Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/04/2014 22:04 # 1
QuinNguyen
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 41/70 (59%)
Kĩ năng: 27/40 (68%)
Ngày gia nhập: 25/08/2013
Bài gởi: 251
Được cảm ơn: 87
Phân tích rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng


Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong các vấn đề rủi ro, dường như rủi ro đạo đức đang là nguy cơ ngày càng lớn đối với ngân hàng

Rủi ro đạo đức là một thuật ngữ kinh tế học và tài chính được sử dụng để chỉ một loại rủi ro phát sinh khi đạo đức của chủ thể kinh tế bị suy thoái. Rủi ro đạo đức là một kiểu thất bại thị trường nảy sinh trong môi trường thông tin phi đối xứng.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo nhà kinh tế học Paul Krugman, rủi ro đạo đức được hiểu là “trường hợp khi một bên đưa ra các quyết định liên quan tới mức độ chấp nhận rủi ro, trong khi bên kia phải chịu tổn thất nếu các quyết định đó thất bại” (Paul, 2009).

Rủi ro đạo đức nảy sinh khi bên có ưu thế thông tin hiểu được tình thế thông tin phi đối xứng giữa các bên giao dịch và tự nhiên hình thành động cơ hành động theo hướng làm lợi cho bản thân bất kể hành động đó có thể làm hại cho bên kém ưu thế thông tin. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, rủi ro đạo đức nảy sinh từ chính hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Hậu quả của rủi ro đạo đức do hai chủ thể này gây nên lại do người gửi tiền vào ngân hàng và chính ngân hàng đó gánh chịu.

Khi nhắc tới rủi ro đạo đức trong nghành ngân hàng, tín dụng là bộ phận hay được nhắc tới nhất. Đây là những cán bộ trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng. Điều này có thể chứng minh khi những thông tin khởi tố các cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng các ngân hàng liên tục trên các mặt báo vì những hành vi sai phạm của mình. Các hành vi phổ biến như thiếu trách nhiệm trong thẩm định, cấu kết với khách hàng, ăn chia hoa hồng trên số tiền vay được, liên kết với nhau để vay mượn lòng vòng, thậm chí là vay ké của khách hàng…

 

Theo báo Vnexpress.net, năm 2011 có tới 48/63 tỉnh, thành đã xảy ra các vụ án liên quan đến tín dụng, bao gồm cả tín dụng đen và hoạt động ngân hàng với sai phạm lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Sang năm 2012, nhiều vụ vi phạm liên quan đến rủi ro đạo đức trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục bị phát hiện. Tháng 4/2012, Trưởng Bộ phận Quan hệ khách hàng thuộc ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Cần Thơ bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền là 8 tỷ đồng. Cùng thời điểm trên, Giám đốc Phòng giao dịch và chuyên viên quan hệ doanh nghiệp của một chi nhánh ngân hàng Techcombank tại TPHCM nhận mức án 7 năm tù về tội nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.Trên lý thuyết, rủi ro đạo đức gồm rủi ro đạo đức của nhân viên và cả rủi ro đạo đức của khách hàng. Không loại trừ có những khách hàng xấu cố tình lừa đảo, làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng. Những vụ lừa đảo rất nghiêm trọng như Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ. Rõ ràng, trong nhiều vụ lừa đảo, đồng thời khởi tố bị can đối với kẻ lừa đảo là khởi tố đối với các nhân viên ngân hàng.

Đây chính là dấu hiệu cấu kết, liên minh là có, rủi ro đạo đức của khách hàng và của nhân viên là đi liền với nhau.

Tuy nhiên, các rủi ro đạo đức không chỉ xảy ra với cán bộ tín dụng mà có thể ở các bộ phận nghiệp vụ khác của ngân hàng, thậm chí là giao dịch viên, thủ quỹ. Các hình thức quen thuộc vẫn là lập khống, tất toán khống sổ tích kiệm của khách, cạo sửa sổ tiết kiệm, cầm cố khống các giấy tờ giả.

Chính vì thế, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh: “Ngân hàng là ngành nghề kinh doanh gắn chặt với tiền, rất nhiều tiền nên bị các vấn đề đạo đức bủa vây là hiển nhiên. Mấu chốt của vấn đề là kiểm soát, kiềm chế thế nào các vấn đề này thôi. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ nhất là khi các ngân hàng Việt Nam còn yếu kém về kiểm soát, chủ quan và dễ dãi trong quản lý”.

Mấu chốt là vấn đề con người

Ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực yếu kém không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, mà còn tiềm ẩn rủi ro đạo đức rất lớn. Hơn bao giờ hết, ngành Ngân hàng phải giáo dục đạo đức nghề nghiệp và coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu. Đạo đức phải được coi như một tiêu chí tiên quyết trong công tác tuyển chọn. Các ngân hàng phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiết lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt về những hành vi trong công tác huy động vốn và cho vay.

Rủi ro đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, vấn đề là phải làm sao để quản trị tốt, giảm thiểu những rủi ro này. Đây cũng là một câu hỏi lớn dành cho các ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc sắp tới, cũng nhưng quá trình vận hành ngân hàng sau tái cấu trúc sau này.

Tài liệu tham khảo:

http://www.sbv.gov.vn

Peter Rose, Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Tài Chính, năm 2004

TS Nguyễn Minh Kiều, Giáo trình Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản thống kê 2006.



The more you learn, the more you realize how little you know

Nguyễn Thị Hương Quỳnh (Quin Nguyen)

Email: huongquynh93nthq@gmail.com/nthquynh93@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024