ngứa tay nghề’ lắm…”, bà Thôi cười phúc hậu, chia sẻ.

Nụ cười luôn nở trên môi bà Thôi và những vị khách được nghe chuyện bà kể Anh Ngô Tấn Đạt (38 tuổi, quận Hải Châu) là khách ruột của quán chè từ khi còn là học sinh hồ hởi chia sẻ: “Ngày xưa quán chè này đông khách lắm. Cứ giờ tan tầm, học sinh, sinh viên, người lao động đi làm về lại ghé lại giải khát bằng chén chè đậu. Quán đông đến nỗi khách phải xếp hàng chờ ‘dài cổ’ mới đến lượt. Có người mua cả chục bịch mang về khiến bà Thôi múc chè mỏi tay vẫn không kịp phục vụ. Hồi năm 8 tuổi, cứ mỗi lần đi học về là tôi lại được mẹ đèo qua đây ăn chè. Bây giờ thỉnh thoảng có việc qua đây, tôi đều ghé vào ăn vài chén mới đã thèm. Chè cô Thôi thì khỏi chê rồi, ăn miết thành ghiền luôn…”.

Bà Thôi lặng lẽ với quán chè nơi vỉa hè suốt cả cuộc đời. “Lâu lắm rồi mình mới ăn lại được ly chè thập cẩm có đủ 10 loại đậu mang hương vị của ngày xưa như thế vậy. Mình không ngờ là giữa đường phố Đà Nẵng nhộn nhịp mà vẫn còn tồn tại một quán chè vỉa hè như thế này, mình thích lắm. Ăn chè của dì Thôi, mình như được quay về với tuổi thơ vậy…”, bạn Nguyễn Thùy Linh (24 tuổi, du khách đến từ Nha Trang) hào hứng nói. Giữa lòng Đà thành xô bồ và tấp nập, bất kể nắng mưa, gánh chè của bà Thôi vẫn ở đó. Mặc kệ tuyến phố ấy đã bao lần thay da đổi thịt, tuổi tác ngày càng già đi nhưng hương vị ngọt ngào của những ly chè đủ loại đậu một thời là món khoái khẩu của nhiều người qua bao nhiêu năm vẫn không thay đổi…

 

Theo Hà Nam/ Trí Thức Trẻ


Nguồn: yeudanang.org

File đính kèm Bạn phải đăng nhập mới thấy link download


NGUYỄN THANH THANH
Smod "Sinh Viên 360"


Fb: facebook.com/Thanhvalent   Mail: valentdn@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024