Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
27/07/2011 02:07 # 1
s2_kiss
Cấp độ: 5 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 18/50 (36%)
Kĩ năng: 10/50 (20%)
Ngày gia nhập: 23/07/2011
Bài gởi: 118
Được cảm ơn: 110
Truyện Đứa con hoang


Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Thằng bé vừa đến xóm trọ đã khóc cả tiếng đồng hồ, ỉ ôi với điệp khúc "Mẹ ơi! Mẹ ơi… hu hu!" mà mẹ nó vẫn chưa thấy về. Tâm tự nhủ, rõ tội nghiệp, sao có người mẹ lại bỏ con ở nhà một mình như thế và thắc mắc bố thằng bé đâu mà chỉ hai mẹ con đến đây? Đắn đo một lát, Tâm mò mẫm lần đường sang. Thấy người lạ, thằng bé khóc to hơn. Tâm trấn an: - Đừng khóc, đừng khóc! Có sang nhà chơi với tao, đợi mẹ mày về không? Nín đi, nín nhá.

Vừa dứt lời, thằng bé im bặt. Tâm nhớ lại ngày trước mình cũng bao lần khóc đợi mẹ về như thế. Tâm chua chát bằng câu chửi thề.

- Mẹ kiếp đời!

Thằng bé ngơ ngác chẳng hiểu gì, nhưng câu nói ấy nghe đã quen, mẹ nó cũng hay nói thế.

- Hic, hic. Mẹ kiếp đời. Mẹ kiếp là gì. Hic, hic!

Tâm dừng lại khua tay ra phía trước, một khoảng không trống hua chẳng có vật gì để sờ vào được mà phân định, Tâm loạng choạng. Tiếng cười của thằng bé như chòng ghẹo, nó tỉnh quoeo ngay sau những giọt nước mắt tưởng như bỡn cợt, như khóc để cho khỏi buồn chán.

- Mẹ kiếp đời à, mày hỏi nó là gì hả. Là đời tao chứ còn ai, mà lẽ chừng mày lên 5 rồi chứ sao mà giọng nghe lớn thế. Mẹ mày đi đâu? Mày tên là gì?

- Mẹ đi chợ, còn tên của em ý à, là Hận… Hận đời đấy!

Tâm nhếch mép cười trước cái "chất" xương xẩu, chắc có phần thiếu chỉ bảo của thằng bé, cũng sặc mùi bất mãn với đời như Tâm một thời.

- Tiên sư mày, em cái gì, mày phải gọi tao là chú, có khi là bác ý chứ!

Thằng bé tròn xoe đôi mắt, cười nhơn tỏ vẻ vui lắm. Lâu rồi mới được một người gần gũi với cử chỉ yêu thương, nó chạy tìm ghế và đưa lại gần cho Tâm ngồi.

Cuộc trò truyện của một thanh niên mù và thằng bé không chủ đề cứ thế kéo dài đến khi mẹ thằng bé về.

Sinh ra đã mù lòa nên người ta bảo cuộc đời Tâm tăm tối. Biết vậy nhưng từ khi lớn lên, nhận ra điều ấy Tâm chưa một lần than trách. Thân phận đứa con hoang tật nguyền của người mẹ lầm đường, lạc lối không khác gì cơm nguội. Vòng tay của người đàn bà sa cơ lỡ bước, trót mang thân phận hoa bướm chỉ ôm trọn đứa con mình sinh ra bằng tình yêu thương gượng ép. Ả ta giấu bặt tăm bặt tích cùng nỗi hận thù kẻ đã làm cho ả mang thai thằng bé.

Rồi một ngày mưa buồn tả tơi, ngõ phố nhỏ trong thị trấn xôn xao chuyện mẹ thằng cu Tâm bỏ nó ra đi, để lại cả cơ ngơi rộng thênh thang, hoang sơ với một xấp tiền dưới gối mà Tâm không biết đếm được bao nhiêu. Đó là ngày đầu tiên Tâm biết đến nỗi buồn thực sự trong đời, như một cánh diều vừa đứt dây trước cơn dông bão, Tâm lao đao chẳng biết mình phải sống ra sao trước kiếp mù lòa tăm tối, khi mà cầm một nhúm tiền trong tay không biết đi chợ mua bán, không biết nấu đến một nồi cơm hay luộc cọng rau để ăn dứt bữa qua ngày. Nỗi đau của Tâm bật ra thành tiếng khóc, tiếng ai oán trước sự phũ phàng bởi nhát cắt tình mẫu tử, dã tâm của người mẹ lầm lỗi với đứa con tật nguyền. Tuổi 15 ngoắc cho Tâm một đoạn đường đời như thế, đoạn đường Tâm phải tự bước đi trong màu đen đặc để tìm cuộc sống tươi sáng nhờ sự giúp đỡ của tình làng, nghĩa xóm.

Và một ngày kia, mọi thứ đến với Tâm như giấc mơ, như sự may mắn, sự bù trừ  của số phận. Cái thị trấn nhỏ bỗng trở mình thành thị xã tỉnh lỵ, người ta kéo về ùn ùn. Mảnh đất rộng thênh thang, hoang sơ của mẹ Tâm để lại ngày nào cây cối um tùm trở thành những tấc vàng ròng đắt đỏ. Người ta còn bàn tán việc một ông chủ doanh nghiệp có trụ sở ngay gần nhà tự nhiên xây cho Tâm một dãy nhà trọ cho thuê. Từ đó Tâm có được cuộc sống đàng hoàng, không còn phải lo lắng đến miếng cơm manh áo, chẳng nghĩ tới bon chen với sự đời. Nhiều người trong xóm đàm tiếu về sự may mắn của Tâm:

- Ông chủ doanh nghiệp làm gì mà giàu có, tốt tính vậy. Nghe đâu trước đây là chủ bưởng ở bãi vàng Chinh Sáng, mà mẹ thằng Tâm cũng có thời gian lặn lội dưới đó nên quen biết, ân nhân.

Điều ong, tiếng ve là thế, nhưng chẳng ai biết được chính xác. Ông ta thoắt đến rồi đi cùng chiếc xe hơi sang trọng. Mỗi lần như thế, cả phố ai cũng len lén, tò mò nhìn ngó. Riêng có tay chủ quán cơm phở mới chuyển đến đây vài năm, gã bị cụt một tay, chột một con mắt từ cái thời xưng danh "anh chị" ở bãi, thi thoảng lại cười khẩy, dằn mặt mọi người bằng tiếng rít thuốc lào khi thì sòng sọc, khi thì kêu như đóng đinh. Nghe đồn rằng lão ta biết hết, biết cả mẹ thằng Tâm mù thời trước lê la, vạ vật làm gái như thế nào ở bãi, biết cả bố nó. Nhưng cái vận kiếp chinh chiến, giang hồ bãi bưởng đã làm cho lão ta câm lặng. Chỉ tội cho những kẻ vì tò mò mà chẳng được biết, nên ác khẩu chửi lão:

- Như thế có làm cho lão mọc thêm được tay và sáng con mắt chột không, hay vì lão ta bị mất quá nhiều vàng nên bị "vàng làm" trước cơn bão giá vàng vun vút bay qua.

Tâm biết cái tình làng, nghĩa xóm của một số người ghen ăn, tức ở trong phố không như trước. Âu cũng là cái sự đời vốn thế, Tâm không non nớt nữa. Mẹ bỏ đi thấm thoát đã 10 năm. Chừng ấy tuổi đầu, trái tim Tâm biết thao thức, khát khao  được rung động trước người khác giới. Hàng đêm Tâm mơ những giấc mơ như mọi thằng con trai đến tuổi, dù không được học hành nhưng Tâm biết bản thân mình chỉ mù mắt thôi chứ mọi bản năng bình thường trong Tâm không gặp trục trặc gì. Điều đó làm Tâm trăn trở, day dứt mất ngủ nhiều lắm, nhất là từ khi Hương - mẹ thằng bé đến thuê trọ. Tiếng xe máy, tiếng chó sủa mỗi lần Hương đi làm đêm về, tiếng mở khóa cửa lạch cạch khiến Tâm thao thức, trăn trở.

Đêm nay Tâm ngồi dậy lần bước ra cửa, ngửi thấy cái mùi thơm của son phấn, của nước hoa còn lưu lại phảng phất đâu đó trong gió. Bất chợt Tâm thấy mình ngây ngất và loạng quạng. Tâm vấp ngã… Hương giật mình vì tiếng động giữa đêm khuya, cô vội vàng đưa tay bật công tắc bóng điện ngoài hành lang. Nhìn thấy Tâm mặc chiếc quần xà lỏn ngã chỏng kềnh trước cửa, cô vội vã chạy tới đỡ dậy, dìu Tâm vào nhà. Như người bị điện giật, Tâm đờ người ra, cả cơ thể cậu bừng nóng râm ran. Chưa bao giờ Tâm có được bàn tay mềm mại như thế động vào người, niềm xúc động trào dâng lên trong Tâm tức thở, cậu gọi như vô thức.

- Hương! Hương ơi…

Cô quay lại, dưới ánh đèn sáng trong đêm, Hương bật cười vì chiếc quần xà lỏn của Tâm khoảnh khắc đó hình như quá rộng trên một cơ thể nhong nhỏng, gầy gò, như có gió thốc vào từ phía sau.

- Tâm gọi gì thế, đêm muộn rồi ngủ đi! Hương về thôi.

Bất ngờ Tâm vùng  dậy, như một người sáng mắt, Tâm lao về phía Hương và ôm chầm lấy cô. Cả hai ngã vào cơn quay cuồng cùng với sự đồng lõa của đêm. Chốc lát Tâm lăn ra ngủ, Hương mỉm cười "cũng như bao thằng đàn ông khác thôi". Thường thì mệt mỏi rã rời sau mỗi đêm đi làm, sao đêm nay nằm bên Tâm, nước mắt Hương lại tuôn rơi. Lần đầu tiên Tâm biết đến đàn bà, còn Hương - cô không thể nhớ đã lần thứ bao nhiêu với đàn ông, vì yêu thương có, vì miếng cơm manh áo có. Nhưng chưa bao giờ Hương có được cảm giác như với Tâm đêm nay, cô trằn trọc chua xót. Cô ăn năn rằng mình là con đàn bà mang tội lỗi đến trút lên Tâm.

Ngày Hương mang cái bụng lùm lùm của người phụ nữ có chửa, cả phố ầm ĩ  điều ong tiếng ve. Bên cạnh một người phụ nữ lỡ dở đủ đường, chai lỳ đến trơ chẽn như Hương có người đàn ông mù đang hạnh phúc và sự rút lui nhanh chóng của ông chủ doanh nghiệp khỏi cái thị xã bé nhỏ. Ông ta hào phóng cho người chuyển đến nhà Tâm tất cả đồ đạc trong trụ sở của doanh nghiệp. Ngày ông chủ doanh nghiệp ấy rút lui khỏi cái thị xã bé nhỏ có sự xuất hiện chóng vánh và vội vã của một người đàn bà sang trọng, cả phố lại được dịp xôn xao nhòm ngó, đoán già đoán non.

Vài tháng sau, khi Hương sinh hạ một thằng bé kháu khỉnh giống Tâm như lột thì cũng là ngày lão chủ quán cơm phở treo cổ tự vẫn ngay tại ngôi nhà lão ta thuê bấy lâu. Cả phố đồn đại ông ta trăng trối rằng mẹ thằng Tâm trước đây là gái điếm mắc bệnh giang mai nên sinh thằng Tâm bị mù mắt. Còn Hương đến cái xóm trọ ấy cũng là một ả gái điếm đến theo sự sắp đặt của mẹ thằng Tâm và ông chủ doanh nghiệp. Tất cả tin đồn đại đó không biết thật giả đến đâu, nó đều đến tai Tâm. Tâm không hề mảy may bận tâm, cậu lặng im cùng hạnh phúc được làm cha vừa đến với mình. Chỉ có Hương ngày đêm tự dày vò mình.

Rồi cũng một đêm mưa, Hương lặng lẽ ôm con định bỏ trốn. Linh cảm của một người đàn ông mù mà khát khao hạnh phúc, Tâm lặng im nghe ngóng từng tiếng động, từng bước chân của Hương. Bỗng ngớt mưa, tiếng cánh cửa phát ra một âm thanh mở. Tâm ngồi dậy thốt lên vừa như van xin, vừa như phó thác:

- Mình ơi! Mắt tôi mù lòa, nhưng tôi đang đi trên con đường sáng. Còn mình là người mắt sáng nhưng đang đi trên con đường mù đấy, quay lại đi!

Hương lặng mình khựng lại, thằng bé con bỗng giật mình cất tiếng khóc thảm thiết như đòi bố...

Truyện ngắn của Đình Thuấn (Công an tỉnh Lai Châu)Đ.T




 
Các thành viên đã Thank s2_kiss vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024