1. Chuẩn bị nội dung:
Nội dung là điều quan trọng nhất cho một bài thuyết trình, bạn sẽ không có được một bài thuyết trình tốt nếu bạn không chuẩn bị trước nội dung. Chú ý rằng chuẩn bị nội dung không có nghĩa là bạn ghi nội dung ra giấy, học thuộc lòng hoặc đọc trước thính giả.
a. Ngắn gọn xúc tích
Trước hết bạn phải ghi nhớ rằng, nội dung trình bày phải thật xúc tích. Với một chủ đề được trình bày trong 30 phút đến 1 giờ, bạn chỉ cần chuẩn bị 1 đến 2 ý chính quan trọng nhất và bạn sẽ chỉ trình bày các ý chính này với 4 đến 5 ý chi tiết.
Hãy nhớ thuyết trình khác với viết luận, bạn không thể và không cần phải đi quá sâu, quá chi tiết vào các vấn đề, bạn chỉ trình bảy những ý chính, những vấn đề khái niệm tổng quan. Nếu cần thiết phải cho tính giả biết các vấn đề quá chi tiết, hãy gửi bài luận của bạn trên giấy hoặc emal cho thính giả của bạn để học có thể nghiên cứu.
b. Cấu trúc
Dưới đây là cấu trúc của một bài thuyết trình
(1) Giới thiệu về vấn đề mà bạn sẽ trình bày
(2) Giải thích tại sao vấn đề này lại quan trọng và cần thiết và các tiền đề dẫn đến vấn đề mà bạn sẽ trình bày.
(3) Trình bày cách giải quyết vấn đề, các tiếp cận vấn đề của bạn. Cách bạn nghĩ, cách bạn hiểu. Phần này trình bày các ý chi tiết trong 1 đến 2 ý chính mà bạn đã lựa chọn ban đầu.
(4) Thảo luận về các vấn đề còn tồn tại
2. Chuẩn bị slide
Hãy nhớ Slide chỉ là công cụ bổ trợ cho cho việc trình bày vấn đề của bạn. Thính giả theo dõi nguồn thông tin chính là từ bạn, không phải là từ slide.
a. Slide không phải là bài diễn văn
Thật tai hại nếu bạn đưa cả một bài diễn văn chiếu lên slide và đọc lại từng chữ trong đó. Việc làm này của bạn ẩn chứa một thông điệp rằng thính giả của bạn hoặc là điếc nên phải đọc bài diễn văn của bạn thay vì nghe bạn nói hoặc họ là người mù chữ nên bạn phải đọc thay cho họ.
b. Thông tin vừa phải, càng ít chữ càng tốt
Đừng làm chìm thính giả bằng lượng thông tin tràn ngập trên slide của bạn, nhiều thông tin quá không ích gì mà còn bắt buộc thính giả phải theo dõi các thông tin đó mà không chú ý đến điều mà bạn nói.
Giảm thiểu lượng chữ trên slide, càng ít càng tốt, đừng đặt khán giả vào tình huống phải lựa chọn lắng nghe bạn nói hay đọc slide của bạn? Không ai có thể làm được cả 2 việc một lúc và họ sẽ chọn phương án đọc và bỏ qua những gì bạn nói. Vì vậy đừng cho họ có cơ hội được đọc và tốt nhất là sử dụng hình ảnh, biểu đồ và công thức đi kèm với các chú giải cần thiết.
c. Không gây khó hiểu
Như đã nói slide là công cụ trợ giúp, vì vậy nó càng dễ hiểu càng giúp cho bạn dễ dàng truyền tài được vấn đề mà bạn muốn nói.
Chú giải các thông tin trong slide. Nếu sử dụng đồ thị hãy giải thích rõ ý nghĩa các trục, tỷ lệ thang chia, giải thích về ý nghĩa, kết luận rút ra từ đồ thị. Nếu sử dụng các ký pháp toán học, hãy giải thích ý nghĩa các biến số, hằng số và các ký pháp toán học. Nếu sử dụng hình vẽ, giải thích ý nghĩa các thành phần phần chứa trong hình vẽ.
Hạn chế sử dụng các ký pháp toán học, thính giả của bạn không có khả năng nhớ và nắm bắt được nhiều ký pháp toán học. Nếu bắt buộc phải sử dụng bạn nên đưa các chú giải về các ký pháp này.
d. Không trang trí
Hãy chú ý đến font chữ, màu sắc, nền. Chọn bố cục hài hòa nhẹ nhàng, đừng lố lăng và sử dụng quá nhiều màu sắc. tốt nhất sử dụng chữ đen trên hình nền nhạt và sáng hoặc chữ trắng trên hình nền đậm, tối. chỉ sử dụng các màu sắc đậm, nổi bật để gây sự chú ý hoặc nhấn mạnh vào một số chi tiết cần làm nổi bật trên slide. Tránh sử dụng các hiệu ứng âm thanh hoặc hình ảnh.
3. Trình bày
a. Giọng
Nói to và rõ. Bạn có thể e sợ rằng bạn hàng ngày bạn nói không ra hơi thì làm sao có thể nói to trong buổi diễn thuyết của bạn. Đừng lo lắng, ban sẽ chỉ phải hết sức nói to trong 30 phút đến một tiếng thôi, và bạn vẫn có thể thì thào trong phần đời còn lại của bạn. Để đạt điều này bạn phải luyện tập: hãy đứng trước gương, hít hơi thật sâu và nói ra với tốc độ chậm, to và rõ tiếng. Đừng nói nhanh nếu không phải là loại người ăn to nói lớn, bạn càng nói nhanh bạn càng chóng hết hơi và mất kiểm soát giọng để có thể lên giọng nói to được. Hãy luyện tập, nói chậm và to và rõ tiếng,
Chú ý trước khi trình bày, không được hút thuốc, uống nước đá hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến họng của bạn, có thể ngậm trước một viên kẹo hay uống một thìa mật ong.
b. Phong cách
Thành thật trong suốt buổi diễn thuyết. Thính giả không phải là những kẻ ngu và thiếu hiểu biết, nếu bạn dối trá, bạn đã tự đặt mình vào thế đối đầu với thính giả và hãy chuẩn bị đón nhận những đợt công kích của họ.
Đừng học thuộc hay đọc một bài diễn văn, điều này sẽ làm cho thính giả cảm thấy chán nản và buồn ngủ.
Lắng nghe phản hồi của khán giả thật cẩn thận và đừng ngại hỏi lại nếu bạn còn không rõ. Đôi khi hỏi lại cũng là một cách để trấn áp khán giả nếu họ muốn đối đầu với mình. Nếu không biết câu trả lời, thành thật nói tôi không biết hoặc tôi không chắc chắn, điều này tốt hơn là cốc lấp liếm.
Kết chúc bài thuyết trình, hãy gửi tới khán giả lời cám ơn để báo cho họ biết bài nói chuyện đã kết thúc và vỗ tay hoan nghênh bạn. Đây là một cách tốt để đánh thức những khán giả ngủ gật.
c. Tư thế
Hãy đứng chính giữa sân khấu thuyết trình, nơi mọi người có thể nhìn thấy bạn càng rõ càng tốt. Với vị trí này, bạn là trung tâm của sự chú ý, mọi người sẽ dễ dàng bị lôi cuốn khi bạn ở vị trí này ngay cả khi bạn không được “xinh: cho lắm. Đừng ẩn nấp sau những bục giảng như nấp sau những công sự, khi không thể nhìn thấy rõ bạn, thính giả sẽ ít chú ý đến bạn khi mà lẽ ra bạn phải là tủng tâm của mọi sự chú ý.
d. Mắt
Trong quá trình thuyết trình hãy nhìn thẳng vào các thính giả của mình, điều này không có nghĩa là bạn nhìn chằm chằm vào một ai đó. Khi bắt đầu bài thuyết trình hãy đảo mắt nhìn khắp các thính giả một lượt. Tiếp đó hãy nhìn thẳng vào mắt các thính giả, dừng lại một hai giây để thu hút sự chú ý, rồi lại đảo qua thính giả khác. Tất nhiên bạn không thể chiếu tướng từng người một trong buổi thuyết trình, chỉ cần tập trung chiếu tướng những thính giả quan trọng nhất của buổi thuyết trình: các thành viên hội đồng phản biện, những thính giả ngồi phía đầu, thính giả có ý định phản biện hoặc công kích bạn (chú ý nhé, điều này thể hiện bản lĩnh của bạn đối mặt và trấn áp kẻ thù), và người yêu của bạn (cũng cần phải trấn áp).
f. Tay
Có nhiều người có khả năng sử dụng cử chỉ đôi tay như một ngôn ngữ thứ hai để biểu đạt ý kiến của họ. có được khả năng đó thật tốt nhưng điều không may là phần lớn chúng ta không có khả năng đó và không dễ để học được khả năng đó. Múa tay vô nghĩa liên tục hoặc khoanh tay vòng trước ngực là những cử chỉ nên hạn chế. Tốt nhất bạn có thể để tay tự nhiên hoặc múa tay hạn chế nhưng không quá mạnh, hoặc bạn dùng tay để chỉ về phía slide khi cần minh họa chi tiết trên slide.
e. Làm việc với slide
Bút chỉ laser hay chỉ bằng tay: Nếu sử dụng tay để chỉ, bạn sẽ chắn một phần slides làm gián đoạn sự quan sát của khán giả nhưng bù lại có thể chỉ rõ các thành phần, các miền cần chú giải trên slide. Việc sử dụng bút laser sẽ không chắn slide như dùng tay nhưng bút laser chỉ có thể nhấn mạnh vào các điểm, không chỉ ra các miền trên slide. Việc sử dụng bút laser chỉ trỏ linh tinh và vẫy sóng loạn xạ trên slide sẽ gây phản cảm hơn là hiệu ứng mong đợi, vì vậy hãy ít sử dụng bút laser và chỉ dứt khoát vào một điểm xác định. Sẽ tốt hơn nếu sử dung powerpoint, bằng các hiệu ứng đồ họa bạn có thể chỉ ra các phần lý giải trên slide.