“Hãy học hỏi những bông hoa, tự khoe sắc tỏa hương để người ta biết đến mà không cần nói một lời.”

 

“Show, Don’t Tell” là gì?

“Show, Don’t Tell” là một nguyên tắc cốt lõi trong báo chí. Nguyên tắc này đòi hỏi người viết báo khi trình bày một vấn đề phải sử dụng kĩ năng của mình sao cho người đọc thấy “thể hiện” ra được một khung cảnh, một câu chuyện, một nội dung rõ ràng và để người đọc tự đánh giá, tự kết luận chứ không “nói”, không dùng tính từ, lối nói sáo rỗng để mô tả vấn đề.

Khi người viết muốn mô tả một bông hoa đẹp chẳng hạn, thì anh ta không thể nói rằng: “một bông hoa đẹp quá” hay tương tự vì người đọc không thể cảm nhận được cái đẹp của bông hoa đó, không biết nó đẹp như thế nào. Anh ta phải dùng kĩ năng, trình độ viết của mình, mô tả bông hoa đẹp như thế nào, cánh hoa màu gì, nhụy hoa ra sao, có mùi hương gì không… Từ đó, anh ta có thể giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp, hình dáng của bông hoa.

Nguyên tắc “Show, Don’t Tell” không chỉ ứng dụng gói gọn trong khuôn khổ hoạt động báo chí mà trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nó đều đóng vai trò quan trọng. Tuân theo nguyên tắc “Show, Don’t Tell”, người ta sẽ biết rằng mọi lời “chém gió đều không có giá trị, chỉ khi thể hiện bằng hành động, bằng kết quả, bằng sự công nhận của người khác, họ mới khẳng định được giá trị bản thân.

“Show, Don’t Tell” và kĩ năng thời thượng “chém gió”

“Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.” (Tiến sĩ Alan Phan)

So với thế giới, “chém gió” là một thế mạnh nổi bật của giới trẻ Việt Nam. Chỉ cần dạo một vòng trên Facebook, đọc các status và theo dõi những nội dung khác, chúng ta sẽ thấy đủ các thể loại “triết gia”, các bạn trẻ đa phần đều tỏ ra ăn nói giỏi, hiểu biết rộng, lý tưởng lớn, đam mê nhiều. Nếu giá trị của họ nằm ở lời nói, thì chắc chắn Việt Nam đã là cường quốc số 1 thế giới từ lâu. Nhưng có ai biết rằng, những lời nói của họ đều là “chém gió”, nói mà không hiểu, nói không làm, họ tưởng sẽ khẳng định được giá trị bằng lời nói, thế nên đầu tư tất cả vào lời nói, hình thức bề ngoài mà quên những thứ cốt lõi, quên hành động.

“Tự sướng”, “show hàng” trên Facebook là “nghề” của các bạn, chúng ta thỉnh thoảng thấy các bạn ấy chụp hình khi đang đọc một cuốn sách thời thượng nào đó, chụp các bạn ôm đàn ghi-ta, chụp chung với những người nổi tiếng trong các cuộc hội thảo… Thế nhưng, nhiều khi chụp xong những bức hình đó, những cuốn sách tội nghiệp lại bị vứt vào xó, không được đọc lấy một chữ. Các bạn chỉ “quen biết” cây đàn trong lúc chụp hình chứ không hề biết bẻ đôi một nốt nhạc. Trong các cuộc hội thảo đó, họ chỉ chờ kết thúc chương trình để chụp chung với các nhân vật chủ chốt làm “kỉ niệm” chứ không hấp thụ được chút nội dung, ý nghĩa gì, chưa nói đến việc học hỏi lâu dài từ các nhân vật đó.

Các bạn đề ra các mục tiêu “vĩ đại”, say sưa nói về nó, làm sao để càng nhiều người biết càng tốt, thế nhưng việc đưa ra các phương án, kế hoạch thực hiện là một điều xa xỉ. Các bạn đi học các khóa kĩ năng giao tiếp, kĩ năng mềm để tạo ra vẻ ngoài dễ mến, tin cậy, có thể dễ dàng thuyết phục người khác nhưng không hề tập trung đầu tư xây dung cho mình một kĩ năng, kiến thức chuyên sâu để làm việc, để tạo ra giá trị. Các bạn làm như vậy để làm gì? Các bạn lòe thiên hạ được bao lâu?

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao các giáo sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính trên thế giới lại không thể trở thành những tỷ phú, không thể trở thành những người giàu nhất thế giới? Tại vì cái họ biết chỉ là lý thuyết suông, công việc của họ là truyền đạt lý thuyết, kiến thức chứ không thể áp dụng những lý thuyết đó để tạo ra của cải cho chính mình. Đó là câu chuyện của các giáo sư, chuyên gia, vậy những câu “chém gió” của bạn sẽ mang lại giá trị gì, nếu không đi kèm với hành động?

Một họa sĩ, chân giá trị của họ nằm ở các bức tranh họ vẽ. Một nhạc sĩ, chân giá trị của họ nằm ở các bản nhạc, bài hát. Một nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý quốc gia, chân giá trị của họ nằm ở sự lớn mạnh, thịnh vượng và bền vững của các tổ chức họ quản lý. Như vậy, giá trị của con người nằm ở những gì họ làm được, họ đạt được, họ thể hiện ra chứ không nằm ở những lời nói.

Nghĩ tới Steve Jobs, người ta nghĩ tới Apple, tới I-Phone, I-Pad… Nghĩ tới Micheal Jackson, người ta nhớ tới những ca khúc in đậm trong tâm thức hàng triệu người như: Billie Jean, Beat It, Heal The World… Nghĩ tới Mark Zuckenberg, người ta nghĩ tới Facebook. Nghĩ tới Đặng Lê Nguyên Vũ, người ta nghĩ tới Trung Nguyên. Nghĩ tới vợ chồng Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân, người ta nghĩ tới tranh thuê X-Q Việt Nam.
Và nghĩ tới bạn, người ta sẽ nghĩ tới cái gì? Chắc chắn không phải là những lời “chém gió” của bạn.

Khi bạn dồn tất cả năng lực của bạn đầu tư vào lời nói, vào hình thức, vào bề ngoài. Bên trong bạn là một thực thể trống rỗng và bất lực có phải điều gì đáng ngạc nhiên?

“Show, Don’t Tell” đi, các bạn trẻ!

Tất cả mọi thứ tồn tại trên thế gian này đều có hai mặt của nó. Không ai phủ nhận vai trò của kĩ năng mềm, của giao tiếp, cách ăn nói. Thế nhưng nếu bạn lạm dụng nó mà quên đi việc tạo dựng cho mình và xã hội những giá trị cốt lõi, những thứ khẳng định chân giá trị của bạn, bạn sẽ khó có thể để lại dấu ấn trên thế giới này, và vỏ bọc của bạn cũng sẽ nhanh chóng bị lột bỏ.

Các bạn hãy tự đặt ra mục tiêu, theo đuổi đến cùng đam mê, không cần phô trương, không cần ai ủng hộ mà hãy âm thầm thực hiện. Bạn muốn người khác công nhận một điều gì đó, bạn hãy cố gắng làm cho bằng được, để người ta thấy rằng bạn đã đặt ra mục tiêu đó. Bạn muốn xây dựng bản thân thành một người thế này thế kia, một sự nghiệp như ý của riêng bạn, hãy tự đặt ra mục tiêu, triển khai các kế hoạch, đừng để ý tới suy nghĩ của người khác. Sau đó, bằng một quyết tâm sắt đá, bạn hãy chinh phục các mục tiêu đó. Khi đó, bạn mới thực sự tạo ra giá trị cho bản thân.

Bạn không cần phải nói với người khác mình hiểu biết này nọ, mà bạn hãy thể hiện sao cho người ta tự công nhận sự hiểu biết, các phẩm chất của bạn. Đó mới là lời khẳng định thuyết phục nhất.

Hãy để “chém gió” là đặc quyền và sở trường của các chính trị gia. Hãy học hỏi những bông hoa, tự khoe sắc tỏa hương để người ta biết đến mà không cần nói một lời. “Show, Don’t Tell” hay thể hiện đi, đừng nói nhiều hỡi các bạn trẻ!

triethocduongpho.com