Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/07/2016 20:07 # 1
buribaby
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 51/70 (73%)
Kĩ năng: 10/30 (33%)
Ngày gia nhập: 20/04/2016
Bài gởi: 261
Được cảm ơn: 40
Thông tin cơ bản về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh


Hiện nayHIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc trên toàn thế giới. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển trên mọi lĩnh vực trong đời sống văn hóa, xã hôi của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Đáng lo ngại hơn, HIV/AIDS ngày càng luồn lách, lan tràn ở khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi.

Theo số liệu thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ y tế, tính đến ngày 17/4/2013 trên cả nước có 210.612 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 54.361 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 54.485 người tử vong. Và theo dự báo, nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu, thì đến năm 2020, số người lây nhiễm HIV/AIDS có thể lên đến 700.000 người và cứ mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, lại có thêm 100 người phải sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS. Vì vậy biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS.

I. HIV/AIDS là gì?

HIV là một chữ viết tắt của  loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người.

AIDS là chữ viết tắt của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư...

II. Triệu chứng

Có  04 giai đoạn nhiễm HIV:

1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ): thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.

3. Giai đoạn cận AIDS: Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.

4. Giai đoạn AIDS: có các triệu chứng sau:

- Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể ).

- Sốt , ỉa chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.

- Xuất hiện nhiều bệnh như: ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân…

- Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị.

III. Các con đường lây truyền HIV/AIDS

1. Tình dục

Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.

2. Đường máu

HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm  HIV đều làm cho bạn bị lây nhiễm HIV.

Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.

3. Từ mẹ sang con

Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi  mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.

IV. Cách phòng tránh

Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục:

- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.

- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu:

- Không tiêm chích ma túy.

- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:

- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

IV. Một số câu hỏi thường gặp về HIV/AIDS

Câu 1: Ai là người dễ bị nhiễm HIV nhất?

Tất cả mọi người đều có thể bị lây. Nhưng dễ lây nhất là:

- Những người có quan hệ tình dục bừa bãi.

- Những người hành nghề mãi dâm không có cách tự bảo vệ.

- Những người đồng tình luyến ái.

- Những người tiêm chích ma túy

- Những ngừơi bị truyền máu đã nhiễm HIV

- Vợ, chồng, con hay tình nhân của những đối tượng trên.

Câu 2: HIV không lây trong trường hợp nào?

HIV không thể lây truyền qua những tiếp xúc thường ngày như: Bắt tay, ngồi cạnh nhau, nói chuyện, ôm hôn xã giao, ở chung nhà, làm việc chung phòng, học chung lớp, ăn uống chung, dùng chung điện thoại... Muỗi, rệp chích cũng không lây HIV.

Câu 3: Nhìn bề ngoài có thể biết ai đã bị nhiễm HIV không?

Không. Vì người bị nhiễm HIV ở giai đoạn đầu chưa có dấu hiệu gì nên nếu chỉ nhìn bề ngoài không thể biết được, thậm chí ngay cả người bệnh cũng không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Do đó vô tình lây lan cho người khác.

Vậy làm thế nào để phát hiện người nhiễm HIV?

Chỉ có xét nghiệm máu để phát hiện. Tuy nhiên, trong lúc mới bị nhiễm 1-3 tháng đầu, xét nghiệm chưa có thể phát hiện được gọi là khoảng thời gian "cửa sổ". Do đó, nếu nghi ngờ bị nhiễm HIV mà kết quả "âm tính" thì 3 tháng sau nên làm xét nghiệm lần nữa.

Câu 4Khi một người bị nhiễm HIV gọt hoa quả và cắt vào tay gây chảy máu, bạn sẽ xử lý như thế nào?

- Trước hết phải cầm máu, không để máu vương ra ngoài, bằng cách đưa cho bạn bông, gạc, trong trường hợp không có bông, gạc thì có thể dùng khăn mùi xoa hoặc miếng vải sạch… đặt lên vết thương và giữ thật chặt;

- Đeo găng tay cao su, nếu không có găng thì cho tay vào túi ni lông (để tránh dính máu của người nhiễm), sau đó:

+ Tiến hành lau rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng, cồn, nước muối…

+ Băng vết thương bằng băng/gạc sạch.

- Sau khi làm xong cần rửa tay trước khi tháo găng (hoặc túi ni lông) rồi tiếp tục rửa tay nhiều lần bằng xà phòng và nước sạch.

- Nếu có máu vương ra các nơi khác trong nhà, mặt bàn thì bạn phải:

+ Lau máu và các chất dính máu trên bằng giấy vệ sinh, giẻ rách,.. hay mùn cưa, lau càng sạch càng tốt, sau đó bỏ ngay chúng vào túi nylon và buộc chặt lại trước khi cho vào thùng rác.

+ Đối với bề mặt cứng (sàn nhà, bàn ghế…) thì tiếp tục lau rửa bằng nước xà phòng, hoặc các dụng dịch khử trùng khác như nước Javel, cloramin…

+ Đối với các bề mặt mềm (thảm chùi chân, chăn..,) ngâm vào dung dịch khử trùng trong 30 phút, sau đó giặt lại bằng xà phòng với nước sạch, sau đó phơi khô.

+ Luôn mang găng tay cao su khi làm các động tác trên, và rửa sạch găng tay với nước và xà phòng trước khi tháo găng, và ngâm găng đó vào dung dịch sát trùng 30 phút, rửa lại găng bằng nước sạch và phơi khô trong chỗ râm mát sau mỗi lần sử dụng để có thể dùng lại vào lần sau (nếu găng chưa rách).

Câu 5: Một người nói với bạn “Không nên chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị ốm tại nhà” Theo bạn quan niệm đó đúng hay sai? Tại sao?

Sai, vì:

- HIV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung,.. do đó khi người nhiễm HIV bị ốm vẫn có thể chăm sóc tại nhà mà không sợ lây cho người khác nếu chăm sóc theo đúng hướng dẫn chuyên môn y tế.

- HIV chỉ lây truyền khi khu vực da, niêm mạc bị tổn thương có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục của người nhiễm HIV;

- Nếu tay, chân người nhiễm bị xây xát, khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nên đi găng tay để phòng lây nhiễm HIV.

- Chăm sóc người bệnh là một trong những nhiệm vụ chức năng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam.

Câu 6: Nhận thức sai và đúng về HIV/AIDS?

 

Nhận thức sai

Nhận thức đúng

Chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc mại dâm mới có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

Số phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS từ chồng và trẻ em nhiễm HIV từ mẹ đang ngày càng gia tăng.

Có người nhiễm HIV do tai nạn nghệ nghiệp (cán bộ y tế, cán bộ xã hội, công an…)

HIV/AIDS là tệ nạn xã hội

HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm như nhiều bệnh khác chứ không phải là tệ nạn xã hội

Người nhiễm HIV/AIDS là một bệnh nhân.

HIV/AIDS là bệnh dễ lây.

Nhiễm HIV là mất hết hy vọng

HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường, không lây qua ăn uống hay làm việc chung.

Người nhiễm HIV có thể sống và làm việc trong nhiều năm nếu có nghị lực, biết giữ gìn sức khỏe, dinh dưỡng phù hợp và có sự giúp đỡ động viên của người thân và cộng đồng

Hiện đã có thuốc giúp người nhiễm HIV/AIDS kéo dài cuộc sống.

 Nguồn: congdoan.hnue.edu.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024