Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
14/03/2011 16:03 # 1
liliryny
Cấp độ: 5 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 2/50 (4%)
Kĩ năng: 15/50 (30%)
Ngày gia nhập: 18/08/2010
Bài gởi: 102
Được cảm ơn: 115
Ký sự: Chuyến tiền trạm tại xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (cont') ngày 12/03


Để chuẩn bị cho chương trình tình nguyện “KẾT NỐI YÊU THƯƠNG & SẺ CHIA ƯỚC MƠ” sẽ được tổ chức vào ngày 26 và 27 tháng 3, các thành viên trong CLB SVTN ĐH DT  đã có một chuyến tiền trạm ở xã miền núi, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào ngày 26 tháng 2. Các bạn có thể xem kí sự về chuyến đi này tại http://forum.duytan.edu.vn/sites/index.aspx?p=forum_thread&forum=552&thread=20668#p0

Ngày hôm ấy chúng tôi đã không đủ thời gian để đi hết toàn bộ các thôn nghèo nhất của xã bao gồm: Đồng Chàm, Thác Cạn, Đầu Gò, Ba Tớt mà chỉ đến được thôn Đồng Chàm vì nơi đây có thể đi bằng xe máy. Còn nhớ hôm đó tôi đã thực sự bàng hoàng trước cảnh nghèo khổ, cơ cực của người dân nơi đây. Thật sự tôi khi đó không hề có đủ sự dũng cảm để đối mặt với những hoàn cảnh thương tâm mà không phải bật khóc.

Ngày hôm nay, chúng tôi lần nữa quay trở lại với Đại Sơn, ghé thăm các thôn nghèo còn lại. Đã được chuẩn bị tinh thần từ chuyến đi trước nhưng chuyến đi lần này vẫn không hề làm tôi cũng như các thành viên trong “đội tiền trạm” hết bàng hoàng trước cảnh tượng của những người dân ở các thôn mà theo lời anh bí thư xã Đại Sơn thì còn nghèo hơn cả thôn Đồng Chàm bên kia.


Điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé đến là thôn Thác Cạn, thôn xa nhất của khu vực 2 bên kia sông. Ngồi trên phà gần 1 tiếng đồng hồ mới tới bến, trên đường lại gặp chỗ nước cạn phà không đi được, các thành viên nam phải xuống giúp sức “đẩy phà”. Bạn có thể tưởng tượng nơi đó xa với phố thế nào, dường như là cách biệt với cả một thế giới văn minh chỉ bằng một con sông nhỏ.

 

Thôn Thác Cạn có tổng cộng 86 hộ dân trong đó theo như lời anh bí thư nói vui thì tỉ lệ hộ nghèo là 99%. Thôn Thác Cạn có được một trường tiểu học dành cho các em nhỏ của thôn. Số lượng học sinh tiểu học tổng cộng 16 em. Trường học chỉ có 2 giáo viên và 2 phòng học, một phòng dành cho các em lớp 1, 2, 3; phòng còn lại là dành cho lớp 4 và 5. Các em này coi như may mắn hơn các em ở các thôn khác vì có được một ngôi trường tiểu học. Các em khác học mẫu giáo hay cấp 2, cấp 3 đều phải qua bên kia sông để học, ở lại đến cuối tuần hoặc 2-3 tuần mới về nhà một lần. Không chỉ thôn Thác Cạn mà các em ở các thôn Đồng Chàm, Đầu Gò, Ba Tớt cũng vậy. Các em đã phải tự lập, sống một cuộc sống xa gia đình ngay từ khi còn rất nhỏ.

 

Thôn Đầu Gò có tổng cộng 63 hộ dân, thôn Ba Tớt có 49 hộ dân. Cả 3 thôn trên có thể nói là 100% hộ nghèo. Bạn có thể tưởng tượng rằng bất cứ ngôi nhà nào bạn đặt chân vào ở các thôn bên này cũng mang một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Có thể nói rằng số lần đi chợ của những người dân bên kia bờ văn minh này đếm không hết bằng 5 ngón tay. Theo lời chị Trần Thị Anh thuộc thôn Thác Cạn thì chỉ ngày giỗ hoặc tết thì mới cố gắng đi chợ, vì đi chợ thì phải qua phà, họ phải ở lại thêm một đêm tới sáng hôm sau mới có thể về vì buổi chiều không có phà qua sông. Hằng ngày, thức ăn chính của họ chỉ là rau tự cung tự cấp. Những người dân bên kia cũng có mang thức ăn sang bên này sông bán tại bến đò, tuy nhiên giá thực phẩm lại tăng lên gần gấp đôi. Người dân có thể mua thức ăn cần thiết nhưng nhiều người lại không có tiền để có thể trả ngay lúc đó mà phải chờ đến mùa thu hoạch đậu hoặc bắp bán có tiền, sau đó mới trả nợ tiền mua đồ ăn trong năm.


Trung bình các gia đình bên các thôn này có khoảng 2 sào đậu với nhà 2 người và 5 sào đối với nhà có 6 người. Mỗi năm số tiền họ thu hoạch được khoảng 2 triệu đồng cho 1 sào đậu. Tuy nhiên, đó chỉ là khi được mùa, nhờ trời có mưa, có nước. Nhưng nếu muốn trời mưa để được mùa thì người dân ở đây lại sống thật sự khổ cực trong những “ngôi nhà” chỉ có cái mái bằng tôn. Hãy làm một phép tính đơn giản, một năm của những người dân này thu nhập khoảng 1 triệu 1 người, tức là chưa tới 100 ngàn 1 tháng. Hãy xem lại số tiền tiêu hằng tháng của bạn, gấp bao nhiêu lần số tiền này. Theo như lời một người bạn trong đoàn chúng tôi, lần đầu tiên đến những nơi như thế này thì thật sự chữ “NGHÈO” có lẽ phải viết lại. Theo như chỉ tiêu hộ nghèo của nước ta, thu nhập trên đầu người dưới 360.000/tháng là được cấp sổ hộ nghèo, thu nhập của những người dân bên này sông không biết có còn gọi là nghèo nữa hay không, họ thật sự rất rất rất rất…………..nghèo………..


Chúng tôi có cơ hội ghé vào một vài gia đình đặc biệt khó khăn theo hướng dẫn của anh bí thư xã. Gia đình bé Xuân Phúc (6 tuổi) ở thôn Thác Cạn có mẹ ở nhà làm 1 sào rẫy mà cách nhà hơn 1km đường núi dốc còn ba đi làm thuê ở Gia Lai. Số tiền họ thu được không đủ để chi tiêu, trong khi đó bé Phúc lại mắc bệnh tim bẩm sinh thường xuyên đau ốm nhưng không có tiền để chữa trị.

Bé Cao Hữu Huy thì chân bị tật bẩm sinh, không thể đi bằng cả bàn chân mà chỉ đi bằng các ngón chân. Em thường xuyên đau ốm nghỉ học thường xuyên nên chỉ mới học lớp 2 mà theo tuổi em đã là một học sinh lớp 4. Ba và mẹ cũng chỉ làm 2 sào đậu.


Bé Trương Thị Hồng Hạnh sống cùng mẹ ở thôn Đầu Gò đang học lớp 5, là một học sinh xuất sắc. Em mồ côi cha, nhưng có lẽ sẽ lại là một đứa trẻ mồ côi mẹ trong một ngày không xa. Mẹ của em mắc bệnh xơ gan rất nặng đang nằm viện tại bệnh viện Bắc Quảng Nam. Hạnh còn có một người anh trai đang đi bộ đội. Những ngày này, Hạnh sống dựa vào sự cưu mang của những người hàng xóm, láng giềng. Em và mẹ đang rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ…


Gia đình bác Ngô Hưng tại thôn Ba Tớt với 6 người con tất cả. Đứa con út là Ngô Bình hiện là học sinh lớp 4 mắc bệnh phù thận. Gia đình vốn khó khăn lại càng càng khó khăn hơn.


Còn nhiều nhiều những hoàn cảnh khó khăn khác tại các thôn bên kia sông. Còn nhiều những gia đình thậm chí không có rẫy mà phải đi làm thuê. Tuy nhiên, nơi đây, các hộ dân đều rất nghèo. Họ làm công cho nhau hầu như không phải trả bằng tiền mà là làm công trả công. Hôm nay anh đi làm thuê cho nhà chị A một ngày, đến mùa nhà anh cần giúp đỡ, chị A sẽ làm trả lại anh một ngày. Người dân nơi đây sống trong một không gian cô lập, gần đây được một tổ chức giúp đỡ một vài gia đình đã có được điện thắp sáng chạy bằng dầu. Thời gian có điện chỉ từ 7 đến 8 giờ rưỡi tối cho 1 bòng đèn tuýt 1 nhà nhưng tiền điện phải trả là từ 70 đến 90 ngàn đồng mỗi tháng. Một số tiền không hề nhỏ đối với người dân nơi đây. Thật khó có thể tưởng tượng được họ sống bằng gì. Thoát khỏi cái nghèo này, không biết còn phải cần bao nhiêu thời gian nữa khi đây là nơi họ định cư từ sau giải phóng tới nay, muốn bỏ thật không dễ dàng.


Nơi đây, dưới mỗi mái nhà lại là một hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ…

 



Trời cho ta vẻ ngoài sơ sài để che giấu bản chất thiên tài bên trong =)))))

TranVanVi đã cho bài viết: điểm vì Nội dung thông tin ý nghĩa
 
Các thành viên đã Thank liliryny vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024