Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/06/2014 14:06 # 1
dieuhiendn91
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 49/60 (82%)
Kĩ năng: 14/40 (35%)
Ngày gia nhập: 21/03/2014
Bài gởi: 199
Được cảm ơn: 74
THỰC TIỄN VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG DỰNG NƯỚC ĐI ĐÔI VỚI GIỮ NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH Ở NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY


THỰC TIỄN VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG DỰNG NƯỚC ĐI ĐÔI VỚI GIỮ NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH Ở NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

                                           ThS. Đinh Thị Kim Ngân*

TÓM TẮT

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước được Đảng cộng sản Việt Nam quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong quá trình cách mạng Việt Nam. Trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, việc vận dụng tư tưởng của Người có những phương thức, yêu cầu, nội dung khác nhau. Trong xu thế toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Người vẫn là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta. Việc vận dụng, phát triển tư tưởng  dựng nước đi đôi với giữ nước của Nguời trong giai đoạn hiện nay vẫn là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

NỘI DUNG

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước là sự kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng, tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng ấy biểu hiện qua sự kết hợp giữa những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin với đặc thù và truyền thống dân tộc Việt Nam, là sự thể hiện trí tuệ thiên tài của Người. Thực tiễn vận dụng  tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh ở nước ta trong giai đoạn hiện nay được thể hiện qua các nội dung  sau:

1.      Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là trung thành với con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn; thể hiện sâu sắc tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh; là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho dân tộc Việt Nam tiến bước đi lên ở thế kỷ XXI. Trong giai đoạn hiện nay, trên con đường hội nhập với thế giới Việt Nam không thể tách rời con đường xã hội chủ nghĩa; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ giang sơn gấm vóc còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

            Tư tưởng của Người đã được áp dụng vào thực tiễn  công cuộc xây dựng  chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bài học đầu tiên và cơ bản nhất của quá trình đổi mới đất nước được Đảng ta tổng kết là “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh[1]. Tình hình thế giới “hậu Xô Viết” đặt ra hàng loạt vấn đề mới mẻ và hết sức phức tạp. Đó là những vấn đề chủ nghĩa xã hội và triển trọng phát triển của nó; vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế; vấn đề phong trào cách mạng thế giới và xu hướng phát triển của phong trào; vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại; vấn đề chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh toàn cầu; những vấn đề toàn cầu đặt ra như: vũ khí hủy diệt hàng loạt, môi trường, dân số, tội phạm quốc tế…Trong bối cảnh ấy, có nhiều luận điểm phi mác xít, đòi thay thế và hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lê nin. Đối với Việt Nam, chúng ta không quên câu nói của Hồ Chí Minh khi người đang trên chuyến hành trình tìm đường cứu nước “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin”[2].

 Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước Đảng ta đã kiên định và thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự thể hiện tổng quát nhất, bao trùm nhất tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh, đồng thời là sự phản ánh sâu sắc tính chính trị - giai cấp trong tư tưởng của Người. Dựng nước đi đôi với giữ nước là để cứu nước, cứu dân; là để xây dựng đất nước phồn vinh, giang sơn vững bền, trong đó mọi nguời dân đều được tự do, ấm no, hạnh phúc. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, Đảng ta đã đẩy mạnh sự nghiệp công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội IX của Đảng đã xác định. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện ra bằng những hành động thực tiễn của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

2. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng tạo quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới. Hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau, không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước phải đối phó với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đảng ta đã chỉ rõ, bảo vệ không chỉ là phòng ngừa mà trước hết phải chăm lo xây dựng đất nước mạnh lên, khắc phục được nguy cơ tụt hậu về kinh tế cũng là biện pháp bảo vệ, là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ. Vận dụng sáng tạo tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tập trung phát triển kinh tế, đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp quốc phòng.

 Là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Việt Nam phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông và phía nam giáp biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do có địa thế quan trọng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều tác động  phức tạp của tình hình an ninh – chính trị trên thế giới.

Với phuơng châm phát triển kinh tế là trọng tâm, quốc phòng, an ninh cũng được  Đảng ta hết sức chú trọng. Quốc phòng – an ninh đảm bảo tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, tạo môi trường hòa bình cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không  thể nhận thức đơn giản rằng, các đơn vị và tổ chức kinh tế chỉ làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế còn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là của riêng lực lượng vũ trang. Cũng không thể cho rằng, hoạt động của lực lượng vũ trang chỉ thuần túy là hoạt động quân sự mà không thấy rằng phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội còn là để bảo vệ tổ quốc và lực lượng vũ trang cũng cần phải tham gia vào sự phát triển kinh tế xã hội. Sự gắn bó giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải vừa đảm bảo cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, vừa giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  Đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhà nước ta không ngừng đầu tư vốn,  khoa học kỹ thuật, nhân lực cho nền kinh tế nước nhà. Trong khi đó sức mạnh quốc phòng cũng được chú trọng khi nhà nước ta không ngừng tăng cường ngân sách cho quốc phòng.

3. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là sự phản ánh mối quan hệ giữa xây dựng đất nước với bảo vệ đất nước của tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế quốc tế hiện nay.

 Tư tưởng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dựa vào sức mình là chính”, “tự lực cánh sinh” của Hồ Chí Minh là tư tưởng cơ bản chỉ đạo và tạo ra động lực to lớn chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh và giành  được thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong chiến tranh, bạn bè quốc tế đã giúp đỡ ta rất nhiều nhưng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xác định tư tưởng cơ bản xuyên suốt mọi cuộc kháng chiến là “Nâng cao tư tưởng trường kỳ kháng chiến, tự lực cánhsinh[3]. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tư tưởng này một lần nữa được Đảng ta nhấn mạnh và vận dụng sáng tạo tại đại hội IX “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường[4].  Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã tham gia các cơ chế hợp tác khu vực (ASEAN), liên khu vực (ASEM, APEC), và toàn cầu (WTO). Đến nay, chúng ta đã thiết lập được quan hệ kinh tế- thương mại với trên 170 quốc gia và  nền kinh tế, đã ký nhiều  hiệp định kinh tế thương mại song phương, đa phương, với các nước phát triển. Chúng ta đã biết tận dụng những thuận lợi và cơ hội do quá trình hội nhập đem lại để xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng nguyên tắc và điều kiện căn bản của sự tham gia hợp tác kinh tế quốc tế là phải giữ được độc lập tự chủ và trên cơ sở độc lập tự chủ. Từ bỏ những nguyên tắc đó, chúng ta sẽ mất dần độc lập, tự do. Độc lập tự chủ chính là tư tưởng, quan điểm đúng nhất, là điều kiện để có thể tranh thủ được những yếu tố của bên ngoài phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Độc lập tự chủ không những khơi dậy và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng của đất nước, nội lực của quốc gia cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn là lời giải bài toán hội nhập với thế giới hiện nay. Vận dụng tư tưởng của Người, Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn liền với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  Nhằm thực hiện những mục tiêu đó, trong những năm qua, Đảng ta đã chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý kinh tế và làm kinh tế đối ngoại bằng các biện pháp như tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, gửi cán bộ ra nước ngoài  để học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh tế, tăng cường hợp tác và  khuyến khích đầu tư nước ngoài. Việt Nam trong năm 2009 đã liên tục tăng trưởng GDP dương. Các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ năm 2009 vẫn tiếp tục được triển khai vào năm  2010 và những năm tới. Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm khi đã vượt qua hai cơn bão lớn: lạm phát cao 2008 và suy giảm kinh tế 2009. Các nguồn vốn FDI và ODA tiếp tục đổ vào Việt Nam, bên cạnh những nguồn vốn trong nước. Lợi thế này đã góp phần tạo ra một sức mạnh tổng thể về vốn nội lực và ngoại lực, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.  Ngoài ra, Đảng ta đã sửa đổi và bổ sung một số vấn đề trong hệ thống luật kinh tế nhằm phù hợp và thích ứng được những yêu cầu của thông lệ quốc tế.

4. Mở rộng quan hệ quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Có thể nói rằng, đối với nước ta chưa lúc nào vấn đề mở rộng quan hệ và giao lưu quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt; đồng thời vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được đặt ra một cách cấp bách như hiện nay. Mở rộng giao lưu quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế là một đòi hỏi khách quan. Toàn cầu hóa thúc đẩy mạnh mẽ sự giao lưu của các quốc gia – dân tộc, tăng cường mối liên hệ giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong điều kiện đó, nhiều nước đua nhau mở cửa với bên ngoài bằng các chiến lược khác nhau, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ cùng với mạng thong tin toàn cầu, thế giới trở thành một “ngôi làng” nhỏ bé. Sự ảnh hưởng của quá trình này không chỉ ở phương diện kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến chính trị - văn hóa của mỗi quốc gia.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách “chủ động” hay để nền văn hóa dân tộc bị các nền văn hóa ngoại lai “xâm lăng” đang là vấn đề lớn đặt ra đối với chiến lược văn hóa của mỗi quốc gia. Văn hóa không chỉ đơn thuần là văn hóa mà nó là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là sự biểu hiện một nội dung cụ thể của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mở rộng quan hệ quốc tế không chỉ nhằm mục đích vì sự phát triển của đất nước mà còn là góp sức mình đối với cộng đồng thế giới để cùng nhau phấn đấu thực hiện các mục tiêu của thời đại “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” như Đảng ta đã chỉ ra tại Đại hội IX. Tuy nhiên, để công cuộc hội nhập của ta “đổi mới” chứ không “đổi màu”, “hòa nhập” chứ không “hòa tan” và hơn nữa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng ta khẳng định “ Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5]

Hội nhập với thế giới là để đón nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần sáng tạo của mình vào nền văn minh đó; đồng thời để đưa đất nước đi lên, dân tộc Việt Nam biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa chứ không phải du nhập bằng bất cứ giá nào văn hóa phương Tây. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam không phải chỉ lo giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc mà “đóng cửa cài then” không dám hội nhập. Mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế cũng chính là làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều tuần lễ văn hóa, nhằm giao lưu văn hóa Việt Nam với những nền văn hóa trên thế giới như tuần văn hóa Nhật Bản, tuần văn hóa các nước nói tiếng Pháp tại Cuba vào ngày 19/3/2011. Đặc biệt là nước ta đã tổ chức thành công đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội  nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn của dân tộc ta. Đảng và nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương nhằm khôi phục lễ hội, tôn tạo đình chùa, miếu mạo, những di tích văn hóa lịch sử và cách mạng, suy tôn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, đề cao văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ…Đây là những việc làm thiết thực để tạo ra rào chắn nhằm chống lại sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai.

Tư tưởng dựng nước đi đôi với ãnước của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản tư tưởng của Người. Những nội dung tư tưởng của người đan xen, hòa quyện và quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau, không thể tách rời, tạo nên một chỉnh thể thống nhất hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh.  Trong thời đại ngày nay, hầu hết các dân tộc đều giành được độc lập, song để bảo vệ độc lập dân tộc không phải là một việc dễ dàng. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động vẫn theo đuổi chính sách áp bức, nô dịch, ngăn cản con đường phát triển của các nước phát triển và đang phát triển. Vì vậy, các quốc gia dân tộc có thể tìm được phần nào câu trả lời về con đường xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước của dân tộc mình trong tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh. Đối với nước ta, tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước với những nội dung: kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế; mở rộng quan hệ quốc tế với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là những nội dung cơ bản thể hiện sâu sắc thực tiễn vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước trong giai đoạn hiện nay.

Đinh Thị Kim Ngân

Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

Email. thuonghoai_ngannam261@yahoo.com

ĐT.0935.396.507

 

 

 

 

 



* Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

[1]  Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2001,tr.81

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2,Nxb Chính trị quốc gia, H, !995, tr.268

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 137

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội  đại biểu toàn quốc lần thứ IX,, sđd, tr.120

[5]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội  đại biểu toàn quốc lần thứ IX,, sđd, tr.114

 
 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024