Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/03/2014 20:03 # 1
sat_thu_nikita
Cấp độ: 9 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 88/90 (98%)
Kĩ năng: 29/50 (58%)
Ngày gia nhập: 27/09/2011
Bài gởi: 448
Được cảm ơn: 129
Một số vấn đề nổi bật của xã hội thời Trần và tác động của nó đến Thiền học


Một số vấn đề nổi bật của xã hội thời Trần và tác động của nó đến Thiền học

1. Buổi đầu lập quốc và nhu cầu xác lập hệ tư tưởng

      Nhà Trần sau khi giành được thiên hạ, bên cạnh những hành động tức thời nhằm củng cố và khẳng định quyền thống trị (tiêu diệt tận gốc nhà Lý, chỉnh đốn thể chế phân phong, thực hiện chế độ nội hôn, tổ chức hội thề Đồng Cổ…) dường như đã ý thức rất rõ ràng nhu cầu xác lập một hệ tư tưởng của triều đại. Sự kiện Trần Thái Tông nửa đêm bỏ lên núi Yên Tử gặp Phù Vân quốc sư được ghi trong chính sử một mặt được coi là hệ quả của những toan tính đảm bảo vương quyền, nhưng mặt khác lại cho thấy ý đồ của nhà vua trong việc lựa chọn một ý thức hệ cho quốc gia dân tộc. Ý đồ này về sau được thể hiện trực tiếp hơn trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam: “Trẫm thiết vị: Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu; tính hữu trí ngu, đồng tư giác ngộ. Thị dĩ dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kinh giả, ngã Phật chi giáo dã; Nhậm thùy thế chi quyền hành, tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chi trọng trách dã. Cố Lục Tổ hữu ngôn vân: “Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt”; tắc tri ngã phật chi giáo, hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dã. Kim trẫm yên khả bất dĩ tiên thánh chi nhiệm vi kỉ chi nhiệm, ngã Phật chi giáo, vi kỉ chi giáo tai”[1] (Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lại, ấy là trách nhiệm của tiên thánh.Cho nên Lục tổ có nói: “Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ Tiên thánh mà truyền lại cho đời; thế thì nay trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình ư!). Chuyến lên núi sau đó của Trần Nhân Tông và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm thực chất chỉ là hiện thực hóa những xác quyết đã được đưa ra từ Trần Thái Tông. Cũng giống như nhà Lý, việc xác lập một hệ tư tưởng của nhà Trần trong buổi đầu lập quốc nhằm thực hiện bốn mục đích chính:

- Thống nhất về mặt tư tưởng, củng cố và khẳng định quyền thống trị của nhà nước chuyên chế. Kéo thần quyền lại gần vương quyền, theo hướng nhất thể để tăng sức mạnh cho vương quyền.

- Xác định sự độc lập về tư tưởng của một chính thể nhà nước, của một quốc gia độc lập

- Làm nền tảng cho việc xác định và giải quyết các mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, đồng thời giải quyết các vấn đề trong xã hội như cố kết nhân tâm, xây dựng đoàn kết dân tộc. Hoặc dùng Phật giáo để chống bạo loạn, giáo hóa dân, hướng tới bình trị.

- Trong bối cảnh, quốc gia Đại Việt mới giành được độc lập sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, việc xác định hệ tư tưởng có ý nghĩa phân định và khẳng định rõ ràng sự độc lập của vương triều trong tương quan đối trọng với triều đình phương Bắc.

Như vậy, sự tồn tại của một hệ tư tưởng trước hết gắn liền với việc khẳng định độc lập và xây dựng một thiết chế nhà nước. Tại thời điểm đó, Phật giáo đang phát triển cực thịnh ở Việt Nam, do vậy không ngạc nhiên khi nó trở thành trục tâm của ý thức hệ nhà Trần. Các vị vua thời kỳ đầu của triều đại cũng giống như các vị vua thời Lý, đều là những người sùng bái Phật pháp. Có người thậm trí trở thành giáo chủ của một thiền phái lớn trong lịch sử Phật giáo dân tộc như Trần Nhân Tông. Những lời phê của các sử gia nhà Nho trong chính sử về sự siêu thoát của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông không những không làm giảm “uy tín” mà còn cho thấy “vai trò tư tưởng” của các vị. Nó cho thấy phương thức tư duy về quyền lực rất phổ biến ở phương Đông. Đó là hai quá trình diễn ra song song và thống nhất ở mục đích: quá trình Phật giáo hóa thể chế và thể chế hóa Phật giáo. Khác với phương Tây, nhà nước và nhà thờ mặc dù có sự cố kết, nhưng vẫn có những khoảng độc lập nhất định, thì ở phương Đông, vua chuyên chế cũng đồng thời là vị giáo chủ tôn giáo. Các vị vua phương Đông thường thực hiện vai trò giáo chủ một cách có ý thức nhằm khẳng định tính thiêng liêng, huyền bí và không thể tranh cãi của ngôi vương. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở Trần Nhân Tông. Ông vừa là vị vua thế tục nhưng cũng lại là một vị Phật hoàng. Giấc mơ về đức Biến Chiếu Tôn được ghi trong chính sử thực chất là một sự thần hóa (Phật hóa) vị vua chuyên chế. Nó hợp lý hóa vai trò giáo chủ của Trần Nhân Tông. Trên thực tế cả hai vai trò đều được ứng xử khá linh hoạt. Sự kiện được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành với tư cách là một nhà tu hành, nhưng lại gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân với mục đích chính trị cho thấy rõ nét mẫu hình chính giáo hợp nhất ở đời nhà Trần. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến Phật giáo thời kỳ này. Nhìn từ hướng của Phật giáo, đó là xu hương tự điều chỉnh của Phật giáo (Thiền học) cho phù hợp với yêu cầu của thể chế. Tuy nhiên, Phật giáo lại không phải là một học thuyết chính trị - xã hội. Nghĩa là nó không đưa ra hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước và xác lập các thiết chế xã hội – một nhu cầu bức thiết đối với triều đại mới. Tình hình đó, cho thấy trên thực tế, Phật giáo chỉ giữ vai trò lãnh đạo ở phần “đạo”. Ở các phương diện khác, đặc biệt là việc tổ chức bộ máy chính quyền trung ương, cần phải có những học thuyết khác.

            Trong hệ thống các học thuyết tư tưởng phương Đông, chỉ có Nho gia và Pháp gia là những học thuyết chính trị - xã hội, khả dĩ đáp ứng những yêu cầu nêu trên. Công việc còn lại là lựa chọn Nho gia hay Pháp gia. Tuy nhiên, ở quốc gia Đại Việt, sự lựa chọn không phải là vấn đề quá khó khăn. Các triều đại thời Lý Trần đã có ngay một khuôn mẫu về mặt tổ chức nhà nước của triều đình ở phương Bắc, nơi Nho giáo đang giữ vai trò thống trị, để học hỏi và áp dụng trong thực tiễn. Điều đáng lưu ý là, trong bối cảnh nhà Trần (và cả nhà Lý) , Nho giáo chưa thực sự phát triển. Các nhà nho chưa trở thành một lực lượng trong xã hội. Trong xã hội, những người nắm giữ những kiến thức, kinh điển, thậm chí giữ vai trò truyền dạy chữ Hán và tri thức Nho học lại là các nhà sư trong các trường học nhà chùa. Do đó, triều đình buộc phải sử dụng các thiền sư để làm thay những công việc của các nhà Nho. Cũng có nghĩa là, trên phương diện tư tưởng, Phật giáo (hay Thiền học) thời Trần phải tự điều chỉnh và dung hợp cùng tư tưởng Nho gia nhằm giải quyết những nhu cầu có tính thời sự của đất nước. Đó là một kiểu dung hợp có chính phụ, “dĩ Nho nhập Thích”[2], hay nội Nho ngoại Phật là biểu hiện của hiện tượng dung hợp Tam giáo thời nhà Trần. Tới lượt mình, hiện tượng này sẽ góp phần làm nên diện mạo và tính chất của Thiền học.

            Ngoài Nho giáo, tư tưởng Lão Trang cũng được các nhà tư tưởng thời Trần tiếp nhận và dung hợp với Thiền học trong tương quan Tam giáo. (Trong đời Trần Thái Tông, triều đình đã nhiều lần tổ chức thi tam giáo. Đại Việt sử ký chép: “Đinh Hợi, năm thứ 3 (1927) (Tống, Bảo Khánh năm thứ 3). Thi con các nhà tam giáo (Nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo Đạo giáo Thích giáo”[3]. “ Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo, Ngô Tần (Tần người ở Trà Lộ), Đào Diễn, Hoàng Hoan (đều người Thanh Hóa), Vũ Vị Phủ (người châu Hồng) đỗ ất khoa”[4].Ngay từ trước thời Trần đã có nhiều thiền sư thông Tam giáo.) Điều khác biệt với Nho gia là Lão Trang chỉ ảnh hưởng tới Thiền học trên phương diện tư tưởng mà không mở rộng ra việc xây dựng nhà nước. Nhưng cho dù vậy, vẫn không thể nói rằng sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang là “nhân tố không cần tính đến” như ý kiến của một số nhà nghiên cứu[5]. Bởi những sự tồn tại của những yếu tố Lão Trang trong cội nguồn triết học của Thiền học đời Trần, cùng với các yếu tố của Nho giáo (chủ yếu làtâm tính học) đã góp phần tạo nên tinh thần nhập thế rất đặc trưng của Thiền học giai đoạn này. Quan trọng hơn, những yếu tố đó đem lại một mạch cảm hứng lớn chịu sự ảnh hưởng của Đạo gia trong tư tưởng và trước tác của nhiều nhà thiền học: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ cũng như các thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm.

            Như vậy, xuất phát từ một nhu cầu thực dụng nhằm lựa chọn một hệ tư tưởng cho triều đại mới, các nhà tư tưởng thời Trần trong khi coi Phật giáo là trục tâm cũng đồng thời tích hợp những yếu tố khả dụng trong học thuyết của các học phái khác, tạo nên hiện tượng Tam giáo đồng nguyên khá nổi bật trong lịch sử Đại Việt. Ở một phương diện khác, cách làm đó đã góp phần định tính cho Thiền học đương thời (ở đây là Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử). Hơn nữa, với tư cách là một công cụ của chính quyền trong việc điều hành đất nước và bảo vệ độc lập, bản thân Thiền học cũng có những điều chỉnh nhất định. Chính những nhân tố trên đã tạo nên bối cảnh tư tưởng của Thiền học thời kỳ này.

2. Yêu cầu bảo vệ nền độc lập và tác động đến Thiền học

      Thiền học xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ thứ VI với sự hiện diện của thiền sư Tỳ ni đa lưu chi, và từ đó trở thành dòng chính trong các tông phái Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, Thiền học không phải bao giờ cũng được đặt ra trong tương quan với yêu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Yêu cầu đó chỉ được đặt ra với các Thiền sư từ khi xuất hiện nhà nước Đại Việt, tồn tại song song cùng triều đình phương Bắc. Trước thời điểm trên, khi đất nước đang dưới quyền thống trị của nhà Đường, các Thiền sư thường lựa chọn tu tập ở những nơi hẻo lánh, truy cầu giải thoát cho riêng mình. Do vậy, Thiền học chưa thật sự gây được ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng, và cũng hiếm khi các Thiền sư xuất hiện trên chính trường. Nhưng từ triều Đinh, Tiền Lê, người ta bắt đầu thấy những dấu ấn đậm nét của các Thiền sư trong các quyết sách của nhà nước cũng như trong việc tổ chức nền độc lập của các quốc gia dân tộc. Các Thiền sư thường xuyên được mời vào nơi cửa khuyết giữ vai trò “cố vấn” cho nhà vua trong các sự kiện hệ trọng. Những Thiền sư như Khuông Việt (933 – 1011), Đỗ Pháp Thuận(925 – 990) tham gia vào công việc ngoại giao với triều đình nhà Tống, đón tiếp sứ nhà Tống là Lý Giác. Thiền sư Vạn Hạnh(? - 1025) thậm chí trực tiếp chuẩn bị cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn và có lẽ có góp phần vào việc quyết định rời đô ra Thăng Long sau đó[6]. Hành động của các vị đó không còn thu hẹp ở mục đích truy cầu giải thoát cho riêng mình, mà được quán xuyến bởi ý thức về nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của cả cộng đồng. Xét trên phương diện tư tưởng, mặc dù các thiền sư chỉ hành động trên tinh thần phá chấp (họ chỉ vào triều khi được mời và sau đó trở về chùa)[7], nhưng cũng có những tác động nhất định tới xu hướng nhập thế của Thiền học thời Lý Trần.

      Trong lịch sử Việt Nam, một trong những tiêu chí xác định tính chính thống của một triều đại là chiến thắng trước các thế lực xâm lược phương bắc. Tiêu chí này quan trọng tới mức có thể xóa nhòa các tiêu chí khác. Việc nhà Trần giành ngôi từ tay nhà Lý rõ ràng là một hành động phản nghịch. Do đó, việc tổ chức kháng chiến chống quân Nguyên Mông không chỉ xuất phát từ yêu cầu bảo vệ nền độc lập mà còn là nhu cầu khẳng định tính chính thống của triều đại. Trong bối cảnh đó, Thiền học với vai trò là trục tâm của hệ tư tưởng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thực tế, không chỉ có “quân và dân” nhà Trần tham gia kháng chiến mà có thể có cả các thiền sư. Những lãnh tụ của các cuộc chiến tranh: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cũng đều là những nhà lãnh tụ Thiền học. Vai trò của Trần Nhân Tông trong hai lần chống xâm lược và vai trò lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm cho ta những dấu hiệu chứng tỏ các thiền sư đời Trần có lẽ cũng góp phần tích cực vào các chiến thắng của dân tộc. Trong số họ nhiều người thậm chí đã lập được chiến công. Thượng sĩ hành trạng cho biết Tuệ Trung Thượng sĩ trong “hai lần giặc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình”. Tất nhiên, cũng giống như tình hình ở triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, việc các thiền sư triều Trần tham gia vào công việc thế tục không có nghĩa là Thiền học đời Trần hoàn toàn nhập thế, hoặc vượt ra ngoài những ranh giới của giáo lý Phật pháp. Nhưng trong bối cảnh cần phải bảo vệ độc lập, với vai trò là hệ tư tưởng của một triều đại, có lẽ, thiền học thời kỳ này cũng có những điều chỉnh nhằm đáp ứng những yêu cầu hết sức ngặt nghèo đó. Và như vậy, cũng tạo ra một diện mạo khá đặc trưng cho Thiền học.

      Mặt khác, việc Đại Việt chiến thắng một kẻ xâm lược đã đặt nền thống trị tại hầu hết các quốc gia trên thế giới tạo ra một không khí tự tin hiếm thấy trong lịch sử dân tộc. Không khí ấy được thể hiện một cách trực tiếp và mạnh mẽ trong các trước tác của hầu hết các tác gia văn học thời kỳ này. Đó là khí thế hừng hực của ba quân vươn lên tầm vóc của vũ trụ:

                  Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

                  Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

                  Nam nhi vị liễu công danh trái,

                  Tu tính nhân gian thuyết Vũ hầu.

                              (Ngôn hoài – Phạm Ngũ Lão)

                  (Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non song đã mấy thu,

                  Ba quân như gấu hổ, át cả sao ngưu.

                  Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,

                  Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu)

Là lời thề nguyện bảo vệ nền thái bình của người anh hùng:

                  “Đoạt sóc Chương Dương độ,

                  Cầm hồ Hàm Tử quan.

                  Thái bình tu trí lực,

                  Vạn cổ thử giang san.”

                              (Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải)

                  (Bến Chương Dương cướp giáo giặc,

                  Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ.

                  Buổi thái bình nên dốc toàn sức lực,

                  Thì non sông này muôn đời dài lâu.)

Hay những lời đầy cảm khái, nhưng không thiếu lòng tin vào sự trường tồn của dân tộc của vị minh quân:

                   “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

                  Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

                              (Tức sự - Trần Nhân Tông)

                  (Xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc

                  Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu vàng)

Không khí đó có lẽ cũng được phản ánh ở các Thiền sư. Việc các Thiền sư chủ trương quay trở về với bản Tâm, truy cầu sự giải thoát ở chính tại Tâm mình, coi đó là “gia trung hữu bảo” cũng cho thấy sự tự tin ở bản thân các vị. Mặc dù quan điểm “quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được”[8] đã từng có truyền thống trong Thiền học, và có thể được giải thích bằng Phật tính luậntrong hệ thống tư tưởng thiền Huệ Năng; nhưng rõ ràng để việc “quay trở về đó” tồn tại như một chủ trương, một đường hướng tu tập chủ yếu, thì cần phải có một nền tảng vững chắc về mặt xã hội. Tinh thần tự tin ở bản thân trong từng cá thể của cộng đồng vì thế trở thành bối cảnh của Thiền học đời Trần.

3. Một nền Phật giáo thống nhất

      Trước đời Trần, ở nước ta tồn tại ba Thiền phái là: Ty ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông và thiền phái Thảo Đường. Tới đời Trần, trước nhu cầu thống nhất hệ tư tưởng, cùng với việc lựa chọn Phật giáo làm trục tâm, Thiền học cũng dần đi đến thống nhất để trở thành một thiên phái duy nhất: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thời kỳ này được gọi là thời kỳ “Phật giáo nhất tông, tức là thời đại của một phái Phật giáo duy nhất”[9].

      Xét về nguồn gốc, người có vai trò khởi đầu cho sự tổng hợp của ba tông phái, theo Nguyễn Lang là thiền sư Thường Chiếu (? - 1203) – người cũng có vai trò gạch nối giữa phật giáo thời Lý và Phật giáo thời Trần. Thường Chiếu và các vị đệ tử: Thông Thiền, Thần Nghi, và Hiện Quang cùng các thế hệ cuối cùng của thiền phái Vô Ngôn Thông đều có những đóng góp quan trọng cho thời kỳ Phật giáo nhất tông. Hiện Quang là Thiền sư khai sơn núi Yên Tử đặt nền móng cho Thiền Trúc Lâm và nền Phật giáo đời Trần. Tuy nhiên, những người có ảnh hưởng trực tiếp hơn tới sự ra đời của một Thiền phái duy nhất của thời kỳ này lại chính là Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sĩ. Cả hai vị đều là những nhân vật có những ảnh hưởng quan trọng xét trên phương diện tư tưởng. Tuệ Trung thượng sĩ chính là người thầy có công khai mở cho Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và được Đệ nhất Tổ hết sức coi trọng. Thượng sĩ hành trạng cho biết: “Sau khi nối đạo, những lúc lên đàn thuyết pháp, ta (Trần Nhân Tông – NTS) tự nghĩ có bốn điều ân nặng, sữa pháp khó đền, nên sai thợ vẽ bức chân dung của người (Tuệ Trung thượng sĩ – NTS) để dâng cúng”. Như thế, có thể thấy vị trí của tư tưởng thiền học Tuệ Trung không chỉ với Trần Nhân Tông mà toàn bộ thiền phái Trúc Lâm.

      Tuy vậy, đối với sự tồn tại của nền Phật giáo nhất tông, người có vị trí quan trọng chính là Trần Nhân Tông. Ông không chỉ là một vị lãnh tụ của một dân tộc về mặt chính trị, mà còn một vị lãnh tụ giáo hội (Phật hoàng). Hai chuyến lên Yên Tử của Trần Nhân Tông như đã nói là sự hiện thực hóa chuyến đi của Trần Thái Tông và nhu cầu lựa chọn một hệ tư tưởng. Do đó, việc xây dựng một nền Phật giáo thống nhất ở vị vua Phật không thuần túy là công việc có ý nghĩa tôn giáo mà tích hợp trong đó những mục tiêu chính trị cụ thể. Việc Phật hoàng trực tiếp tổ chức giáo hội, lựa chọn người truyền thừa, xây dựng cơ sở cho Trúc Lâm Yên Tử, thuyết pháp trong dân gian, phá bỏ dâm từ… về phương diện tôn giáo đã tạo ra một Thiền phái lớn mạnh và có sức ảnh hưởng lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc, nhưng mặt khác lại không thể phủ định những mục đích chính trị rõ rệt. Xây dựng một Thiền phái có tính chất giáo hội nhằm vào bốn mục tiêu:

      - Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập dân tộc.

      - Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái khác của Thiền tông

      - Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để ý đồ thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt và đụng đổ xảy ra trong lịch sử của các phái Thiền tông với nhau cũng như giữa các phái Thiền tông với các tín ngưỡng khác, do đó thu hút những tín ngưỡng khác.

- Tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới – tuy rằng thực tế chỉ là một phái, với đầy đủ các yếu tố lừa mị quần chúng.[10]

Nhưng, dẫu cho việc thống nhất các tông phái và sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm dưới triều Trần có những màu sắc chính trị, nhằm khẳng định sự thống nhất về tư tưởng thì đối với sự phát triển của Thiền học, đó vẫn là những sự kiện có ý nghĩa và là những thành tựu hết sức rõ rệt. Đặc điểm đó tạo nền tảng cho một sự phát triển chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng làm nổi bật lên đặc tính của Phật giáo thời Trần.

(Nguồn: khoavanhoc.edu.vn)




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024