Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/09/2013 14:09 # 1
Sinhvienkhoa17
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 105/130 (81%)
Kĩ năng: 55/80 (69%)
Ngày gia nhập: 18/09/2011
Bài gởi: 885
Được cảm ơn: 335
Hiệp sĩ đường phố


Gọi họ là “những hiệp sĩ đường phố” không có gì là quá đáng, bởi những hành động dũng cảm của họ không hề nhuốm màu lợi lộc cá nhân, mà đôi khi còn chuốc lấy tai họa vào thân.

Săn tội phạm kiểu… liều mạng

Những vết chém chí mạng của Tuấn "chó" đã làm hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên bị thương không chỉ là hồi chuông cảnh báo mà là hồi còi cấp cứu cho hiện tượng côn đồ hoành hành tại khu vực cầu vượt Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Cái ác đã vượt qua thời kỳ ủ mầm đang bộc phát thành căn bệnh lộ liễu tại khu vực này.

Không ai nhớ chính xác thời điểm tệ nạn xã hội bắt đầu hoành hành ở khu vực QL1A đoạn giáp địa giới Bình Dương và TP HCM từ khi nào. Hiệp sĩ Lương Đức Túy cư ngụ khu phố III phường An Bình (Thị xã Dĩ An, Bình Dương) nhớ mang máng: "Cách đây 10 năm, tôi chứng kiến 2 tên côn đồ chạy xe gắn máy ép xe một cô gái té xuống đường để cướp xe. Tự dưng máu nóng bốc lên, tôi lao ra chộp cổ tên cướp cạn. Thấy đồng bọn bị tôi bắt, tên kia quay trở lại rút dao ra đe dọa. Thú thật, lúc ấy tôi cũng hơi lo vì mình chỉ có 1 mình, tay không chống lại 2 tên có vũ khí. Không ngờ có 3 anh em khác cùng ngụ chung khu phố lao vào hỗ trợ tôi. Thế là bọn cướp thúc thủ".

Sau vụ bắt cướp đó, 4 người bắt tay nhau ngấm ngầm quan sát, theo dõi các đối tượng có biểu hiện phạm tội trong khu vực. Khi đã bắt tay nhau, cả 4 người mới biết, hóa ra ai cũng đã từng nhiều lần làm “Lục Vân Tiên” ra tay nghĩa hiệp bắt tội phạm. Đó là Lương Đức Túy, Phạm Hoàng Anh Tuấn (tự là Sơn Anh), Nguyễn Văn Phước và Nguyễn Tăng Tiên. Họ trở thành đội thợ săn tội phạm tự nguyện tại khu vực cầu vượt Sóng Thần từ khi đó.

Ngày lẫn đêm, các hiệp sĩ chia nhau quan sát các điểm nóng để xuất chiêu đúng lúc bọn côn đồ ra tay phạm pháp. Hàng trăm vụ cướp, hàng trăm vụ mua bán ma túy tại khu vực này bị các hiệp sĩ An Bình chặn đứng, hàng trăm tên tội phạm bị điệu về Công an phường và hàng trăm nạn nhân trở thành người mang ơn các anh.

Hiệp sĩ Phạm Hoàng Anh Tuấn bộc bạch: "Nhiều người lầm tưởng chúng tôi bắt tội phạm không bài bản. Điều đó không đúng. Ngoài chuyện có máu hiệp sĩ, chúng tôi còn có phương pháp riêng. Nếu hành động theo cảm tính, không bài bản, có khi bắt nhầm người ngay, thả kẻ gian thì chết". "Phương pháp riêng" của 4 hiệp sĩ An Bình là… theo dõi đối tượng từ khi chúng chưa ra tay phạm pháp. Tức là, các anh bỏ nhiều thời gian ngầm rà soát, đánh giá, phân loại những đối tượng khả nghi rồi… để đó. Chỉ đến khi tên côn đồ ra tay phạm pháp, các anh mới xuất hiện "bắt tận tay, day tận mặt" giải giao cho Công an.

Vì là đội săn tự nguyện, tự phát nên vũ khí duy nhất của các hiệp sĩ là … lòng quả cảm và chút võ nghệ cóp nhặt. Hồi năm 2010, nghe bà con báo tin có 1 cô gái bị 2 tên cướp cạn giật dây chuyền. Sơn Anh, Tăng Tiên và Phước lẳng lặng đi truy tìm. Nhờ đã nắm chắc địa bàn và phương thức hoạt động của bọn côn đồ nên 3 hiệp sĩ lần tìm đến 1 tiệm vàng. Đúng như dự đoán, các hiệp sĩ phát hiện 2 tên Bi và Bo đang bán "chiến lợi phẩm" tại đó. Chờ Bi và Bo đi khỏi tiệm vàng, cả 3 bám theo chúng về tận hang ổ.

Phát hiện bị theo dõi, 2 tên côn đồ lấy mã tấu, bất ngờ tấn công 3 hiệp sĩ. Tăng Tiên đưa cánh tay ra đỡ. Nhát chém tàn độc làm một nhánh xương tay của Tăng Tiên gãy lìa. Tuy vậy, Tăng Tiên vẫn kẹp cổ được 1 tên. Tên kia rút roi điện bắn. Sơn Anh và Phước trân mình ăn điện cháy sém quần áo vẫn liều mạng xông vào khống chế tên côn đồ. Các hiệp sĩ giao 2 tên cướp cạn hung hăng cho Công an phường lập hồ sơ truy tố ra tòa. Mỗi tên nhận hơn 3 năm tù. Tăng Tiên phải ôm cánh tay có bắt ốc vít cố định xương cho đến tận hôm nay.

Nhắc đến hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên, Đại úy Phạm Mạnh Cường - Nguyên trưởng Công an phường An Bình, hiện là trưởng Công an phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An) kể: "Khi còn làm trưởng Công an phường An Bình, tôi được 4 hiệp sĩ An Bình tiếp sức rất nhiều. Tôi mang ơn họ. Trong đó, Tăng Tiên có nhiều pha bắt phạm rất ấn tượng". Pha "ấn tượng" nhất của Tăng Tiên đối với Đại úy Phạm Mạnh Cường là vụ "nếu được tha, hậu tạ 40 triệu".

Lần đó, phát hiện tên Phước "con" dùng đoản "đá nóng" một chiếc xe gắn máy, Tăng Tiên lao vô kẹp cổ bắt quả tang. Hai tên côn đồ khác dùng mũ bảo hiểm và đá tấn công Tăng Tiên để giải cứu đồng bọn. Không nao núng, tay vẫn kẹp cổ tên Phước "con", Tăng Tiên dùng 1 chân chống trả quyết liệt. Thấy không thể ăn hiếp được Tăng Tiên, Phước "con" xuống nước năn nỉ: "Anh tha cho em, em đền ơn anh 40 triệu!". Đối với gia cảnh của Tăng Tiên, khoản tiền đó rất lớn nhưng anh phủi ngay. Mục đích của anh không phải vì tiền mà vì sự an lành của cộng đồng xã hội. Anh túm cổ tên Phước "con" giao cho Đại úy Phạm Mạnh Cường.

Hiệp sĩ Lương Đức Túy (trái) và hiệp sĩ Sơn Anh "họp án" tại một quán cà phê. Họ đang kiểm tra các tin nhắn về hoạt động của bọn tội phạm từ các hiệp sĩ ở địa bàn khác.

Chỉ cần cái bắt tay nồng ấm

Từ năm 2006, trước tinh hình manh động của các băng nhóm tội phạm và nhận thấy ngày càng xuất hiện nhiều hiệp sĩ quần chúng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 203 QĐUB về việc thành lập các câu lạc bộ Phòng chống tội phạm (CLBPCTP) ở các đơn vị xã, phường. Trong đó có nêu rõ quy chế cho tất cả các xã phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương quy tựu những hiệp sĩ đường phố thành lập CLBPCTP.

Tuy nhiên, cho đến nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 6 CLB được các địa phương cho "khai sinh" hoạt động như phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An); Bình Hòa, An Phú (Thuận An); Hiệp An, Phú Lợi, Phú Hòa (Thủ Dầu Một)… Hiệp sĩ của các CLB này đều được cấp thẻ hoạt động và được chính quyền, Công an xã, phường hỗ trợ nghiệp vụ rất tích cực. Tuy không được hưởng lương nhưng tất cả các "hiệp sĩ có thẻ" rất tự hào vì mình hoạt động danh chính, hợp pháp.

Hầu hết các CLBPCTP được thành lập trên cơ sở có sẵn lực lượng hiệp sĩ tình nguyện tự phát. Một số xã phường, chưa được chính quyền thành lập CLBPCTP, các hiệp sĩ tự bắt tay nhau ngấm ngầm hoạt động. Phong trào “hiệp sĩ săn bắt tội phạm” sôi nổi, bùng phát như lửa cháy rừng già. Họ tự tìm đến nhau làm quen, lấy số điện thoại. Mỗi khi có vụ mất trộm xảy ra, các hiệp sĩ "có thẻ" lẫn "không thẻ" đều thông tin cho nhau đặc điểm của vụ trộm.

Nhờ "nối mạng" nên tối 24/6, các hiệp sĩ An Bình đã nhận diện được chiếc xe gắn máy mang biển số 39F4-3060 vừa bị mất cắp ở Đồng Nai đang được một đối tượng tên Lê Thị Liên mang đi tiêu thụ. Liên bị các hiệp sĩ An Bình bắt giao cho Công an thì Tuấn "chó" xuất hiện xin thả đồng bọn. Đổi lại, chúng sẽ "cúng" tiền cho các anh. Bị từ chối, Tuấn "chó" đã cùng đàn em chém hiệp sĩ Tăng Tiên vào rạng sáng ngày 27/6.

Cũng nhờ được "nối mạng thông tin" về những vụ xe hơi bị mất cắp kính chiếu hậu, trưa 25/6, các "hiệp sĩ" Phú Hòa theo dõi hàng giờ đồng hồ một kẻ tình nghi có treo giỏ xách chứa kìm cộng lực trên xe máy đang rảo vòng quanh các điểm có xe hơi đậu. Phát hiện bị các hiệp sĩ theo dấu kẻ tình nghi tăng ga bỏ chạy. Lập tức các hiệp sĩ đuổi theo, ép xe kẻ tình nghi vào lề. Tại cơ quan công an hắn khai đã từng là thợ của một gara trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một nên am hiểu kỹ thuật tháo mở phụ tùng xe hơi. Từ tháng 10/2010 đến khi bị bắt, hắn chuyên đi tìm xe ôtô đậu ven đường không người canh giữ để trộm kính, mặt nạ, nẹp chỉ, logo xe.

Đại úy Phạm Mạnh Cường - Trưởng Công an phường Tân Đông Hiệp khẳng định: "Thực tế chỉ có 6 CLB hoạt động còn hầu hết các xã phường khác chỉ hoạt động trên… giấy tờ. Hầu hết các xã phường chưa có CLB là do chính quyền địa phương không quan tâm. Theo quy chế, chủ nhiệm CLB phải là chủ tịch xã, phường. Các trưởng cơ quan ban ngành và trưởng khu phố, ấp phải là phó ban chủ nhiệm và ủy viên. Trưởng Công an xã phường sẽ là Phó chủ nhiệm".

Tuy mới được điều chuyển về Tân Đông Hiệp vài tháng nhưng Đại úy Phạm Mạnh Cường đã kịp ra mắt CLBPCTP vào ngày 3/6/2011. Chỉ mới 2 tháng hoạt động, CLB đã phá 20 vụ án, bàn giao cho Công an 30 đối tượng phạm pháp, thu hồi 20 xe gắn máy trả lại cho nạn nhân bị "đá nóng".

Hiệp sĩ rất cần chỗ dựa tinh thần và nghiệp vụ của Công an.

Cũng giống như các hiệp sĩ không thẻ ở An Bình, các hiệp sĩ Tân Đông Hiệp có nhiều pha bắt tội phạm rất ấn tượng. Hiệp sĩ Trần Lê Đăng Khoa đang đi tuần tra như một người đi dạo thì trông thấy một người đàn ông đi xe wave dừng trước một cửa hàng quần áo. Ngay lúc đó, Đăng Khoa phát hiện 2 tên "có tiền sự" chở nhau đảo qua. Đăng Khoa lẳng lặng quan sát. Đúng như dự đoán, một tên tiến đến chiếc xe wave của người đàn ông, tra đoản vào ổ khóa. Tên còn lại vẫn nổ máy chờ đồng bọn. Không chần chừ, Đăng Khoa lao thẳng xe của mình vào xe tên tội phạm. Anh kẹp cổ 1 tên, tên thứ hai chạy vào khu công nghiệp. Người chủ xe khi hiểu ra tình thế vội giúp Đăng Khoa khống chế tên trộm. Đăng Khoa truy đuổi tên thứ hai. Ít phút sau, tên thứ hai được “tháp tùng” cùng đồng bọn về Công an phường ký vào biên bản phạm tội quả tang.

Đăng Khoa cho biết, anh vừa được tham gia báo cáo điển hình về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc toàn tỉnh vào ngày 29/6/2011. Anh tâm sự: "Chỉ cần cái bắt tay cảm ơn của nạn nhân để lòng thấy hạnh phúc. Chỉ cần cái bắt tay hợp tác của Công an để có niềm tin hơn". Trả giá cho mong muốn được những "cái bắt tay" của mọi người, hiệp sĩ Đăng Khoa không dám ở nhà cha mẹ ruột mà thuê một phòng trọ kín đáo ở một mình. Anh e ngại bọn côn đồ trả thù, ảnh hưởng đến người thân.

Những nỗi buồn

Điều buồn duy nhất của Đăng Khoa là không được phép sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi bọn côn đồ thời nay thường lận lưng hung khí đi gây tội ác. Không ít trường hợp hiệp sĩ ở các CLB khác bị thương do bọn tội phạm dùng hung khí tấn công để tẩu thoát. Nhiều hiệp sĩ là lao động trụ cột trong gia đình, nếu phải nhập viện vì bị thương khi truy bắt tội phạm, nồi cơm gia đình bị treo. Nỗi khổ này, các anh gánh chịu chứ không dám hé răng than thở.

Một hiệp sĩ ao ước: "Chúng tôi là lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội, cho cộng đồng. Chúng tôi tự nguyện hoạt động không hưởng lương, không chế độ. Nếu được xã hội công nhận vết thương do quá trình truy bắt đối tượng phạm tội để vợ con đỡ tủi thân thì hạnh phúc lắm". Tuy nhiên, chưa có tiền lệ trong việc xác nhận thương binh cho một hiệp sĩ. Khi các hiệp sĩ bị thương, các tổ chức, cơ quan, cá nhân, tùy vào lòng hảo tâm đến thăm, tặng quà, tiền là đủ để các anh mừng đến rơi nước mắt.

Trong số 4 hiệp sĩ An Bình, ngoài anh Lương Đức Túy có kinh tế khá giả, còn lại 3 hiệp sĩ kia đều nghèo. Tăng Tiên thì sống bằng nghề nướng bánh mỳ; Phước thì kiếm cơm bằng nghề sửa điện, nước; Còn Sơn Anh thì… vẫn sống bám vào gia đình. Cách đây 2 năm, cô vợ của Sơn Anh cứ thấy chồng ăn cơm nhà rồi lủi thủi đi rình mò bọn côn đồ không công cho xã hội nên... ôm đồ về nhà đòi ly dị. Từ ngày vợ bỏ, Sơn Anh càng rảnh tay đi săn tội phạm. Anh tâm sự: Thà không vợ chứ quyết không buông tha bọn tội phạm.

Đoạn xương cánh tay gãy do anh em Bi, Bo chém chưa được tháo ốc vít thì ngày 27/6 Tăng Tiên lại bị Tuấn "chó" sát thương. Những hiệp sĩ khác cùng đội với Tăng Tiên, tuy không bị chém nhưng cũng đau không kém. Họ không đau thể xác. Họ đau vì vết thương lòng buồn tủi. "Chúng tôi không sợ bọn côn đồ. Chúng sẽ tiếp tục chiến đấu với chúng. Nỗi buồn của chúng tôi là, không được phường An Bình hỗ trợ tích cực", cả 4 hiệp sĩ An Bình đều nói như vậy. Vì chưa được chính quyền địa phương ra quyết định thành lập CLBPCTP nên các hiệp sĩ An Bình vẫn hoạt động "lậu".

Nỗi buồn nữa là nhiều trường hợp hiệp sĩ "không thẻ" bị quần chúng nhân dân hiểu nhầm. Mới đây, một hiệp sĩ "có thẻ" trên đường đi làm về thấy một đối tượng có giấu mã tấu trong xe. Hiệp sĩ này gọi điện cho một hiệp sĩ "không thẻ" nhờ hỗ trợ. Cả hai hiệp sĩ theo dõi tên này một đoạn đường khá dài. Bất ngờ kẻ tình nghi rút mã tấu tấn công một đối tượng khác đang ngồi trong nhà.

Không để án mạng xảy ra, hai hiệp sĩ xông vào tước vũ khí tên sát thủ. Người nhà và hàng xóm của kẻ bị chém nghe tiếng tri hô đã tập trung đến tiếp cứu. Hiệp sĩ "có thẻ" chìa ngay tấm thẻ chứng nhận thành viên CLBPCTP ra để chứng minh mình là người tốt. Còn hiệp sĩ "không thẻ" thì bị người dân thụi cho mấy quả trước khi được hiệp sĩ "có thẻ" phân minh. Nhưng rồi, cả hai được người dân bắt tay cám ơn. Hiệp sĩ “có thẻ” thì nở nụ cười tươi rói. Trong khi hiệp sĩ "không thẻ" cười méo xệch mồm vì môi sưng vều!





 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024