Không ít sinh viên hiện nay đang “ướp mình” trong rượu bia, chưa ra được trường nhưng đã được phong... “thần rượu”!
Nghe đọc bài
Voi uống... Philatop
Trong một lớp, một khoa, một trường không khó để tìm ra vài cái tên đáng chú ý về khả năng uống rượu. Philatop là loại thuốc bổ đựng trong các ống tiêm rất nhỏ nhưng mỗi khi nói đến tửu lượng của những “tên tuổi” này, người ta phán một câu: “Nó uống rượu như voi uống Philatop!”. Thâm nhập đời sống sinh viên (SV) sẽ không quá khó khăn để nghe những chuyện truyền tai như thằng L. uống một mình 2 thùng bia chưa say, thằng Q. mới thành lập câu lạc bộ 3 lít (mỗi thành viên phải uống được 3 lít rượu trở lên)... SV bây giờ nhậu mọi lúc mọi nơi, nào là hàng quán, phòng trọ, thậm chí còn lén uống ngay trên giảng đường. Lúc nghèo thì uống rượu gạo với dăm gói mì tôm, lúc dư dả thì liên hoan ngay tại nhà hàng với bia “thứ dữ”... Đủ các kiểu.
Với những SV ham nhậu hơn ham học thì đầu óc mù mịt trong việc học nhưng lại khá tinh thông khi nghĩ ra 1.001 lý do nhậu. Nào là mới đầu năm “chơi cú cho đến ra giêng”, nào là bạn bè lâu ngày gặp nhau, nào là sinh nhật, tổng kết... Tất cả các ngày kỷ niệm đều được xếp vào dạng “nhậu có lý do”, còn lại toàn là những lý do vu vơ như là “hôm nay lớp học vắng quá, buồn”, “hôm nay lớp học đầy đủ, vui”, thậm chí đi học trễ bị thầy... mời ra khỏi lớp... Đôi khi chẳng cần lý do, chỉ cái nháy mắt là cả đám chẳng ai bảo ai kéo nhau đi nhậu.
|
"Tôi thấy trong chuyện này có lỗi từ phía người thầy. Thầy không nghiêm nên trò được nước làm tới. Phải nhắc lại câu "thầy ra thầy, trò ra trò" thì trường mới ra trường, lớp mới ra lớp!".
Một giảng viên đại học tâm sự

|
|
|
Dường như ở trong tất cả các lớp học đều có những biệt danh nghe rất kêu và gợi nhiều ý tứ làm ta liên tưởng đến chuyện nhậu nhẹt đại loại như: Q. Cây rượu nhân dân, N. Vốt-ka, V. quốc lủi... Những “quái nhân” này thường được “kiêng nể” bởi được đại diện cho cả lớp “mang ly đi đánh xứ người”, “đánh đông dẹp bắc” trong các cuộc “tố” nhậu. Vây cánh của những “thần rượu” sẽ là lớp đàn em mới tập uống, hay những môn đồ tửu lượng không cao. Hễ đi nhậu là kéo nhau thành một đoàn rồng rắn. Nhưng L., một “đại ca uống rượu” quê Quảng Trị (SV Huế), đã từng hối tiếc nói rằng: “Ước gì tao không biết nhậu để bây giờ khỏi là linh hồn nhậu của cả lớp. Nhiều lúc mệt gần chết, người không ra người ma không ra ma nhưng cũng phải nâng chén vì sĩ diện của bản thân và “danh dự” của đám anh em, của cả lớp...”.
Thường nghe câu “nam vô tửu như cờ vô phong”, ngày nay SV nhại lại rằng “nữ vô tửu thì cũng chẳng xong”. SV nữ bây giờ có nhiều người uống bia rượu chẳng khác gì nam, thậm chí còn hơn cả nam, gây bao nỗi hoang mang cho các chàng non gan trong mỗi cuộc nhậu. Chuyện SV nữ tự tổ chức nhậu tại gia hay chủ động rủ con trai đi nhậu nay đã là chuyện... thường ngày ở lớp. Chưa hết nếu ra đường Lê Hồng Phong (TP Huế) vào lúc hơn 12 giờ đêm mới thấy nhiều bóng hồng của giảng đường vẫn còn nghê nga mới thực sự... nể. Th. chàng SV khoa Văn thư sinh, sáng đến lớp mặt vẫn còn thất sắc khi kể lại rằng: “Đêm ấy tớ gặp nàng V., thấy nàng mỏng manh là thế, đoan trang là thế nên tớ cũng xấn tới mời nàng một ly làm quen. Ai dè qua mấy chục vòng rượu, lúc nàng vẫn đang nâng cốc liên hồi thì tớ đã “a-xê-nôn” tưng bừng trong nhà vệ sinh...”.
Luyện công để... đãi thầy!
Không chỉ sinh viên tại chức hay từ xa thường có “phong tục” đãi thầy mà sinh viên chính khóa trước khi học thỉnh giảng, lớp lại rủ nhau đi... luyện công, tức là uống rượu cho lên đô đặng để chiêu đãi thầy cho... hoành tráng!
Ngày trước, đi đám giỗ cũng phải có mâm trên mâm dưới, lớn ra lớn, nhỏ ra nhỏ. Ngày nay, thầy trò bù khú nhậu nhẹt với nhau không còn là chuyện lạ.
Mỗi chiều lại gọi điện: “Làm tí thầy hè”, thế là làm!
Chuyện rằng có một giảng viên vào miền Trung thỉnh giảng, giữa chừng nói với lớp: “Trời này xuống biển thì tuyệt vời!”. Được lời như cởi tấm lòng, sinh viên nhao nhao lên, thế là ra biển. Giảng viên rất khiêm tốn: “Mồi tôm ghẹ gì đó cũng được, đơn giản thôi!”. Rất đơn giản, cua ghẹ được mang ra, bia được rót đầy và “một, hai ba...dzô!”. Thầy trò lúc đó rất chi là... thân mật. Lớp nào không đủ... ngân quỹ thì nộp tiền rồi cử lớp trưởng hoặc ban cán sự lớp cùng vài “tiên tửu” đi tiếp thầy. Giữa chừng lại gọi điện về lớp mang tiền tiếp ứng vì... bội chi.
Vì thế nên nhiều người né hai chức danh, lớp trưởng và thủ quỹ!
Ai đã từng là sinh viên hẳn chẳng xa lạ gì với các cuộc chén anh chén chú đến lúc “trăng tàn nguyệt tận”. Chuyện nhậu của SV quả thực muôn màu. Nhưng dẫu thế những câu chuyện vui vui nói trên cũng không thể che giấu được những hệ lụy của bia rượu trong đời sống sinh viên là gây gổ đánh nhau, là đua xe, là nợ tiền học phí, tiền nhà, là cầm cố tài sản... Và những mối lo không biết đặt tên của các bậc phụ huynh tảo tần hôm sớm vì con.
Trường Minh