Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/06/2011 19:06 # 1
Bút Tre
Cấp độ: 4 - Kỹ năng: 6

Kinh nghiệm: 33/40 (82%)
Kĩ năng: 37/60 (62%)
Ngày gia nhập: 22/08/2010
Bài gởi: 93
Được cảm ơn: 187
Chào ngày 19/6/ 2011 - Ngày của Cha!


Nếu phải viết về một người vĩ đại thì tôi sẽ viết về cha tôi. Trên đời này, có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận hơn tình cha bởi lẽ đứa con nào cũng được mẹ mang nặng đẻ đau, được mẹ chăm nom từng bữa ăn, tấm áo. Nghĩa mẹ dạt dào như nguồn nước, như trong lời ca dao, song tình cha thì cao vời vợi, chỉ trong hoàn cảnh người con phải ngước mắt lên thì mới nhìn thấy được.   Hãy cùng nhau thầm cảm ơn những người cha yêu quý các bạn nhá! hỡi những cô bé, những chàng trai.
PS : Bút Tre
 
 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cha tôi không về…

 

Với những người vô cảm, chiến tranh đã lùi xa, thậm chí như chưa từng có. Nhưng không hề như thế đối với những người con mất cha, người vợ mất chồng…

Một chiều hè,tôi bỗng nghe giọng nói Nam Bộ rất nhẹ:
- Thu à, anh đang giở sổ cũ lưu ở Ban Chỉ huy quân sự tỉnh tìm, nhưng vẫn chưa thấy tên cha em, phải kiên nhẫn may ra mới có thể tìm được.

Tôi mừng khôn tả khi nghe tiếng anh từ Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Long An. Lại phấp phỏng, hy vọng, lại chắp nối những địa chỉ có thể đến, những cựu chiến binh đã cùng hành quân với cha tôi sống sót trở về sau chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968.

Và tôi đã trở lại Long An lần thứ hai. Những cuốn sổ ố vàng lưu trong Ban Chỉ huy quân sự tỉnh không cho tôi một hàng chữ nào, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Xiêm Riệp… Những tên đất, tên người đọng trên trang giấy, ai đã được báo về gia đình, ai nằm lại đâu đó giữa mênh mông đất trời Nam Bộ, trong những cuộc biến thiên thay đổi cả hình sông thế núi?

Về nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc, những hàng mộ vô danh bạt ngàn trắng dưới cái nắng tháng Tư mà tôi chỉ là chấm nhỏ trong mênh mông trắng và trắng. Đêm đêm, dưới ánh đèn khuya vẫn là những nét chữ quen thuộc của cha mà tôi đọc đi đọc lại hàng trăm lần. Màu  mực xanh đen hầu như không phai, từng hàng chữ đẹp, đều đặn, cha tôi tranh thủ viết dọc đường hành quân. Qua những dòng thư, tôi hình  dung cái Tết đầu tiên các chiến sĩ Nhà máy dệt  8/3 - nhà máy đầu tiên của ngành dệt thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ hồi đó - xa gia đình thân yêu,  xa Hà Nội, ăn Tết ở Nghệ An, ấm tình đồng bào với câu hò sông Lam sâu thẳm



Cha và Con

“Đô Lương, ngày 1 tháng Giêng Mậu Thân
 
Em yêu thương!

Hôm nay đầu xuân mới, xuân thắng lợi, anh tranh thủ biên thư về thăm em!
Em yêu! Mỗi mùa xuân đến là lòng người như trẻ lại, tình cảm thêm phấn khởi. Mấy hôm nay, lòng anh vui buồn khó tả, nhiều đêm thao thức nhớ vợ, thương con, ôn lại từng xuân qua sống bên em, anh yêu em vô cùng, thương vô hạn! Xuân về, vắng anh, con đi sơ tán, em đón xuân chắc buồn nhiều, nhưng em ơi:  
                      
                       Xa nhau để rồi gần nhau mãi
                       Hẹn mùa xuân sau anh trở lại
                       Cùng em đoàn tụ đón xuân về…
 
Em yêu!  Tết này, anh đã hành quân đến Nghệ An. Đây  là nơi tuyến lửa nhưng nhân dân rất lạc quan cách mạng. Một buổi tối, đơn vị hành quân đến một làng, vừa dừng chân, các o từ trong làng đã ùa ra ngâm thơ và hát… làm cho anh và mọi người quên hết mệt nhọc, đến khi các o hát đối tình, anh nghe mà tâm trí lại hiện lên hình ảnh em và hai con, rất xúc động, nước mắt cứ trào ra. Bà con làm bánh chưng cho bộ đội đi qua ăn Tết như ở nhà. Thời chiến, không dưa hành, nhưng thế cũng là vui lắm rồi. Bọn anh vẫn hành quân đều cả ba ngày Tết em ạ.

Từ nay không còn hòm thư nữa, thư em viết vào, anh cũng sẽ không nhận được, em ở nhà cố gắng nuôi dạy các con thay anh.

Em yêu! Vì lý tưởng cách mạng, vì tiếng gọi của non sông, anh đã lên đường, hy sinh tất cả những gì mà anh yêu quý, những gì thuộc về hạnh phúc của chúng ta. Em ở nhà cũng phải hy sinh rất lớn, anh hiểu rõ lắm. Giờ lên đường đã đến, đợi anh về em nhé.
                                                                     
Hôn em nhiều… nhiều! 
Anh của em
 
Và từ đó bắt đầu cuộc hành quân gian khổ trên con đường Trường Sơn huyền  thoại in dấu chân bao chiến sĩ. Cha tôi bước trên con đường thăm thẳm dốc cao vực sâu với khẩu B40 và ba-lô sau lưng mà khát vọng giải phóng miền nam thống nhất non sông để trở về sum họp gia đình như ngọn lửa cháy rực trong tim:

“Vượt Trường Sơn là một thử thách lớn gay go gian khổ, nhiều vách cao vực thẳm, các anh đi trọn ba ngày mới sang tới đất bạn Lào; chỉ thấy núi rừng, muỗi vắt, bữa ăn chỉ toàn rau rừng và đồ hộp mà thôi. Xa em, nhớ thương em vô hạn. Nhưng em yêu ơi, chiến thắng hai miền đang giòn giã, ngày thống nhất không còn xa nữa. Mong em phát huy truyền thống “ba đảm đang”, thay anh nuôi mẹ già, con nhỏ,  chờ anh ngày chiến thắng trở về”.

Nhưng cha tôi và  hàng nghìn  chiến sĩ của Hà Nội đã không trở về. Họ nằm trong lòng đất phương Nam, nghe gió sông Tiền, sông Hậu, sông Cần Giờ thổi suốt bốn mùa. Những ngôi mộ vô danh trắng loá trong các nghĩa trang liệt sĩ. Tôi nghe tiếng người cán bộ xã Phước Lâm, Long An nằng nặng tiếng miền Đông:

- Các liệt sĩ miền bắc hy sinh nơi đây thường không có tên, chúng tôi cũng đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của huyện rồi, 831 mộ vô danh, chị à. Chị cứ yên tâm, đã có chúng tôi trong này hương khói cho các ảnh.

Quê nhà, những ngôi mộ của các liệt sĩ họ Phùng, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Nghiêm…quây quần trong nghĩa trang, trên cánh đồng xanh mướt ngô non. Tôi thắp hương cho các bác, các chú, các anh, họ xa họ gần, tình làng nghĩa xóm, tất cả đã về đây trong lòng đất mẹ ấm áp.

- Nếu vì nhiệm vụ của Đảng mà anh hi sinh thì em hãy bình tĩnh và hãy tự hào vì mình có người ruột thịt hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao cho, góp phần giải phóng miền nam...

Cha tôi không về! Mẹ tôi đã kiên gan và tự hào nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi không biết mẹ đã khóc lúc nào, nhưng có lúc trong đêm khuya khoắt, chợt thức giấc,thấy bóng mẹ im lìm in trên tường; mái tóc mây xanh mướt dưới vành nón che nghiêng duyên dáng, giờ bạc như mây. Suốt 36 năm qua, mỗi lần giở lại những trang thư mà thời gian không thể xóa nhòa, chúng tôi đã âm thầm khóc, ước có bàn tay cha vững chãi và tiếng cười của Người trong ngôi nhà ấm áp.

Với những người vô cảm, chiến tranh đã lùi xa, thậm chí như chưa từng có. Nhưng không hề như thế với những người mẹ mất con, những người con mất cha, những người vợ mất chồng!

                                                                                                                                                                                 Phạm Kim Thanh





*******************
Chiến trường thử thách người dũng cảm
          Cơn giận thử thách người khôn ngoan
          Còn khó khăn thử thách bạn bè
*******************

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024