Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/01/2017 14:01 # 1
thuynganhb
Cấp độ: 2 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 5/20 (25%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 22/07/2016
Bài gởi: 15
Được cảm ơn: 1
7 nguy cơ về sức khỏe sinh viên


Bắt đầu cuộc sống sinh viên, không nhiều bạn biết tự chăm lo cho sức khỏe. Những hậu quả thể chất sau thời sinh viên thường bị đổ lỗi: “Do thời đại học sống cơ cực!”. Thực ra, cuộc sống vất vả chẳng hoàn toàn là nguyên nhân. Vấn đề nằm ở chính những người trẻ: Hoặc thiếu hiểu biết, hoặc quá chủ quan.

Giấc ngủ là vàng
Trên Facebook hiện nay, xuất hiện những Hội Thức đêm ngủ ngày, Hội Cú đêm… Thức khuya đôi khi được xem như mốt. Nhiều bạn xem việc thức đến 1h – 2h sáng thậm chí, 3h – 4h sáng là chuyện bình thường. Nguyên nhân thức khuya thì muôn hình vạn trạng: Phòng có sinh nhật, buồn, vui, cày games, “bạn cùng phòng thức khuya ồn ào – không cho tôi ngủ”…
Bước vào môi trường mới, việc thức đêm ngủ ngày như là một biểu hiện thú vị của sự tự do. Nhưng lâu dần, nhịp sinh học thay đổi, việc ngủ sớm dậy sớm trở lại là một điều khá gian nan.
BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, sinh viên thường phí sức vì ngủ quá khuya và dậy quá trễ. Có bạn cho rằng, miễn ngủ đủ 8 tiếng là được. Bác sĩ cho biết, nhịp sinh học tốt nhất của con người là từ 10h tối đến 6h sáng hôm sau (khoảng 8 tiếng/ngày). Từ 12h – 1h khuya, cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu nhất, sẽ tái tạo năng lượng hiệu quả, an thần, cơ thể sẽ tự tái tạo và đào thải các tế bào chết nên da sẽ đẹp hơn… Ngủ đúng và đủ là cách chúng ta “sạc lại pin” cho cơ thể, giúp tràn trề sinh lực cho một ngày mới. Việc ngủ trễ gây nên tình trạng thiếu ngủ triền miên, cơ thể suy nhược, stress.
Còn giấc ngủ trưa? BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết, nó cũng rất quan trọng, chỉ cần chợp mắt khoảng 20 – 30 phút cũng đủ giúp ta phấn chấn cho công việc buổi chiều.

“Tung tăng” và “liều lĩnh”
Độ tuổi 18 – 24 là lúc năng lượng rất dồi dào. Các bạn thường có một số hoạt động khá lãng mạn, có vẻ thú vị nhưng cũng rất “điên rồ” đối với sức khỏe.
Chẳng hạn, các bạn nam rủ nhau đá bóng sân cỏ nhân tạo vào sau 12h khuya. Hay nhóm bạn đi “phượt” xa không nghỉ, ham tung tăng nên không lường trước những nguy hiểm trên đường như vực sâu, đường xấu, thời tiết thay đổi. Điển hình nhất là chuyện nhóm 4 bạn trẻ vượt biển đêm từ Sóc Trăng ra Côn Đảo trong đêm biển động cấp 6 – cấp 7, trong khi chỉ có duy nhất một “phượt thủ” biết bơi. Nhóm này đã lênh đênh 16 giờ liền, không ăn uống, vượt những con sóng cao để đến Côn Đảo. Câu chuyện này làm cho mọi người giật thót về mức độ liều lĩnh, coi thường tính mạng của người trẻ. Gần đây, chuyện một sinh viên Mỹ thuật mất tích vì tự ý tách đoàn trong khi leo Fansipan cũng là bài học đắt giá.

Tập tành bia rượu
Phần lớn các bạn nam sinh viên khi mới đặt chân vào giảng đường đều chưa biết đến bia rượu. Nhưng khi đã dần quen với môi trường sống chung, thói quen “nói chuyện bằng rượu bia” bắt đầu hình thành. Không chỉ có sinh viên nam, cả sinh viên nữ cũng có thể trở thành “bợm nhậu”.
Hậu quả của những buổi nhậu ai cũng thấy: Mệt mỏi không thể đi học, tai nạn giao thông rình rập, xích mích gây hậu quả xấu… Quá nhiều “tấm gương” vì mê nhậu mà ước mơ giảng đường gãy gánh. Chắc hẳn, một khi đã thấy gương xấu, bạn hãy tránh xa những nguy cơ có thể khiến mình trở thành như thế!

Bệnh từ ẩm thực
An toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn dành cho sinh viên đang là vấn đề đau đầu của cả xã hội. Sinh viên cần tự biết bảo vệ mình trước các bệnh có thể lây lan theo đường ăn uống kém vệ sinh như viêm gan, lao phổi, tiêu chảy… Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, tốt nhất là các bạn nên tự nấu nướng. Bác sĩ Hồng Ngọc nhấn mạnh: “Về căn bản, ăn chín, uống sôi loại trừ được phần lớn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nếu các bạn không có điều kiện nấu, hãy chọn cho mình một quán ăn đáng tin cậy (chủ quán là người có tâm, thật thà, vệ sinh quán, dụng cụ ăn uống được rửa sạch)”.
Hiện nay, nhiều bạn có thói quen “ăn uống theo trào lưu” mà quên tìm hiểu thứ mình tiếp nhận vào cơ thể. Chẳng hạn, khi trà chanh hay chè khúc bạch bị phát hiện chế biến từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nhiều sinh viên lên Facebook chia sẻ lo lắng vì đã lỡ ăn uống quá nhiều các món này. Giờ biết sự thật cũng không biết kêu ai.

Bệnh thời tiết và ô nhiễm
Ở miền Nam, chỉ có 2 mùa mưa và nắng nên các bạn học tập ở đây dễ chủ quan, hay bị cảm cúm, nhức đầu. Các bạn ở những vùng có khí hậu thay đổi nhiều như các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc thường phải chuẩn bị chu đáo hơn cho sự thay đổi thời tiết các mùa. Thậm chí, ở một số nơi như Đà Lạt, sinh viên luôn phải biết cách đối phó với khí hậu có thể thay đổi như 4 mùa, chỉ trong một ngày.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, ô nhiễm không khí trên đường phố cũng là nguy cơ dẫn tới các bệnh hô hấp, bệnh về mắt. Nhớ luôn chuẩn bị khẩu trang, kính bảo vệ mắt trước khi ra đường!

Chớ coi thường stress
Đối mặt với những áp lực khó khăn, sinh viên nên tìm nơi chia sẻ như gia đình, bạn bè thân thiết, giãi bày hết những điều khó nói trong lòng. Có một nơi nương tựa tinh thần lành mạnh là cách để các bạn vượt qua stress một cách hiệu quả.
Nếu stress diễn ra một thời gian dài, các bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị cụ thể. Sinh viên thường chưa (chịu) xem rối loạn, căng thẳng tâm lý – stress là một biểu hiện bệnh lý nên thường chủ quan. Điều này có thể dẫn đến những hành động tiêu cực, hậu quả nguy hiểm.

Bẫy tình dục
Sinh viên đang trong độ tuổi sung mãn nên vấn đề sinh lý cũng là vấn đề được các bạn quan tâm hàng đầu. Không ít sinh viên vì tò mò đã vướng vào “bẫy tình dục”, có thái độ dễ dãi, buông thả, chấp nhận “sống thử” trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản còn mơ màng. Không ít trường hợp sinh viên nữ phải đi “điều hòa” dù biết rằng, phá thai có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản.
Các tụ điểm mại dâm, dịch vụ tình dục trá hình như gội đầu, massage xuất hiện gần các khu trọ, ký túc xá, làng đại học cũng là một nỗi lo. Không ít bạn “ôm hận” sau phút cao hứng tò mò nếm “trái cấm” đã nhiễm phải những bệnh nguy hiểm lây qua đường sinh dục, kể cả AIDS.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024