Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
28/01/2010 03:01 # 1
sopie
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 4/10 (40%)
Kĩ năng: 6/10 (60%)
Ngày gia nhập: 22/12/2009
Bài gởi: 4
Được cảm ơn: 6
Tự định hướng sao cho đúng khi chọn nghề - Phần B


Phần B – NHỮNG XÁC ĐỊNH TƯƠNG QUAN.

   Chọn nghề là khởi đầu của hướng nghiệp lâu dài. Khi tự định hướng, nếu nhìn xa thấy trước, thế nào bạn cũng phải cân nhắc kỹ giữa khó khăn và thuận lợi, giữa danh nghĩa và thực chất, giữa nhu cầu và hiện thực… Bạn không thể bỏ qua những mối tương quan biện chứng đó, mà phải xác định chúng trước khi lựa chọn nghề. Sự thành bại của bạn về sau (khi học nghề, vào đời, lập nghiệp và hành nghề…)  phần lớn cũng xuất phát từ đây.

1. XÁC ĐỊNH KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI -

Với đa số trường hợp hiện nay, việc chọn nghề thường gặp khó khăn vì bị rối nhiễu thông tin từ nhiều phía. Không đủ thông tin đã khó, mà quá nhiều thông tin cũng khổ, vì không biết nên lựa chọn thế nào trong một rừng các dữ liệu. Ngoài rừng dữ liệu, còn có cả trăm ngàn nghề, khiến ta dễ rối trí, dù hết sức bình tĩnh. Nếu chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề và nhất là chưa thực sự biết rõ về tư chất của bản thân mà đã vội chọn nghề, chắc chắn sẽ bị trả giá vì bị lầm. Bởi vậy, phải xác định hết khó khăn và thuận lợi để vượt qua sự nhầm lẫn.

Tuy nhiên, nhận thức được hết khó khăn và thuận lợi cũng không đơn giản. Do cảm tính dễ đánh lừa ta, nên thường bị ngộ nhận mà ta không biết. Muốn biết, hãy hết sức tỉnh táo, khách quan, dùng lý trí thay cho cảm tính, tham khảo và phân tích những thông tin mang tinh chất khoa học, hơn là nghe những nguồn tin nặng về ý nghĩa tiếp thị, quảng cáo, chào hàng. Dựa vào đâu để có cơ sở phân tích khách quan và khoa học ? Dưới đây là những căn cứ chủ yếu :

        * Đặc điểm cá nhân - Ngoài sức khỏe và giới tính, cần căn cứ vào hai đặc điểm chính của nhân cách : Tính cách và Năng lực. Để chọn nghề, rồi học nghề và hành nghề, đừng coi nhẹ mặt tính cách. Nhiều trường hợp năng lực giỏi nhưng tính cách không phù hợp với yêu cầu và chức năng của nghề đó, vẫn thất bại giữa chừng. Để kiểm chứng chính xác đặc điểm cá nhân, không dễ, thường phải qua trắc nghiệm tâm lý và qua những trải nghiệm trong đời. Kinh nghệm cho thấy, kiểm chứng về mặt tính cách khó hơn (nghĩa là dễ bị lầm lẫn hơn) so với kiểm chứng về mặt năng lực.

         * Tính chất ngành nghề -  Các nghề trong cùng một ngành không hẳn có cùng một tính chất, nhiều khi rất trái ngược nhau. Có nghề phải vận dụng tư duy lôgíc nhiều hơn, có nghề khai thác tư duy nhân văn là chính. Có nghề phải đi nhiều, cần hoạt động sôi nổi ; có nghề cần lắng sâu, tĩnh tại mới làm tốt. Có nghề cần một tầm nhìn bao quát, chiến lược ; có nghề cần đi vào thủ thuật, chi tiết… Một cách tổng quát : Đặc điểm nghề xác định người theo nghề phải có tính cách hướng nội hay hướng ngoại. Cho nên, tính chất nghề liên quan rất chặt chẽ đến đặc điểm cá nhân, nhất là mặt tính cách. Thuận lợi hay khó khăn khi chọn nghề cũng từ đấy mà ra.

    * Nhu cầu xã hội -  Điều trớ trêu thường gặp là: khi chọn nghề ta thích thì chưa hẳn nghề đó đang “hot” (đáp ứng nhu cầu đang nóng của xã hội), có khi không dễ kiếm sống được với nghề ấy. Trong trường hợp đó, phải cân nhắc đến khó khăn và thuận lợi trước mắt với lâu dài. Có thể tạm thời gác lại sở thích lâu dài để theo đuổi một nghề đang “hot” (dù ta chưa thích) với hy vọng “lấy ngắn nuôi dài”. Đấy cũng là một phương án giải quyết - một giải pháp tình thế.

   - Ngoài ra, cần cân nhắc những yếu tố khác như: điều kiện kinh tế (tối thiểu phải có đủ kinh phí để trang trải); khoảng cách địa lý (tối thiểu phải thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở… trong quá trình học nghề); hoàn cảnh thời gian (nếu thời gian học nghề quá lâu cũng là một yếu tố khó khăn cho người nghèo). Như vậy để thấy, hướng nghiệp nói chung và chọn nghề nói riêng không phải là “giấc mơ hoa”, chẳng phải khi nào cũng được “trải thảm đỏ”. Dù có hoa hồng và thảm đỏ… thì bông hồng nào cũng có gai, thảm đỏ nào cũng có mặt trái!

2.       XÁC ĐỊNH DANH NGHĨA VÀ THỰC CHẤT -

    Nhiều bạn trẻ khi chọn nghề thường băn khoăn: nghề đó có triển vọng lâu dài không, có dễ kiếm việc làm không, có thể giúp thăng tiến nhiều không, liệu có nhiều “nghiệp chướng” không?... Đặc biệt, không ít người khi chọn nghề đã nóng lòng quan tâm đến vấn đề: nghề đó có danh thơm không, có dễ kiếm nhiều tiền không?...

    Mối quan tâm nào cũng có lý riêng của nó, nhiều sự quan tâm trong đó đáng được trân trọng và cần được thỏa mãn. Với tuổi trẻ, sự quan tâm luôn đi kèm với điều mơ ước. Chọn nghề là sự tổng hòa của nhiều lựa chọn bước đầu trong việc thực hiện ước mơ. Nó thể hiện não trạng, tâm hồn, cá tính và nhân cách của mỗi người. Kèm theo, nó cũng thể hiện hoàn cảnh, môi trường và các mối quan hệ chi phối sự mong đợi của người đó. Để không bị mất phương hướng trong những mối lo toan và quan hệ chằng chịt ấy, người chọn nghề cần xác định danh nghĩa và thực chất của nghề.

   Nghề nào cũng có “danh”, thể hiện trước hết qua tên gọi của nó. Nhưng, xét về mặt “danh nghĩa” hay “danh vọng” thì đi sâu vào cái tên (danh xưng) cần phải hiểu biết ý nghĩa nhiều mặt và nhiều tầng của nó. Cũng là học nghề cả, nhưng tại sao nói “được đào tạo ở trường dạy nghề” thì nhiều bạn có cảm giác “không oai” bằng “học ở trường đại học”? Đó là tâm lý sính danh nghĩa chứ không chuộng thực chất. Cũng vì chưa đủ hiểu biết về nghề nghiệp nên có sự phân vân bởi hai chữ học nghề (nghe không “kêu” bằng học đại học!). Đó là sự ngộ nhận đáng tiếc!

   Thực ra, nghề nào cũng cần phải học nếu muốn được lành nghề, hay “nghệ tinh”. Giá trị thực chất của một nghề không phải do danh nghĩa của nghề đó quyết định. Chính sự lành nghề và mục đích cao đẹp khi hành nghề của người sống với nghề đó mới đem lại giá trị thực chất cho nghề. Chính nhân cách của người mới làm đẹp (hay làm xấu) cho nghề. Jack Canfield – một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp hàng đầu của Mỹ, đã khẳng định : “Có bằng cấp đại học hoặc hơn mà hành nghề không tốt vẫn không có giá trị bằng người có chứng chỉ nghề mà hành nghề thông thạo và giàu lương tri. Chính người đó mới đem lại giá trị thực chất cho nghề”.

    3. XÁC ĐỊNH NHU CẦU VÀ HIỆN THỰC -

   Theo hướng này, có nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp diễn đạt một cách khác: xác định ước mơthực lực, hoặc kết hợp lãng mạn với thực tế. Chọn nghề là một trong những nhu cầu để thực hiện ước mơ. Ước mơ đó có khi rất lãng mạn. Để tránh ảo tưởng hoặc không tưởng khi ước mơ nghề nghiệp, cần và rất cần gắn kết nó với thực lực và thực tế. Nghĩa là, phải tạo dựng mơ ước và xác định nhu cầu trên cơ sở hiện thực. Ước mơ đẹp, yêu cầu cao nhưng hiện thực chưa tốt mà cứ lao vào, thì sự cố gắng chỉ hoài công, nhiều khi trả giá rất đắt!

    Bởi vậy, đã có nhiều người mơ ước trở thành nhà quản trị kinh doanh nhưng họ đã không thành đạt trên thực tế. Đó là vì, thực lực của họ bị hụt hẫng. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho biết, những người đó chỉ giỏi về cách “làm ăn” theo nghĩa chạy việc, hạch toán, sản xuất… chứ không đủ sức để quản trị (gồm tổ chức, điều hành, quản lý) một doanh nghiệp. Sâu xa hơn nữa, vì ở họ thiếu một tầm nhìn chiến lược. Nhất là thiếu năng lực tự chế ngự cảm xúc, khó tự chủ trong công việc, không quản trị được chính mình… - những yếu tố cơ bản của một nhà quản trị doanh nghiệp. Khi đó, muốn cải đổi một tính cách và năng lực như vậy (từ chưa tốt thành tốt) không đơn giản, khó hơn cả việc “di dời sông núi” ; chỉ còn cách là tìm chọn một nghề khác phù hợp với bản tính hơn.

    Trong các tiêu chí của hiện thực, tiêu chí quan trọng hàng đầu là bản tính của cá nhân. Đó là thứ hiện thực “sát sườn “ nhất, lợi hại nhất, ảnh hưởng quyết định đến sự thành bại của việc thỏa mãn nhu cầu. Có một điển hình như thế khi chọn nghề lái máy bay: Nhiều báo chí ngoại quốc ngày 2-4-2007 đã đồng loạt đưa tin người nữ phi công VN duy nhất dạy lái máy bay Boeing ở Canada. Đó là cô Marie Hiền Nguyễn, xinh xắn, trẻ trung, 24 tuổi. Theo cha mẹ sang định cư ở Canada khi cô mới lên 3. Đến nay, sau 22 năm, cô vẫn nói và viết trôi chảy tiếng Việt, còn thành thạo hai ngoại ngữ : Anh và Pháp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cha mẹ muốn cô lên đại học để trở thành kỹ sư, luật sư hay bác sĩ. Nhưng, cô muốn chọn học nghề lái máy bay. Cô thi vào ngành hàng không, tại đó, qua trắc nghiệm IQ và EQ, cô càng khẳng định tính cách và năng lực của mình phù hợp với nghề lái máy bay. Sau 4 năm học hành và tập lái không mệt mỏi, cô tốt nghiệp với tấm bằng phi công hạng ưu năm 2005. Hai năm sau (2007), không những lái máy bay thành thạo qua nhiều cung đường xa xôi và đầy thử thách, cô còn là người dạy lái máy bay vận tải hạng nặng Boeing.

    Cái gì làm nên một phi công và là thầy dạy lái máy bay (lại là nữ, lại là Boeing) ? Trả lời phỏng vấn của báo chí, cô nói : “Trước hết phải cám ơn lò đào tạo- nhà trường và thầy giáo. Về phía tôi, tôi biết làm chủ tốc độ, làm chủ những kiến thức để điều hành “con chim sắt”, nhất là biết cách làm chủ chính mình”. Còn người đào tạo nữ phi công tài năng Marie Hiền Nguyễn thì khẳng định : “Cô ta vẫn đầy nữ tính, vẫn tràn trề sinh lực, cẩn thận chu đáo, chu toàn công việc, lại rất say mê sáng tạo trong nghiệp vụ của mình”.

o O o

   Những nội dung trên đây (nhằm tư vấn giúp HS tự định hướng khi chọn nghề) được hệ thống hóa dưới dạng vừa khái quát vừa cụ thể, vừa dễ hiểu lại dễ liên hệ với thực tế khi vận dụng.

   Với bạn trẻ, nhất là với HS đã học xong phổ thông, muốn hướng tới một nghề chính xác để lập nghiệp và lập thân, cần tự đặt ra yêu cầu đầu tiên cho việc chọn nghề là không chọn nhầm nghề, không học nhầm trường (nơi dạy nghề). Chọn trường để học nghề (dù nghề ở trường dạy nghề, hay nghề ở trường đại học) là một sự lựa chọn hết sức quan trọng trong đời. Chọn lầm nghề “thấp” còn dễ sửa sai ; nếu chọn lầm nghề “cao” (ở bậc đại học) càng dễ bị “ngã đau”, càng khó sửa và càng tốn kém về mọi mặt.

   Sự thất bại của những người đi trước do chọn lầm nghề, học lầm trường đã cho họ (và cả cho ta) nhiều bài học thấm thía. Sau khi bị bầm dập và sửa sai vì đã chọn lầm nghề, họ có chung một thông điệp: “Chọn nghề là chọn tương lai, là gieo vận mệnh. Hãy cân nhắc kỹ trước khi chọn nghề”.

Quang Dương

Nhà tư vấn Hướng nghiệp




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024